
Quảng Ninh là địa phương có vị trí địa chiến lược quan trọng trong vùng Kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, thuộc tam giác kinh tế Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh, đồng thời là tỉnh duy nhất có đường biên giới cả trên bộ và trên biển với Trung Quốc. Vì thế, Quảng Ninh luôn là địa phương vinh dự được Chủ tịch Hồ Chí Minh quan tâm và dành tình cảm sâu sắc. Sinh thời, Người đã 9 lần về thăm Quảng Ninh, đồng thời cho phép kiến dựng tượng duy nhất khi Người còn sống tại đảo Cô Tô. Trong suốt 60 năm xây dựng và phát triển, những lời căn dặn của Người luôn là động lực, kim chỉ nam tiếp thêm sức mạnh cho cán bộ, Đảng viên, quân và nhân dân các dân tộc tỉnh Quảng Ninh.

Mục tiêu giành “Độc lập - Tự do - Hạnh phúc” đã trở thành triết lý Hồ Chí Minh, định hình con đường phát triển của Việt Nam. Trong tư tưởng của Người, sự ấm no, hạnh phúc của nhân dân là gốc rễ của sự phát triển, mục đích xây dựng và tiến lên Chủ nghĩa xã hội đơn giản là “không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, trước hết là nhân dân lao động”. Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn thể hiện “ham muốn” xuyên suốt, thống nhất “ham muốn tột bậc là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ta ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành”. Người khẳng định trong công cuộc kiến thiết nước nhà, bốn vấn đề: chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa phải cùng được coi trọng, quan tâm ngang nhau. Văn hóa thuộc kiến trúc thượng tầng nên cơ sở hạ tầng của xã hội có kiến thiết, văn hóa mới có điều kiện đủ để phát triển. Vì thế, phát triển kinh tế là nhiệm vụ then chốt, trọng tâm như Người khẳng định “Tục ngữ có câu: Có thực mới vực được đạo, vì thế kinh tế phải đi trước”. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, “muốn nâng cao đời sống của nhân dân trước hết phải giải quyết tốt vấn đề ăn (rồi đến vấn đề mặc và các vấn đề khác)”. Khi nhu cầu tối thiểu để con người có thể sinh tồn không được đáp ứng thì không có tiền đề để hạnh phúc mà theo Người “người dân không hưởng tự do, hạnh phúc thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì”. Chế độ chính trị của chủ nghĩa xã hội chỉ được bảo đảm và đứng vững trên cơ sở một nền kinh tế vững mạnh.

Tuy nhiên, Người không xác định phát triển kinh tế “bằng mọi giá” mà cốt lõi của phát triển kinh tế là phải xác định “Phát triển để làm gì?”. Người khẳng định “Chính sách kinh tế của nước Việt Nam dân chủ Cộng hòa là không ngừng phát triển sản xuất để nâng cao đời sống vật chất và văn hóa của người dân”. Người chỉ rõ mục đích của phát triển kinh tế là đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của nhân dân lao động, là nhu cầu tồn tại và phát triển của con người nói chung. Ngày 24/4/1956, trong Lời bế mạc Hội nghị lần thứ 9 (mở rộng) của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam, Người căn dặn: “Phải luôn luôn nhớ rằng: Điều quan trọng bậc nhất trong kế hoạch kinh tế của chúng ta hiện nay là nhằm cải thiện dần đời sống của nhân dân...”. Đó là mục đích kinh tế, là nhiệm vụ của Đảng và Chính phủ, đồng thời là thước đo tính đúng đắn, ý nghĩa cách mạng của đường lối, chính sách và biện pháp kinh tế. Người nhấn mạnh: “Chính sách của Đảng và Chính phủ là phải hết sức chăm nom đến đời sống của nhân dân. Nếu dân đói, Đảng và Chính phủ có lỗi; Nếu dân dốt, Đảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân ốm là Đảng và Chính phủ có lỗi. Nếu dân đói, rét, dốt, bệnh thì chính sách của ta dù có hay mấy cũng không thực hiện được”. Từ đó cho thấy bản chất nhân văn trong tư duy phát triển kinh tế của Người đó là sự phát triển hài hòa, đồng bộ giữa kinh tế, văn hóa và an sinh xã hội, là hướng tới một xã hội phát triển ổn định, bền vững. Phát triển kinh tế để có nền tảng giải quyết các vấn đề xã hội, bảo tồn và kiến thiết các giá trị văn hóa; có tiềm lực để gìn giữ, bảo vệ Tổ quốc. Quan niệm “không sợ thiếu, chỉ sợ không công bằng. Không sợ nghèo, chỉ sợ lòng dân không yên” không chỉ có giá trị trong lưu thông phân phối mà suy rộng ra là việc giải quyết mối quan hệ giữa tăng trưởng (GDP) và phát triển bền vững (an ninh quốc phòng, an sinh xã hội, văn hóa- tinh thần…). Như vậy, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khéo léo, tài tình kết hợp giữa tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hóa, gắn liền với an sinh xã hội, nhằm mục tiêu tất cả cho con người và vì con người.
Trải qua hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước, tổ tiên ta đã sớm khẳng định chủ quyền lãnh thổ quốc gia, dù là biên giới đất liền, trên không hay trên biển, đảo đều là bờ cõi giang sơn, là “phên dậu” của đất nước. Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn “Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”. Dựng nước đi liền với giữ nước theo bài học của ông cha để lại, xây dựng phải đi liền với bảo vệ, do đó, Người cũng đặc biệt căn dặn phải chú trọng đảm bảo chủ quyền, an ninh, quốc phòng. Phát triển kinh tế phải gắn liền với quốc phòng, chú trọng đảm bảo an ninh, hòa bình, ổn định vì “một khi chiến tranh đã bùng nổ ở nơi nào, ảnh hưởng của nó sẽ lan tràn khắp các nơi khác. Chẳng những thế, nó còn ảnh hưởng sâu sắc đến các ngành hoạt động kinh tế, chính trị, văn hóa của toàn xứ”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh và Anh hùng vũ trụ Liên Xô Gherman Titov trên tàu hải quân ra thăm Vịnh Hạ Long, Quảng Ninh, ngày 22/01/1962. (Ảnh tư liệu)
Chủ tịch Hồ Chí Minh và Anh hùng vũ trụ Liên Xô Gherman Titov trên tàu hải quân ra thăm Vịnh Hạ Long, Quảng Ninh, ngày 22/01/1962. (Ảnh tư liệu)
Với tầm nhìn chiến lược vượt thời đại, từ rất sớm, Chủ tịch Hồ Chí Minh không những chỉ rõ tiềm năng, lợi thế “biển bạc” của Việt Nam mà còn đặc biệt quan tâm đến bảo vệ chủ quyền lãnh thổ quốc gia, nhất là vùng biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Người chỉ rõ: “Ngày trước ta chỉ có đêm và rừng. Ngày nay ta có ngày, có trời, có biển. Bờ biển ta dài, tươi đẹp, ta phải biết giữ gìn lấy nó”.


Quảng Ninh được ví là “Đất nước Việt Nam thu nhỏ” với vị trí địa chiến lược quan trọng. Là một trong 25 tỉnh, thành phố có biên giới nhưng là tỉnh duy nhất có đường biên giới trên bộ và trên biển với Trung Quốc (biên giới trên bộ 120 km, đường phân định Vịnh Bắc Bộ trên biển trên 191 km). Là một trong 28 tỉnh, thành phố có biển, với dải bờ biển dài 250 km và ngư trường rộng khoảng trên 6,1 nghìn km2 (tương đương diện tích tự nhiên của tỉnh); là tỉnh duy nhất có 4 thành phố, 2 thị xã trực thuộc, tỷ lệ đô thị hóa cao xấp xỉ 69%. Trong xu thế hội nhập quốc tế, Quảng Ninh có lợi thế hội nhập sâu rộng khi nằm ở điểm đầu khu vực hợp tác “Hai hành lang, Một vành đai”, khu vực mậu dịch tự do ASEAN - Trung Quốc; trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, Hợp tác kinh tế liên vùng Vịnh Bắc Bộ mở rộng; là cầu nối trung chuyển, giao lưu hàng hóa, khoa học công nghệ, đầu tư giữa Đông Bắc Á - Đông Nam Á.
Xét trên khía cạnh danh thắng, Quảng Ninh có nhiều cảnh quan “độc bản”, hội tụ đầy đủ các yếu tố tự nhiên, lịch sử, văn hóa. Toàn tỉnh có hơn 600 danh lam, thắng cảnh, di tích lịch sử, trong đó, Vịnh Hạ Long hai lần được UNESCO công nhận là di sản thiên nhiên thế giới. Quảng Ninh cũng là một trong những cái nôi của người Việt cổ với 3 nền văn hóa tiền sử: Văn hóa Soi Nhụ, văn hóa Cái Bèo và văn hóa Hạ Long. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 22 dân tộc cùng sinh sống. Điều này khiến con người và xã hội Quảng Ninh có sự hội tụ, giao thoa, sự thống nhất trong đa dạng của nền văn minh sông Hồng. Không những thế, Quảng Ninh còn mang dáng dấp đặc trưng của vùng đất cách mạng, “cái nôi” của giai cấp công nhân với di sản tinh thần “Kỷ luật và đồng tâm” đặc biệt của giai cấp công nhân Vùng Mỏ.

Quảng Ninh vinh dự, tự hào là vùng đất được Bác đặt tên sau khi hợp nhất tỉnh Hải Ninh và khu Hồng Quảng năm 1963, “Bác đề nghị lấy mỗi tỉnh một chữ cuối của Hồng Quảng và Hải Ninh, ghép lại thành Quảng Ninh, vừa dễ hiểu, vừa dễ nhớ, lại có nhiều nghĩa. “Quảng” là rộng lớn, “Ninh” là yên vui, bền vững. Quảng Ninh là một vùng rộng lớn, yên vui, bền vững. Ông cha ta đã chẳng từng đặt những tên An Bang, Ninh Hải, Hải Ninh, An Quảng, Quảng Yên đó sao?”. Với sự quan tâm, niềm tin Bác gửi gắm thông qua ý nghĩa tên gọi, trong suốt 60 năm xây dựng và phát triển, Quảng Ninh đã vận dụng sáng tạo tư tưởng, đạo đức, phong cách và lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh vào công cuộc kiến thiết và phát triển toàn diện của tỉnh.

Chủ tịch Hồ Chí Minh nói chuyện với đại biểu nhân dân các dân tộc tỉnh Hải Ninh (nay thuộc Quảng Ninh) ngày 18/2/1960. (Ảnh tư liệu)
Chủ tịch Hồ Chí Minh nói chuyện với đại biểu nhân dân các dân tộc tỉnh Hải Ninh (nay thuộc Quảng Ninh) ngày 18/2/1960. (Ảnh tư liệu)
Thứ nhất, tập trung vào sản xuất, phát triển kinh tế
Xác định rõ, chỉ có “sản xuất tốt, kinh tế mạnh” mới đảm bảo đời sống nhân dân, ngay cả trong thời kỳ chiến tranh bom đạn (1963-1975), tỉnh Quảng Ninh vẫn tập trung chỉ đạo, điều hành sản xuất, đảm bảo đời sống, kiên định đường lối phát triển kinh tế song hành với chiến đấu chống giặc ngoại xâm. Quảng Ninh là địa phương tiêu biểu cho khẩu hiệu "Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người", vừa chiến đấu ngoan cường, dũng cảm chống chiến tranh phá hoại của Đế quốc Mỹ vừa chi viện đắc lực cho chiến trường miền Nam.
Trong những năm gần đây, Quảng Ninh liên tục bứt phá vươn lên, giữ vững vai trò “đầu tầu kinh tế” của cả nước với tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, trong đó, tốc độ tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm 2023 đạt 9,46% (đứng thứ 2 trong Vùng đồng bằng sông Hồng và thứ 4 cả nước); Giữ vững đà tăng trưởng kinh tế 2 con số trong 7 năm liên tiếp (2016 - 2022); Cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh có nhiều tiến bộ, giữ được vị trí thứ nhất chỉ số PCI 6 năm liên tiếp (2017 - 2022) và là địa phương duy nhất trong cả nước hai năm 2020, 2022 dẫn đầu cả nước đồng thời 4 chỉ số PCI, ParIndex, SIPAS, PAPI.
Vận dụng sáng tạo lời dạy của Bác, Quảng Ninh không chỉ tập trung phát triển kinh tế “bề nổi” mà kiên trì thực hiện mục tiêu chuyển hướng sang phát triển kinh tế bền vững, tăng trưởng xanh, bao trùm, trên cơ sở phát huy tối đa tiềm năng, thế mạnh, nội lực để tích cực chuyển đổi phương thức phát triển từ “nâu” sang “xanh”, quyết liệt thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế, đặc biệt là lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ. Nền kinh tế được định hướng giảm dần việc dựa vào tài nguyên không tái tạo như than, khoáng sản, đất và tăng dần các yếu tố bền vững như dịch vụ, du lịch, khoa học công nghệ, đầu tư, thương mại, cảnh quan, văn hóa...; lấy du lịch, dịch vụ làm trung tâm. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực, đến nay, khu vực công nghiệp - xây dựng chiếm 55,2%, dịch vụ chiếm 39,9%. Quảng Ninh trở thành trung tâm du lịch quốc tế kết nối với khu vực và thế giới, giữ vững vai trò là một trung tâm năng lượng của quốc gia, trung tâm thủy sản miền Bắc, trung tâm kinh tế biển hiện đại, mang tầm quốc tế.

Cụm công trình Bảo tàng - Thư viện Quảng Ninh.
Cụm công trình Bảo tàng - Thư viện Quảng Ninh.
Thứ hai, phát triển kinh tế đi đôi với đảm bảo an sinh xã hội, công bằng xã hội
Kế thừa, vận dụng sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh về phát triển hài hòa, đồng bộ giữa kinh tế, văn hóa và an sinh xã hội, Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI, Đảng ta nhấn mạnh: “Tăng trưởng kinh tế, phát triển văn hóa và thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội…” là cơ sở để phát triển bền vững. Tại Đại hội XII, XIII, Đảng ta cũng khẳng định, bảo đảm an sinh xã hội là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong thời kỳ mới. Nhận thức rõphát triển kinh tế phải đi đôi với đảm bảo an sinh xã hội, công bằng xã hội, tỉnh Quảng Ninh đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách chăm lo bảo đảm an sinh xã hội, phúc lợi xã hội và ưu tiên bố trí nguồn lực lớn để nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân tại các xã, thôn, bản, các vùng đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo, các đối tượng chính sách, yếu thế, từng bước thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các địa phương, vùng miền; thực hiện mục tiêu kép phát triển bền vững kinh tế xã hội, bảo đảm vững chắc quốc phòng – an ninh.
Thứ ba, quan tâm bảo tồn, phát triển văn hóa, lấy con người là trung tâm
Sinh thời, chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, phát triển văn hóa con người “cốt lõi là việc ở đời và làm người”. Người khẳng định văn hóa là động lực của sự phát triển xã hội “soi đường cho quốc dân đi”. Nhận thức rõ mối quan hệ biện chứng giữa văn hóa và chính trị, kinh tế xã hội, tỉnh Quảng Ninh luôn chú trọng gìn giữ, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa- con người của địa phương.

Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm Cô Tô, ngày 9/5/1961. (Ảnh tư liệu)
Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm Cô Tô, ngày 9/5/1961. (Ảnh tư liệu)
Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết số 11-NQ/TU, ngày 9/3/2018 về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Quảng Ninh đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững. Công tác văn hóa đời sống luôn được chú trọng, năm 2020, toàn tỉnh có 94% số gia đình đạt tiêu chuẩn gia đình văn hoá; 90% số thôn, bản, khu phố đạt chuẩn văn hóa; thu hẹp dần khoảng cách về mức hưởng thụ văn hóa giữa đô thị và nông thôn, miền núi, hải đảo. Tỉnh cũng đặc biệt quan tâm, có kế hoạch huy độngcác nguồn lực đầu tư thiết chế văn hóa, thể thao đồng bộ, hiện đại với nhiều công trình nổi bật, tập trung bảo tồn, tôn tạo, phát huy các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể của các di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh, các khu di tích đặc biệt quốc gia góp phần thúc đẩy kinh tế du lịch phát triển.
Thứ tư, chú trọng bảo đảm an ninh, quốc phòng và giữ vững chủ quyền
Với đặc trưng địa lý, là tỉnh có biên giới đồng thời trên bộ và trên biển, kinh tế Quảng Ninh mang dáng dấp “kinh tế biên mậu”, do đó, tỉnh Quảng Ninh luôn xác định phát triển kinh tếgắn với bảo đảm an ninh, quốc phòng và giữ vững chủ quyền, quyền chủ quyền của đất nước. Tỉnh có 82 xã, phường, thị trấn thuộc khu vực biên giới, hải đảo, là những địa bàn “phên dậu” có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng. Trong suốt 60 năm qua, đặc biệt là 10 năm gần đây, tỉnh đã thực hiện nhiều chủ trương, chính sách đặc thù nhằm hỗ trợ, phát triển kinh tế - xã hội ở khu vực miền núi, biên giới, biển đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Chú trọng đầu tư hoàn thiện hệ thống công trình hạ tầng kinh tế xã hội thiết yếu và cấp bách để phục vụ đời sống dân sinh khu vực biển, đảo và vùng ven biển, đảm bảo tính chiến lược về kinh tế, quốc phòng.
Trong vấn đề đảm bảo an ninh, chủ quyền, theo di huấn của Người, biển, đảo luôn có vị trí chiến lược “Đồng bằng là nhà, mà biển là cửa. Giữ nhà mà không giữ cửa có được không?”. Là tỉnh có đường biên giới trên biển kéo dài, Quảng Ninh sở hữu nhiều vùng biển đảo có vị thế chiến lược trong nền quốc phòng quốc gia với vai trò là những tiền đồn, cứ địa phòng thủ bảo vệ “cửa ngõ” miền Bắc. Quảng Ninh luôn xác định mục và thực hiện tốt mục tiêu kép phát triển bền vững kinh tế biển gắn với đảm bảo an ninh, quốc phòng, chủ quyền và quyền chủ quyền quốc gia trên nguyên tắc hòa bình, hữu nghị.

Cột cờ đảo Trần.
Cột cờ đảo Trần.
Với khoảng 70 đảo, đá lớn nhỏ, Cô Tô được xác định làquần đảo chứa đựng tiềm năng phát triển kinh tế biển tổng hợp, đồng thời có vị trí địa chiến lược quan trọng về đảm bảo an ninh quốc phòng, chủ quyền, quyền chủ quyền và lợi ích quốc gia trên biển của Quảng Ninh. Với vị thế địa chiến lược như vậy, ngày 9/5/1961, Cô Tô vinh dự được đón Bác ra thăm và sau đó cho phép kiến dựng tượng Người lúc sinh thời. Tượng đài của Người là hồn thiêng sông núi, điểm mốc thể hiện chủ quyền của Việt Nam ở biển Đông, là hơi ấm và niềm tin của Người đối với quân, dân Cô Tô nói riêng và tỉnh Quảng Ninh nói chung.
Triết lý phát triển xã hội của Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn có sự gắn kết chặt chẽ các lĩnh vực xã hội với nhau trong một tổng thể hoàn chỉnh, hướng đến sự phát triển bền vững, lâu dài và dựa trên nguồn sức mạnh nội sinh của con người, của dân tộc. Tư tưởng phát triển hài hòa, đồng bộ giữa kinh tế, văn hóa và an sinh xã hội gắn với đảm bảo an ninh quốc phòng cho đến nay vẫn giữ nguyên giá trị cả về lý luận và chỉ dẫn thực hành. Là địa phương có nhiều lợi thế để phát triển kinh tế- xã hội toàn diện đồng thời nắm giữ vị thế địa chiến lược trong nền quốc phòng quốc gia, Quảng Ninh luôn xác định con đường phát triển bền vững, đồng bộ, toàn diện theo đúng “tôn chỉ” của Triết lý Hồ Chí Minh.
Nội dung: NGUYỄN VIỆT DŨNG, ĐOÀN THỊ THU HƯƠNG
Trình bày: HÙNG SƠN