Ngày 10/10/1994, Tổng công ty Than Việt Nam (nay là Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam) được thành lập. Đây là dấu mốc quan trọng trong tiến trình phát triển ngành công nghiệp than Việt Nam. Xuyên suốt hành trình 30 năm xây dựng và phát triển, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam luôn khẳng định được vị thế là một trong 3 trụ cột an ninh năng lượng quốc gia, bứt phá tăng trưởng mạnh mẽ ở nhiều lĩnh vực.

Hoạt động tiêu thụ than tại Cảng Bến Cân (Công ty Kho vận Đá Bạc).

Hoạt động tiêu thụ than tại Cảng Bến Cân (Công ty Kho vận Đá Bạc).

Vị thế trụ cột năng lượng quốc gia

Trong chặng đường 30 năm xây dựng và phát triển, mặc dù hoạt động đa ngành, song Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) luôn chú trọng vào các lĩnh vực sản xuất chính, gồm: Than, khoáng sản, điện và vật liệu nổ công nghiệp. 4 lĩnh vực này đều hỗ trợ nhau phát triển mang tính cốt lõi giúp TKV khẳng định vai trò là một trong 3 trụ cột đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. Trong đó, sản xuất than của TKV có bước tăng trưởng mạnh mẽ, chiếm tỷ trọng doanh thu, lợi nhuận cao nhất.

Công nhân Công ty CP Than Vàng Danh thi đua lao động, sản xuất chào mừng 30 năm thành lập TKV.

Công nhân Công ty CP Than Vàng Danh thi đua lao động, sản xuất chào mừng 30 năm thành lập TKV.

Điển hình, từ năm 1995, sau khi Tổng công ty Than Việt Nam đi vào hoạt động, sản lượng than ngày càng tăng cao không những đáp ứng đủ nhu cầu trong nước mà còn xuất khẩu, thu ngoại tệ. Năm 1997, TKV đã khai thác được 11,3 triệu tấn than, đây là lần đầu tiên ngành than Việt Nam vượt mốc 10 triệu tấn than/năm. Năm 2007, sản lượng than của TKV đạt 42,2 triệu tấn. Đặc biệt, lĩnh vực khai thác than hầm lò có sự phát triển mạnh mẽ trên cơ sở không ngừng đổi mới và hiện đại hóa công nghệ tiên tiến, hiện đại. Các đơn vị sản xuất than đã tăng sản lượng than hầm lò từ 1,8 triệu tấn thời điểm năm 1994 (chiếm 25% tổng sản lượng than) lên 27 triệu tấn vào năm 2023 (chiếm 73% tổng sản lượng than) và tăng 15 lần.

Từ năm 2007 đến nay, sản lượng khai thác than của TKV duy trì ở mức 38-40 triệu tấn/năm. Giai đoạn 1994-2023, TKV đã khai thác được hơn 850 triệu tấn, tiêu thụ gần 900 triệu tấn than. Tổng doanh thu than đã tăng từ gần 1.845 tỷ đồng (năm 1994) lên 168.000 tỷ đồng (năm 2023), tăng gấp 91 lần.

Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐTV TKV Ngô Hoàng Ngân kiểm tra tiến độ thi công dự án khai thác xuống sâu dưới mức -220 mỏ Bình Minh (Công ty Than Hòn Gai).

Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐTV TKV Ngô Hoàng Ngân kiểm tra tiến độ thi công dự án khai thác xuống sâu dưới mức -220 mỏ Bình Minh (Công ty Than Hòn Gai).

Lĩnh vực khoáng sản đã có sự phát triển vượt bậc, đặc biệt là 2 dự án alumin. Kể từ khi đi vào vận hành thương mại, dự án Tân Rai (tháng 10/2013), dự án Nhân Cơ (tháng 7/2017) đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, mở ra hướng phát triển cho một ngành công nghiệp hoàn toàn mới ở Việt Nam. Tổng kim ngạch xuất khẩu alumin đạt bình quân 365 triệu USD/năm, chiếm 58% tổng kim ngạch xuất khẩu của TKV. Ngoài ra, các lĩnh vực sản xuất điện, vật liệu nổ công nghiệp, cơ khí trong 30 năm qua đã đóng góp quan trọng vào sự phát triển chung của TKV.

Công nhân Công ty CP Cơ khí ô tô Uông Bí gia công thiết bị cơ khí.

Công nhân Công ty CP Cơ khí ô tô Uông Bí gia công thiết bị cơ khí.

Nhờ phát huy sản xuất, kinh doanh hiệu quả, TKV đã đóng góp đáng kể vào NSNN. Trong 30 năm xây dựng và phát triển, TKV đã nộp NSNN trên 280.000 tỷ đồng. Trong đó, riêng số nộp NSNN cho tỉnh Quảng Ninh chiếm 40-60%, đóng góp quan trọng vào sự tăng trưởng kinh tế của Quảng Ninh. Đặc biệt năm 2023, TKV đã nộp NSNN cao kỷ lục kể từ khi thành lập với trị giá 29.216 tỷ đồng.

Trong quá trình hoạt động, TKV thường xuyên thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường theo hướng tăng trưởng xanh và phát triển bền vững; quan tâm đến an toàn lao động, ứng phó với biến đổi khí hậu và phòng chống thiên tai. Không những vậy, TKV còn đảm bảo việc làm, thu nhập ổn định cho hơn 94.000 CNLĐ tại các địa phương. Ngoài ra, TKV cùng các đơn vị thành viên luôn tích cực tham gia thực hiện các hoạt động xã hội, giảm nghèo, phát triển nông thôn mới, phát triển KT-XH biển đảo, công tác từ thiện… Điển hình, tháng 9/2024 TKV hỗ trợ 70 tỷ đồng cho các địa phương khắc phục hậu quả bão số 3. Đầu tháng 10/2024, hưởng ứng Chương trình “Mái ấm cho đồng bào tôi”, TKV đã ủng hộ 100 tỷ đồng Quỹ xóa nhà tạm, nhà dột nát cho các địa phương cả nước.

Tiếp tục chinh phục những mục tiêu mới

Những kết quả đã đạt được khẳng định sự phát triển không ngừng của TKV trong chặng đường 30 năm qua. Kế thừa thành quả đó, giai đoạn tới TKV tiếp tục đặt mục tiêu trở thành tập đoàn kinh tế nhà nước mạnh, có cơ cấu kinh doanh hợp lý; tập trung vào các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh chính là than, khoáng sản, điện, vật liệu nổ công nghiệp; mở rộng hợp tác và phát triển kinh doanh quốc tế; nâng cao hiệu quả, sức cạnh tranh, phát triển bền vững đi đôi với bảo vệ môi trường sinh thái; góp phần quan trọng đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia và thúc đẩy phát triển KT-XH.

Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐTV TKV Ngô Hoàng Ngân kiểm tra tiến độ thi công dự án khai thác xuống sâu dưới mức -220 mỏ Bình Minh (Công ty Than Hòn Gai). Ảnh đơn vị cung cấp

Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐTV TKV Ngô Hoàng Ngân kiểm tra tiến độ thi công dự án khai thác xuống sâu dưới mức -220 mỏ Bình Minh (Công ty Than Hòn Gai). Ảnh đơn vị cung cấp

Giai đoạn 2020-2025, TKV dự kiến đầu tư hơn 170.000 tỷ đồng cho các dự án trọng điểm. Tập đoàn phấn đấu khai thác 35-40 triệu tấn than/năm. TKV định hướng phát triển theo chiều sâu, trong đó cùng với tận dụng tối đa khả năng khai thác lộ thiên ở những mỏ có điều kiện cho phép, sẽ tập trung phát triển các mỏ hầm lò công suất lớn áp dụng cơ giới hóa đồng bộ, hiện đại; hoàn thiện mô hình “Sản xuất và thương mại than”.

Đối với lĩnh vực điện và khoáng sản, TKV phát triển các dự án điện theo quy hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Đồng thời, tập trung khai thác và chế biến sâu một số khoáng sản có trữ lượng lớn, tiến tới hình thành ngành công nghiệp luyện kim đen - luyện kim màu quan trọng, như: Sản xuất đồng kim loại, phôi thép, alumin - nhôm, titan, đất hiếm. Riêng lĩnh vực vật liệu nổ công nghiệp và cơ khí, TKV tiếp tục phát triển các sản phẩm vật liệu nổ công nghiệp, tập trung đầu tư sản xuất nguyên liệu thay thế hàng nhập khẩu và phát triển dịch vụ nổ mìn đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế. Đồng thời, tập trung chế tạo vật tư, thiết bị cho phát triển cơ giới hoá khai thác than hầm lò và khai thác, chế biến khoáng sản.

Thợ cơ khí Công ty CP Than Đèo Nai- Cọc Sáu - TKV đang hàn sửa chữa thiết bị.

Thợ cơ khí Công ty CP Than Đèo Nai- Cọc Sáu - TKV đang hàn sửa chữa thiết bị.

Nhịp độ sản xuất trên khai trường Công ty CP Than Cao Sơn.

Nhịp độ sản xuất trên khai trường Công ty CP Than Cao Sơn.

Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam Ngô Hoàng Ngân cho biết: Trải qua chặng đường 30 năm xây dựng và phát triển, TKV luôn tự hào là một trong những tập đoàn kinh tế lớn mạnh, phát triển ổn định, bền vững, góp phần quan trọng cho sự nghiệp CNH, HĐH đất nước. Xác định cơ hội và thách thức luôn đi kèm, vì vậy chiến lược của Tập đoàn tập trung quản trị tài nguyên theo đúng vai trò “Tài nguyên khoáng sản là nguồn lực nền tảng cho hoạt động kinh doanh của Tập đoàn”.

Thợ lò Công ty CP Than Vàng Danh vào ca sản xuất.

Thợ lò Công ty CP Than Vàng Danh vào ca sản xuất.

TKV tăng cường công tác quản trị đầu tư trên cơ sở nâng cao chất lượng lập và quản lý dự án, quản trị chi phí, quản trị rủi ro và quản trị kết quả kinh doanh. Đi đôi với cải thiện điều kiện làm việc, TKV cũng quyết liệt triển khai công tác an toàn lao động, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu mới; tăng cường đổi mới công nghệ cơ giới hóa, tự động hóa, chuyển đổi số trong khai thác than hầm lò, lộ thiên, gắn với bảo vệ môi trường trong hoạt động khai thác, chế biến than, khoáng sản.

Thực hiện: Phạm Tăng
Trình bày: Tất Đạt