
“Quảng Ninh có thể coi là một trong những mảnh đất kỳ lạ của hành tinh, một sản phẩm có một không hai, vừa là của tạo hóa, vừa là của chính con người. Dưới khoảng trời xanh tĩnh lặng, những đảo đá vừa uy nghi, trầm mặc, vừa mộng mơ, lãng mạn là những di sản văn hóa vật chất và tinh thần từ cuộc sống hiện thực của biết bao thế hệ con người, miệt mài trong lao động, đấu tranh để vươn tới những gì tốt đẹp nhất. Nơi đây, mỗi bờ cát, mỗi con sóng đều thấm đượm những hạnh lạc và ưu tư, những nước mắt và nụ cười, những giọt mồ hôi và cả máu đỏ của bao nhiêu con người…”
(Trích bài viết của GS Vũ Khiêu)
Đi trong sự kỳ lạ đó, dưới bàn tay kiến tạo, bằng những khối óc “đổi mới – sáng tạo – đoàn kết” hòa quyện trong truyền thống “kỷ luật và đồng tâm” những công trình mang tầm vóc thế kỷ được hiện hữu trên mảnh đất lạ kỳ này cũng mang theo sự khác biệt, những giá trị nổi trội để “lắng đọng lại cùng thời gian, trầm tích trong những lớp đất đá, cỏ cây, trời mây, sóng nước, mỗi góc phố, con đường, xóm thôn, bến bãi… làm lay động lòng người” chạm đến cảm xúc của ai đó khi trải nghiệm trên những cung đường di sản, qua những cây cầu của tình yêu, đi trong niềm tin, khát vọng về sự hùng cường của đất nước từ nơi đặt nét vẽ đầu tiên – Quảng Ninh thân yêu!

Trong sự vận động phát triển không ngừng nghỉ của cực tăng trưởng vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc, Quảng Ninh trong những năm vừa qua liên tục, liên tục mỗi năm làm được một vài việc mới, việc lớn, việc chưa có tiền lệ, việc ghi dấu ấn. Đó là, hoàn thành được tuyến cao tốc đầu tiên của tỉnh, của cả nước do ngân sách tỉnh ứng vốn thực hiện. Trên tuyến đường đó là cây cầu hiện hữu trên dòng Bạch Đằng giang lịch sử với biểu tượng 3 chữ H không chỉ là sự kết nối phát triển của tam giác kinh tế phía Bắc (Hà Nội – Hải Phòng – Hạ Long) mà đó là nhịp cầu nối những bờ vui. Bờ vui của sự đoàn kết phát triển, của niềm tin dựng xây đất nước giàu đẹp.

Cầu Bạch Đằng, cây cầu dây văng nhiều nhịp đầu tiên ở Việt Nam, lớn thứ 7 thế giới do người Việt tự đầu tư, thiết kế và tổ chức thi công. Công trình đánh dấu sự đột phá, phát triển, đổi mới về công nghệ xây dựng hạ tầng giao thông tại Việt Nam.
Cầu Bạch Đằng, cây cầu dây văng nhiều nhịp đầu tiên ở Việt Nam, lớn thứ 7 thế giới do người Việt tự đầu tư, thiết kế và tổ chức thi công. Công trình đánh dấu sự đột phá, phát triển, đổi mới về công nghệ xây dựng hạ tầng giao thông tại Việt Nam.
Dòng Bạch Đằng Giang lịch sử nghìn năm qua mỗi con sóng ầm ì bờ bãi vẫn kể mãi những câu chuyện tự hào: Năm 938 tại cửa sông Bạch Đằng, Đức Vương Ngô Quyền đã huy động hàng nghìn binh sỹ cùng nhân dân địa phương xây dựng trận địa cọc để đón đánh quân xâm lược Nam Hán. Năm 981 vua Lê Đại Hành thân chinh làm tướng cầm quân, cho xây thành Bình Lỗ, sai quân sĩ đóng cọc ngăn sông dựa vào thế hiểm trở của sông Bạch Đằng đánh thắng quân Tống xâm lược. Năm 1288, Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn chỉ huy quân dân Đại Việt trong trận chiến chống quân Mông – Nguyên trên sông Bạch Đằng làm lên trận thủy chiến có một không hai trong lịch sử. Trong thời kỳ đổi mới, dòng sông lịch sử chứng kiến sự vươn lên của cây cầu như dải lụa trải dài nối TP Hải Phòng với tỉnh Quảng Ninh. Một cây cầu có dây văng nhiều nhịp trên thế giới, do chính người Việt đầu tư, thiết kế và tổ chức thi công với các điều kiện các công nghệ, thiết bị, kỹ thuật đều là lần đầu có tại Việt Nam. Cây cầu biểu tượng về kỹ thuật xây dựng cầu đường mới của con người Việt.

Cao tốc Hạ Long - Hải Phòng là tuyến cao tốc đầu tiên của Quảng Ninh được triển khai bằng tư duy năng động, sáng tạo và đổi mới.
Cao tốc Hạ Long - Hải Phòng là tuyến cao tốc đầu tiên của Quảng Ninh được triển khai bằng tư duy năng động, sáng tạo và đổi mới.
Trải nghiệm hết 3 nhịp chữ H trên cầu Bạch Đằng, là sự ngỡ ngàng đối với bất kỳ ai lần đầu đi trên tuyến cao tốc này, bởi cảnh quan hai bên đường là trải dài ngút tầm mắt rừng ngập mặn, xa xa nhấp nhô những đảo đá trên kỳ quan thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long. Trên mỗi tấc đất nơi đây đã thấm đẫm cả máu, mồ hôi của biết bao thế hệ những người con đi khai hoang mở đất, lập lên những làng mạc trù phú bình yên, đi trên cung đường của sự hiện đại, giàu có, con đường của sự tiến bộ khoa học kỹ thuật là đi vào thế giới của những miền di sản cả về thiên nhiên và văn hóa, miền trầm tích về cảm xúc những điệu hát đúm Hà Nam – Quảng Yên mang đậm nét văn hóa của ngư dân miền biển đan xen với nét văn hóa từ kinh thành Thăng Long xưa.
Ai đó đã viết đi trên cao tốc từ cầu Bạch Đằng chạm đất Hạ Long cảm giác giống như Alice lạc vào xứ sở thần tiên, một vịnh Hạ Long kỳ vĩ giữa đất trời, một Hạ Long lung linh, thần tiên, huyền ảo, duyên dáng, mộng mơ hiện ra trước mắt!


Núi Bài Thơ (TP Hạ Long) lung linh trong ánh đèn đêm.
Núi Bài Thơ (TP Hạ Long) lung linh trong ánh đèn đêm.

Tuyến đường bao biển Hạ Long - Cẩm Phả. Ảnh: Nguyễn Thành Chung
Tuyến đường bao biển Hạ Long - Cẩm Phả. Ảnh: Nguyễn Thành Chung

Tuyến đường bao biển Trần Quốc Nghiễn với 6 làn xe đã trở thành điểm nhấn giao thông của TP Hạ Long.
Tuyến đường bao biển Trần Quốc Nghiễn với 6 làn xe đã trở thành điểm nhấn giao thông của TP Hạ Long.

“Đi qua Hồng Gai đến với biển trời Đông Bắc. Hạ Long biếc xanh mây núi sao long lanh” - đi trên biển trời Đông Bắc hôm nay không có nghĩa chỉ có tàu thủy nổ máy ra khơi mà những con đường chạy ven bờ di sản cho du khách được mãn nhãn một vùng non nước Hạ Long.
Trong dọc dài 3.260 cây số bờ biển của đất nước, Quảng Ninh có 250 cây số trong đó. Nơi vùng đất, có những con đường chứng kiến bao sự biến đổi của tạo hóa, bao chuyến đi mở đất, mở cõi của người xưa hình thành nên di sản văn hóa biển đảo – nguồn cội hình thành tư duy hướng biển, văn hóa biển, kinh tế biển với tầm nhìn khu vực và quốc tế. Đó cũng chính là khởi nguồn để thế hệ hôm nay xây dựng những con đường in gót giày tiền nhân thủa khai hoang, khẩn đất, những con đường tầm vóc trong lòng vịnh Hạ Long – Di sản thiên nhiên thế giới, vịnh Bái Tử Long – Di sản ASEAN để bao lượt du khách ghé thăm rồi luyến tiếc lúc chia tay.
Tuyến đường ven biển Hạ Long – Cẩm Phả được khởi công xây dựng. Tính từ điểm khởi đầu tại cầu Bạch Đằng đến điểm kết nối để vào tuyến cao tốc Vân Đồn – Móng Cái thì con đường dài gần 100 km chạy dọc trong lòng di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long, vịnh Bái Tử Long được dân du lịch đánh giá là một tuyến đường du lịch ven biển hiện đại, đẹp nhất Việt Nam.
Đúng vậy, hiếm có cung đường nào lại huyền ảo như tuyến đường ven biển của Quảng Ninh. Đứng từ trên núi Bài Thơ nhìn xuống, đoạn Trần Quốc Nghiễn như dải cầu vòng ôm trọn vùng ven bờ vịnh Hạ Long giữa một bên là núi đá và biển và một bên là đô thị hiện đại với những dải hoa lung linh sắc màu.
Xuyên qua núi, men theo bờ vịnh, đoạn tuyến nối từ đường Trần Quốc Nghiễn (TP Hạ Long) đến điểm để vào cao tốc Vân Đồn – Móng Cái như dải lụa mềm mại tô điểm cho màu xanh của những cánh rừng ngập mặn, cho màu xanh của núi, của đá, của biển. Nếu vịnh Hạ Long là cõi Thiên Thai ở nơi trần thế thì Bái Tử Long là Hạ Long thu nhỏ với đủ các loại kỳ hoa dị thảo, thực vật đặc hữu, những loại thảo dược quý trên các vách đá vôi. Chả thế mà trong truyền thuyết dân gian, cha ông ta đã hình dung Vịnh Hạ Long là do rồng mẹ hóa thân, còn Bái Tử Long là đàn rồng con đang chầu về rồng mẹ. Về góc độ tâm linh, đây là con đường kết nối anh em một nhà. Khi từ đầu tuyến có đền thờ Đức Ông Trần Quốc Nghiễn và kết nối đến khu du lịch tâm linh đền Cửa Ông, di tích quốc gia đặc biệt. Con đường nối hai ngôi đền thờ hai anh em trai - hai danh tướng trong gia tộc nhà Trần.
Những giá trị kinh tế mà con đường đem lại đã là điều hiển nhiên đối với tỉnh Quảng Ninh và song cùng với đó là sự phát triển mạnh mẽ của tư duy hướng biển để mai đây sẽ có những thương cảng phát triển từ Con Ong – Hòn Nét với tầm nhìn khu vực và quốc tế, sống lại một vùng đất với thương cảng sầm uất trên con đường mở ra thế giới từ biển của các bậc tiền nhân.
Ngày hôm nay được đi trên “con đường di sản” để cảm nhận chân tình của biển, của núi và đá bằng cả 5 giác quan: trong ngập tràn sắc biếc của nước, trong văng vẳng lời thì thầm của sóng, của gió, của tiếng ầm ì máy reo trên khai trường xa xa, trong thoảng hương nồng sản vật biển, trong mặn mòi hương vị của biển khơi, trong cảm nhận tấm chân tình của vùng đất đã yêu là yêu nồng nàn!

“Đã thành tình yêu, đã thành nỗi nhớ” – Cầu Tình Yêu – cây cầu bắc qua dòng sông Cửa Lục hôm nay trở thành chứng nhân câu chuyện “châu về hợp phố” của Hoành Bồ và Hạ Long. Một công trình được triển khai thực hiện trong bối cảnh vô vùng đặc biệt – dịch bệnh Covid-19 lần đầu tiên bùng phát trên quy mô toàn cầu. Với một công trình có quy mô cầu và đường dẫn dài 4.265m, điểm đầu giao với tuyến đường nối KCN Cái Lân - Việt Hưng đến đường cao tốc Hạ Long - Vân Đồn tại phường Giếng Đáy; điểm cuối đấu nối với QL279 tại Km24+750, xã Lê Lợi, thành phố Hạ Long, tổng mức đầu tư của công trình là 2.109 tỷ đồng, nguồn vốn đầu tư từ ngân sách tỉnh được thực hiện trong thời điểm đó là một quyết sách rất Quảng Ninh. Bởi khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát đã tác động ảnh hưởng tới mọi hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, để khơi thông, kích thích nguồn lực đầu tư xã hội tỉnh Quảng Ninh với quan điểm “lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư” đã khởi công thực hiện công trình này. Vừa thúc đẩy lĩnh vực đầu tư xây dựng, vừa tạo động lực để các dự án khác triển khai thực hiện.

Toàn cảnh cầu Tình Yêu về đêm nhìn từ trên cao.
Toàn cảnh cầu Tình Yêu về đêm nhìn từ trên cao.
Ngày hôm nay đi trên cây cầu Tình Yêu người ta mường tượng rất nhiều về những câu chuyện được truyền đời về truyền thuyết “Ông khổng lồ gánh đá vá trời” tự thuở khai sơn lập địa, để lại dấu tích sừng sững dựng giữa đất trời là núi Mằn, núi Bài Thơ, mà trong cuộc hành trình từ núi về biển từ Hoành Bồ xuống Hiệp Khẩu bán buôn, định cư, cha ông chúng ta đã luôn thao thiết nhớ về mỗi thớ đá, mỗi gốc cây rừng. Bởi vậy, họ nhìn thấy ở núi Bài Thơ có dáng hình núi Mằn thân thuộc. Họ coi núi Bài Thơ là núi Mằn của riêng họ, ngọn núi trong tâm tưởng, trong nỗi nhớ thương.

Người dân "check in" tại cầu Tình Yêu trong ngày đầu hoạt động.
Người dân "check in" tại cầu Tình Yêu trong ngày đầu hoạt động.
Cầu Tình Yêu buộc chặt mối lương duyên giữa hai vùng đất, là bổn phận báo hiếu của cháu con cho đúng với sở nguyện của cha ông lúc sinh thời.
“Ta cùng nhau bắc nối nhịp sông sâu
Mang nỗi nhớ, đan lại sóng bạc đầu
Cầu Tình Yêu nối đôi bờ hạnh phúc
Để bao người cùng thoả nỗi ước ao
Ta tin rằng thành phố sẽ vươn cao
Cùng xây dựng và vươn xa nữa nhé
Bao tình yêu thắm nồng trong ngực trẻ
Cùng đồng lòng, cùng quyết chí dựng xây
Rồi mai thôi, mình sẽ tay trong tay
Cùng sánh bước trên con đường hạnh phúc
Cầu tình yêu vẫn êm đềm mỗi lúc
Kể chuyện tình của Núi đến mai sau”
Sẽ hiếm có công trình nào được các văn nghệ sỹ cảm tác nhiều trong các sáng tác của mình như cầu Tình Yêu! Có lẽ đó chính là câu chuyện chạm đến cảm xúc!

“Niềm tin – Khát vọng – Chiến lược – Kết nối – Trách nhiệm – Thân thiện” – đó là cụm từ được nhắc nhiều nhất trong những ngày qua khi nói về tuyến cao tốc Vân Đồn – Móng Cái. Có điều gì đó luôn rưng rưng trong cảm xúc của mỗi người khi thanh âm Móng Cái vang lên. Nơi địa đầu của đất nước, nơi nét bút đầu tiên được đặt xuống vẽ bản đồ Tổ quốc yêu thương sẽ được đặt một tấm BIA NIỀM TIN – Bia công trình đường cao tốc Vân Đồn – Móng Cái.
“Học đi em
Học đi mà nhớ mãi
Quê hương ta một dải
Từ mũi Cà Mau
Đến địa đầu Móng Cái
Quê hương ta đồng ruộng phì nhiêu
Đủ bốn mùa hoa trái
Núi Trường Sơn vĩ đại
Bờ biển rộng bao la”
Quê hương liền một dải giờ được tô thêm sức vóc cường tráng hơn nối từ cửa khẩu Lào Cai qua thủ đô Hà Nội đến cửa khẩu Móng Cái từ chính khát vọng “bàn tay, khối óc, nụ cười; bằng khung trời, cửa biển và mảnh đất thân yêu của mình…”. Trong khúc hoan ca Tết Độc lập, Tổ quốc chưa đẹp thế bao giờ khi 176km đường cao tốc Hạ Long – Vân Đồn – Tiên Yên – Móng Cái qua bạt ngàn những cánh rừng ngập mặn nguyên sơ đang được xây dựng thành các vùng Ramsa ngập nước, những ngọn núi thẫm xanh phủ mây trắng, những vạt ruộng đủ sắc màu rực rỡ như gấm hoa. Non sông liền một dải, đất nước trọn niềm vui khi từ quảng trường Ba Đình lịch sử đến địa đầu Móng Cái là những con đường của sự văn minh, giàu có đã vững chãi mở cửa ngõ giao thương Việt Nam, ASEAN với Trung Quốc.
Đó cũng chính là một Quảng Ninh đã biết dựa vào 3 trụ cột là Con người - Thiên nhiên - Văn hóa để phát triển “xanh”, dựa vào kinh tế tri thức, khoa học công nghệ, danh lam thắng cảnh, văn hóa, truyền thống lịch sử… để phát triển công nghiệp dịch vụ, công nghiệp văn hóa, công nghiệp giải trí trên nền tảng công nghiệp sáng tạo được tổ chức sản xuất ở trình độ cao. Trong không gian phát triển “Một tâm - hai tuyến - đa chiều - hai mũi đột phá, ba vùng động lực, dựa vào nguồn lực bên trong là chiến lược cơ bản, lâu dài, nguồn lực bên ngoài là quan trọng và đột phá, Quảng Ninh thắp lên khát vọng mới từ những con đường đổi mới, sáng tạo, ý chí tự lực, tự cường, vượt lên mạnh mẽ và phát triển bền vững.
Tự hào về Quảng Ninh hôm nay hiện đại, quy củ, ngăn nắp, sạch sẽ, là nơi giao thoa vẻ đẹp thiên nhiên, con người, văn hóa trong xu thế hội nhập và phát triển và kiêu hãnh về một Quảng Ninh tương lai kiểu mẫu, giàu đẹp, văn minh, hiện đại, vùng đô thị lớn mang tầm khu vực, quốc tế. Con người Quảng Ninh đã yêu là yêu nồng nàn, con người biết xây dựng thể chế và tư duy đổi mới với nhiệt huyết, sáng tạo không ngừng và không bị mai một!
Thực hiện: Ngọc Lan – Phạm Học
Trình bày: Đỗ Quang