Tỉnh Quảng Ninh là một trong những địa phương đi đầu cả nước trong việc sử dụng các nguồn lực để đầu tư cho hạ tầng cơ sở (điện, đường, trường, trạm, hệ thống thông tin liên lạc), đặc biệt ở những khu vực vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo. Tuy nhiên, do đặc thù địa bàn phức tạp, nên việc đầu tư hạ tầng, trong đó có đầu tư phủ sóng di động đến các thôn, bản vùng cao hiện vẫn gặp rất nhiều khó khăn. Bởi vậy, giữa thời đại 4.0, ở một vài địa bàn trong tỉnh, sóng di động vẫn là "xa xỉ" đối với người dân.
Dù chỉ cách trung tâm huyện chưa đầy 10 cây số nhưng cuộc sống của 33 hộ dân thôn Ngàn Chi (xã Vô Ngại, huyện Bình Liêu) gần như bị cô lập thông tin với bên ngoài. Bởi, cả thôn chưa có hộ nào dùng điện thoại bàn vì chi phí lắp đặt đường dây quá tốn kém. Mọi thông tin trao đổi của người dân chỉ biết chông chờ vào những chiếc điện thoại di động. Thế nhưng, sóng điện thoại ở đây thường xuyên bị gián đoạn và “rớt” sóng liên tục.
Buổi tối, theo chân ông Tô Văn Công, Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Ngàn Chi, đến trực tiếp các hộ dân để thông báo cho buổi họp thôn sắp tới, chúng tôi được ông chia sẻ, do ban ngày người dân trong thôn đi làm hết cả, trong khi sóng điện thoại di động trong thôn lúc có lúc không. Bởi vậy, suốt 10 năm nay, mỗi khi thôn hay xã có việc, tối nào ông cũng phải cất công đi đến từng nhà để thông tin. Ở miền xuôi có lẽ đi đến nhà này nhà kia khá dễ dàng, nhưng như ở đây, các nhà cách xa nhau, đi lại khó khăn hơn, chưa kể những ngày thời tiết xấu mà lại có công việc cần thông tin ngay cho bà con thì việc đi lại của ông vô cùng vất vả, thậm chí nguy hiểm.
“Nếu lúc đó có sóng di động, chỉ cần nhấc máy gọi điện một cuộc thôi, mọi công việc sẽ được giải quyết nhanh chóng. Nhưng vì không có sóng điện thoại kết nối nhau nên thông tin trao đổi qua lại bị hạn chế nhiều. Bà con có thể góp công sức cùng nhau làm đường, xây nhà văn hóa… nhưng để đầu tư lắp đặt cột sóng điện thoại thì không thể, bởi kinh phí quá lớn” - ông Công cho biết.
Đến thăm hộ anh Chu Văn Chau, thôn Ngàn Chi, khi cả gia đình anh đang quây quần bên chiếc ti vi nhỏ xem chương trình thời sự buổi tối. Nhiều năm qua, đây là phương tiện duy nhất để gia đình anh nắm bắt được thông tin bên ngoài.
Anh Chau tâm sự: Đến nay, trong thôn hệ thống điện, đường, trường học đã được đầu tư đầy đủ, cuộc sống của chúng tôi tốt lên nhiều. Chỉ có việc liên lạc vẫn quá khó khăn không chỉ bất tiện trong sinh hoạt, trao đổi thông tin mà còn ảnh hưởng đến việc phát triển kinh tế của bà con. Nhiều khi không gọi điện được cho thương lái vào thu mua nông sản chúng tôi phải chở hàng hóa ra tận trung tâm huyện, vừa mất thời gian lại tốn kém chi phí. Cũng có thương lái vào tận thôn thu mua lợn, gà của bà con nhưng do không gặp được trực tiếp, điện thoại mất sóng không gọi được, họ bỏ về và lần sau không quay lại nữa. Bà con ở đây không dám mạnh dạn đầu tư làm ăn lớn mà chỉ duy trì các mô hình kinh tế mang tính tự cung, tự cấp, chứ làm ra không tiêu thụ nhanh được thì lỗ vốn.
Tìm hiểu được biết, do nhu cầu công việc, trao đổi thông tin, ở thôn Ngàn Chi nhà nào cũng có 2-3 chiếc điện thoại di động. Thế nhưng, những chiếc điện thoại này chỉ phát huy tác dụng ở ngoài thôn, còn ở trong thôn, nhiều người vẫn nói đùa "điện thoại không khác đồ chơi", bởi cơ bản không thể gọi hay nhận các cuộc gọi được. Bà con muốn gọi điện thoại liên lạc trao đổi thông tin với nhau chỉ còn cách chạy lên những vị trí cao hoặc sang những thôn bên cạnh để "hứng" sóng may ra mới gọi được. Tuy nhiên, ngay cả như vậy thì không phải lúc nào cũng có thể liên lạc được do sóng điện thoại khá phập phồng, lúc rõ lúc không.
Ngoài thôn Ngàn Chi hiện nay, trên địa bàn tỉnh vẫn còn những điểm dân cư sóng điện thoại chưa thể phủ đến hoặc sóng yếu, chập chờn thường xuyên gây gián đoạn trong thông tin liên lạc. Theo thống kê của Sở Thông tin - Truyền thông, tính đến thời điểm này trên địa bàn tỉnh còn 8 điểm thuộc 8 thôn ĐBKK với gần 500 hộ dân của 4 địa phương (Vân Đồn, Tiên Yên, Bình Liêu, Đầm Hà) nằm trong vùng “lõm” sóng di động. Mục sở thị ở những khu vực này, chúng tôi thấy cuộc sống của các hộ dân khi thiếu sóng di động vất vả và bất tiện trong mọi công việc.
Đơn cử như trường hợp của chị Lại Thị Liên, bưu tá xã Hà Lâu (Tiên Yên) đã gắn bó gần 20 năm với công việc đưa thư, chuyển phát nhanh không nhớ nổi chiếc xe máy của mình đã từng băng rừng vượt suối bao nhiêu lần để đưa từng bưu phẩm đến tận tay người dân. Chị được nhiều người trong xã đặt biệt danh “mõ làng” hay “người truyền tin” bởi mỗi khi có công việc gấp, điện thoại không liên lạc được, tiện cung đường đi chị lại kiêm luôn công việc truyền đạt thông tin từ xã xuống thôn và ngược lại.
Chị Liên tâm sự: Trước đây, nhiều thôn trong xã rơi vào tình trạng “3 không” không đường, không điện và không sóng điện thoại. Tuy nhiên, hiện nay điện và đường đã được Nhà nước đầu tư 100% đáp ứng nhu cầu của các hộ dân trong xã. Duy nhất còn sóng điện thoại tại một số khu dân cư trong thôn: Bản Buông, Bắc Cương - Khe Ngà, cụm dân cư Khe Liềng (thôn Co Mười)… vẫn chưa được phủ sóng hết nên thường xuyên không liên lạc được. Nhiều lúc, những bưu phẩm quan trọng như thư tuyển sinh, giấy báo nhập học hoặc hàng đảm bảo… người nhận nằm ngoài vùng phủ sóng không gọi điện thoại được, tôi phải trực tiếp vào tận thôn, bản cách trung tâm xã 7-10km, có khi đến 2-3 lần mới gặp được chủ hộ.
Không có sóng điện thoại liên lạc mọi công việc triển khai rất dễ bị gián đoạn, khó khăn và bất tiện. Theo chị Liên kể: Cách đây hơn 3 năm, ở thôn Nà Hắc (Hà Lâu), xảy ra 1 vụ cháy rừng. Trưởng thôn và các hộ dân quanh đó phải cố gắng xoay sở dập cháy xong xuôi rồi mới chạy lên ngọn đồi cao “hứng” được ít sóng di động gọi điện thông báo về xã (do thôn nằm cách xa trung tâm xã hơn 10 cây số). Sau vụ cháy năm đó nhiều hộ dân lo ngại nếu để đám cháy lan rộng ra mà sóng điện thoại lại không có để gọi điện cứu trợ thì không biết hậu quả sẽ khó lường.
Còn với cô giáo Nguyễn Thị Oanh, hiện đang dạy học tại điểm trường Bản Buông, xã Hà Lâu (huyện Tiên Yên) do điểm trường nằm ở vùng trũng, khuất núi, sóng di động và mạng 3G yếu làm ảnh hưởng rất nhiều đến việc trao đổi thông tin cũng như việc dạy chữ cho các em nơi đây. Theo cô Oanh, vì sóng điện thoại chập chờn nên việc trao đổi, chia sẻ thông tin với gia đình học sinh rất vất vả. Những bài giảng của cô muốn kết nối với mạng Internet để đa dạng nội dung học tập giúp các em dễ hiểu bài cũng không thực hiện được. Nhiều lần có sự cố bất ngờ như mưa lũ, các em bỏ học nhiều ngày, nhiều hôm thời tiết xấu điểm trường bị mất sóng điện thoại dài ngày thầy cô phải chạy mãi lên khu vực đồi cao mới “hứng” được chút sóng trao đổi thông tin liên lạc được.
Anh Nguyễn Hải Tiến, Phó Giám đốc Trung tâm Viễn thông 4 (Viễn thông Quảng Ninh) cho biết: Các điểm không có sóng di động trên địa bàn tỉnh đều nằm ở những vị trí cách xa trung tâm, chủ yếu khu vực miền núi, hải đảo, biên giới địa hình đồi núi cách trở. Vì vậy, quá trình đầu tư rất khó khăn. Không những thế, suất đầu tư cho mỗi trạm phát sóng di động tại khu vực này thường cao hơn 2-3 lần so với thông thường, chưa tính đến gánh nặng về chi phí vận hành và bảo dưỡng. Trong khi đó, rất nhiều trạm chỉ phục vụ vài chục đến vài trăm thuê bao, đồng nghĩa với việc lợi nhuận là âm.
Thu Chung - Phạm Tăng
Trình bày: Tất Đạt
[links()]
Bài 2: Vươn sóng đến vùng khó
Ý kiến ()