Cuối thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX, miền Đông Quảng Ninh (thuộc tỉnh Hải Ninh cũ) còn rất nghèo nàn, hạ tầng giao thông yếu kém, đời sống người dân còn nhiều khó khăn. Trải qua chiến tranh, các huyện miền Đông cũng phải hứng chịu nhiều thiệt hại về cơ sở hạ tầng, sản xuất nông nghiệp suy giảm nghiêm trọng. Từ sau kháng chiến chống Pháp đến nay, tỉnh Quảng Ninh tập trung khôi phục, phát triển sản xuất, đẩy mạnh xây dựng hạ tầng, đưa khu vực miền Đông của tỉnh phát triển ngày càng sầm uất…

Trước khi sáp nhập với khu Hồng Quảng thành tỉnh Quảng Ninh (năm 1963), tỉnh Hải Ninh gồm TX Móng Cái (nay là TP Móng Cái) và các huyện Ba Chẽ, Bình Liêu, Đầm Hà, Hải Hà, Tiên Yên, Đình Lập (nay thuộc tỉnh Lạng Sơn). ​Bà Đinh Thị Từ (90 tuổi, trú khu 2, phường Hồng Hà, TP Hạ Long) sinh ra, lớn lên, làm việc ở huyện Đầm Hà, sau này theo con trai về TP Hạ Long sinh sống, cho biết: "Những năm 90 của thế kỷ trước, các thị trấn khu vực miền Đông chỉ đi vài phút là hết, nhưng giờ ngày càng mở rộng, trải dài đường ngang, lối dọc. Những dãy phố cổ với ngôi nhà mái ngói âm dương được thay thế bằng những ngôi nhà cao tầng khang trang. Hạ tầng giao thông, điện, đường, trường, trạm… đều hiện đại, phục vụ rất tốt cho người dân và sự phát triển chung".

Thủ tướng Phạm Văn Đồng thăm, chúc Tết quân và dân huyện Tiên Yên, tháng 1/1976. Ảnh tư liệu

Thủ tướng Phạm Văn Đồng thăm, chúc Tết quân và dân huyện Tiên Yên, tháng 1/1976. Ảnh tư liệu

Chiến tranh chống thực dân Pháp kết thúc, các huyện miền Đông đối mặt với rất nhiều thách thức. Cơ sở hạ tầng bị tàn phá, nền kinh tế bị đình trệ, xã hội rối ren, người dân thiếu thốn về vật chất. Nhiều làng mạc bị hư hại, các tuyến đường giao thông bị phá vỡ. Các công trình thiết yếu như trường học, bệnh viện, công trình công cộng khác đều bị thiệt hại nghiêm trọng. Hạ tầng giao thông khi đó chủ yếu là đường mòn, lối đi nhỏ hẹp, khiến việc di chuyển và giao thương gặp rất nhiều khó khăn.

Từ sau năm 1986, tỉnh có những quyết sách lớn nhằm đầu tư và nâng cấp hệ thống giao thông. Tuyến QL18A được đầu tư, nâng cấp, mở rộng. Những con đường gập ghềnh, những cây cầu ngầm và phà rời rạc từng là hình ảnh quen thuộc của miền Đông, giờ từng bước được thay thế bằng hệ thống giao thông đồng bộ, thông suốt hiện đại.

Phố cổ Tiên Yên (huyện Tiên Yên) năm 2016. Ảnh của cố nhà báo Hào Minh

Phố cổ Tiên Yên (huyện Tiên Yên) năm 2016. Ảnh của cố nhà báo Hào Minh

Đặc biệt, năm 2022 tuyến cao tốc Hạ Long - Móng Cái hoàn thành, đưa vào khai thác đã kéo gần các huyện miền Đông với các khu vực khác trong tỉnh và các tỉnh lân cận. Các tuyến đường liên thôn, liên xã đã được bê tông, nhựa hoá…, không chỉ cải thiện điều kiện giao thông, mà còn mở ra cơ hội phát triển kinh tế cho khu vực này.

Các công trình cấp nước sạch, trường học, trạm y tế tại các xã được đầu tư đồng bộ, giúp nâng cao chất lượng đời sống người dân nơi đây. Những con phố cổ với ngôi nhà mái ngói âm dương dần được thay thế bằng những ngôi nhà cao tầng hiện đại.

Người dân miền Đông trước kia chủ yếu phát triển kinh tế nông nghiệp, nhưng trình độ canh tác còn nhiều hạn chế. Sau khi hòa bình được lập lại, Đảng bộ tỉnh Hải Ninh tập trung lãnh đạo nhân dân khôi phục kinh tế và thực hiện cải tạo xã hội chủ nghĩa. Đến năm 1960 Hải Ninh đã tự túc được lương thực, nạn đói dần được đẩy lùi, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng lên đáng kể so với trước.

Sản xuất tại Công ty TNHH dệt Hằng Luân (KCN Texhong Hải Hà). Ảnh: Nguyên Ngọc 

Sản xuất tại Công ty TNHH dệt Hằng Luân (KCN Texhong Hải Hà). Ảnh: Nguyên Ngọc 

Các lĩnh vực kinh tế phát triển ngày càng đa dạng hơn. Các địa phương từng bước khai thác lợi thế vị trí địa lý gần biên giới, gần các cửa khẩu quốc tế để giao lưu, phát triển thương mại. Những năm gần đây, tại TP Móng Cái với các cửa khẩu quốc tế sôi động; hệ thống cảng biển được đầu tư bài bản đã góp phần thay đổi diện mạo kinh tế - xã hội. Năm 2023, Dự án cải tạo, nâng cấp tỉnh lộ 341 (QL18C) từ KKT Cửa khẩu Móng Cái đến KKT Cửa khẩu Bắc Phong Sinh (huyện Hải Hà) đưa vào sử dụng, tạo nên hệ thống giao thông thuận lợi, kết nối liên vùng, nội vùng, giao lưu hàng hóa, thu hút đầu tư, nâng cao chất lượng đời sống vùng đồng bào các dân tộc, vùng núi...

Năm 2024, kim ngạch hàng hóa XNK qua Cửa khẩu Bắc Phong Sinh đạt gần 53,1 triệu USD; 3 tháng đầu năm 2025 đạt gần 10,7 triệu USD.

Năm 2024, kim ngạch hàng hoá XNK qua địa bàn TP Móng Cái đạt 15,3 tỷ USD; 3 tháng đầu năm 2025 đạt hơn 1,3 tỷ USD, tăng 45% so với cùng kỳ năm 2024.

Tại các huyện, thành phố miền Đông của tỉnh đã hình thành các KCN, CCN phát triển sầm uất, như: KCN Hải Yên (TP Móng Cái), tạo việc làm cho 4.000 lao động; KCN Cảng biển Hải Hà, thu hút 27 dự án đầu tư thứ cấp, tạo việc làm cho hơn 14.000 lao động; CCN Nam Sơn  (huyện Ba Chẽ), tạo việc làm cho khoảng 350 lao động…

Vận chuyển hàng hóa trên sông Ka Long (TP Móng Cái). Ảnh: Cao Quỳnh

Vận chuyển hàng hóa trên sông Ka Long (TP Móng Cái). Ảnh: Cao Quỳnh

Du lịch các địa phương miền Đông có bản sắc riêng. Du khách khi đến đây không chỉ chiêm ngưỡng vẻ đẹp của thiên nhiên, còn cảm nhận lòng mến khách và nét văn hóa đặc sắc. Các điểm đến du lịch ven biển và nội địa cũng thu hút hàng trăm nghìn lượt khách mỗi năm. Năm 2024, huyện Ba Chẽ thu hút trên 150.000 lượt du khách, tổng doanh thu từ du lịch khoảng 197 tỷ đồng; huyện Hải Hà thu hút 152.100 lượt du khách, tổng doanh thu từ du lịch 197,73 tỷ đồng…

Sự phát triển toàn diện về hạ tầng, kinh tế và đời sống-xã hội tại các huyện, thành phố miền Đông của tỉnh là niềm tự hào của người dân nơi đây. Đồng bào các dân tộc tiếp tục đoàn kết, chung sức xây dựng quê hương ngày càng phát triển, văn minh, giàu đẹp.

Thực hiện: Thu Nguyệt
Trình bày: Hùng Sơn