Sau nhiều năm kiên trì thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, tỉnh Quảng Ninh đã gặt hái rất nhiều “trái ngọt”. Toàn tỉnh không còn hộ nghèo theo tiêu chí của Trung ương. Những vùng đất nghèo khó mà chúng tôi đã từng đi qua nay hiện hữu sự đổi thay tích cực, chúng tôi được chung vui với bà con vùng đồng bào DTTS và tin tưởng vào ngày mai thêm tươi sáng. Chưa thể bằng lòng với những gì đã đạt được, những bước đi luôn tiến lên về phía trước, trên chặng đường mới cả hệ thống chính trị của tỉnh tiếp tục nỗ lực, đoàn kết, sáng tạo; huy động sức mạnh toàn dân xây dựng cuộc sống ngày càng ấm no, hạnh phúc; KT-XH phát triển không ngừng...

Sau gần nửa tiếng đồng hồ men theo con đường uốn lượn bên những vạt đồi xanh ngút ngàn của núi rừng, liên tiếp những khúc cua tay áo, nhóm phóng viên Trung tâm Truyền thông tỉnh đã đến được thôn Phạt Chỉ - nơi có những nếp nhà của đồng bào dân tộc Dao tựa lưng vững chắc vào núi. Thôn Phạt Chỉ, xã Đồng Văn (huyện Bình Liêu) nằm ở lưng chừng dãy Quảng Nam Châu, dãy núi có độ cao 1.507m so với mực nước biển, giáp biên giới với Trung Quốc. Thôn có 42 hộ dân, trong đó 100% dân số là đồng bào dân tộc Dao. Nhiều năm trước, Phạt Chỉ là một trong những thôn khó khăn, cách trở, được coi là “rốn nghèo” của huyện Bình Liêu. Bởi sự cách trở về nhiều mặt, nhất là biệt lập với bên ngoài nên cái nghèo mãi “đeo bám” bà con nơi đây.

Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Phạt Chỉ (xã Đồng Văn, huyện Bình Liêu) Dường Cắm Hỷ.

Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Phạt Chỉ (xã Đồng Văn, huyện Bình Liêu) Dường Cắm Hỷ.

Đã hẹn trước, đồng chí Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Phạt Chỉ Dường Cắm Hỷ vui mừng đón chúng tôi như những vị khách đặc biệt đến thăm thôn mình. Tiết trời giá lạnh của những ngày Giáp Tết Nguyên đán 2024, bên chén trà nóng hòa quyện hương thơm đặc trưng của hoa hồi, hoa sở với những câu chuyện: “Lù hoi nây phặt chấy lăng, chiện sung” có nghĩa “trước đây cuộc sống của bà con thôn Phạt Chỉ nghèo lắm...” được tái hiện theo mạch kể đầy cảm xúc của đồng chí Bí thư Chi bộ.

Anh Dường Cắm Hỷ tâm sự: “Những năm đầu thập kỷ 90, thấy vùng đất đang ở là bản Sông Moóc, xã Đồng Văn hẹp dần đất làm nương, trong khi vùng biên Phạt Chỉ lại chưa có dân sinh sống ổn định nên một số hộ dân đã di cư đến đây dựng nhà, khai hoang. Những ngày đầu, cuộc sống của bà con trong thôn gặp muôn vàn khó khăn. Đường sá đi lại chỉ là những lối mòn chằng chịt cỏ hoang xòa lấp cả mặt đường, đất đá trơn trượt. Vùng đất cằn cỗi nước ít hơn đá, đá ít hơn mây quanh năm chỉ cấy được một vụ lúa duy nhất. Cứ thế, hầu hết người dân nơi đây chỉ có sự lựa chọn duy nhất đó là cố bám trụ với rừng, sống lay lắt trong nghèo khó và trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước. Khi ấy, mọi người thường động viên và kháo nhau rằng bao giờ mùa đông thôn Phạt Chỉ hết sương mù bao phủ, khi những quả đồi trên dãy núi Quảng Nam Châu được bạt xuống, đường mòn hạ độ cao thì lúc đó may ra cuộc sống của người dân trong thôn mới thoát được cảnh nghèo”.

Người dân thôn Phạt Chỉ tích cực tham gia các mô hình sản xuất, tăng thu nhập, thoát nghèo bền vững.

Người dân thôn Phạt Chỉ tích cực tham gia các mô hình sản xuất, tăng thu nhập, thoát nghèo bền vững.

Và, đó chỉ là những câu chuyện ở Phạt Chỉ của nhiều năm về trước. Giờ đây, Phạt Chỉ đã hoàn toàn đổi khác. Từ những chủ trương, chương trình, chính sách hỗ trợ xây dựng NTM, giảm nghèo, chương trình mục tiêu vì sự phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS..., Phạt Chỉ được Nhà nước quan tâm đầu tư điện lưới, đường, sóng viễn thông về tận nơi... Điều thay đổi lớn vô cùng quan trọng đó là tư duy của đồng bào đã thay đổi tích cực. Vùng núi hoang sơ một thời giờ đây được bà con Phạt Chỉ phủ kín rừng keo, hồi, quế và cây ăn quả... Những thửa đất khô cằn, bạc màu, nứt nẻ cũng được người dân dồn tâm huyết, công sức để cải tạo thành ruộng bậc thang trồng ngô, khoai, sắn, rau màu, cây trái... bốn mùa xanh tốt. Nhiều hộ mạnh dạn đầu tư chăn nuôi gia súc, gia cầm theo mô hình trang trại, gia trại.

Từng có tư tưởng trông chờ ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước, vợ chồng Dường A Tài (thôn Phạt Chỉ) đã thay đổi tư duy, vươn lên phát triển kinh tế và thoát hộ cận nghèo. Lúc mới đến Phạt Chỉ lập nghiệp với hai bàn tay trắng, thứ duy nhất vợ chồng anh Tài mang theo đó là cặp lợn, vài con gà giống được người thân tặng khi ra ở riêng cùng với số tiền ít ỏi vay thêm ngân hàng mở rộng quy mô đàn lợn, gà. Giờ đây, vợ chồng anh Tài đã có cả một trang trại lợn, gà hàng chục con. Nhận thấy khí hậu, đất đai vùng này phù hợp trồng cây gỗ lớn, gia đình anh đã đầu tư trồng 3ha giống cây hồi, quế. Mô hình này không chỉ giúp gia đình anh Dường A Tài thoát cảnh khó khăn mà còn trở thành hộ có thu nhập khá trong thôn.

Gia đình anh Dường A Tài (thôn Phạt Chỉ, xã Đồng Văn, huyện Bình Liêu) đã thoát nghèo thành công nhờ thay đổi tư duy sản xuất.

Gia đình anh Dường A Tài (thôn Phạt Chỉ, xã Đồng Văn, huyện Bình Liêu) đã thoát nghèo thành công nhờ thay đổi tư duy sản xuất.

“Từ khi có điện, có đường, giao thương buôn bán trong thôn thuận tiện hơn trước rất nhiều. Không chỉ gia đình tôi mà nhiều hộ khác rất phấn khởi nên đã dần thay đổi tư duy làm ăn, không còn trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước nữa, tự nhủ phải tự phấn đấu vươn lên thoát nghèo để cuộc sống tốt hơn, có điều kiện chăm lo cho con cái học hành tiến bộ. Mỗi năm, gia đình tôi thu lãi gần 100 triệu đồng từ công sức của mình nên càng có động lực để tiếp tục phấn đấu nữa. Năm 2022, vợ chồng tôi mừng lắm khi chính thức thoát cảnh hộ cận nghèo. Đây là niềm vui, động lực lớn để gia đình tôi tiếp tục phấn đấu vươn lên trong cuộc sống, quyết tâm chỉ có tiến lên chứ không thể trở lại nghèo khó. Tôi nghĩ ở đâu cũng vậy, cứ chăm chỉ làm ăn thì đất sẽ không phụ lòng người” - Dường A Tài nói.

Homestay A Dào, thôn Phạt Chỉ (xã Đồng Văn, huyện Bình Liêu)

Homestay A Dào, thôn Phạt Chỉ (xã Đồng Văn, huyện Bình Liêu)

Chắc hẳn ít ai hình dung người dân Phạt Chỉ có thể làm giàu và tạo sự đổi thay nhanh chóng cho mảnh đất vốn cực kỳ khó khăn về rất nhiều mặt, thời tiết khắc nghiệt... Trong “cái khó ló cái khôn”, Phạt Chỉ vẫn có nhiều cơ hội khi tư tưởng người dân thay đổi, biết cách làm ăn, trong đó biết chuyển hướng làm du lịch cộng đồng để phát huy những thế mạnh vốn tiềm ẩn. Thôn Phạt Chỉ không chỉ sở hữu cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, được biết đến bởi dãy núi Quảng Nam Châu, Cột mốc 1327 mà còn nổi tiếng với những biển mây bồng bềnh, trắng xóa kết hợp văn hóa đặc sắc của dân tộc Dao. Nắm bắt lợi thế này, gia đình chị Lý Thị Hạnh - hộ đầu tiên trong thôn mạnh dạn đầu tư dịch vụ Homestay A Dào cho khách du lịch từ gần 5 năm nay. Homestay A Dào còn liên kết với nhiều hộ dân trong thôn cùng tham gia phát triển du lịch cộng đồng. Homestay A Dào ngày càng thu hút đông du khách đến Phạt Chỉ. Chính hướng đi này đã dần thay đổi tư duy của rất nhiều bà con thôn Phạt Chỉ từ tự cung tự cấp sang phát triển kinh tế dịch vụ, góp phần cải thiện và nâng cao cuộc sống đồng bào nơi đây.

Từ ngày tham gia làm mô hình du lịch cộng đồng mỗi tháng vợ chồng chị Tằng Thị Lan kiếm thu nhập 7-8 triệu đồng.

Từ ngày tham gia làm mô hình du lịch cộng đồng mỗi tháng vợ chồng chị Tằng Thị Lan kiếm thu nhập 7-8 triệu đồng.

Trước kia, việc phát triển kinh tế của gia đình chị Tằng Thị Lan, gần như chỉ trông cậy vào việc trồng ngô và nuôi trâu, bò. Được nhận làm tại Homestay A Dào giúp gia đình chị có nguồn thu ổn định, vươn lên thoát nghèo thành công. Đôi tay thoăn thoắt xếp lại những chiếc đệm để chuẩn bị đón đoàn khách mới, chị Tằng Thị Lan tâm sự: “Vài năm nay là thoát nghèo rồi đấy, trước kia ăn đong từng bữa, trâu, lợn chưa lớn đã bán rồi. Từ ngày tham gia làm du lịch cộng đồng trung bình mỗi tháng vợ chồng tôi cũng kiếm thu nhập 7-8 triệu đồng. Giờ làm du lịch có đồng tiền ổn định, cuộc sống sung túc, bớt đi khó khăn hơn trước rất nhiều”.

Từ sự hỗ trợ của Nhà nước, ý chí và nghị lực vươn lên thoát nghèo của bà con thôn, bản xã Đồng Văn đã mang đến những khởi sắc từng ngày cho cuộc sống của bà con nơi đây.

Theo lời tâm sự của chị Nình Móc Mộc, Phó Chủ tịch UBND xã Đại Dực (huyện Tiên Yên), hẳn không bao giờ chị quên được hình ảnh 10 năm về trước nhiều đoàn ở miền xuôi đến xã công tác phải “chinh chiến, đánh vật” từng khúc cua, trầy trật băng qua những bãi lầy hàng chục cây số mới đến được xã Đại Thành và xã Đại Dực của huyện Tiên Yên. Vào những ngày mưa lũ “cung đường đau khổ” ấy còn bị chia cắt, cô lập triền miên cả tuần ròng rã khiến các thương lái ngán ngẩm không muốn quay trở lại vùng đất này để thu mua nông sản cho bà con nữa. Câu chuyện quế, hồi, trâu, bò... quá vụ thu hoạch, được mùa rớt giá cứ lặp đi lặp lại giống như “vòng luẩn quẩn” thoát nghèo rồi lại tái nghèo của người dân nơi đây đã bao năm.

Người dân xã Đại Dực (huyện Tiên Yên) được sử dụng nước sạch sinh hoạt từ chính sách quan tâm đầu tư của địa phương.

Người dân xã Đại Dực (huyện Tiên Yên) được sử dụng nước sạch sinh hoạt từ chính sách quan tâm đầu tư của địa phương.

Năm 2006, xã Đại Dực được tách thành hai xã là Đại Dực và Đại Thành (huyện Tiên Yên). Sở dĩ, một thời kỳ Đại Dực và Đại Thành khó khăn, lạc hậu là vì hệ thống giao thông khó khăn, bị chia cắt bởi núi cao, vực sâu, nhiều suối lớn. Đây là nguyên nhân khiến hơn chục năm về trước Đại Thành và Đại Dực có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất huyện Tiên Yên (trung bình cứ 10 hộ dân thì có 3-4 hộ nghèo, cận nghèo). Năm 2020 thực hiện chủ trương sáp nhập xã Đại Thành vào xã Đại Dực, ai ai cũng rộn ràng và háo hức, kỳ vọng cho tương lai tươi sáng. Lần sáp nhập này được xem là bước ngoặt lớn, là con đường lớn được mở giúp địa phương có thêm rất nhiều nguồn lực đầu tư hạ tầng thiết yếu, tìm con đường thoát nghèo bền vững, nâng cao đời sống...

Chị Nình Móc Mộc cho biết: Sau sáp nhập, Đại Dực có 634 hộ dân với 2.904 nhân khẩu, trong đó 99,8% là đồng bào dân tộc Sán Chỉ, Dao, Kinh, Tày, Thái sinh sống tại 7 thôn khá cheo leo trên sườn đồi hay những thung lũng nhỏ theo kiểu tự cung, tự cấp là chủ yếu... Thời điểm đầu sáp nhập, Đại Dực phải đối mặt với nhiều khó khăn, nhất là hệ thống giao thông là rào cản lớn nhất kìm hãm sự phát triển của địa phương. Vào thời điểm này, để có thể di chuyển từ Khe Lục (trung tâm xã Đại Dực cũ) tới Khe Nà (trung tâm xã Đại Thành cũ), người dân buộc phải vòng vèo trên con đường xuống cấp được làm từ lâu với hơn 21km. Đường sá lầy lội, người dân 2 xã đi lại vất vả, có khi mất cả tiếng đồng hồ mới đến nơi được. Do tình trạng giao thông cách trở, xã Đại Dực đã bố trí một cơ sở tạm thời để giải quyết thủ tục hành chính bên trung tâm xã Đại Thành cũ, song song với trụ sở UBND xã tại Đại Dực. Đã bao đời, người dân Đại Thành và Đại Dực luôn mơ ước ngày nào đó có những con đường rộng lớn được mở để kết nối thông thương với nhau.

Diện mạo xã Đại Dực (huyện Tiên Yên) ngày nay.

Diện mạo xã Đại Dực (huyện Tiên Yên) ngày nay.

Tuyến đường Khe Lục - Khe Nà (xã Đại Dực, huyện Tiên Yên) có tổng mức đầu tư 153 tỷ đồng.

Tuyến đường Khe Lục - Khe Nà (xã Đại Dực, huyện Tiên Yên) có tổng mức đầu tư 153 tỷ đồng.

Mơ ước ấy cuối cùng cũng dần trở thành hiện thực. Tháng 10/2021, tuyến đường Khe Lục - Khe Nà được khởi công trong niềm vui phấn khởi của hàng trăm hộ dân. Đây là tuyến đường cấp V miền núi, dài 7,9km, rộng 5,5m với tổng mức đầu tư 153 tỷ đồng bằng nguồn vốn tỉnh cấp bổ sung có mục tiêu thực hiện chương trình tổng thể phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và ngân sách huyện tự cân đối đầu tư. Khi nghe chủ trương và cán bộ xã phân tích đầu tư xây dựng tuyến đường này nhiều hộ dân nằm trong diện GPMB đã hiến hàng nghìn m2 đất để mở đường.

Mô hình trồng rừng keo của hộ ông Nình A Kun (thôn Khe Lục, xã Đại Dực, huyện Tiên Yên) mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Mô hình trồng rừng keo của hộ ông Nình A Kun (thôn Khe Lục, xã Đại Dực, huyện Tiên Yên) mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Với phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm, sau gần 2 năm xây dựng, tuyến đường huyết mạch kết nối hai đầu của xã Đại Dực đã hoàn thành trong niềm hân hoan, mong chờ với biết bao kỳ vọng của cộng đồng. Người dân xã Đại Dực gọi đây là “con đường kỷ lục” khi đã giúp rút ngắn quãng đường hơn 13 cây số, hành trình đi lại được rút ngắn chỉ còn hơn chục phút. Cũng nhờ “huyết mạch mới”, tình trạng một xã, hai điểm cầu hành chính được xóa bỏ. Con đường lớn thênh thang kết nối đến trung tâm xã Đại Dực mang đến niềm tin, hy vọng, cuộc sống mới cho đồng bào nơi đây.

Chị Lò Thị Chiu (thôn Khe Lục, xã Đại Dực) - gia đình chị tự nguyện hiến 2.000m2 đất làm tuyến đường kết nối từ trung tâm xã Đại Dực đến trung tâm xã Đại Thành (cũ) vui mừng, tâm sự: “Khi nghe có dự án làm đường kết nối giao thông dân làng ai cũng ưng cái bụng. Lúc đó tôi chỉ mong sao tuyến đường này làm càng sớm càng tốt để giúp người dân đi lại thuận tiện hơn. Sau bao năm chờ đợi, mơ ước về con đường mới cũng trở thành hiện thực. Từ ngày tuyến đường mở ra, người dân xã tôi mạnh dạn đầu tư các mô hình phát triển kinh tế. Nhiều hộ trong thôn đã thoát nghèo bền vững nhờ trồng cây hồi, quế và cây ăn quả...”.

Người dân xã Đại Dực tham gia mô hình sản xuất miến dong.

Người dân xã Đại Dực tham gia mô hình sản xuất miến dong.

Con đường mới được đầu tư không chỉ phá bỏ thế độc đạo mà còn trở thành điểm tựa mang tính động lực mở ra cơ hội phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo của xã Đại Dực. Tuyến đường Khe Lục - Khe Nà giúp người dân thông thương hàng hóa, phát triển kinh tế. Từ ngày đường lớn mở ra, những đoàn xe chở công nhân ngành Than và một số khu công nghiệp nối đuôi nhau vào tận trung tâm xã đưa đón công nhân đi làm. Số thanh niên trong xã chuyển đổi công việc “ly nông nhưng không ly hương” đi làm trong các công ty, nhà máy, xí nghiệp ngày càng đông. Điều này giúp địa phương giải quyết việc làm, tăng thu nhập, kinh tế nhiều hộ vươn lên khá giả. Hiện nay thu nhập bình quân đầu người trong xã đạt 67,7 triệu đồng/người/năm (tăng gấp đôi so với năm 2010).

“Đại Dực giờ đổi thay mang dáng phố trên rừng. Xã đã xóa sạch hộ nghèo và nhà tạm bợ. Những ngôi nhà lụp xụp trước đây được thay thế bằng ngôi nhà khang trang, rất nhiều gia đình còn xây nhà ở kiểu biệt thự vườn, rồi mua sắm được cả ô tô đắt tiền. Có điện, có đường, nên thứ gì cũng có, dân có điều kiện tiếp cận với tiện nghi của đời sống hiện đại. Đặc biệt, các tuyến đường liên thôn trong xã bê tông hóa phẳng lỳ, nơi nào cũng có đường ô tô dẫn vào tận từng ngõ nhà. Xã có nhiều lợi thế về du lịch trải nghiệm đã và đang hình thành nên các mô hình dịch vụ ăn, uống, nghỉ dưỡng thu hút khách du lịch. Chắc chắn trong thời gian tới, kinh tế của đồng bào nơi đây sẽ có sự bứt phá mạnh mẽ” - Phó Chủ tịch UBND xã Đại Dực Nình Móc Mộc cho biết thêm.

Trong Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc vào tháng 11/2023, chung vui cùng bà con đồng bào DTTS Đại Dực, đồng chí Nguyễn Xuân Ký, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, bày tỏ sự xúc động, phấn khởi trước sự chuyển mình mạnh mẽ của xã sau mỗi lần trở lại nơi đây. Nhìn vào sự chuyển biến tích cực trong mọi lĩnh vực của Đại Dực không chỉ dừng lại câu chuyện của một xã, mà đã chỉ ra những bài học quý trong xây dựng mô hình phát triển KT-XH nhanh, bền vững gắn với đảm bảo vững chắc quốc phòng - an ninh trong vùng đồng bào dân tộc miền núi, hải đảo. Đó là mọi chủ trương, chính sách đều phải xuất phát từ yêu cầu, nguyện vọng, quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân, đều hướng đến chăm lo cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc cho nhân dân. Để thực hiện hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng, định hướng phát triển của tỉnh, phụ thuộc rất nhiều vào người dân - bởi người dân là trung tâm, là chủ thể, nhất là trong xây dựng NTM, phát triển kinh tế làm giàu, phát triển du lịch cộng đồng dựa vào thiên nhiên, con người, văn hóa. Có được các chủ trương đúng đắn, tuy nhiên khâu tổ chức thực hiện đóng vai trò rất quan trọng. Mỗi cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu phải luôn nêu gương, làm gương, sâu sát cụ thể, biết đưa những chủ trương đó thành hiện thực dựa trên sức mạnh đoàn kết, quy tụ và phát huy sức mạnh của người dân.

Thôn Cẩm Hắc, xã Đồng Văn (huyện Bình Liêu) đã có sóng điện thoại phủ đến tận nhà.

Thôn Cẩm Hắc, xã Đồng Văn (huyện Bình Liêu) đã có sóng điện thoại phủ đến tận nhà.

Có thể khẳng định, từ sự hỗ trợ của Trung ương, những chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước và của tỉnh, sự đoàn kết, nỗ lực vươn lên của người dân, vùng đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh đã đổi thay tích cực, Quảng Ninh đã trở thành địa phương đi đầu, điển hình cả nước trong thực hiện chương trình giảm nghèo vùng đồng bào DTTS. Hành trình thực hiện chương trình giảm nghèo của tỉnh Quảng Ninh là ví dụ điển hình minh chứng cho quan điểm, mục tiêu lâu dài “không ai bị bỏ lại phía sau” và tiếp tục tiến lên phía trước; quan trọng nữa đó đã thôi thúc mạnh mẽ ý chí tự lực thoát nghèo trong mỗi người dân.

Đông đảo nhân dân xã Đại Dực chào đón Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Xuân Ký dự Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc năm 2023.

Đông đảo nhân dân xã Đại Dực chào đón Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Xuân Ký dự Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc năm 2023.

Ngày đăng: 22/1/2024
Thực hiện: PHẠM TĂNG
Trình bày: ĐỖ QUANG