4
18
/
840127
Bài 1: Nông dân chật vật tìm nơi tiêu thụ
longform
Bài 1: Nông dân chật vật tìm nơi tiêu thụ

 

Xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trong đó chính quyền vẫn còn tư duy làm kinh tế theo phong trào, hình thức, thiếu tính thực tế; doanh nghiệp liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm thiếu năng lực, chưa trách nhiệm với những cam kết của mình; người dân thì ồ ạt phát triển các mô hình mà thiếu sự tính toán... đã dẫn đến thực trạng nhiều nông sản hiện nay ở Tiên Yên lâm vào cảnh "khủng hoảng thừa".


Cuối tháng 9/2018, xuất phát từ những lời chia sẻ, kêu gọi cộng đồng cùng “giải cứu” chanh đào ở xã Hà Lâu (Tiên Yên) trên các trang mạng xã hội, chúng tôi đã đến xã này để tìm hiểu sự việc. Chứng kiến hàng chục tấn chanh đào ở đây đã đến vụ thu hoạch chín đầy vườn, còn người trồng thì chạy vạy khắp nơi tìm nguồn tiêu thụ, chúng tôi không khỏi chạnh lòng. Điều đáng nói, tìm hiểu tình hình tại Tiên Yên thì không chỉ có Hà Lâu mà nhiều địa bàn khác cũng lâm vào cảnh tương tự.

 

Năm 2015, với quyết tâm đưa Hà Lâu thoát khỏi diện 135, lãnh đạo xã đã vận động bà con trồng cây chanh đào theo hướng liên kết với doanh nghiệp. Theo biên bản làm việc với xã, Công ty CP Phát triển nông lâm nghiệp Trường Xuân (gọi tắt là Công ty Trường Xuân) sẽ ứng trước vốn cho nông dân thông qua cung ứng cây giống, phân bón và thuốc bảo vệ thực vật để triển khai trồng 300ha chanh đào trong 3 năm 2015, 2016 và 2017; đồng thời thu hồi vốn theo phương thức trích sản phẩm trong vòng 10 năm.

Công ty cũng sẽ hướng dẫn kỹ thuật cho nông dân trong suốt thời hạn hợp đồng (15 năm); cam kết thu mua toàn bộ sản phẩm ổn định trong vòng ít nhất 12 mùa thu hoạch, với giá thấp nhất không dưới 18.000 đồng/kg. Theo tính toán của xã, với cơ chế trên, chỉ sau 3 năm, người dân xã Hà Lâu sẽ có thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm từ cây chanh đào.

Trước sự cam kết của doanh nghiệp, chỉ sau vài tháng, cả xã Hà Lâu đã có trên 100 hộ dân đăng ký tham gia với diện tích trồng lên tới 52ha. Nhiều hộ dân còn chặt cả keo non mới trồng được 1-2 năm để thay bằng trồng chanh đào.

Buồn thay, mơ ước thoát nghèo chưa thành hiện thực thì từ năm 2017 đến nay, người dân xã Hà Lâu đứng ngồi không yên vì doanh nghiệp “lặn không thấy bóng tăm cá”, còn chanh thì cứ chín dần rồi rụng chất đống dưới gốc cây. Người dân tìm lên UBND xã để hỏi thì câu trả lời cũng chỉ là “Chúng tôi không liên lạc được với doanh nghiệp”.

Có hộ xót của, chạy xe máy hơn 30km đường núi, mang xuống tận chợ Tiên Yên cũng chỉ bán được với giá 7.000-10.000 đồng/kg, so với chi phí tiền xăng thì thu về chả được bao nhiêu. Thỉnh thoảng có một vài thương lái đến thu mua tại vườn thì giá họ trả chỉ 5.000 đồng/kg, không đáng so với chi phí nhân công thu hoạch nên các hộ dân bỏ mặc cho chanh chín rụng.

Dẫn chúng tôi ra khu vườn trồng 1.000 gốc chanh, anh Lại Xuân Nghiêm (thôn Bàn Phải, xã Hà Lâu) buồn rầu cho biết: 3 năm theo đuổi dự án, gia đình mất rất nhiều ngày công để làm cỏ, đầu tư hàng chục triệu đồng cho hệ thống tưới nước, phân bón và giờ thì gần như lãng phí toàn bộ diện tích này. Hơn 20 tấn chanh đào của gia đình thì có tới 10 tấn đành để mặc chín rụng trên cây. Sắp tới gia đình đành phá bỏ toàn bộ để trồng cam lại từ đầu.

Không chỉ Hà Lâu, nông dân nhiều địa bàn khác của Tiên Yên cũng lâm vào cảnh dở khóc, dở cười vì nông sản đến vụ thu hoạch nhưng không thể tiêu thụ, hoặc tiêu thụ với giá rẻ mạt.

Năm 2015, Công ty TNHH Nuôi trồng, sản xuất và chế biến dược liệu Đông Bắc (gọi tắt Công ty Đông Bắc) đã bắt tay với nông dân 4 xã: Yên Than, Hà Lâu, Đông Ngũ, Đông Hải, triển khai dự án trồng dây thìa canh và cà gai leo. Với lời cam kết tiêu thụ 100% sản phẩm (cả dạng tươi và khô) đã tạo nên luồng không khí phấn khởi cho nông dân không chỉ ở 4 vùng thuộc dự án mà trên toàn huyện.

Cây thìa canh và cà gai leo vốn phù hợp với khí hậu, địa chất huyện Tiên Yên, thời gian trồng sau 6 tháng được thu hoạch, trồng một lần được thu hoạch trong khoảng 3-7 năm, mỗi năm canh tác được 3 vụ, tổng năng suất đạt trung bình 20 tấn/ha/năm, tính ra giá trị đạt cao hơn 6-10 lần so với trồng lúa. Chính bởi vậy, từ chỗ các xã chỉ trồng 1-2ha, sau 2 năm triển khai, diện tích cây dược liệu đã mở rộng lên gần 10 lần.

Tuy nhiên lúc này Công ty Đông Bắc lại không thống nhất được về cách thức thu mua, dẫn đến tiến hành thu mua nhỏ giọt, thậm chí tại xã Hà Lâu doanh nghiệp bỏ ngang không đứng ra tiêu thụ. Thực tế sau 3 năm triển khai dự án, doanh nghiệp này mới thu mua được 4 tấn sản phẩm tươi và 1,2 tấn sản phẩm khô, bằng khoảng 1/10 sản lượng người dân trồng ra trong một năm. Từ đấy, nhiều người dân chán nản, bỏ ruộng không sản xuất nữa. Qua chuyến đi thực tế các xã vừa qua của chúng tôi cho thấy, 70-80% diện tích trồng các loại cây này đã bị người dân bỏ mặc, không chăm sóc, cỏ dại mọc cao hơn cả cây thuốc.

Còn ở thời điểm này, người dân các xã: Đại Dực, Đại Thành, Phong Dụ... đang đứng ngồi không yên trước thông tin cây dong riềng sẽ rơi vào "khủng hoảng thừa", không tiêu thụ được. Bởi chỉ trong thời gian ngắn, diện tích cây dong riềng tăng từ trên 50ha trước đó lên 170ha. Thống kê cụ thể từ huyện Tiên Yên cho thấy, năm 2017 toàn huyện có 71ha trồng dong riềng, tăng 18,6ha so với năm 2016 và tăng 18,3ha so năm 2015. Đến năm 2018 đã tăng thêm 100ha, hiện diện tích cây dong riềng là 170,5ha.

Riêng vùng tập trung tại các xã Đại Thành, Đại Dực, Yên Than và Phong Dụ, quy mô năm 2018 là 148ha tăng 104,55ha so với năm 2016. Trong khi đó, Công ty CP Thương mại và Dịch vụ Bình Liêu (gọi tắt Công ty Bình Liêu), đơn vị ký cam kết bao tiêu sản phẩm trong diện tích 100ha từ năm 2017 cũng đang gặp khó khăn do giá miến dong giảm mạnh, tồn kho đến 200 tấn tinh bột (tương đương 3.000 tấn củ thô).

Chỉ vào ruộng dong riềng lá mọc cao ngang người, chị La Thì Lềnh (thôn Khe Lục, xã Đại Dực) cho biết: “Năm 2017, gia đình tôi trồng 3 sào dong riềng đều bán được hết, nghe thấy xã bảo cứ mở rộng diện tích lên sẽ có doanh nghiệp đến mua, nên năm nay gia đình không trồng lúa nữa mà dành đất trồng dong riềng. Cuối năm không bán được thì đành đào củ lên cho lợn ăn”.

Giải đáp về thực trạng này, ông Nguyễn Thế Anh, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Đại Dực cho biết: Năm 2017 diện tích trồng dong riềng của xã là 20,5ha (lớn thứ 3 của huyện), thực hiện việc mở rộng diện tích theo yêu cầu của huyện, xã đã vận động bà con trồng thêm 10ha nữa. Dự kiến sản lượng củ thô đạt khoảng 210 tấn. Thế nhưng trước tình hình doanh nghiệp có khả năng không thu mua nữa, việc tiêu thụ dong riềng cho bà con đang là bài toán đau đầu nhất của chúng tôi.

Bài, ảnh: Việt Hoa - Hoàng Nga

Trình bày: Hải Anh

Bài 2: Để không còn những cuộc “giải cứu”

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu