Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 30/11/2024 06:38 (GMT +7)
An toàn chung cư
Thứ 2, 08/03/2021 | 10:02:36 [GMT +7] A A
Những ngày qua, sự việc được dư luận xã hội và người dân cả nước quan tâm, chú ý theo dõi là việc bé gái N.P.H 3 tuổi tại tầng 12A (tức tầng thứ 13) của tòa nhà 60B Nguyễn Huy Tưởng (Thanh Xuân Trung, Thanh Xuân, Hà Nội) bất ngờ bò từ trong nhà rồi trèo ra lan can, sau đó rơi xuống.
Thật may mắn cho bé gái này khi được anh Nguyễn Ngọc Mạnh (SN 1990, trú tại xã Vĩnh Ngọc, huyện Đông Anh, Hà Nội) trèo lên mái che tôn của sảnh chung cư và kịp thời đỡ được đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Nhi Trung ương. Bé chỉ bị trật khớp xương háng, rạn xương bàn chân.
Đến ngày 5/3, sau 4 ngày điều trị, bé đã tỉnh táo, tiếp xúc tốt, không ho, không sốt, không có dấu hiệu khó thở. Tổn thương khớp háng đã được cố định bằng máng bột, khớp đã trở lại vị trí bình thường; không có triệu chứng đau; không sưng, nóng, đỏ... Với sức khỏe bình phục tốt, bé đã được Bệnh viện Nhi Trung ương cho xuất viện trong niềm vui vỡ oà của gia đình.
Câu chuyện hy hữu bé gái 3 tuổi rơi từ tầng 13 chung cư may mắn sống sót đã gây xúc động cho nhiều người. Thế nhưng, phía sau vụ việc đầy may mắn này là rất nhiều những vấn đề cần phải rút kinh nghiệm, xử lý để những sự cố tương tự không còn xảy ra.
Bé gái rơi từ tầng 12A chung cư 60B Nguyễn Huy Tưởng đã may mắn thoát chết. Ảnh: VOV |
Trước thực trạng trong thời gian qua xảy ra nhiều vụ việc trẻ em bị rơi, ngã từ các khu chung cư, nhà cao tầng dẫn đến tai nạn, thương tích nghiêm trọng và tử vong, Ủy ban Quốc gia về trẻ em yêu cầu các bộ, ngành, đoàn thể, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quan tâm, chỉ đạo triển khai thực hiện các biện pháp phòng, chống tai nạn, thương tích, bảo vệ trẻ em, đặc biệt chú trọng công tác phòng ngừa trẻ em bị rơi, ngã ở các khu chung cư, nhà cao tầng.
Trong đó, rà soát các quy định và việc thực hiện các tiêu chuẩn, tiêu chí an toàn cho trẻ em tại gia đình, cộng đồng, trường học và các công trình xây dựng, khu chung cư, nhà cao tầng; tổ chức kiểm tra, thanh tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về bảo đảm an toàn, phòng, chống tai nạn, thương tích cho trẻ em; chỉ đạo làm rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân và xử lý theo quy định đối với các vụ việc khiến trẻ em bị tử vong do tai nạn, thương tích.
Bên cạnh đó, đẩy mạnh công tác truyền thông, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cơ sở giáo dục về phòng, chống tai nạn, thương tích cho trẻ em; tuyên truyền, phổ biến kiến thức, kỹ năng về phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em đến cha mẹ, người chăm sóc trẻ, hộ gia đình, thôn, bản, tổ dân, khu phố, trường học, lớp học để bảo đảm an toàn cho trẻ em; thực hiện việc cải tạo, sửa chữa các vị trí có nguy cơ xảy ra tai nạn, thương tích trẻ em; tăng cường phối hợp liên ngành trong việc chỉ đạo, triển khai công tác phòng, chống tai nạn, thương tích và phòng ngừa trẻ em bị rơi, ngã tại các khu chung cư, nhà cao tầng; huy động sự tham gia của các tổ chức, đoàn thể, người dân trong việc phát hiện, giám sát, cảnh báo, gia cố các khu vực có nguy cơ gây tai nạn, thương tích cho trẻ em.
Thực tế có thể thấy, câu chuyện bé gái 3 tuổi rơi từ tầng 12A tòa nhà 60B Nguyễn Huy Tưởng (Thanh Xuân Trung, Thanh Xuân, Hà Nội) xuống mái tôn đã thêm một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo trong việc quản lý, bảo vệ trẻ em tại gia đình nói chung, các khu chung cư, công cộng nói riêng. Từ vụ việc này, mỗi gia đình cần tiến hành rà soát, kiểm tra lại trong khu vực nhà mình những nơi còn nguy hiểm, là mối nguy cho trẻ em để gia cố, lắp đặt các thiết bị bảo vệ, che chắn, để phòng ngừa tối đa các tai nạn, thương tích có thể xảy ra. Đồng thời luôn đảm bảo có người bảo vệ trẻ em 24/24h. Tất cả phải chung tay tạo ra ngôi nhà an toàn, môi trường an toàn vì thế hệ tương lai của đất nước.
Thái Bình
Liên kết website
Ý kiến ()