
Đảng ta luôn đặc biệt coi trọng công tác xây dựng Đảng, coi đây là "nhiệm vụ then chốt", trong đó công tác cán bộ là "then chốt của then chốt". Bởi cán bộ là nhân tố quyết định sự thành bại của cách mạng, gắn liền với vận mệnh của Đảng, của chế độ và của đất nước, cán bộ là sợi dây kết nối giữa Đảng với dân, đưa đường lối của Đảng về với dân. Chính vì thế, trong quá trình triển khai Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp, Quảng ninh đặc biệt quan tâm, chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ, đặc biệt là xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, có bản lĩnh chính trị, trí tuệ, gương mẫu, quyết tâm đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, sẵn sàng đương đầu với khó khăn, thử thách, luôn nỗ lực hành động vì lợi ích chung.

Xác định công tác cán bộ vừa là nhiệm vụ trọng tâm, đồng thời là giải pháp hữu hiệu để phát huy dân chủ, nâng cao hiệu quả thực hiện các nhiệm vụ chính trị, vì vậy triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp, đặc biệt là Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết ĐH Đảng bộ tỉnh lần thứ XV về công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh và các cấp ủy, tổ chức Đảng trên địa bàn đã có nhiều đổi mới trong công tác cán bộ. Nhờ đó, công tác cán bộ đã đạt được những kết quả quan trọng; xây dựng được đội ngũ cán bộ cơ bản đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; phần lớn đội ngũ cán bộ các cấp có phẩm chất, đạo đức trong sáng, được Nhân dân tín nhiệm, đánh giá cao.
Nhìn lại gần 3 năm qua có thể thấy tập thể Ban Chấp hành, Ban Thường vụ và Thường trực Tỉnh ủy đã lãnh đạo trực tiếp, toàn diện công tác cán bộ và quản lý đội ngũ cán bộ bảo đảm đúng nguyên tắc, nội dung, quy trình, thủ tục, thẩm quyền. Đồng thời, lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện đầy đủ, nghiêm túc các nguyên tắc, quy định, quy chế, quy trình về công tác cán bộ; thường xuyên tự kiểm tra, kịp thời chấn chỉnh những sai sót và chịu trách nhiệm về những hạn chế, khuyết điểm trong công tác cán bộ thuộc phạm vi, thẩm quyền, trách nhiệm được giao. Quan tâm rà soát, sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành theo thẩm quyền các quy định, quy chế về công tác cán bộ. Quy định cụ thể trách nhiệm của tập thể, cá nhân; quy trình, thủ tục, bảo đảm dân chủ, khách quan, công khai, minh bạch trong từng khâu về công tác cán bộ. Thường xuyên kiểm tra, giám sát các cơ quan tham mưu, giúp việc, các cơ quan cấp dưới và cán bộ, công chức thuộc quyền quản lý trong thực hiện nhiệm vụ về công tác cán bộ.
Đặc biệt là đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đã luôn lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nghiêm các nguyên tắc, quy định, quy chế, quy trình về công tác cán bộ, luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, vai trò nêu gương của người đứng đầu, chỉ đạo thực hiện công khai, minh bạch các khâu, nội dung về công tác cán bộ. Đặc biệt là chỉ đạo thực hiện nghiêm túc, đầy đủ quy trình nhân sự theo đúng quy định; triệu tập đầy đủ, đúng thành phần theo quy định khi họp bàn về công tác cán bộ, khi thực hiện đề xuất nhân sự luôn công tâm, rõ ràng, cụ thể, đảm bảo về yêu cầu, tiêu chuẩn, cơ cấu, điều kiện, quy trình giới thiệu, đánh giá nhân sự. Kết luận đầy đủ, chính xác, trung thực, khách quan những nội dung thảo luận và chịu trách nhiệm về kết luận của mình khi chủ trì hội nghị về công tác cán bộ…

Hội nghị giao ban Thường trực Tỉnh ủy với Bí thư các huyện, thị, thành ủy về tình hình, kết quả triển khai thực hiện các nhiệm vụ 6 tháng đầu năm 2023, phương hướng nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới.
Hội nghị giao ban Thường trực Tỉnh ủy với Bí thư các huyện, thị, thành ủy về tình hình, kết quả triển khai thực hiện các nhiệm vụ 6 tháng đầu năm 2023, phương hướng nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới.
Trong các cuộc họp, đồng chí luôn nhấn mạnh vai trò của đội ngũ cán bộ và công tác cán bộ. Gần đây nhất, ngày 16/6/2023, tại TP Hạ Long, trong hội nghị giao ban thường trực Tỉnh ủy với bí thư các địa phương, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Xuân Ký nhấn mạnh: “Muôn việc thành - bại ở địa phương là do công tác cán bộ, mà người đứng đầu là bí thư cấp ủy, cùng ban thường vụ chịu trách nhiệm toàn diện về công tác cán bộ và đội ngũ cán bộ của hệ thống chính trị ở địa phương. Chúng ta phải siết chặt kỷ luật kỷ cương, chấn chỉnh, khắc phục tình trạng người đứng đầu và cán bộ, công chức làm việc cầm chừng, né tránh, sợ sai, ngại va chạm; nêu cao vai trò, trách nhiệm, tính nêu gương, nhất là của người đứng đầu để thúc đẩy mọi mặt công tác ở địa phương”.
Để thực hiện tốt công tác cán bộ, thời gian qua, Quảng Ninh tiếp tục triển khai nghiêm túc, có hiệu quả Nghị quyết 26-NQ/TW ngày 19/5/2018 của Ban Chấp hành Trung ương và Kế hoạch số 228-KH/TU ngày 29/8/2018 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, cán bộ lãnh đạo, quản lý diện ban thường vụ cấp tỉnh, cấp huyện quản lý đủ phẩm chất, năng lực và uy tín ngang tầm nhiệm vụ. Các mặt công tác cán bộ được chú trọng theo hướng đồng bộ, kết nối giữa các khâu, tăng cường công khai, minh bạch, kiểm soát quyền lực, chống chạy chức chạy quyền.

BCH Đảng bộ tỉnh tổ chức Hội nghị cán bộ chủ chốt về công tác cán bộ. Ảnh: Thu Chung
BCH Đảng bộ tỉnh tổ chức Hội nghị cán bộ chủ chốt về công tác cán bộ. Ảnh: Thu Chung
Tỉnh đã cụ thể hóa nguyên tắc Đảng thống nhất lãnh đạo công tác cán bộ và quản lý đội ngũ cán bộ; chủ động xây dựng các giải pháp tổng thể về công tác cán bộ, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện hệ thống các quy chế, quy định. Tổng kết việc thực hiện một số quy định về công tác cán bộ và cụ thể hóa hệ thống các văn bản chỉ đạo mới của Trung ương về tổ chức cán bộ; sửa đổi Quy định tiêu chuẩn chức danh cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh uỷ quản lý; rà soát sửa đổi, bổ sung quy chế làm việc của cấp ủy, các quy chế, quy định về công tác cán bộ phù hợp với quy định của Trung ương, của tỉnh theo phân cấp.
Đặc biệt, cụ thể hóa Quy định 205-QĐ/TW ngày 23/9/2019 của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống "chạy chức, chạy quyền", Tỉnh ủy đã bổ sung, hoàn thiện các quy định, quy chế về công tác cán bộ; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền đi đôi với tăng cường kiểm tra, giám sát và siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong công tác đề bạt, bổ nhiệm cán bộ. Quy trình công tác cán bộ tiếp tục được đổi mới, bảo đảm dân chủ, khách quan, công khai, minh bạch, công bằng, chặt chẽ hơn; đã làm rõ được trách nhiệm của cán bộ, tập thể lãnh đạo của cơ quan tham mưu, đề xuất; trách nhiệm của cán bộ, cơ quan thẩm định, thành viên cấp ủy, cán bộ lãnh đạo và người đứng đầu trong công tác cán bộ. Trong đó, đã sửa đổi, bổ sung, xây dựng các quy chế, quy định về công tác cán bộ (về công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ; quy định về điều động, luân chuyển cán bộ; quy định về bổ nhiệm, bổ nhiệm lại cán bộ…) nhằm cụ thể hóa các chỉ đạo của Trung ương theo hướng đồng bộ, kế thừa, kết nối giữa các khâu, tăng cường công khai, minh bạch trong công tác cán bộ. Các quy định, quy chế đã ban hành đảm bảo được vai trò lãnh đạo trực tiếp, toàn diện của cấp uỷ đảng về công tác cán bộ, đồng thời từng bước tăng cường phân cấp, uỷ quyền, mở rộng dân chủ, đề cao trách nhiệm của các tổ chức và cá nhân người đứng đầu trong công tác cán bộ.

Các đại biểu HĐND huyện Đầm Hà bỏ phiếu bầu kiện toàn chức danh Chủ tịch UBND huyện nhiệm kỳ 2021-2026, ngày 7/3/2022. Ảnh: Quốc Nghị (CTV)
Các đại biểu HĐND huyện Đầm Hà bỏ phiếu bầu kiện toàn chức danh Chủ tịch UBND huyện nhiệm kỳ 2021-2026, ngày 7/3/2022. Ảnh: Quốc Nghị (CTV)
Tỉnh đã thực hiện nghiêm túc, chặt chẽ quy trình bổ nhiệm, bổ nhiệm lại và giới thiệu cán bộ ứng cử, coi trọng dân chủ, minh bạch, đảm bảo đúng quy định, đặt tiêu chuẩn, điều kiện và việc thực hiện các quy định về nêu gương là yếu tố tiên quyết, đảm bảo không để lọt vào đội ngũ cán bộ những người không xứng đáng, phòng, ngừa chạy chức, chạy quyền. Qua đó kịp thời kiện toàn, củng cố các vị trí lãnh đạo, quản lý phù hợp với tình hình thực tiễn, việc kiện toàn, bổ sung đều có sự đoàn kết, nhất trí cao (Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại 660 cán bộ (trong đó 50 cán bộ diện BTV Tỉnh ủy quản lý, 610 cán bộ diện BTV huyện ủy quản lý); giới thiệu ứng cử 1.245 cán bộ (cấp tỉnh 104, cấp huyện 1.141).
Tiếp tục thực hiện trình bày đề án, thi tuyển cạnh tranh, đảm bảo khách quan, công khai, khích lệ những người có tư duy đổi mới, năng động, dám nghĩ, có kế hoạch hành động rõ ràng khả thi. (Cấp tỉnh: Thi tuyển các chức danh: Giám đốc Sở Tư pháp, Phó Giám đốc Sở Ngoại vụ và Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường; thực hiện quy trình kiện toàn chức danh Trưởng Ban Quản lý Khu kinh tế. Cấp huyện: thi tuyển 150 vị trí lãnh đạo, quản lý). Thực hiện điều động, luân chuyển cán bộ với nhiều hình thức “dọc, ngang”, tạo điều kiện cho cán bộ kinh qua nhiều vị trí để tạo nguồn; quan tâm luân chuyển cán bộ trẻ, có triển vọng, nơi có nhu cầu về tăng cường cán bộ (Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, toàn tỉnh đã luân chuyển 366 lượt cán bộ).


Trong những năm vừa qua, tỉnh Quảng Ninh đã đề ra những quan điểm, chủ trương và giải pháp quan trọng, phù hợp với từng thời kỳ, trực tiếp lãnh đạo, quản lý cán bộ, thể chế hóa, cụ thể hóa bằng nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn. Đồng thời, quan tâm đào tạo, bồi dưỡng, nhằm không ngừng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của công cuộc đổi mới.

Khai giảng lớp bồi dưỡng, cập nhật kiến thức cho cán bộ đương nhiệm các chức danh lãnh đạo, quản lý và lớp bồi dưỡng cho cán bộ dự nguồn các chức danh lãnh đạo, quản lý diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý năm 2022.
Khai giảng lớp bồi dưỡng, cập nhật kiến thức cho cán bộ đương nhiệm các chức danh lãnh đạo, quản lý và lớp bồi dưỡng cho cán bộ dự nguồn các chức danh lãnh đạo, quản lý diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý năm 2022.
Công tác quy hoạch cán bộ được chú trọng, kịp thời xây dựng, bổ sung quy hoạch đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Tỉnh đã rà soát, bổ sung quy hoạch cán bộ nhiệm kỳ 2020 - 2025 (2021 - 2026), xây dựng quy hoạch cán bộ nhiệm kỳ 2025 - 2030 (2026 - 2031) theo phương châm “động” và “mở”. Thực hiện từ dưới lên, lấy quy hoạch cấp dưới để xây dựng cho cấp trên, thống nhất trong toàn Đảng bộ tỉnh về hệ số quy hoạch, cơ cấu, số lượng, đảm bảo điều kiện, tiêu chuẩn, quy trình, thủ tục, công khai, minh bạch. Quảng Ninh là một trong những địa phương cụ thể hóa, hoàn thành nhiệm vụ triển khai công tác quy hoạch năm 2022 sớm nhất của nước. Nhiệm kỳ 2025 - 2030, 2026 - 2031 không quy hoạch số lượng tối đa mà phê duyệt với tỷ lệ từ 1,0 đến 1,3 lần so với đương nhiệm, hằng năm sẽ tiếp tục rà soát, phát hiện, bổ sung thêm nhân tố mới, cán bộ trẻ, phấn đấu đến cuối nhiệm kỳ sẽ đạt tỷ lệ, cơ cấu theo quy định.
Trong công tác đánh giá cán bộ, tỉnh coi trọng hiệu quả công tác, gắn với việc chỉ đạo, điều hành thực hiện nhiệm vụ chính trị của đơn vị. Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Quy chế số 13-QC/TU ngày 06/7/2020 “Về đánh giá cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý”. Trong đó, thực hiện đổi mới cơ bản trong công tác đánh giá, xếp loại, chỉ đạo và hướng dẫn không nhất thiết phải đạt 20% hoặc có tập thể, cá nhân hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ nếu không đảm bảo yêu cầu để từng bước khắc phục bệnh thành tích, hình thức. Tổ chức tập huấn nghiệp vụ công tác kiểm điểm, đánh giá, xếp loại chất lượng cho đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác tổ chức các cấp ủy, cơ quan, đơn vị; chỉ đạo các cấp ủy trực thuộc tỉnh tập huấn cho cấp ủy cơ sở và chi bộ trực thuộc đảng bộ cơ sở. Chỉ đạo các cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị tiến hành kiểm điểm, đánh giá, xếp loại chất lượng đảm bảo mục đích, yêu cầu, tiêu chí, tiêu chuẩn và các nguyên tắc đề ra. Lập các đoàn công tác chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra, giám sát, nhất là ở những nơi có gợi ý kiểm điểm. Ban Tổ chức Tỉnh ủy hiện đang nghiên cứu xây dựng Quy chế đánh giá, xếp loại (tháng, quý, năm) đối với cán bộ, công chức trong hệ thống chính trị tỉnh. Một số đảng bộ thí điểm đánh giá đảng viên theo tháng ở một số đảng bộ cơ sở như: Một số đảng bộ cơ sở thuộc Đảng bộ Than Quảng Ninh; Huyện ủy Hải Hà: ban hành Quy chế thí điểm đánh giá, xếp loại hàng quý đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý.

Giảng viên Khoa Lý luận cơ sở (Trường Đào tạo cán bộ Nguyễn Văn Cừ) trao đổi với học viên Lớp trung cấp lý luận chính trị - hành chính (A56). Ảnh Minh Yến
Giảng viên Khoa Lý luận cơ sở (Trường Đào tạo cán bộ Nguyễn Văn Cừ) trao đổi với học viên Lớp trung cấp lý luận chính trị - hành chính (A56). Ảnh Minh Yến
Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức được tham mưu triển khai trọng tâm, trọng điểm, bám sát định hướng yêu cầu của giai đoạn và từng năm. Từ đầu nhiệm kỳ tỉnh đến nay đã tổ chức 184 lớp đào tạo, bồi dưỡng cho 11.990 lượt cán bộ (Năm 2022, đã tổ chức đào tạo, bồi dưỡng 85 lớp cho 5.333 lượt học viên. Năm 2021, đã triển khai 99 lớp đào tạo, bồi dưỡng, cho 6.657 lượt học viên..) Nội dung đào tạo, bồi dưỡng đảm bảo chuẩn hóa về kiến thức, khung vị trí việc làm, tiêu chuẩn công chức lãnh đạo, quản lý và công chức các ngạch hành chính, hướng vào các vấn đề thực tiễn đặt ra. Đáp ứng yêu cầu ngày càng cao về công tác bồi dưỡng cán bộ trong giai đoạn mới, Ban Tổ chức Tỉnh ủy đã thẩm định, trình Ban Thường vụ Tỉnh ủy phê duyệt Đề án “Xây dựng Trường Đào tạo cán bộ Nguyễn Văn Cừ đạt chuẩn giai đoạn 2022 - 2027, định hướng đến năm 2030” (Quyết định số 765-QĐ/TU ngày 10/10/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy) Tham mưu ban hành Quy định số 893-QĐ/TU ngày 01/02/2023 về “Đối tượng, tiêu chuẩn và phân cấp đào tạo lý luận chính trị trong hệ thống chính trị tỉnh Quảng Ninh” để triển khai Quy định số 57-QĐ/TW ngày 08/02/2022 của Ban Bí thư, bảo đảm sự lãnh đạo chặt chẽ, thống nhất, đồng bộ về đối tượng, tiêu chuẩn và phân cấp, đưa công tác đào tạo lý luận chính trị ngày càng đi vào nền nếp, hiệu quả và phù hợp với từng đối tượng. Các địa phương, đơn vị xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức sát với nhu cầu cơ sở; đội ngũ cán bộ được cử đi bồi dưỡng, học tập đúng đối tượng, tiêu chuẩn, yêu cầu của tỉnh.
Cùng với đó, tỉnh cũng tăng cường kiêm nhiệm chức danh người đứng đầu: 100% bí thư cấp ủy đồng thời là thủ trưởng cơ quan, đơn vị; bí thư chi bộ đồng thời là trưởng thôn, bản, khu phố. Thí điểm kiêm nhiệm chức danh Bí thư cấp ủy đồng thời là Chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn ở những nơi đủ điều kiện, hiện đang thực hiện ở 115/177 (65%) xã, phường, thị trấn; coi trọng bố trí cán bộ đủ tiêu chuẩn, phẩm chất, năng lực, uy tín kinh nghiệm thực tiễn để giao trách nhiệm và tăng cường kiểm soát quyền lực. Đẩy mạnh thực hiện chủ trương bí thư cấp ủy không phải người địa phương: cấp huyện 12/13 (92,3%); cấp xã 138/177 (77,4%).

Các đại biểu bỏ phiếu bầu bổ sung Ủy viên Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy nhiệm kỳ 2020-2025. Ảnh Thu Chung
Các đại biểu bỏ phiếu bầu bổ sung Ủy viên Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy nhiệm kỳ 2020-2025. Ảnh Thu Chung

Đồng chí Trịnh Thị Minh Thanh, Phó Bí thư Tỉnh ủy đã trao quyết định của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về chuẩn y kết quả bầu cử chức vụ Bí thư Đảng ủy Bộ đội Biên phòng tỉnh, nhiệm kỳ 2020-2025 và chức vụ Ủy viên, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy Bộ đội Biên phòng tỉnh, nhiệm kỳ 2020-2025.
Đồng chí Trịnh Thị Minh Thanh, Phó Bí thư Tỉnh ủy đã trao quyết định của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về chuẩn y kết quả bầu cử chức vụ Bí thư Đảng ủy Bộ đội Biên phòng tỉnh, nhiệm kỳ 2020-2025 và chức vụ Ủy viên, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy Bộ đội Biên phòng tỉnh, nhiệm kỳ 2020-2025.
Ngày đăng: 19/7/2023
Thực hiện: MINH THU
Trình bày: ĐỖ QUANG