
Ngay từ Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng năm 1930, Đảng ta đã đề cập đến vấn đề phát triển văn hóa, con người. Đại hội XIII xác định và triển khai xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa và chuẩn mực con người Việt Nam gắn với giữ gìn, phát triển hệ giá trị gia đình Việt Nam trong thời kỳ mới: “lấy giá trị văn hóa, con người Việt Nam là nền tảng, sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững”. Từ “kim chỉ nam” này, Quảng Ninh đã có những chỉ đạo thiết thực và các giải pháp lớn để thực hiện chủ trương kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế nhanh, bền vững với phát triển văn hóa, con người, xây dựng nền văn hóa giàu bản sắc Quảng Ninh, đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh của tỉnh và đất nước. Trong đó, đặc biệt nhấn mạnh việc phát huy những giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc, truyền thống “Kỷ luật và đồng tâm” của người vùng mỏ và xây dựng con người Quảng Ninh “Năng động - sáng tạo - hào sảng - lành mạnh - thân thiện - văn minh”.

Quảng Ninh nằm ở vị trí cửa ngõ tiền tiêu, phên giậu vùng Đông Bắc của Tổ quốc với tổng diện tích trên 12.200km, có vị trí trọng yếu về chính trị, kinh tế, văn hóa, quốc phòng, an ninh và đối ngoại. Quảng Ninh là tỉnh có nhiều thành phố, có hệ thống đường cao tốc dài nhất cả nước với hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại, bảo đảm liên thông tổng thể, liên kết vùng, nội vùng và liên kết khu vực, quốc tế. Bề dầy lịch sử, đặc trưng của vùng đất Quảng Ninh; bản sắc, cốt cách Quảng Ninh khắc họa tính địa phương đậm nét, thể hiện ở nền văn hóa đặc sắc, con người hào sảng, thiên nhiên tươi đẹp, in dấu trên 630 di tích (trong đó có 8 di tích quốc gia đặc biệt; 56 di tích quốc gia; 100 di tích cấp tỉnh; 466 di tích được kiểm kê phân loại).
Di tích quốc gia đặc biệt Yên Tử chứa đựng những giá trị mang tầm vóc toàn cầu.
Di tích quốc gia đặc biệt Yên Tử chứa đựng những giá trị mang tầm vóc toàn cầu.
Đặc biệt, Quảng Ninh là nơi có Di sản - Kỳ quan thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long cùng những đặc sắc “có một, không hai” của Vịnh Bái Tử Long và mạng lưới di tích lịch sử - văn hóa, thương cảng Vân Đồn; có trữ lượng than lớn nhất Đông Nam Á, là nơi hình thành ngành công nghiệp đầu tiên và là cái nôi của giai cấp công nhân Việt Nam với truyền thống cách mạng “Kỷ luật và Đồng tâm”; xã hội, con người là nơi hội tụ, giao thoa, thống nhất trong đa dạng của nền văn minh sông Hồng; nơi duy nhất có nhà vua sau khi thắng giặc ngoại xâm từ bỏ ngai vàng lên núi hóa Phật, để lại Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử mang bản sắc riêng của Phật giáo Việt Nam với tư tưởng về hòa nhập đạo pháp với dân tộc và đoàn kết các tôn giáo, chứa đựng trong mình vũ khí tinh thần bất diệt. “Bản sắc, cốt cách Quảng Ninh khắc họa tính địa phương đậm nét, thể hiện ở nền văn hóa đặc sắc, con người hào sảng, thiên nhiên tươi đẹp”.
Công tác bảo tồn các giá trị văn hóa được quan tâm, đã triển khai trên 300 dự án với tổng số kinh phí trên 4.000 tỷ đồng (kinh phí ngân sách nhà nước khoảng trên 1.000 tỷ đồng; kinh phí xã hội hóa khoảng 2.700 tỷ đồng). Điển hình như các khu di tích lịch sứ và danh thắng Yên Tử, khu di tích nhà Trần tại Đông Triều và khu di tích lịch sử Bạch Đằng; các lễ hội văn hoá, lịch sử truyền thống được tổ chức hiệu quả, nhiều lễ hội được phục dựng thành công, bài bản, đúng bản sắc truyền thống của dân tộc (Lễ hội văn hóa thể thao dân tộc Dao, Tày, Sán Chỉ, Sán Dìu,...); một số lễ hội mới được xây dựng thành sản phẩm văn hóa thường niên như lễ hội Xuân Yên Tử, Carnaval Hạ Long, lễ hội hoa Anh đào - Mai vàng Yên Tử, Lễ hội hoa sở, lễ hội trà hoa vàng, lễ hội Tiên Công,...
Chương trình nghệ thuật khai hội Trà hoa vàng lần thứ IV năm 2023 với chủ đề “Ba Chẽ chặng đường xây dựng Nông thôn mới - Rực rỡ sắc hoa trà vàng” được dàn dựng công phu, hoành tráng.
Chương trình nghệ thuật khai hội Trà hoa vàng lần thứ IV năm 2023 với chủ đề “Ba Chẽ chặng đường xây dựng Nông thôn mới - Rực rỡ sắc hoa trà vàng” được dàn dựng công phu, hoành tráng.
Hệ thống thiết chế văn hóa thể thao cơ sở được quan tâm đầu tư đồng bộ, từng bước đạt chuẩn theo quy định và khai thác có hiệu quả sau đầu tư góp phần nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân trên địa bàn; đầu tư hoàn thiện và đưa vào sử dụng Trung tâm huấn luyện thể thao tỉnh; cải tạo, nâng cấp sân vận động Cẩm Phả thành sân vận động cấp tỉnh... Tỉnh đã đăng cai tổ chức thành công nhiều sự kiện đối ngoại, văn hóa, du lịch, thể thao quy mô quốc tế, khu vực, quốc gia như SEA Games 31, Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ IX... để lại dấu ấn tốt đẹp về mảnh đất, con người Quảng Ninh “Giàu đẹp - Văn minh - Hiện đại’’ - Điểm đến an toàn, thân thiện, hấp dẫn; qua đó, khẳng định Quảng Ninh là một trong những trung tâm tổ chức các sự kiện hàng đầu của cả nước.
Quảng Ninh tổ chức thành công 7 môn thi đấu tại SEA Games 31.
Quảng Ninh tổ chức thành công 7 môn thi đấu tại SEA Games 31.
Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" đã triển khai hiệu quả và được nhân dân hưởng ứng. Năm 2023, toàn tỉnh ước có 95% gia đình đạt danh hiệu Gia đình văn hóa, 96% thôn, khu đạt danh hiệu "Thôn, khu phố văn hóa". 100% các khu dân cư đã xây dựng được hương ước, quy ước; việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang được nhân dân tuân thủ chấp hành nghiêm túc. Chú trọng xây dựng văn hóa trong cơ quan, doanh nghiệp, cộng đồng dân cư; đề cao tính tiên phong, gương mẫu trong văn hóa ứng xử của người lãnh đạo, cán bộ, đảng viên. Xây dựng con người Quảng Ninh “năng động, sáng tạo, hào sảng, lành mạnh, văn minh, thân thiện”.

Trong xây dựng và phát triển, tỉnh luôn quan tâm chăm lo đảm bảo an sinh, phúc lợi xã hội; phát triển toàn diện các lĩnh vực văn hóa, xã hội, con người, nâng cao chất lượng đời sống nhân dân, nhất là ở miền núi, biên giới, hải đảo; nhanh chóng rút ngắn khoảng cách chênh lệch vùng, miền; bảo vệ môi trường sinh thái. GRDP bình quân đầu người năm 2023 đạt 9.500 USD (cao nhất ở khu vực phía Bắc), Quảng Ninh đã hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới ở cả ba cấp và về đích trước 03 năm chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025. Đời sống nhân dân không ngừng được cải thiện, nâng cao.
Du khách nước ngoài trải nghiệm văn hoá của đồng bào dân tộc thiểu số huyện Bình Liêu. Ảnh: La Lành (Trung tâm TT-VH Bình Liêu)
Du khách nước ngoài trải nghiệm văn hoá của đồng bào dân tộc thiểu số huyện Bình Liêu. Ảnh: La Lành (Trung tâm TT-VH Bình Liêu)
Tỉnh và các địa phương đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, quản lý tạo cơ sở pháp lý và điều kiện để các cấp, các ngành, tổ chức chính trị xã hội tập trung bồi dưỡng tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc; ý thức tuân thủ pháp luật, xây dựng con người Quảng Ninh “Năng động - Sáng tạo - Hào sảng - Lành mạnh - Văn minh - Thân thiện”. Các chuẩn mực tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của con người Quảng Ninh dần được hình thành đưa vào quy ước, hương ước làng, xã; vào quy chế, quy định, nội dung, quy tắc của cơ quan, đơn vị, tổ chức. Trong đó, huyện Tiên Yên đẩy mạnh thực hiện phong trào “Người Tiên Yên nói lời hay, làm việc tốt, ứng xử văn minh” gắn với phát triển con người Tiên Yên theo hướng toàn diện, có lối sống tốt đẹp với các đặc trưng “Năng động - Sáng tạo - Hào sảng - Lành mạnh - Văn minh - Thân thiện”. Huyện Ba Chẽ chỉ đạo giữ gìn và phát huy bền vững giá trị bản sắc văn hóa các dân tộc, các di tích lịch sử văn hóa của địa phương, sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân; xây dựng con người Ba Chẽ với các đặc trưng “Năng động - Sáng tạo - Hào sảng - Lành mạnh - Văn minh - Thân thiện”. TP Cẩm Phả “Xây dựng hình ảnh con người Cẩm Phả văn minh, thân thiện, nghĩa tình”. Huyện Đầm Hà xây dựng Đề án xây dựng và phát triển con người Đầm Hà “Đoàn kết, sáng tạo, thân thiện, nghĩa tình”. Huyện Cô Tô triển khai Đề án xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc, bền vững trên địa bàn huyện Cô Tô giai đoạn 2019 - 2020, định hướng đến năm 2025; Thị xã Đông Triều xây dựng “Người Đông Triều văn minh, thân thiện”.
Đặc biệt, tỉnh và các địa phương đều chú trọng đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh luôn trở thành việc làm thường xuyên, liên tục; xem đó là nòng cốt để xây dựng con người Quảng Ninh về đạo đức, lối sống, lý tưởng, trách nhiệm.
Học sinh Trường Tiểu học Đông Ngũ 2 (huyện Tiên Yên) lắng nghe các câu chuyện về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.
Học sinh Trường Tiểu học Đông Ngũ 2 (huyện Tiên Yên) lắng nghe các câu chuyện về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.
Song song với đó, Quảng Ninh đã chỉ đạo tập trung nâng cao chất lượng giáo dục về đạo đức, giáo dục công dân, kỹ năng sống, kỹ năng giao tiếp, ứng xử văn hóa, ngoại ngữ, ứng dụng công nghệ thông tin, năng lực thực hành và vận dụng kiến thức vào thực tiễn cho học sinh, sinh viên. Cụ thể là triển khai thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 04/11/2013 của BCH Trung ương Đảng khóa XI và Đề án “Đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục - đào tạo, đáp ứng yêu cầu CNH, HĐH trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng XHCN và hội nhập quốc tế”, UBND tỉnh chỉ đạo Sở Giáo dục và Đào tạo tham mưu triển khai thực hiện chuyển quá trình giáo dục từ chủ yếu chú trọng trang bị kiến thức (nâng cao dân trí) sang tập trung phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học (năng lực công dân). 100% các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh đã xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện các chuyên đề về giáo dục đạo đức, lối sống, văn hóa văn nghệ cho học sinh, sinh viên. Thực hiện giảng dạy chương trình kỹ năng sống, kỹ năng giao tiếp, ứng xử văn hóa tích hợp trong các giờ chính khóa. Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh có 28 cơ sở được cấp phép tổ chức hoạt động giáo dục kỹ năng sống, thường xuyên phối hợp với các trường học, cơ quan, địa phương trên địa bàn tỉnh giảng dạy các kỹ năng mềm, kích thích giác quan tư duy, văn hóa ứng xử, giao tiếp.
Phát huy vai trò của văn học, nghệ thuật trong việc bồi dưỡng tâm hồn, giáo dục nghệ thuật, năng lực cảm thụ thẩm mỹ: Chú trọng giáo dục nghệ thuật, khuyến khích mở các trung tâm, câu lạc bộ dạy và sinh hoạt các loại hình nghệ thuật nhằm nâng cao trình độ, năng lực cảm thụ thẩm mỹ trong nhân dân, nhất là đối tượng trẻ. Tại các địa phương Móng Cái, Bình Liêu, Đông Triều, Quảng Yên, Ba Chẽ một số lớp dạy đàn tính, hát then, hát nhà tơ, hát cửa đình, hát đúm, hát chèo... được tổ chức truyền dạy cho người dân, học sinh. Cùng với đó là các điệu múa dân gian, một số trò chơi dân gian trong lễ hội cũng đã được phục dựng và đưa vào nhiều trường học. Năm 2019, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã phê duyệt Đề án “Phát hiện tài năng và bồi dưỡng kỹ năng, năng khiếu một số lĩnh vực cho thanh thiếu nhi trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, giai đoạn 2019 - 2025”. Đề án là cơ sở cho công tác đào tạo, bồi dưỡng nhiều thanh, thiếu nhi phát triển năng khiếu một cách toàn diện, bài bản. Thực hiện Đề án, Tỉnh Đoàn đã chú trọng tuyên truyền, nâng cao nhận thức về việc phát hiện tài năng; bồi dưỡng kỹ năng, năng khiếu cho thanh, thiếu nhi thông qua các phương tiện thông tin đại chúng; tập hợp, kết nối tài năng trẻ thông qua các hoạt động của tổ chức Đoàn và phong trào thanh, thiếu nhi. Tỉnh Đoàn cũng có cơ chế khuyến khích tài năng trẻ đã thành đạt quay lại hỗ trợ, đóng góp, nuôi dưỡng cho các tài năng mới được phát hiện. Nhằm phát triển và bồi dưỡng năng khiếu cho thanh, thiếu nhi, Tỉnh Đoàn cùng với Trung tâm Truyền thông tỉnh đã thành lập ra Quỹ tài năng trẻ của tỉnh. Trung bình mỗi năm, Quỹ đã tôn vinh từ 100-150 tài năng cấp tỉnh với mức hỗ trợ từ 300.000 đồng đến 3 triệu đồng/suất và tổng Quỹ đã trao tính đến nay đạt 4 tỷ đồng.
Các đồng chí lãnh đạo tỉnh tuyên dương 9 Gương mặt trẻ tiêu biểu tỉnh Quảng Ninh năm 2022.
Các đồng chí lãnh đạo tỉnh tuyên dương 9 Gương mặt trẻ tiêu biểu tỉnh Quảng Ninh năm 2022.
Xây dựng con người Quảng Ninh phát triển về thể chất, cải thiện tầm vóc thể trạng, chất lượng cuộc sống của người dân: Những năm gần đây ngành y tế Quảng Ninh đã có những bước phát triển mới. Hệ thống y tế toàn tỉnh được rà soát, sắp xếp theo hướng tinh gọn, hiệu quả; cơ sở vật chất, trang thiết bị từng bước được đầu tư đồng bộ, hiện đại; chất lượng nguồn nhân lực được nâng lên, nguồn nhân lực chất lượng cao được đặc biệt quan tâm. Năng lực hệ thống y tế dự phòng Quảng Ninh được xếp vào nhóm đầu cả nước. Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động quản lý, khám, chữa bệnh, góp phần giảm thời gian giải quyết thực hiện thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho Nhân dân.
Thực hiện: HÀ CHI
Trình bày: ĐỖ QUANG