Hơn 10 năm kinh doanh trong lĩnh vực du lịch, dịch vụ, thì 2 năm (2020, 2021) là 2 năm khó khăn đến cùng cực đối với anh Đoàn Văn Bình, Giám đốc Công ty TNHH Anh Tùng Dương. “Do dịch bệnh Covid-19 ngành du lịch, dịch vụ tê liệt hoàn toàn, tàu thì nằm bờ, nhà hàng không thể mở cửa kinh doanh trong khi đó mỗi tháng tôi phải trả chi phí hàng chục triệu đồng để trông coi, duy tu bảo dưỡng, chưa kể khoản lãi ngân hàng phải trả 90 triệu đồng/tháng. Từ đầu năm 2021 để có tiền cầm cự chờ đại dịch qua chúng tôi đã phải bán nhiều tài sản, thậm chí nghĩ đến chuyện bán cả tàu nhưng cũng không dễ dàng vì du lịch bị ảnh hưởng dù giao bán rẻ cũng không ai mua.” – Anh Đoàn Văn Bình cho biết.
Cơn bão dịch bệnh Covid-19 càn quét từ đầu năm 2020 đến nay đã đẩy hầu hết các doanh nghiệp hoạt động sản xuất, kinh doanh trên lĩnh vực du lịch, dịch vụ và các doanh nghiệp phụ trợ cho ngành này vào cơn bĩ cực. Theo báo cáo đánh giá của cơ quan chuyên môn, năm 2021 doanh thu du lịch đạt trên 2.500 tỷ đồng, giảm 43% so với cùng kỳ. Hơn 500 tàu du lịch của tỉnh đã gần 365 ngày qua nằm bờ, trong khi các doanh nghiệp vẫn phải giữ và chi trả lương cho đội ngũ lao động khoảng 4.000 người để bảo vệ, duy tu, bảo dưỡng phương tiện và các trang thiết bị. Nhiều chủ doanh nghiệp, chủ tàu du lịch trên Vịnh Hạ Long đang kiệt quệ từng ngày và có nguy cơ đứng bên bờ vực phá sản...
“Như phản ứng dây chuyền, không chỉ các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch, dịch vụ gặp khó khăn mà các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh ở lĩnh vực công nghiệp cũng bị tác động ảnh hưởng rất nghiêm trọng của dịch bệnh Covid-19. Cụ thể 2 ngành có cơ cấu kinh tế chiếm tỷ trọng lớn thứ nhất và thứ 2 của tỉnh là ngành khai khoáng (chiếm 17,8%) và điện (chiếm 15,9%) cũng phải chịu những tác động rất lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh, ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc bố trí, sử dụng lao động và tổ chức sản xuất. Nhất là các đơn vị khu vực miền tây vùng than Quảng Ninh như Vàng Danh, Uông Bí, Mạo Khê, Nam Mẫu, Kho vận Đá Bạc, Nhiệt điện Đông Triều và một số đơn vị khu vực Cẩm Phả. Tính hết quý II/2021, ngành khai khoáng tăng trưởng âm, giảm 1,54% cùng kỳ, bằng 96,4% kịch bản, giảm mất 0,33 điểm % đóng góp vào tốc độ tăng GRDP; ngành điện cũng tăng trưởng thấp so với kịch bản, giảm 2,3% so với kịch bản. Thu từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt khoảng 4.900 tỷ đồng, bằng 73% cùng kỳ, hụt thu 1.553 tỷ đồng.
Ở lĩnh vực thu xuất nhập khẩu gặp nhiều khó khăn do lượng than tồn kho nhiều, trong khi nhu cầu sử dụng than sản xuất điện giảm, dẫn đến lượng than nhập khẩu năm 2021 giảm mạnh so với năm 2020. Số thu từ xăng, dầu nhập khẩu sẽ tiếp tục giảm mạnh, do Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam phải tập trung tiêu thụ sản phẩm xăng dầu của Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn và Dung Quất…cũng tác động, ảnh hướng lớn đến việc thực hiện chỉ tiêu thu NSNN trên địa bàn.” – Giám đốc Sở Công Thương Nguyễn Thị Hiền cho biết.
Theo đánh giá của các chuyên gia dịch bệnh Covid-19 diễn ra trong 2 năm qua không chỉ tạo sức ép về cạnh tranh, thanh lọc đối với các doanh nghiệp ngày càng gia tăng, mà doanh nghiệp còn phải chịu thêm cú sốc về kinh tế suy giảm nên số doanh nghiệp bị thua lỗ ngày càng tăng, tâm lý dừng hoạt động, thu hẹp sản xuất, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ đang xảy ra rất mạnh, nguy cơ đứt gãy chuỗi sản xuất đang rất hiện hữu.
Đặc biệt từ khi chuyển trạng thái chống dịch của toàn xã hội từ “zero F0” sang “sống chung thích ứng an toàn, linh hoạt” những khó khăn mới xuất hiện sẽ tiếp tục tác động và ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, du lịch và thu ngân sách trên địa bàn. Nhất là đối với các ngành sản xuất chủ đạo của tỉnh như ngành Than – ngành sản xuất có đóng góp rất quan trọng trong điểm số tăng trưởng của tỉnh Quảng Ninh, cũng như đời sống xã hội thì thị trường tiêu thụ than giảm sút, giá nguyên, nhiên vật liệu đầu vào tăng cao, tác động đến hiệu quả sản xuất kinh doanh của các đơn vị sản xuất. Rồi ở lĩnh vực thu xuất nhập khẩu do lượng than tồn kho nhiều, trong khi nhu cầu sử dụng than sản xuất điện giảm, dẫn đến lượng than nhập khẩu năm 2021 giảm mạnh so với năm 2020. Số thu từ xăng, dầu nhập khẩu tiếp tục giảm mạnh, do Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam phải tập trung tiêu thụ sản phẩm xăng dầu của Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn và Dung Quất…điều này ảnh hưởng lớn đến việc thực hiện chỉ tiêu thu NSNN trên địa bàn.