Ngay sau khi Quốc hội khóa II phê chuẩn thành lập tỉnh Quảng Ninh, ngày 18/11/1963, Ban Bí thư Trung ương Đảng ra Nghị quyết số 85-NQ/TW hợp nhất hai Đảng bộ Hồng Quảng và Hải Ninh thành Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh. Trải qua 60 năm xây dựng và trưởng thành, với trí tuệ, bản lĩnh, nghị lực kiên cường, và tinh thần chủ động, sáng tạo, Đảng bộ tỉnh đã cụ thể hóa các quan điểm, nghị quyết, chủ trương của Trung ương Đảng, đề ra những quyết sách phù hợp với từng thời kỳ lịch sử. Đặc biệt, bằng ý chí phấn đấu không ngại gian khó, không sợ hy sinh của đội ngũ cán bộ, đảng viên; bằng tinh thần đoàn kết, gắn bó máu thịt với Nhân dân, vì Nhân dân, được Nhân dân tin yêu, ủng hộ và bảo vệ, Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh đã  phát huy và làm rạng rỡ thêm truyền thống vẻ vang của Đảng Cộng sản Việt Nam, đưa Quảng Ninh trở thành một trong những tỉnh đi đầu trong công cuộc đổi mới sáng tạo của vùng đồng bằng Bắc Bộ, một cực tăng trưởng của khu vực phía Bắc.

Ngày 7 tháng 10 năm 1963, Ban Thường vụ Khu uỷ Hồng Quảng và Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Hải Ninh họp Hội nghị Liên tịch và ban hành Nghị quyết về việc hợp nhất Khu Hồng Quảng và tỉnh Hải Ninh. Nghị quyết nêu rõ: “Việc hợp nhất Khu Hồng Quảng và tỉnh Hải Ninh là một yêu cầu khách quan, hoàn toàn phù hợp với lợi ích trước mắt và lâu dài của nhân dân 2 tỉnh, không những có lợi to lớn về kinh tế, chính trị, văn hoá, dân tộc và cán bộ mà còn có lợi ích to lớn về mặt quân sự và quốc phòng”. 

Ngay sau đó, HĐND 2 địa phương đã tổ chức hội nghị thảo luận, nhất trí tán thành hợp nhất 2 đơn vị hành chính. Theo nguyện vọng của Đảng bộ và nhân dân khu Hồng Quảng, tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa II ngày 30/10/1963 đã phê chuẩn việc thành lập tỉnh Quảng Ninh. Ngày 18/11/1963, Ban Bí thư Trung ương Đảng ra Nghị quyết số 85-NQ/TW hợp nhất hai Đảng bộ Hồng Quảng và Hải Ninh thành Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh, đồng thời yêu cầu “sau khi hợp nhất, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh cần tăng cường công tác tư tưởng, ổn định tổ chức, thống nhất lề lối làm việc, bảo đảm chỉ đạo kịp thời, chặt chẽ các mặt công tác trong địa phương...”. Quá trình hợp nhất tỉnh Hải Ninh và Khu Hồng Quảng thành tỉnh Quảng Ninh diễn ra thuận lợi, đảm bảo sự đoàn kết thống nhất trong nội bộ Đảng và toàn thể nhân dân, tạo lòng tin tưởng tuyệt đối của các tầng lớp nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng.

Nghị quyết của Quốc hội khóa II về việc sáp nhập tỉnh Hải Ninh và khu Hồng Quảng thành tỉnh Quảng Ninh.

Nghị quyết của Quốc hội khóa II về việc sáp nhập tỉnh Hải Ninh và khu Hồng Quảng thành tỉnh Quảng Ninh.

Ngay sau khi ra đời, Đảng bộ tỉnh đã nhanh chóng ổn định tổ chức, tập hợp lực lượng, lãnh đạo nhân dân khắc phục khó khăn, đẩy mạnh sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, các tổ chức Đảng, Chính quyền, đoàn thể, Mặt trận được củng cố và phát triển. Quốc phòng lớn mạnh, an ninh trật tự được giữ vững. Đặc biệt, đối mặt với chiến tranh phá hoại đế quốc Mỹ, Đảng bộ Quảng Ninh lãnh đạo nhân dân các dân tộc trong tỉnh cùng cả nước tăng cường phát triển kinh tế, đánh thắng cả 2 cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ ở miền Bắc, đồng thời chi viện sức người sức của cho tiền tuyến lớn miền Nam, thống nhất Tổ quốc.

Từ ngày 2 đến ngày 6/10/1969, tại hội trường Giao Tế Bãi Cháy - thị xã Hòn Gai, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh lần thứ Nhất được khai mạc. Ảnh tư liệu.

Từ ngày 2 đến ngày 6/10/1969, tại hội trường Giao Tế Bãi Cháy - thị xã Hòn Gai, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh lần thứ Nhất được khai mạc. Ảnh tư liệu.

Đồng chí Nguyễn Thọ Chân được Ban Bí thư chỉ định là Bí thư Tỉnh ủy sau khi hợp nhất. Ảnh tư liệu.

Đồng chí Nguyễn Thọ Chân được Ban Bí thư chỉ định là Bí thư Tỉnh ủy sau khi hợp nhất. Ảnh tư liệu.

Trong những năm 1964, 1965, khi đế quốc Mỹ bắt đầu bắn phá miền Bắc, Đảng bộ tỉnh vừa phải tiếp tục khắc phục hậu quả sau chiến tranh chống Pháp, vừa lãnh đạo phát triển kinh tế - xã hội, vừa không ngừng củng cố, xây dựng Đảng ngày càng vững mạnh; đồng thời, mạnh mẽ và quyết liệt lãnh đạo quân và dân tỉnh Quảng Ninh kiên cường chiến đấu với giặc Mỹ. Ông Nguyễn Ngọc Đàm, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh, thời điểm đó đang là Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, cho biết: Sự leo thang và mở rộng chiến tranh của Mỹ ra miền Bắc buộc ta phải đối phó để bảo vệ các cơ sở sản xuất, nhất là xây dựng hậu phương vững chắc để tiếp nhận hàng viện trợ của các nước xã hội chủ nghĩa anh em. Trong nước, chúng ta đẩy mạnh sản xuất với tinh thần “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”.

Ngày 2/2/1965, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh Nguyễn Thọ Chân tặng Bác Hồ hòn than vượt mức kế hoạch năm 1964.

Ngày 2/2/1965, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh Nguyễn Thọ Chân tặng Bác Hồ hòn than vượt mức kế hoạch năm 1964.

Thời điểm này, Tỉnh ủy đã phát động phong trào thi đua “Làm theo lời Bác”, ban hành Nghị quyết phát triển kinh tế văn hóa năm 1965, thực hiện chỉnh huấn mùa xuân, chuyển hướng công tác giáo dục sang tình hình mới. Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ra Nghị quyết về phòng chống chiến tranh phá hoại. Ngày 5/8/1964, quân và dân tỉnh Quảng Ninh đã cùng nhân dân cả nước đánh bại cuộc tập kích đầu tiên bằng không quân của đế quốc Mỹ ra miền Bắc của nước ta. Bước sang năm 1965, không quân Mỹ tiếp tục ném bom bắn phá ác liệt nhiều nơi trên miền Bắc, vùng Đông Bắc là một trong những trọng điểm đánh phá của địch. Dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh, quân và dân Quảng Ninh đã chiến đấu bình tĩnh, mưu trí, dũng cảm, giữ vững nhịp độ sản xuất, bảo vệ vững chắc vùng Đông Bắc thân yêu, lập nhiều chiến công oanh liệt. Tính đến tháng 12/1965, quân và dân Đông Bắc đã bắn tan xác 45 máy bay Mỹ, tiêu diệt và bắt sống nhiều tên giặc lái Mỹ. Với những chiến công vang dội đó, Hồ Chủ tịch quyết định tặng quân và dân Đông Bắc Cờ thưởng luân lưu “Quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”, ghi nhận chiến công đánh Mỹ của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân Vùng mỏ anh hùng.

Các lực lượng hải quân, pháo phòng không, dân quân, tự vệ Cảng Hòn Gai, công an nhân dân vũ trang Quảng Ninh... trong trận chiến hào hùng ngày 5/8/1964 bên sông Cửa Lục. Ảnh tư liệu

Các lực lượng hải quân, pháo phòng không, dân quân, tự vệ Cảng Hòn Gai, công an nhân dân vũ trang Quảng Ninh... trong trận chiến hào hùng ngày 5/8/1964 bên sông Cửa Lục. Ảnh tư liệu

Trong các cuộc chiến tranh phá hoại, Mỹ đã rải xuống Vùng mỏ 24.808 quả bom các loại, 9.690 tấn thuốc nổ đánh vào hơn 2.300 mục tiêu, giết hại 2.501 đồng bào. Vượt lên những đau thương, mất mát, lực lượng vũ trang Quảng Ninh cùng với nhân dân và các đơn vị chủ lực đã sát cánh chiến đấu 5.450 trận, bắn rơi 200 máy bay; bảo vệ bầu trời Đông Bắc, đập tan âm mưu phá hoại vùng than của giặc Mỹ, góp phần vào sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước thắng lợi hoàn toàn, Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh cùng cả nước lãnh đạo công cuộc xây dựng xã hội chủ nghĩa. Tuy nhiên, khi hậu quả của cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ vẫn còn nặng nề, hòa bình chưa được bao lâu, thì cuộc chiến tranh biên giới phía Tây Nam và phía Bắc lại nổ ra. Tháng 2/1979, chiến tranh trên toàn tuyến biên giới phía Bắc bùng nổ, trong đó Quảng Ninh cũng là một mặt trận nóng bỏng. Một lần nữa, quân và dân Quảng Ninh lại cùng cả nước tập trung sức người, sức của cho cuộc chiến đấu đánh đuổi quân xâm lược.

Trong giai đoạn này, Quảng Ninh đã cùng cả nước tiến hành đồng thời ba cuộc cách mạng, cách mạng về quan hệ sản xuất, cách mạng  khoa học - kỹ thuật, cách mạng tư tưởng và văn hóa; thực hiện thành công nhiệm vụ trung tâm của cả thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội là đẩy mạnh công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa; xây dựng chế độ làm chủ tập thể xã hội chủ nghĩa; xây dựng nền sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa, xây dựng nền văn hóa mới, xây dựng con người mới xã hội chủ nghĩa; xóa bỏ chế độ người bóc lột người, xóa bỏ nghèo nàn và lạc hậu. Đồng thời không ngừng đề cao cảnh giác, thường xuyên củng cố quốc phòng, giữ gìn an ninh chính trị và trật tự xã hội; xây dựng thành công Tổ quốc Việt Nam hòa bình, độc lập, thống nhất và xã hội chủ nghĩa; góp phần tích cực vào cuộc đấu tranh của nhân dân thế giới vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và chủ nghĩa xã hội.

Những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước, nhiều công trường than ở Quảng Ninh đã có nhiều phong trào thi đua sôi nổi "Vì miền Nam ruột thịt", "Mỗi người làm việc bằng hai". Ảnh: vinacomin.vn

Những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước, nhiều công trường than ở Quảng Ninh đã có nhiều phong trào thi đua sôi nổi "Vì miền Nam ruột thịt", "Mỗi người làm việc bằng hai". Ảnh: vinacomin.vn

Dưới sự lãnh đạo toàn diện của Trung ương Đảng, do Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại sáng lập và rèn luyện, từ khi thành lập đến nay, Đảng bộ, quân và dân Quảng Ninh tuyệt đối trung thành, luôn bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, vận dụng sáng tạo, có hiệu quả vào hoàn cảnh thực tiễn của địa phương. Qua đó, đã giành được nhiều thắng lợi quan trọng, đóng góp to lớn vào sự nghiệp cách mạng của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân đấu tranh giành độc lập dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đặc biệt là đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong công cuộc đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo.

Đảng bộ tỉnh đã đặc biệt chú trọng nghiên cứu, vận dụng sáng tạo các quan điểm, đường lối của Đảng vào thực tiễn Quảng Ninh, từ đó đề ra được nhiều giải pháp có tính đột phá trong lãnh đạo, chỉ đạo. Nói đến Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh, cả nước đều đánh giá cao sự đoàn kết, tinh thần đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, kiên trì thực hiện để tạo ra những đột phá; nhất là thực hiện những việc chưa có trong tiền lệ. Từ việc định vị lại chính mình, nhìn nhận những tiềm năng, lợi thế cùng những điểm nghẽn trong quá trình phát triển, Đảng bộ tỉnh đã từng bước tháo gỡ những nút thắt một cách tổng thể và bài bản để có bước tiến nhanh, mạnh, bền vững hơn.

Đại biểu dự Đại hội Đại biểu tỉnh Quảng Ninh lần thứ XV.

Đại biểu dự Đại hội Đại biểu tỉnh Quảng Ninh lần thứ XV.

Từ những năm đầu đổi mới, với tinh thần “nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, nói rõ sự thật”, toàn Đảng bộ tập trung nghiên cứu, phân tích, nhận thức đúng đắn những ưu điểm, hạn chế, yếu kém trên mọi lĩnh vực, chỉ rõ nguyên nhân, nhất là những nguyên nhân thuộc về chủ quan, như tư tưởng bao cấp, trông chờ, ỷ lại, thiếu ý chí quyết tâm đổi mới... Trên cơ sở đó, đề ra giải pháp thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ, đặc biệt là các mục tiêu về ổn định và phát triển kinh tế - xã hội (1986-1991) và các chỉ tiêu, nhiệm vụ trong Chiến lược ổn định và phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2000; góp phần để tỉnh cùng với cả nước thoát ra khỏi khủng hoảng kinh tế - xã hội, chuyển sang thời kỳ mới - thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.

Tỉnh ủy chủ động đề xuất Bộ Chính trị quan tâm ban hành định hướng chiến lược phát triển của tỉnh trong Kết luận số 47-KL/TW, ngày 6/5/2009, về kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh lần thứ XII và những chủ trương, giải pháp phát triển Quảng Ninh đến năm 2010, định hướng đến năm 2020; Thông báo số 108-TB/TW, ngày 1-10-2012, về đề án phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững; bảo đảm vững chắc quốc phòng - an ninh và thí điểm xây dựng hai đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Móng Cái của tỉnh Quảng Ninh... Đây là những cơ sở chính trị, pháp lý quan trọng giúp Tỉnh ủy tiếp tục đề xuất với Trung ương những cơ chế, chính sách đặc thù, phù hợp để phát triển Quảng Ninh theo hướng bền vững.

Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XV, nhiệm kỳ 2020-2025 ra mắt tại ĐH.

Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XV, nhiệm kỳ 2020-2025 ra mắt tại ĐH.

Đến nay, Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh đã trải qua 15 kỳ đại hội, mỗi lần đại hội là một dấu mốc mới trên chặng đường phát triển, khẳng định rõ hơn năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng bộ. Đặc biệt, trong 35 năm đổi mới, những vấn đề mới, khó, chưa có tiền lệ... đã được Đảng bộ tỉnh quan tâm nghiên cứu, thực hiện và tổng kết, đánh giá. Qua đó làm sáng rõ nhiều vấn đề lý luận về đường lối đổi mới của Đảng, đồng thời cung cấp cơ sở lý luận, thực tiễn cho việc hoạch định, đưa ra các quyết sách chính trị của Trung ương.

Ban Thường vụ Tỉnh ủy tổ chức lễ công bố các quyết định thành lập Trung tâm Truyền thông tỉnh Quảng Ninh.

Ban Thường vụ Tỉnh ủy tổ chức lễ công bố các quyết định thành lập Trung tâm Truyền thông tỉnh Quảng Ninh.

Trong đó phải kể đến việc mạnh dạn đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Mạnh dạn thí điểm áp dụng các mô hình mới và mang lại hiệu quả, như: Thực hiện nhất thể hóa chức danh; hợp nhất một số cơ quan; thí điểm thực hiện cơ quan tham mưu giúp việc chung Khối MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội ở cấp huyện và cấp tỉnh; thành lập Trung tâm Truyền thông tỉnh Quảng Ninh; đổi mới hoạt động giám sát, phản biện của MTTQ và các đoàn thể... Trong quá trình thực hiện các mô hình mới, Đảng bộ tỉnh đã kế thừa những kinh nghiệm hay, phát huy ưu điểm, kết quả tích cực đạt được, giữ vững sự ổn định, tăng cường năng lực lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện của các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị và đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức.

Hiện nay, Quảng Ninh là tỉnh đi đầu cả nước trong thực hiện sắp xếp thôn, bản, khu phố bằng việc tập trung chỉ đạo rà soát, thực hiện sáp nhập 180 thôn, bản, khu phố thuộc 10 huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh thành 90 thôn, bản, khu phố bảo đảm giữ vững sự ổn định, nâng cao hiệu quả hoạt động. Tỉnh cũng hoàn thành sắp xếp tổ chức bộ máy của 100% sở, ngành sớm hơn 01 năm so với yêu cầu của Trung ương trong giai đoạn 2016-2021; hoàn thành sớm, toàn diện mục tiêu tinh giản biên chế theo chỉ đạo của Trung ương ở giai đoạn năm 2015-2022. Tỉnh cũng duy trì mô hình bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch UBND tại huyện đảo Cô Tô và tại 115/177 (bằng 65%) đơn vị cấp xã; bí thư cấp ủy không phải người địa phương tại 12/13 (bằng 92,3%) đơn vị cấp huyện và tại 138/177 (bằng 78%) đơn vị cấp xã. Đặc biệt, Quảng Ninh đã mạnh dạn thực hiện mô hình 100% bí thư chi bộ đồng thời là trưởng thôn, bản, khu phố theo phương châm “Dân tin, Đảng cử” hai nhiệm kỳ liên tiếp (2015-2020, 2020-2025). Tỉnh ủy đã ban hành Chỉ thị số 24-CT/TU ngày 18/02/2022 tổ chức đại hội chi bộ trực thuộc Đảng bộ cơ sở và bầu trưởng thôn, bản, khu phố nhiệm kỳ 2022-2025. Trong đó, thống nhất toàn bộ 1.452 thôn, bản, khu phố trong toàn tỉnh đông loạt tổ chức bầu trưởng thôn, bản, khu phố nhiệm kỳ 2022-2025 vào ngày 05/6/2022, với tỷ lệ cử tri đại diện hộ gia đình đạt 98,12%, cao hơn 4,87% so với kỳ bầu cử trước (93,25%) và ngày 03/7/2022, đồng loạt tổ chức đại hội chi bộ thôn, bản, khu phố nhiệm kỳ 2022-2025. Quá trình thực hiện, Quảng Ninh đã củng cố, phát huy hiệu quả thiết thực của mô hình và ngày càng khẳng định chủ trương đúng đắn của Tỉnh ủy, phù hợp được minh chứng ở cả góc độ lý luận, khoa học và thực tiễn.

Quảng Ninh cũng là tỉnh tiên phong trong việc đầu tư ngân sách của tỉnh (hoặc ứng vốn cho Trung ương), xây dựng cơ chế huy động các nguồn lực và đi đầu thực hiện các dự án lớn theo hình thức đối tác công - tư (PPP). Đến nay, đã có 36 dự án theo hình thức PPP với trên 30.000 tỷ đồng đang được triển khai (nguồn vốn xã hội hóa chiếm trên 75%). Nhiều dự án đã hoàn thành đưa vào sử dụng góp phần thúc đẩy quá trình cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng từ “nâu” sang “xanh”, giảm dần tỷ trọng các ngành công nghiệp, tăng dần các ngành dịch vụ. Thành công của Quảng Ninh góp phần làm cơ sở thực tiễn để Chính phủ ban hành Nghị định 15/2015/NĐ-CP về đầu tư theo hình thức PPP.

Sự chuyển động của cả bộ máy sang chính quyền phục vụ, kiến tạo cũng đã được Quảng Ninh triển khai thực hiện rất quyết liệt và hiệu quả. Đó là tách dịch vụ công ra khỏi quản lý nhà nước qua mô hình Trung tâm phục vụ hành chính công; thành lập cơ quan xúc tiến và hỗ trợ đầu tư chuyên biệt trực thuộc trực tiếp UBND tỉnh; kết nối cơ chế một cửa hiện đại từ Trung tâm hành chính công các huyện đến các xã...

Đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng thăm, làm việc tại tỉnh Quảng Ninh (ngày 6/4/2022).

Đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng thăm, làm việc tại tỉnh Quảng Ninh (ngày 6/4/2022).

Tại cuộc làm việc với tỉnh Quảng Ninh ngày 6/4/2022, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng đã khẳng định: Dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự hỗ trợ của Trung ương và phát huy bản lĩnh, ý chí tự lực, tự cường, tinh thần năng động sáng tạo của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Quảng Ninh, hơn 10 năm qua, tỉnh đã đạt được những thành tựu rất ấn tượng. Các nhiệm kỳ kế tiếp nhau đã thể hiện rõ tinh thần kế thừa, đổi mới và phát triển, đoàn kết nhất trí, dám nghĩ, dám làm, mạnh dạn đột phá để chuyển đổi phương thức phát triển từ “nâu” sang “xanh”; đi tiên phong trong đổi mới phương thức lãnh đạo, tinh gọn tổ chức bộ máy; nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị; tích cực cải cách hành chính để phát huy có hiệu quả những tiềm năng, lợi thế cho phát triển; đẩy nhanh xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng chiến lược gắn với tổ chức lại không gian phát triển, kiến tạo các hành lang phát triển mới; gắn kết chặt chẽ, hài hoà giữa tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hoá, tiến bộ và công bằng xã hội; bảo vệ môi trường sinh thái, bảo đảm an sinh xã hội, chăm lo đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân; xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc về quốc phòng, an ninh, phòng tuyến hợp tác và cạnh tranh; xây dựng biên giới hoà bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển”.

Ngày đăng: 1/9/2023
Thực hiện: HOÀI ANH - NGUYỄN DUNG
Trình bày: ĐỖ QUANG