Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 30/11/2024 19:46 (GMT +7)
62.000 tỷ sẵn sàng trợ lực người dân gặp khó vì đại dịch
Thứ 5, 09/04/2020 | 07:37:56 [GMT +7] A A
Đại dịch Covid-19 đã, đang gây ảnh hưởng nghiêm trọng, nặng nề đến đời sống, kinh tế - xã hội của hàng trăm quốc gia trên toàn thế giới, trong đó có Việt Nam. “Cơn bão” này quét, tàn phá toàn diện đến nhiều ngành, lĩnh vực của nền kinh tế nước ta. Mỗi người dân ít nhiều cũng gặp khó khăn, tác động bởi dịch bệnh, đặc biệt là những người yếu thế, các doanh nghiệp, hộ sản xuất, kinh doanh... Đặc biệt, nhiều doanh nghiệp, hộ kinh doanh, buôn bán đã tạm dừng hoạt động, thu hẹp quy mô, một bộ phận người lao động phải ngừng việc, dừng hợp đồng lao động không hưởng lương hoặc thất nghiệp.
Ước tính sơ bộ có 19% doanh nghiệp phải tạm dừng hoạt động, thu hẹp quy mô; 98% lao động khu vực du lịch, dịch vụ nghỉ việc; 78% lao động ngành vận tải, giày da, dệt may bị giảm việc, giãn việc hoặc ngừng việc; 98% lao động hàng không tạm nghỉ việc. Hàng triệu lao động giản đơn, thu nhập thấp, không thường xuyên chịu ảnh hưởng nặng nề không thể có việc. Các đối tượng yếu thế bảo trợ xã hội, hộ nghèo, hộ cận nghèo... cũng nằm trong tầm ảnh hưởng của “cơn bão” dịch.
Theo dự báo nếu dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, ước khoảng 2 triệu lao động ngừng việc, mất việc làm; trường hợp dịch bệnh bùng phát mạnh sẽ có khoảng 3,5 triệu lao động ngừng việc, mất việc làm.
Với tinh thần “Một miếng khi đói bằng một gói khi no”, “tương thân tương ái”, kịp thời hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, Chính phủ đang khẩn trương họp bàn thống nhất dự thảo Nghị quyết về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 với gói kinh phí lên đến khoảng 62.000 tỷ đồng, qua đó trợ lực trực tiếp cho khoảng 20 triệu đối tượng là người lao động, người dân gặp khó khăn, bị giảm sâu thu nhập do dịch bệnh.
Nhiều hộ kinh doanh, hàng quán phải tạm dừng hoạt động do dịch bệnh đang cần sự hỗ trợ của Nhà nước. |
Có 6 nhóm đối tượng được hỗ trợ tiền, gồm: Người có công với cách mạng đang hưởng trợ cấp ưu đãi hằng tháng, đối tượng bảo trợ xã hội đang hưởng trợ cấp xã hội hằng tháng ngoài mức trợ cấp thường xuyên được hỗ trợ thêm: 500.000 đồng/người/tháng (thực hiện chi trả một lần mức hỗ trợ của 3 tháng); Hộ nghèo, hộ cận nghèo theo quy định: 1.000.000 đồng/hộ/tháng (thực hiện chi trả một lần mức hỗ trợ của 3 tháng); Người sử dụng lao động trả lương ngừng việc cho người lao động theo Khoản 3, Điều 98 của Bộ luật Lao động, trường hợp khó khăn về tài chính được vay không có tài sản đảm bảo tối đa 50% của tiền lương tối thiểu vùng với lãi suất 0% tại Ngân hàng Chính sách xã hội (thực hiện cho vay hằng tháng theo tình hình thực tế); Người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, thỏa thuận nghỉ không lương với người sử dụng lao động từ 14 ngày làm việc trở lên: 1.800.000 đồng/người/tháng (thực hiện chi trả hằng tháng theo tình hình thực tế); Người lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động/hợp đồng làm việc nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp; người lao động không có giao kết hợp đồng lao động (lao động tự do) và mất việc làm: 1.000.000 đồng/người/tháng (thực hiện chi trả hằng tháng theo tình hình thực tế); Hộ kinh doanh cá thể có doanh thu khai thuế dưới 100 triệu đồng/năm tạm ngừng kinh doanh theo Chỉ thị số 15/CT-TTg ngày 27/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ: 1.000.000 đồng/hộ/tháng (thực hiện chi trả hằng tháng theo tình hình thực tế).
Có thể thấy, trong điều kiện đất nước còn nhiều khó khăn, việc xây dựng, ban hành các chính sách hỗ trợ kịp thời, trực tiếp cho người dân, doanh nghiệp cho thấy sự nỗ lực cao của Đảng, Nhà nước, Chính phủ trong việc chăm lo đời sống cho đồng bào cả nước.
TKV ủng hộ tỉnh Quảng Ninh 2 tỷ đồng phòng, chống dịch Covid-19. Ảnh: Hoàng Yến |
Đây là nguồn động viên lớn, kịp thời, đem lại sự yên tâm cho người dân, góp phần giải quyết khó khăn trước mắt trong bối cảnh dự báo dịch bệnh còn diễn biến phức tạp. Qua đó tạo khích lệ mạnh mẽ, khơi dậy hơn nữa sức mạnh đoàn kết dân tộc để người dân, cộng đồng doanh nghiệp đồng lòng, quyết tâm, chung tay cùng Đảng, Nhà nước, Chính phủ chiến thắng dịch bệnh, tiếp tục phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Đồng bào cả nước, đặc biệt là những đối tượng yếu thế đang mong chờ chính sách sớm được triển khai, kịp thời hỗ trợ người dân gặp khó. Đồng thời, mong muốn các cấp, ngành, địa phương tăng cường công tác thanh, kiểm tra, giám sát để không xảy ra hiện tượng tiêu cực, chi trả sai đối tượng, trục lợi hoặc thiếu sự minh bạch trong việc tổ chức thực hiện chính sách.
Chắc chắn rằng, việc hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid -19 sẽ nhận được sự đồng tình ủng hộ cao của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta. Qua đó một lần nữa khẳng định, lan toả mạnh mẽ tinh thần nhân nghĩa, “tương thân tương ái” “lá lành đùm lá rách” có từ ngàn đời nay của dân tộc Việt Nam chúng ta.
Thái Bình
Liên kết website
Ý kiến ()