Bắt đầu tham gia “đường đua” PCI từ năm 2006, nhưng phải mất đến 11 năm (năm 2017), Quảng Ninh mới vươn tới vị trí dẫn đầu. Tỉnh cũng bảo vệ thành công ngôi vị này một lần nữa năm 2018, vượt qua những đối thủ rất “nặng ký” như: Đà Nẵng, Bình Dương, Hà Nội, TP Hồ Chí Minh... Để có thành tựu này, là cả một chiến lược, lộ trình dài hơi, được Quảng Ninh xây dựng một cách bài bản ngay từ những nền tảng đầu tiên.
Nhìn lại giai đoạn phát triển của Quảng Ninh trước năm 2012, có thể thấy nền kinh tế vẫn có sự tăng trưởng qua mỗi năm, nhưng chưa thực sự nổi bật, tương xứng với tiềm năng thế mạnh của địa phương. Giai đoạn này, tỉnh chỉ có khoảng 6.000 doanh nghiệp, chủ yếu là doanh nghiệp vừa và nhỏ. Đối với hoạt động doanh nghiệp, nhất là khối doanh nghiệp ngoài nhà nước chưa cao, thể hiện ở sự khiêm tốn đóng góp cho thu ngân sách địa phương.
Dù là địa bàn tiềm năng, được ví như “Việt Nam thu nhỏ” với nhiều lợi thế, tuy nhiên, thu hút đầu tư, nhất là thu hút nước ngoài vào Quảng Ninh khá hạn chế. Nguyên nhân là do hạ tầng của tỉnh, nhất là hạ tầng về giao thông chưa đáp ứng yêu cầu của nhà đầu tư; quy hoạch thiếu đồng bộ, không có tính bền vững; cơ chế, chính sách hỗ trợ đầu tư yếu và thiếu không đủ sức hấp dẫn…
Giai đoạn này, khoảng cách giữa doanh nghiệp với cơ quan công quyền vẫn còn khá lớn. Doanh nghiệp không có nhiều cơ hội tiếp xúc cởi mở với chính quyền, việc gặp gỡ với người đứng đầu tỉnh, lãnh đạo các sở, ngành, địa phương cũng rất ít. Bên cạnh đó, bộ máy hành chính còn nhiều bất cập, trùng chéo, chưa xử lý nhanh những vấn đề phát sinh từ doanh nghiệp, nhà đầu tư.
Nhận diện việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, phát triển kinh tế tư nhân, thu hút đầu tư sẽ là một trong những trợ lực quan trọng để thúc đẩy nền kinh tế phát triển nhanh, mạnh, bền vững, Quảng Ninh bắt đầu xây dựng, triển khai nhiều giải pháp hiệu quả hơn. Năm 2006 tỉnh gia nhập “đường đua” PCI để đặt mình trong sự so sánh tương quan với các tỉnh, thành phố trong cả nước, tự soi lại mình để dần khắc phục những khó khăn, rào cản trong cải thiện môi trường đầu tư, thu hút doanh nghiệp.
Lựa chọn góc nhìn của doanh nghiệp tư nhân để đánh giá chất lượng điều hành cấp tỉnh, PCI chính là một trong những nguồn thông tin quan trọng cung cấp cho các nhà đầu tư tham khảo khi lựa chọn địa điểm đầu tư; bộ công cụ này cũng chuyển tải sự hài lòng của doanh nghiệp về thủ tục hành chính, sự vận hành của bộ máy chính quyền từ trên xuống dưới.
Ngay trong giai đoạn đầu gia nhập “đường đua” PCI, Quảng Ninh đã nằm trong tốp các địa phương ở mức khá. Cụ thể: Năm 2006, năm đầu tiên thực hiện đánh giá tỉnh xếp thứ 25; năm 2007 xếp thứ 22; năm 2008 xếp thứ 27… Tuy nhiên, có thể thấy, xếp hạng PCI của tỉnh trong những năm đầu chỉ dừng lại ở vị trí ngoài 20 - thứ hạng khá khiêm tốn. Mặt khác, thứ hạng này cũng không duy trì tăng đều qua các năm; tương tự, đối với một số chỉ số thành phần của PCI cũng vậy, còn thiếu sự ổn định.
Để nâng cao chất lượng điều hành kinh tế, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nếu đi theo lối mòn cũ, việc tăng trưởng sẽ vẫn có, nhưng không thể có bứt phá. Chính vì vậy, Quảng Ninh đã lựa chọn hướng đi riêng, hướng đi của sự tiên phong và đổi mới.
Có thể nói, chặng hành trình hơn 1 thập kỷ qua, để vươn tới ngôi vị cao nhất PCI, cũng chính là chặng hành trình mà Quảng Ninh đổi mới tư duy, kiên định với mục tiêu tăng trưởng theo hướng bền vững hơn, bằng những giải pháp rất quyết liệt. Đặc biệt, từ giai đoạn năm 2012, Quảng Ninh đã đưa ra hàng loạt các chính sách, chủ trương theo hướng mới.
Khởi động là đầu năm 2012, tỉnh lần đầu tiên tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư quy mô quốc tế với sự tham dự của hơn 1.200 đại biểu là các nhà đầu tư, chuyên gia kinh tế, tổ chức kinh tế, doanh nghiệp,… trong và ngoài nước. Hội nghị là tiền đề quan trọng tạo bước đột phá làm thay đổi căn bản về tư duy, nhận thức và hành động đối với hoạt động xúc tiến đầu tư, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh. Đồng thời khẳng định quyết tâm đưa Quảng Ninh trở thành điểm đến đầu tư, kinh doanh ổn định, an toàn và hấp dẫn.
Hội nghị này cũng đánh dấu sự ra đời của mô hình cơ quan Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư tỉnh (IPA Quảng Ninh) đầu tiên trong cả nước. Đây là mô hình hoạt động theo mô hình chuẩn quốc tế, với vai trò thực hiện chiến lược dài hạn thay vì ngắn hạn trong quá trình chuyển đổi tập trung thu hút đầu tư. Cho đến nay, các chuyên gia kinh tế vẫn nhận định IPA là một kinh nghiệm rất thành công, và riêng có của Quảng Ninh. Bởi từ rất sớm tỉnh đã nhìn nhận được mối quan hệ tương hỗ, mật thiết giữa 2 nhiệm vụ xúc tiến và hỗ trợ đầu tư. Qua đó, nhằm hỗ trợ tối đa, liên tục mọi vấn đề liên quan để đầu tư tại tỉnh đối với nhà đầu tư.
Cũng từ năm 2012, Quảng Ninh đã khởi động Đề án chính quyền điện tử, trong đó có hạng mục quan trọng là xây dựng thành lập Trung tâm hành chính công. Đây cũng là mô hình Trung tâm hành chính công đầu tiên trong cả nước, được Thủ tướng Chính phủ cho thí điểm thành lập theo Quyết định số 1831/QĐ-TTg ngày 28/10/2015.
Cùng với đó, tỉnh đã xây dựng và ban hành một số chính sách hỗ trợ đối với các doanh nghiệp và nhà đầu tư, như: Chính sách hỗ trợ và ưu tiên đầu tư vào các khu công nghiệp, khu kinh tế trên địa bàn tỉnh (hỗ trợ kinh phí GPMB, đầu tư hệ thống xử lý nước thải, hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động tại các doanh nghiệp thứ cấp trong KCN, KKT); hỗ trợ các doanh nghiệp trong triển khai ứng dụng khoa học công nghệ sản xuất kinh doanh; hỗ trợ về vốn tín dụng…
Quan điểm “đồng hành và đi đến cùng với doanh nghiệp” đã tiếp tục được hiện thực hóa bằng cách tiếp cận giữa chính quyền với doanh nghiệp thật sự cởi mở hơn. Từ nhiều năm nay, hàng quý lãnh đạo tỉnh đã gặp gỡ, tiếp xúc doanh nghiệp thông qua các hội nghị và các phiên Cafe Doanh nhân nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Hoạt động này cũng đã được duy trì đều đặn đối với cấp sở, ngành, địa phương.
Từ năm 2015, tỉnh đã triển khai thực hiện đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở, ban, ngành, địa phương thông qua Bộ chỉ số DDCI. Được biết, dù không phải là địa phương triển khai DDCI đầu tiên, nhưng Quảng Ninh lại được đánh giá là địa phương thực hiện bài bản và chuyên nghiệp nhất do thực hiện trên phạm vi rộng, đánh giá đa chiều và qua mỗi năm đều có sự bổ sung, hoàn thiện bộ chỉ số. Chỉ số này đã góp phần không nhỏ tạo được “sức ép” thay đổi, chuyển đổi tư duy của cả hệ thống chính quyền cơ sở, cung cấp các thông tin quý báu cho lãnh đạo điều hành và thúc đẩy đối thoại giữa chính quyền và doanh nghiệp. Thống kê hằng năm cho thấy, sau khi thực hiện Bộ chỉ số DDCI, các chỉ số PCI của Quảng Ninh có sự thăng hạng đáng kể.
Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI Việt Nam, đánh giá: Quảng Ninh là một trong những nơi khởi nguồn các ý tưởng cải cách trong cả nước, là tỉnh đi đầu, thai nghén và lan tỏa các mô hình cải cách có tính chất độc lập. Nhiều mô hình mới đã bắt nguồn từ đây và tỉnh Quảng Ninh vẫn duy trì hiệu quả các mô hình đó như: Xây dựng Trung tâm Hành chính công các cấp; cơ quan xúc tiến đầu tư độc lập; Bộ chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở, ngành, địa phương (DDCI) hay như việc thực hiện phương châm “4 tại chỗ” trong giải quyết thủ tục hành chính; thực hiện dự án đối tác công - tư. Tôi nghĩ Quảng Ninh đang có đà rất tốt để có thể trở thành địa phương tiếp tục dẫn đầu trong cải cách thể chế ở cấp địa phương ở nước ta.
Cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh là một trong những nhiệm vụ trọng tâm ưu tiên chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong những năm qua. Bám sát các Nghị quyết, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, tỉnh Quảng Ninh luôn xác định: Cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh và hỗ trợ, phát triển doanh nghiệp là nhiệm vụ trọng tâm để thúc đẩy tăng tốc thu hút các nguồn lực đầu tư ngoài ngân sách cho đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội bền vững.
Từ những nền tảng vững chắc đã được xây dựng, hình ảnh một Quảng Ninh năng động, sáng tạo đang bứt phá vươn lên và một cộng đồng doanh nghiệp tỉnh tự tin hơn trong hội nhập những năm gần đây là minh chứng sinh động của sự chuyển mình, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh.
Hồng Nhung
Trình bày: Tất Đạt
Bài 2: Đổi mới - Đột phá - Chân thành
Ý kiến ()