4
18
/
805012
Trợ giúp pháp lý cho người dân xã đảo
longform
Trợ giúp pháp lý cho người dân xã đảo


 

TGPL cover
 


Đối với khu vực xã đảo, việc tiếp cận kiến thức pháp luật của người dân còn nhiều khó khăn. Chính vì thế, những chuyến trợ giúp pháp lý (TGPL) lưu động đã giúp người dân nâng cao hiểu biết về pháp luật và giải đáp những thắc mắc pháp lý còn băn khoăn.

 

 

Một buổi trợ giúp ở Ngọc Vừng

Những ngày giữa tháng 7, chiếc tàu gỗ đưa đoàn công tác của Trung tâm TGPL Nhà nước tỉnh rời bến tàu Vũng Đục (TP Cẩm Phả) để đến xã Ngọc Vừng (huyện Vân Đồn). Là một trong những thành viên “thường trực” mỗi chuyến công tác xã đảo và miền núi, chị Vũ Thị Uyên, Phó Giám đốc Trung tâm, đã quen với từng xã đảo, cung đường nơi này. Chị kể: “Trình độ nhận thức và điều kiện tiếp cận pháp luật của người dân ở khu vực xã đảo còn hạn chế. Vì vậy, có đoàn công tác đến tận nơi, giới thiệu và giải đáp các vấn đề, vướng mắc về pháp luật, hỗ trợ tư vấn pháp lý, người dân đều chào đón nhiệt tình”.

Mặc cái nóng hầm hập đang đợt cao điểm, cộng thêm sự cố mất điện từ sáng, nhưng hơn 50 người dân đã tập trung, sẵn sàng cho chương trình TGPL.
Mặc cái nóng hầm hập đang đợt cao điểm, cộng thêm sự cố mất điện từ sáng, nhưng hơn 50 người dân đã tập trung, sẵn sàng cho chương trình TGPL.

Quả đúng như lời chị Uyên nói, khi chúng tôi vừa đến trụ sở UBND xã Ngọc Vừng, đã có hơn 50 người dân tập trung, sẵn sàng chờ đón chương trình TGPL. Thậm chí có những người đã 80 tuổi, như cụ bà Nguyễn Thị Nữ, thôn Bình Hải, xã Ngọc Vừng, vẫn đến để nghe tư vấn pháp luật.

Bỏ lại mệt mỏi sau 2 tiếng lênh đênh trên biển, đoàn công tác nhanh chóng chuẩn bị tài liệu cần thiết để thực hiện chương trình TGPL cho người dân.

Anh Phạm Thành Dũng, chuyên viên TGPL Nhà nước giới thiệu một số điểm mới trong Luật TGPL cho người dân cũng như tầm quan trọng của TGPL. Anh còn đưa ra nhiều ví dụ, tình huống tiêu biểu và cụ thể để người dân dễ hình dung, cũng như tạo không khí thoải mái, trao đổi trực tiếp các vướng mắc với người dân. 

Những câu chuyện khúc mắc đời thường liên quan đến pháp luật đều được các thành viên tư vấn nhiệt tình. Có những người lần đầu tiên được tư vấn pháp luật đã biết thêm quyền được TGPL miễn phí.

Chị Nguyễn Thị Ngoãn, thôn Ngọc Nam, xã Ngọc Vừng, chia sẻ: “Trước đây cứ nghĩ có vấn đề gì thắc mắc thì lên hỏi chính quyền. Mà nhắc đến kiện tụng, chúng tôi chỉ nghĩ đến luật sư; trong khi, khó khăn như chúng tôi thì lấy đâu ra tiền thuê. Giá một năm có vài lần đoàn công tác TGPL ra với bà con thì chúng tôi mừng lắm”.

Sự cởi mở cũng như cách trò chuyện gần gũi, dí dỏm, đan cài nhiều vấn đề về pháp luật khiến buổi trợ giúp càng trở nên rôm rả. Ngoài ra, đoàn còn cung cấp đường dây nóng, email để người dân thuận tiện liên lạc khi có nhu cầu được TGPL. 

Những thông tin TGPL được người dân chăm chú lắng nghe.
Những thông tin TGPL được người dân chăm chú lắng nghe.

 

Tiếp tục nâng cao chất lượng TGPL

Không chỉ ở Ngọc Vừng, Trung tâm TGPL Nhà nước tỉnh còn đến với xã Quan Lạn, Minh Châu, TGPL cho hơn 150 người dân. Bên cạnh những vấn đề về chế độ tiền lương, chính sách BHXH, BHYT..., thì các văn bản luật, quy định liên quan đến đất đai, GPMB cũng được người dân đặc biệt quan tâm.

 

Ở mỗi địa phương, Đoàn lại gặp những câu hỏi khác nhau, những vấn đề và tâm tư khác nhau. Tuy nhiên, đều có một điểm chung chính là nhu cầu, nhận thức của người dân về pháp luật đã tăng lên. Nếu không có những buổi TGPL lưu động, có lẽ người dân sẽ còn rất mông lung và khó khăn để giải đáp các vấn đề pháp luật còn thắc mắc. Có lẽ vì thế, trong phiếu khảo sát về nhu cầu và hình thức TGPL, mục trợ giúp lưu động được người dân ủng hộ nhiều nhất nhờ tính thực tế và hiệu quả của nó. 

Để nâng cao chất lượng TGPL, ngoài TGPL trực tiếp cho bà con, trong 6 tháng đầu năm 2018, Trung tâm TGPL Nhà nước tỉnh đã tổ chức hội nghị TGPL và khảo sát nhu cầu trợ TGPL cho hơn 800 người tham dự tại 12 xã, phường trên địa bàn các địa phương: Đầm Hà, Ba Chẽ, Đông Triều, Cẩm Phả; phát miễn phí hơn 10.000 tờ gấp pháp luật và sổ tay TGPL cho các địa phương. Tại trụ sở cơ quan và hội nghị trợ giúp ở cơ sở, Trung tâm bố trí bộ phận tiếp dân riêng với cán bộ tiếp dân phù hợp từng vụ việc, thuận lợi cho việc tiếp nhận và thụ lý đối với những vụ việc mà người yêu cầu TGPL cần giữ bí mật, nhất là trường hợp người được TGPL là phụ nữ - nạn nhân của bạo lực gia đình, nạn mua bán người...

Người dân được hướng dẫn cách làm phiếu khảo sát nguyện vọng TGPL và tư vấn thông tin pháp luật.
Người dân được hướng dẫn cách làm phiếu khảo sát nguyện vọng TGPL và tư vấn thông tin pháp luật.

 

Hiện Trung tâm đang mở rộng đối tượng cộng tác viên là luật sư có năng lực, nhiệt tình với công tác TGPL; phát huy hiệu quả hoạt động của cộng tác viên. Đồng thời, kết hợp thực hiện các kế hoạch TGPL cho trẻ em, người dân tộc thiểu số, người khuyết tật, người nhiễm HIV với chính sách TGPL trong các chương trình giảm nghèo. Bên cạnh đó, việc truyền thông về TGPL cũng được thực hiện bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú để người dân dễ tiếp cận.

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện TGPL vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Trong đó, việc đi lại bị hạn chế do đoàn chưa có phương tiện để phục vụ cho các đợt trợ giúp tại cơ sở. Kinh phí tổ chức còn hạn hẹp. Để khắc phục những khó khăn này cần sự hỗ trợ rất lớn của Cục TGPL (Bộ Tư pháp) và UBND tỉnh để giúp người dân các xã vùng sâu, vùng xa, xã đảo được TGPL một cách tốt nhất. 

Bài, ảnh: Hoàng Quỳnh

Trình bày: Bùi Đạt

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu