4
18
/
1100235
30 ngày "chia lửa" cùng Tây Ninh
longform
30 ngày "chia lửa" cùng Tây Ninh

Vượt quãng đường gần 2.000km, Đoàn thầy thuốc tình nguyện Quảng Ninh đã đến Tây Ninh tham gia hỗ trợ công tác phòng, chống dịch Covid-19. Đi vào “tâm dịch”, có thể sẽ phải đối mặt với những vất vả và nguy cơ mắc bệnh, nhưng những cán bộ y tế Quảng Ninh vẫn mang tinh thần sẵn sàng phục vụ, không ngại gian khổ, nguy hiểm. Tròn 30 ngày chiến đấu với “giặc” Covid-19, các y, bác sĩ của Quảng Ninh và Tây Ninh đã cùng chung sức hồi sinh nhịp đập và hơi thở cho hàng trăm bệnh nhân Covid-19 nặng, nguy kịch tại Bệnh viện Đa khoa Tây Ninh.

Đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ 4 có tốc độ lây rất nhanh, đã lan rộng ra nhiều khu vực thuộc địa bàn TP Hồ Chí Minh và một số tỉnh phía Nam với quy mô lớn nhất từ trước đến nay. Từ cuối tháng 5/2021, tỉnh Tây Ninh bắt đầu có ca mắc Covid-19 trong cộng đồng. Sức ép lên ngành Y tế ngày càng lớn hơn khi số ca bệnh tăng lên hàng trăm ca mắc mỗi ngày.

Ngày 3/8, ông Nguyễn Thanh Ngọc, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban chỉ đạo phòng, chống dịch tỉnh Tây Ninh đã có thư kêu gọi đội ngũ thầy thuốc trong và ngoài tỉnh hưởng ứng, tình nguyện tham gia hỗ trợ địa phương, ngành Y tế tỉnh phòng, chống dịch, với tinh thần “Chung tay, góp sức đồng hành đẩy lùi dịch bệnh, sớm đưa cuộc sống trở lại trạng thái bình thường mới”.

Đoàn y, bác sĩ tỉnh Quảng Ninh chi viện tỉnh Tây Ninh chống dịch gồm 20 người, bao gồm 5 bác sĩ, 15 điều dưỡng, kỹ thuật viên có chuyên môn giỏi và có kinh nghiệm chống dịch Covid-19.

Đáp lại lời kêu gọi của Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh, ngày 9/8, lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh đã chỉ đạo Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí cử 20 bác sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật viên lên đường hỗ trợ Tây Ninh chống dịch Covid-19. Không chần chừ, nhiều y bác sĩ của Bệnh viện đã hăng hái đăng ký được tham gia.

Bác sĩ Trần Viết Tiệp, Giám đốc Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí, cho biết: Trước khi lên đường, các y, bác sĩ đã được tập huấn thêm các biện pháp phòng ngừa lây nhiễm, cách sử dụng đồ bảo hộ, chẩn đoán và điều trị bệnh nhân mắc Covid-19; đồng thời được tiêm vắc-xin phòng Covid-19, xét nghiệm, đảm bảo điều kiện sức khỏe để hoàn thành tốt nhiệm vụ. Anh em đăng ký tham gia nhiệm vụ đều với tinh thần rất tự nguyện, sẵn sàng, quyết tâm cao, dù biết trước là sẽ có rất nhiều khó khăn, vất vả, thậm chí là hiểm nguy ở phía trước.

Ngay khi đến Tây Ninh, đoàn y, bác sĩ, nhân viên y tế của tỉnh Quảng Ninh đã bắt tay vào công việc.

Đoàn thầy thuốc tình nguyện tỉnh Quảng Ninh được cử đi có 5 bác sĩ, 15 điều dưỡng, kỹ thuật viên, đều là những người có chuyên môn giỏi và có kinh nghiệm chống dịch Covid-19. Họ lên đường với tinh thần tự nguyện, gác lại mọi công việc cá nhân, gia đình với mong muốn được góp một phần công sức trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19. Trong đợt này, hầu hết thành viên trong đoàn đều là nhân viên y tế trẻ tuổi; nhiều y, bác sĩ đã có kinh nghiệm, nhiều lần tham gia chống dịch ở “tâm dịch” TX Đông Triều, huyện Vân Đồn và tỉnh Bắc Giang.

Bác sĩ Vũ Trí Tuệ, Khoa Nội tiết, Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí, người đảm trách cương vị trưởng đoàn thầy thuốc tình nguyện Quảng Ninh hỗ trợ Tây Ninh chia sẻ: Chúng tôi đều xác định nhiệm vụ ở Tây Ninh sẽ nặng nề và nguy hiểm hơn rất nhiều. Tuy nhiên, anh em không ai nao núng tinh thần, trong thâm tâm của từng người đều thể hiện rất rõ sự quyết tâm cao độ khi hành trình Nam tiến để chi viện cho tỉnh Tây Ninh. Chúng tôi hiểu được rằng trong thời khắc quan trọng này thì sức người, tinh thần và sự đồng tâm sẽ là động lực để chiến thắng được đại dịch.

 

Khi đến Tây Ninh, đoàn đã được các đồng chí lãnh đạo tỉnh và ngành Y tế Tây Ninh tiếp đón, đồng thời chia sẻ những khó khăn trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại địa phương. Khó khăn nhất là tình trạng thiếu nhân lực y, bác sĩ tham gia điều trị bệnh nhân nặng, nguy kịch trong khu Hồi sức tích cực (ICU) tại Bệnh viện Đa khoa Tây Ninh.

Trước thực tế đó, Đoàn thầy thuốc tình nguyện Quảng Ninh đã sắp xếp, bố trí nhân lực thành 2 đội tham gia công tác tại Bệnh viện Đa khoa Tây Ninh. Trong đó, đội 1 gồm 5 bác sĩ và 6 điều dưỡng làm việc tại đơn vị ICU, Bệnh viện Đa khoa Tây Ninh, trung bình mỗi ngày điều trị, chăm sóc từ 15 đến 20 người bệnh nặng, nguy kịch; đội 2 có 3 kỹ thuật viên làm việc tại Khoa X-quang, 6 điều dưỡng làm việc tại Khoa Nội tổng hợp điều trị, chăm sóc cho người bệnh Covid-19 mức độ nhẹ, với khoảng 30 bệnh nhân/ngày.

Đoàn cũng cử 2 kỹ thuật viên xét nghiệm hỗ trợ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Tây Ninh; 1 chuyên gia kiểm soát nhiễm khuẩn công tác tại Khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn Bệnh viện Đa khoa Tây Ninh; tham gia trao đổi kinh nghiệm, hỗ trợ chuyên môn tại Bệnh viện Lao và Bệnh phổi Tây Ninh và Trung tâm Y tế huyện Tân Châu.

Đoàn thầy thuốc tình nguyện Quảng Ninh tập huấn, chia sẻ kiến thức về sử dụng các loại máy thở trong điều trị bệnh nhân mắc Covid-19 nặng cho các y, bác sĩ của Bệnh viện Đa khoa Tây Ninh.

Nhằm sẵn sàng bổ sung nhân lực cho công tác điều trị bệnh nhân mắc Covid-19, nhất là bệnh nhân nặng, nguy kịch, đoàn thầy thuốc tình nguyện Quảng Ninh đã dành thời gian 1 tuần đầu khi đến Tây Ninh để tập huấn, chia sẻ kiến thức chuyên môn về cấp cứu, hồi sức trong điều trị, chăm sóc bệnh nhân mắc Covid-19 nặng cho các y, bác sĩ của Bệnh viện Đa khoa Tây Ninh.

Bác sĩ CKI Nguyễn Thùy Linh, khoa khoa Phẫu thuật - Gây mê hồi sức, Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí chia sẻ: “Thời gian rất gấp gáp, khẩn trương, vì số người mắc Covid-19 tại Tây Ninh thời điểm đó vẫn đang tăng lên, trong đó, nhiều người đã trở nặng, tiên lượng rất xấu, được đưa vào khu ICU của Bệnh viện Đa khoa Tây Ninh. Bởi vậy, chúng tôi đã cố gắng hết sức, trong thời gian nhanh nhất có thể trao đổi, chia sẻ hết những kiến thức cũng như kinh nghiệm mà mình có trong điều trị bệnh nhân mắc Covid-19, nhất là bệnh nhân chuyển biến nặng. Trọng tâm là hướng dẫn sử dụng các loại máy thở xâm nhập, không xâm nhập, oxy dòng cao, oxy mũi; theo dõi người bệnh thở máy, xử trí báo động máy thở, chăm sóc điều dưỡng người bệnh thở máy… đến đồng nghiệp Tây Ninh. Các đồng nghiệp cũng sẵn sàng lắng nghe, trao đổi thẳng thắn. Do vậy, chỉ trong 1 tuần hỗ trợ tập huấn, các y, bác sĩ đoàn Quảng Ninh và Bệnh viện Đa khoa Tây Ninh đã có thể cùng nhau làm nhiệm vụ, chăm sóc, điều trị cho người bệnh”.

“Tây Ninh là địa phương còn nhiều khó khăn, thiếu thốn trong lĩnh vực y tế. Trước kia, những ca bệnh nặng ở các bệnh viện của Tây Ninh đều được chuyển tuyến đưa đến các bệnh viện của TP Hồ Chí Minh. Nhưng thời điểm dịch bệnh bùng phát, TP Hồ Chí Minh cũng đang phải căng mình chống dịch, không thể tiếp nhận những ca bệnh từ địa phương khác chuyển đến. Trong khi đó, các ca bệnh nặng, nguy kịch chuyển từ tuyến dưới đến điều trị tại khu ICU Bệnh viện Đa khoa Tây Ninh ngày càng tăng lên. Trong số đó có nhiều bệnh nhân phải thở máy xâm nhập hoặc oxy dòng cao, nhiều bệnh nhân Covid-19 có bệnh chuyển xấu đột ngột, đòi hỏi các y, bác sĩ phải tập trung cao độ, nỗ lực trong điều trị và chăm sóc, hạn chế thấp nhất trường hợp bệnh nhân tiến triển nặng và tử vong do Covid-19” - Bác sĩ Tuệ cho biết.

Điều dưỡng đang chuẩn bị thuốc để điều trị cho bệnh nhân mắc Covid-19.

Áp lực đến với y, bác sĩ của Quảng Ninh cũng như Tây Ninh tại khu ICU rất lớn, thậm chí có lúc căng thẳng đến “nghẹt thở”. Bởi tất cả bệnh nhân vào khu ICU đều đã diễn biến nặng do vậy các y, bác sĩ gần như liên tục phải xử lý, can thiệp, theo dõi từng giây, từng phút, từng người bệnh. Có những bệnh nhân khi đến khu điều trị đã chuyển biến quá nặng, mọi can thiệp không còn hiệu quả nữa. Rất nhiều bác sĩ chia sẻ, họ chưa từng chứng kiến nhiều bệnh nhân qua đời trong thời gian ngắn như vậy. Điều đó khiến họ áp lực, đau lòng và cả tiếc nuối…

“Có trường hợp 2 mẹ con cùng điều trị ở trong ICU nhưng ở 2 dãy khác nhau mà không ai hay biết. Bởi người mẹ khi nhập viện đã nguy kịch, mất ý thức. Chỉ sau khi người mẹ qua đời, các y, bác sĩ tìm địa chỉ để báo cho người nhà thì mới phát hiện ra 2 bệnh nhân có cùng địa chỉ và là mẹ con. Tôi và các đồng nghiệp cảm thấy rất buồn khi không thể kết nối 2 mẹ con họ trong thời gian điều trị. Như tất cả các bệnh nhân khác, khi chuyển từ tuyến dưới lên họ đều không biết mình sẽ được đi đâu. Trong quá trình điều trị trong ICU, bệnh nhân đều không có người nhà chăm sóc mà nhân viên y tế vừa điều trị vừa chăm sóc ăn uống, vệ sinh cá nhân,…”- Bác sĩ Linh bùi ngùi kể lại.

Các y, bác sĩ đang trao đổi các phương án điều trị cho bệnh nhân mắc Covid-19 nặng, nguy kịch tại khu ICU, Bệnh viện Đa khoa Tây Ninh.

Khi làm việc ở khu ICU, mỗi y, bác sĩ đều xác định nguy cơ lây nhiễm rất cao. Các bác sĩ chia sẻ rằng, ban đầu đặt ra phương án nếu y, bác sĩ nào làm thủ thuật đặt nội khí quản, thở máy cho người bệnh thì sẽ ra ngoài thay quần áo bảo hộ rồi mới trở lại làm nhiệm vụ tiếp. Bởi đây là kỹ thuật có khả năng lây nhiễm cao khi phải tiếp xúc gần với đường thở của bệnh nhân mắc Covid-19; đã có rất nhiều nhân viên y tế trong cả nước bị lây nhiễm khi thực hiện thủ thuật này. Tuy nhiên thực tế, các bác sĩ không thể ra ngoài để thay bộ đồ bảo hộ mới, bởi vừa xong kỹ thuật này thì tiếng máy tít tít liên hồi báo bệnh nhân khác đang nguy cấp. Chỉ chậm vài giây thôi thì những bệnh nhân bị ngưng tim, suy hô hấp không còn khả năng cứu chữa được nữa.

Thậm chí cùng một lúc, các y, bác sĩ trong ca trực phải cấp cứu cho 2 hoặc 3 trường hợp bệnh nhân trở nặng, có nhiều bệnh nền và diễn biến nhanh. Trong những khoảnh khắc đó, nhân lực trong ca làm việc chỉ có 2 bác sĩ, 3 điều dưỡng phải chia đôi, chia ba để kiểm soát sức khỏe tất cả bệnh nhân. Ở vòng ngoài, dù khi hết ca trực nhưng khi có nhiều bệnh nhân trở nặng thì các y, bác sĩ phải lập tức vào làm việc để hỗ trợ đồng nghiệp cấp cứu cho người bệnh.

Chưa bao giờ, sự sống và cái chết lại mong manh đến vậy. Hàng trăm cuộc chiến sinh tử đã diễn ra tại khu ICU - tầng điều trị cao nhất bệnh nhân Covid-19 ở Tây Ninh. Tại đây, các bác sĩ giành giật từng khoảnh khắc để hồi sinh nhịp đập và hơi thở cho bệnh nhân.

 

“Bác sĩ ơi, liệu tôi có chết không?” - đây không phải câu hỏi xa lạ gì của bệnh nhân khi hỏi một bác sĩ. Thế nhưng, trên trận tuyến chống Covid-19, đối với những chiến sĩ áo trắng, đó là câu hỏi gây nhiều ám ảnh. Bởi bệnh nhân hỏi họ mỗi ngày, mỗi giờ. Và bản thân họ, cũng chứng kiến quá nhiều sự ra đi của bệnh nhân vì Covid-19.

Bác sĩ trẻ Đào Chí Cường, khoa Nhi, Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí, thành viên của Đoàn thầy thuốc tình nguyện Quảng Ninh ở Tây Ninh, chia sẻ: Khi tình hình bệnh nhân chuyển nặng và tử vong tăng lên, Ban Giám đốc Bệnh viện cùng các y, bác sĩ đã họp bàn, tìm phương pháp mới, áp dụng phác đồ điều trị mới để áp dụng vào điều trị, chăm sóc cho bệnh nhân. Ngoài áp dụng điều trị bằng các phương tiện kỹ thuật, thuốc, chúng tôi cố gắng trò chuyện với bệnh nhân nhiều hơn, để họ giảm áp lực về tinh thần và cố gắng phối hợp điều trị. Tôi còn nhớ trường hợp 1 bệnh nhân nữ hơn 60 tuổi, khi cô nhập viện tình trạng suy hô hấp nặng trên nền bệnh đái tháo đường tuyp 2, tăng huyết áp; tiên lượng rất nặng, có thể ra đi bất cứ lúc nào. Đội ngũ y bác sĩ đã cố gắng điều trị tích cực hỗ trợ cho người bệnh thở máy dòng cao HFNC kết hợp với sử dụng thuốc để điều trị tăng huyết áp, kiểm soát đường máu. Khi bệnh nhân qua cơn nguy kịch, chúng tôi thường xuyên trò chuyện với cô, giúp cô cố gắng tập thở. Dần dần cô đã không còn cần hỗ trợ thở oxy và sau 2 tuần, sức khoẻ của cô ổn định và được chuyển xuống khu điều trị bệnh nhân Covid-19 nhẹ”.

Bác sĩ trong đoàn thầy thuốc tình nguyện Quảng Ninh đang khám, kiểm tra sức khỏe cho bệnh nhân mắc Covid-19 trong khu ICU, Bệnh viện Đa khoa Tây Ninh.

Đây chỉ là một trong số rất nhiều ca bệnh nguy kịch được cứu sống trong đợt dịch này. Khi bệnh nhân qua cơn nguy kịch và được cứu sống, mỗi y, bác sĩ ai nấy đều vui mừng vô cùng. Dù mặc đồ bảo hộ kín bưng không thể nhìn rõ niềm vui, nụ cười trên gương mặt của họ nhưng cái nắm tay, lời hỏi thăm động viên cũng làm bệnh nhân vơi đi những cô đơn, mệt mỏi và yên tâm hơn để tiếp tục cố gắng chiến đấu với bệnh tật.

“Chúng tôi nhận được ngày càng nhiều câu nói cảm ơn từ chính người bệnh mỗi ngày khi họ được chuyển ra vòng ngoài để được nhân viên y tế chăm sóc cho bệnh nhân nhẹ. Điều đó thật sự hạnh phúc, quý giá hơn bao giờ hết và là động lực tiếp thêm sức mạnh cho những nhân viên y tế”, bác sĩ Cường chia sẻ.

Chị Nguyễn Thị Thanh Tuyền, Trưởng phòng Tổ chức, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tây Ninh đã cho biết: “Khi vào đến Tây Ninh, các y bác sĩ của Quảng Ninh đã bắt đầu công việc ngay lập tức, từ tập huấn chuyên môn cho đội ngũ y, bác sĩ Bệnh viện đến việc tham gia điều trị trực tiếp cho bệnh nhân mắc Covid-19 nặng. Anh chị em không nề hà vất vả, rất nhiệt tình, hăng hái, trách nhiệm. Sự phối hợp nhịp nhàng của các bác sĩ 2 tỉnh đã giúp công tác điều trị bệnh nhân Covid-19 có nhiều tiến triển thấy rõ, bệnh nhân đã được điều trị tốt hơn, khả năng phục hồi nhanh hơn…”

 

Khi bệnh nhân dần ổn định sức khỏe cũng là lúc những áp lực về tinh thần của nhân viên y tế Quảng Ninh và Tây Ninh vơi bớt. Dù chỉ gặp nhau trong lúc làm việc và mặc đồ bảo hộ, khẩu trang kín bưng nhưng họ cũng tranh thủ trò chuyện, hỏi thăm sức khỏe, động viên nhau.

“Covy đại dịch vào nước ta.

Tây Ninh, Quảng Ninh chung một nhà.

Đồng lòng chung sức tình thân ái.

Dẫu khó khăn nào cũng vượt qua”.

Đó là 4 câu thơ giản dị do chính các y, bác sĩ của Quảng Ninh và Tây Ninh sáng tác, cũng chính là những lời nhắn nhủ, khích lệ tinh thần để cùng chung sức, đồng lòng chiến thắng “giặc” Covid-19.

Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Tây Ninh Võ Đức Trong trao bằng khen cho các thành viên đoàn thầy thuốc tình nguyện Quảng Ninh.

Đối với các y, bác sĩ của Đoàn thầy thuốc tình nguyện Quảng Ninh, chuyến công tác tới Tây Ninh cũng đã để lại cho họ nhiều kỷ niệm sâu sắc, không chỉ trong hoạt động trao đổi, hỗ trợ công tác điều trị cho bệnh nhân nhiễm Covid-19 mà còn là những tình cảm trân quý của những đồng nghiệp Tây Ninh.

Bác sĩ Nguyễn Thùy Linh chia sẻ: Đó là một buổi chiều cuối ca, người bạn đồng nghiệp Tây Ninh đã dúi vội vào tay tôi 1 quả na và nói: Chắc bạn nhớ nhà lắm hen!. Cầm trên tay quả na mà tôi đã xúc động, trực trào nước mắt. Dù nhớ nhà, nhớ mùa na ngoài Bắc nhưng tôi vẫn thấy ấm áp và hạnh phúc với những tình cảm của đồng nghiệp nơi đây dành cho mình cũng như Đoàn.

Vẫn còn nguyên cảm xúc bùi ngùi, xúc động khi nhắc về đoàn thầy thuốc tình nguyện Quảng Ninh, chị Nguyễn Thị Thanh Tuyền, Trưởng phòng Tổ chức, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tây Ninh cho biết: Tôi nhớ mãi giây phút các bạn Quảng Ninh hoàn thành nhiệm vụ và lên đường trở về tỉnh. Chúng tôi chia tay nhau lưu luyến, bịn rịn. Để đảm bảo cho công tác phòng dịch, các bạn vẫn phải đeo khẩu trang và giữ khoảng cách an toàn, vậy nên thật tiếc là chúng tôi không thể trao cho nhau những cái bắt tay, hay cái ôm lúc chia tay. Ngay cả khuôn mặt các bạn, chúng tôi cũng chưa bao giờ được nhìn thấy trực tiếp. Dù vậy, những gì các bạn đã làm cho Tây Ninh, chúng tôi sẽ nhớ mãi. Bây giờ, khi đã cách xa nhau đến 2.000km nhưng chúng tôi vẫn giữ liên lạc hỏi thăm, trò chuyện với nhau qua điện thoại. Mong rằng 2 địa phương cùng yên ấm, không bị dịch bệnh đe dọa. Rồi hẹn nhau hết dịch, 2 bên được đến thăm nhau, cùng chia sẻ kinh nghiệm trong công tác khám chữa bệnh, cùng ôn lại khoảng thời gian gắn bó, cùng chiến đấu với “giặc Covid-19”, tuy không dài, nhưng tràn đầy sự trân quý, nghĩa tình”.

Đoàn y, bác sĩ tỉnh Quảng Ninh chi viện tỉnh Tây Ninh chống dịch Covid-19 hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

Trong 30 ngày “chia lửa” cùng Tây Ninh, tiếp tục khẳng định tinh thần của Quảng Ninh, đó là sẵn sàng hỗ trợ các địa phương còn khó khăn trong công tác phòng, chống dịch Covid-19. Và những chiến sĩ áo trắng của Quảng Ninh cũng chính là biểu tượng đầy ý nghĩa cho tinh thần đoàn kết, tương trợ, để các địa phương cùng vượt qua đại dịch.

Trong lá thư cảm ơn, đồng chí Nguyễn Thành Tâm, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Tây Ninh, thay mặt Tỉnh ủy - HĐND - UBND - Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Tây Ninh, đã trân trọng cảm ơn nghĩa cử cao đẹp, tình cảm quý báu của cấp ủy, chính quyền tỉnh Quảng Ninh, Ban Giám đốc Bệnh viện Việt Nam - Thuỵ Điển Uông Bí và Đoàn cán bộ y, bác sĩ của Bệnh viện đã tăng cường cho tỉnh Tây Ninh.

Đồng chí nhấn mạnh, trong thời điểm còn khó khăn, tuy phải tập trung phòng, chống dịch, nhưng Tỉnh ủy, UBND tỉnh Quảng Ninh, Ban Giám đốc Bệnh viện Việt Nam - Thuỵ Điển Uông Bí đã quan tâm cử đoàn cán bộ y, bác sĩ đến hỗ trợ và tặng một số vật tư y tế với mục tiêu giúp Tây Ninh sớm kiểm soát, khống chế dịch bệnh. Mong rằng, mối quan hệ giữa 2 tỉnh ngày càng bền chặt, cùng nỗ lực và phấn đấu, hướng đến sự phát triển nhanh, bền vững.

Thực hiện: Hồng Nhung - Nguyễn Hoa

Đồ họa: Hải Anh

Trong bài sử dụng ảnh do Đoàn y, bác sĩ tỉnh Quảng Ninh chi viện chống dịch tại tỉnh Tây Ninh cung cấp.


Mùa hè bỏng rát ở Bắc Giang
Đối với hơn 200 chiến sỹ áo trắng của Bệnh viện Việt Nam – Thụy Điển, đó là mùa hè rực lửa, mùa hè của thử thách, mùa hè của thực hành y tế và đạo đức về lời thề Hippocrates…   
   
Bình Dương gọi, chúng tôi sẵn sàng
Trong Đoàn lần này, hầu hết đều là y bác sĩ trẻ, cũng có những người đã từng lên đường chi viện cho tâm dịch Bắc Giang trước đó, có đủ sức khỏe, kinh nghiệm, và dũng cảm để đương đầu với những khó khăn, vất vả phía trước. 
   
Hà Nội - Một tuần "thần tốc"
Với tinh thần “Hà Nội vì cả nước, cả nước vì Hà Nội”, 8h ngày 10/9, đoàn cán bộ y tế Quảng Ninh gồm 191 người lên đường đến TP Hà Nội nhận nhiệm vụ hỗ trợ huyện Chương Mỹ lấy mẫu xét nghiệm và tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho toàn dân.   
   
Hẹn ngày TP Hồ Chí Minh trở lại yên bình
Đoàn y tế Quảng Ninh đã tham gia điều trị cho gần 1.000 bệnh nhân ở Bệnh viện thu dung số 6 và tiếp nhận, thu dung, điều trị cho hơn 4.400 bệnh nhân tại Bệnh viện dã chiến số 12. Đến nay đã có hơn 3.330 bệnh nhân được khỏi bệnh, ra viện.