Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 23/11/2024 20:11 (GMT +7)
Bài 1: Ra đường là gặp... cán bộ
Thứ 5, 06/12/2012 | 07:08:51 [GMT +7] A A
Minh Cầm là một xã thuộc diện khó khăn của huyện nghèo Ba Chẽ. Hàng năm, ngân sách địa phương cùng các chương trình hỗ trợ khác (từ nhiều nguồn) đến với xã miền núi này nhiều tỷ đồng. Kinh phí có, nhưng sử dụng các nguồn này làm sao để đạt hiệu quả cao nhất thì có lẽ đội ngũ cán bộ chính quyền cấp xã, thôn phải vào cuộc hết sức tích cực. Phải chăng vì vậy mà chỉ vài năm trở lại đây, số lượng cán bộ xã, thôn ở Minh Cầm gần ngang ngửa với số hộ dân trong xã. Đến nỗi, nhiều người phải thốt lên: Ra đường là gặp cán bộ... Điều đáng bàn chính là số lượng cán bộ lại không phản ánh được chất lượng hoạt động của đội ngũ này. Và thực tế này đang diễn ra không chỉ ở Minh Cầm.
131 hộ dân - 120 cán bộ xã, thôn
Nằm cách trung tâm thị trấn Ba Chẽ gần 50km, Minh Cầm là một trong 2 xã xa nhất và cũng là khó khăn nhất nhì của huyện Ba Chẽ. Dân số toàn xã hiện có khoảng 519 nhân khẩu sống rải rác ở 5 thôn, tỷ lệ người dân tộc thiểu số chiếm tới 94%. Dù đã ra khỏi danh sách xã 135 được vài năm nay nhưng đời sống của người dân Minh Cầm vẫn rất khó khăn, hoạt động sản xuất chủ yếu dựa vào việc tự cung tự cấp và hỗ trợ của Nhà nước. Đến nay cả xã mới chỉ có 18 nhà đạt tiêu chuẩn “2 cứng” trở lên (nền nhà cứng, tường xây), trong đó có 9 nhà được đạt tiêu chuẩn “2 cứng” là từ chương trình hỗ trợ, cải thiện nhà ở cho hộ nghèo. Chưa phải là xã giàu thế nhưng ở xã có số dân khiêm tốn này hiện đang có tới gần 1/4 số người làm cán bộ xã, thôn. Sự phân bổ đồng đều đến mức nếu chia tỷ lệ bình quân thì gần như 1 hộ gia đình có 1 cán bộ xã hoặc thôn.
Cán bộ thôn, xã của Minh Cầm cũng nhiều tương đương với số ngôi nhà chưa đạt tiêu chuẩn “2 cứng” ở đây. Ảnh: LAN HƯƠNG |
Khái niệm lạm phát mới đang được sử dụng trên lĩnh vực kinh tế, thế nhưng ở một lĩnh vực tưởng như nhà nước kiểm soát hoàn toàn lại đang xuất hiện sự lạm phát. Đó là lạm phát cán bộ ngay trong chính thiết chế bộ máy từ cơ sở. |
Khi được hỏi về số lượng cán bộ đang có trong xã, đồng chí Bàn Văn Ba, Phó Chủ tịch UBND xã Minh Cầm nhẩm tính sơ bộ lên tới 120 người. Minh Cầm đã vận dụng gần như tối đa “khung bổ nhiệm cán bộ” trong quy định của Bộ Nội vụ. Có nghĩa là việc bổ nhiệm cán bộ kiêm nhiệm rất ít, mỗi chức danh đều có chuyên trách đảm nhiệm. Đúng là theo quy định việc làm này không sai, nhưng nếu nhìn nhận từ hiệu quả thực hiện thì rõ ràng bộ máy cán bộ ở xã này quá cồng kềnh. Trường hợp như tại thôn Đồng Tán, Đồng Quánh đến nay mới phát triển được 3-5 đảng viên/thôn, thế nhưng vẫn có một bí thư chi bộ hưởng phụ cấp chuyên trách chứ không kiêm nhiệm với các chức danh khác như trưởng thôn hay trưởng ban đoàn thể nào đó. Ngoài ra, ở mỗi thôn tất cả các đoàn thể như Hội Nông dân, Cựu chiến binh, Phụ nữ, Đoàn Thanh niên, Mặt trận, cộng tác viên y tế thôn, bản… đều có các chức danh trưởng và phó riêng, không kiêm nhiệm. Như Phó Chủ tịch UBND xã chia sẻ cán bộ đông là vậy nhưng vừa qua một thôn của xã khi kiện toàn chức danh trưởng thôn phải mất gần 1 năm để tìm người vì không cán bộ nào của thôn chịu kiêm nhiệm.
Hệ thống đường, vỉa hè ở trung tâm xã Minh Cầm (Ba Chẽ) được đầu tư khá hiện đại. |
Đồng chí Phó Chủ tịch UBND xã lý giải thêm: “Các chức danh này được hưởng phụ cấp 0,25% lương cơ bản đối với chức danh hội trưởng và 0,15% với chức danh hội phó. Ở các thôn, bản, cán bộ đều do dân tín nhiệm bầu. Đây là đối tượng gần dân nhất, sâu sát các hoạt động của người dân và triển khai các quy định, chính sách của Nhà nước đến với dân nhanh nhất, hiệu quả nhất. Việc kiêm nhiệm thì cũng tốt nhưng đến khi có việc cần đến thì cán bộ chuyên trách dễ dàng xử lý hay điều động hơn, không bị chồng chéo như cán bộ kiêm nhiệm”. Tuy nhiên, rõ ràng, sự việc không hẳn là như vậy…
“Lắm sãi không ai gác cửa chùa”
Cán bộ đông ngang ngửa với số hộ dân trong xã nhưng câu chuyện pháp luật xảy ra ở xã Minh Cầm gần đây hẳn nhiều người vẫn còn rất quan tâm. Hơn 100,9ha rừng tự nhiên ở tiểu khu 133, 134 của xã bị tàn phá trong một thời gian dài nhưng Đảng uỷ, chính quyền xã lại không hề biết. Sự việc diễn ra từ tháng 1-2012 và đỉnh điểm của việc tàn phá này là vào tháng 4-2012, khi hàng chục người ùa vào đốt trụi, chặt hạ cây rừng. Và phải đến giữa năm khi cơ quan chức năng vào cuộc điều tra phát hiện 100,9ha rừng tự nhiên hỗn giao gồm các loại cây tre, nứa, gỗ bị chặt và đốt phá. Sau điều tra, Công an huyện Ba Chẽ đã tìm ra 36 đối tượng là người dân trong các thôn Đồng Tán, Đồng Doong, Khe Tum thuộc xã Minh Cầm; 1 người dân ở xã Đồn Đạc; 1 người thuộc xã Lương Mông liên quan đến việc phá rừng. Về việc thiếu sâu sát dẫn đến thiệt hại về rừng kể trên, Ban Thường vụ Huyện uỷ Ba Chẽ đã thống nhất xử lý kỷ luật khiển trách đối với các cán bộ xã Minh Cầm. Cụ thể, 5 cán bộ chủ chốt của xã do thiếu tinh thần trách nhiệm, buông lỏng quản lý, lúng túng trong xử lý, không báo cáo kịp thời nên để xảy ra vụ xâm lấn rừng, đất rừng nghiêm trọng, làm ảnh hưởng đến tài nguyên rừng, làm giảm sút ý chí chiến đấu, ảnh hưởng đến vai trò lãnh đạo của Đảng và vai trò đứng đầu trong chức trách nhiệm vụ được giao. Đồng chí Bí thư Đảng uỷ xã đã bị kỷ luật bằng hình thức khiển trách. Đồng chí Phó Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch UBND xã bị kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo về đảng, cách chức về chính quyền. Các đồng chí Phó Chủ tịch UBND xã phụ trách lĩnh vực nông - lâm nghiệp; Phó Bí thư Thường trực Đảng uỷ; Phó Chủ tịch HĐND xã đều bị kỷ luật bằng hình thức khiển trách về đảng, khiển trách về chính quyền.
Câu chuyện về rừng tạm gác lại, nhưng nhìn lại công tác quản lý Nhà nước trên địa bàn thấy rằng, với đầy đủ ban bệ từ thôn đến xã vậy mà sự việc lớn tày trời như thế xảy ra trong suốt thời gian dài mà chính quyền không hề có sự can thiệp nào. Dù rằng ngoài nguyên nhân do trình độ dân trí, hiểu biết pháp luật của người dân hạn chế thì nguyên nhân cơ bản vẫn là sự yếu kém về trình độ, năng lực quản lý Nhà nước của đội ngũ cán bộ xã, thôn. Cán bộ cấp xã thì nể nang, ngại va chạm, thiếu kiên quyết trong xử lý vụ việc bởi có mối quan hệ họ hàng, dòng tộc. Còn đối với hơn 100 cán bộ làm công tác tại các thôn trách nhiệm của họ là ở đâu trong khi ngân sách địa phương hàng năm vẫn đang phải chi trả một khoản tiền không nhỏ cho đội ngũ cán bộ này chỉ để “gần dân, sát dân”?.
Có lẽ việc “lắm sãi không ai gác cửa chùa” ở Minh Cầm theo như lý giải của một trưởng ban mặt trận thôn đó là “phải bầu đủ cán bộ theo quy định vì nếu kiêm nhiệm thì anh cũng sẽ không được trả đúng theo mức tính phụ cấp 2 chức danh. Như thế là thiệt thòi cho cả người kiêm nhiệm và người chuyên trách. Tiền nhà nước có riêng một khoản phụ cấp thì cần gì phải kiêm nhiệm để người khác mất cơ hội có được suất lương”...
Lan Hương - Hồng Nhung
Bài 2: Tăng người hay tăng lương?
Liên kết website
Ý kiến ()