Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 23/11/2024 19:13 (GMT +7)
Bài 2: Bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản
Thứ 2, 16/10/2017 | 21:49:19 [GMT +7] A A
Một trong những vấn đề cốt lõi trong việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản Vịnh Hạ Long được lâu dài và bền vững đó là bảo vệ, phát triển hệ sinh thái biển, bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Chính vì thế trong những năm qua tỉnh Quảng Ninh đã có nhiều biện pháp quyết liệt bảo vệ nguồn lợi thủy sản.
[links()]
Dừng khai thác thủy sản trên Vịnh Hạ Long
Các nhà khoa học đã thống kê được tại Vịnh Hạ Long, Bái Tử Long và Cát Bà có 419 loài sinh vật phù du, 181 loài san hô, 156 loài cá, 139 loài rong biển, 5 loài cỏ biển và 19 loài thực vật ngập mặn, thực vật phù du, động vật phù du, động vật đáy biển và động vật tự du...
Tuy nhiên, những năm qua, việc gia tăng của các phương tiện khai thác thủy sản trên Vịnh Hạ Long cùng với các kiểu đánh bắt tận diệt của các ngư dân khiến các loại thủy sản trên Vịnh suy kiệt nghiêm trọng, đặc biệt có nhiều loài có nguy cơ biến mất hoàn toàn và ảnh hưởng tới hệ sinh thái của vịnh Hạ Long.
Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Đọc trò chuyện với ngư dân đang khai thác thủy sản trên Vịnh Bái Tử Long, tháng 8/2017. Ảnh: Hùng Sơn |
Theo báo cáo của Sở NN&PTNT Quảng Ninh, trong những năm qua, cường lực khai thác ở vùng biển Quảng Ninh đã tăng một cách hết sức nhanh chóng. Chỉ riêng các tàu, thuyền đánh bắt trên khu vực Vịnh Hạ Long đã có đến 5.000 chiếc. So với những năm 90, số tàu thuyền đánh bắt đã tăng 200%. Các loại cá con mà các ngư dân đánh bắt tận diệt để bán cho các cơ sở nuôi cá trên Vịnh Hạ Long, Vịnh Bái Tử Long mỗi năm lên tới khoảng 140 tấn.
Trước thực trạng đánh bắt theo kiểu tận diệt của ngư dân, tỉnh đã yêu cầu cấm đánh bắt, khai thác thủy sản trong vùng lõi vịnh Hạ Long và có lộ trình cấm đánh bắt cả trong vùng đệm. Ngoài ra, sẽ từng bước chấm dứt hẳn các hoạt động khai thác thủy sản cả ở vùng đệm Vịnh Hạ Long, Vịnh Bái Tử Long nhằm bảo vệ, phát triển nguồn lợi thủy hải sản.
Trước đó, nhằm bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản, từ năm 2011, tỉnh Quảng Ninh đã ban hành nhiều văn bản, chỉ thị về việc cấm khai thác, đánh bắt tại một số khu vực, đặc biệt thực hiện cấm khai thác thuỷ sản trong vùng lõi Vịnh Hạ Long; cấm khai thác sá sùng trên toàn tỉnh từ ngày 1-6 đến 31-7 hằng năm. Ngoài danh mục các nghề khai thác thuỷ sản cấm của Bộ NN&PTNT, tỉnh còn cấm bổ sung một số nghề khác như đăng, đáy, sử dụng lưới mắt nhỏ, các dụng cụ như lồng bát quái, kích, xiếc điện, mìn… để khai thác.
Từ năm 2015 đến nay Sở NN&PTNT Quảng Ninh đã xử lý vi phạm 2.240 trường hợp với tổng số tiền phạt 5.077 triệu đồng. Cùng với đó, các lực lượng chức năng của tỉnh cũng xử lý vi phạm 1.991 trường hợp, thu phạt hành chính hơn 4,75 tỷ đồng.Trong 6 tháng đầu năm 2017, toàn tỉnh đã tổ chức 764 chuyến, lượt kiểm tra, xử lý vi phạm 526 vụ, thu phạt hơn 1,3 tỷ đồng. Trong đó các ban, ngành, chức năng của tỉnh đã tổ chức 755 chuyến kiểm tra, xử lý vi phạm 453 trường hợp. Thu phạt hơn 1,2 tỷ đồng.
Tàu đánh bắt thủy sản của ngư dân trên Vịnh Bái Tử Long. Ảnh: Hùng Sơn |
Vừa qua, trong buổi làm việc với tỉnh Quảng Ninh, đại diện Bộ NN&PTNT đã thống cho rằng, việc dừng khai thác thủy sản trong vùng lõi Vịnh Hạ Long và có lộ trình từng bước chấm dứt hẳn hoạt động khai thác trên Vịnh Hạ Long, Vịnh Bái Tử Long là giải pháp rất hữu hiệu để bảo vệ, phát triển nguồn lợi thủy hải sản đảm bảo đời sống ổn định, bền vững lâu dài cho chính người dân sinh sống khu vực ven biển, bảo vệ môi trường sinh thái và sự phát triển bền vững của ngành kinh tế thủy sản.
Đại diện Bộ NN&PTNT đã thống nhất với đề xuất của tỉnh Quảng Ninh về việc đưa các danh mục dụng cụ cấm trong khai thác thủy sản vào quy định chung của cả nước.
“Chiến dịch”bảo vệ nguồn lợi thủy sản
Từ thực tế trên cho thấy việc cấm, hạn chế khai thác có thời hạn ở những vùng biển nói trên đã và đang thể hiện quyết tâm “tuyên chiến” với nạn khai thác thuỷ sản huỷ diệt, tuy nhiên, để đạt được kết quả như đúng mục tiêu đề ra, bảo vệ và tái tạo nguồn lợi thuỷ sản bền vững cần phải có sự vào cuộc một cách quyết liệt nhất từ phía các đơn vị chức năng cấp tỉnh đến địa phương, sự chia sẻ, phối hợp của chính mỗi ngư dân.
Trong một lần đi kiểm tra trên Vịnh Hạ Long, tận mắt chứng kiến những dụng cụ tận diệt thủy sản mà ngư dân dùng để đánh bắt, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Đọc xót xa: Cứ đánh bắt kiểu này con cháu sẽ mất nghề biển, hệ sinh thái biển sẽ bị tàn phá nghiêm trọng, hỏi còn gì cho con cháu mai sau?
Từ trăn trở đó, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đã kêu gọi nhân dân trong toàn tỉnh thực hiện bảo vệ nguồn lợi thủy sản, giữ gìn hệ sinh thái tự nhiên, không khai thác bằng hình thức tận diệt. Đồng thời yêu cầu các cấp ủy Đảng, chính quyền tăng cường tuyên truyền, vận động nhân dân nâng cao ý thức tái tạo và bảo vệ nguồn lợi thủy sản; Tăng cường kiểm tra, kiểm soát xử lý nghiêm đối với các đối tượng cố tình khai thác thủy sản mang tính tận diệt; yêu cầu tổ chức chương trình ra quân tổng thể trên toàn tỉnh về bảo vệ nguồn lợi thủy sản, định hướng, đào tạo chuyển đổi nghề cho ngư dân… Đích thân đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đã trực tiếp đi thả gần 200.000 con cá giống nước ngọt xuống 9 hồ chứa trên toàn tỉnh, nói chuyện với ngư dân về lợi ích của bảo vệ tài nguyên biển…
Cán bộ Ban Quản lý Vườn Quốc gia Bái Tử Long gặp gỡ các ngư dân để tuyên truyền, kiểm tra việc thực hiện phương án chia sẻ lợi ích nguồn lợi thủy sản. Ảnh: Việt Hoa |
Thực hiện chỉ đạo của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, UBND tỉnh mở đợt cao điểm ngăn chặn tình trạng khai thác thủy sản mang tính hủy diệt trên toàn tỉnh. UBND tỉnh yêu cầu các lực lượng chức năng tăng cường tuần tra, kiểm soát kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi sản xuất, buôn bán, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng chất nổ, xung điện, chất độc hại và sử dụng các nghề khai thác thủy sản bị cấm trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh. Đồng thời, đẩy mạnh công tác phân cấp quản lý nguồn lợi ven bờ, nhất là các bãi triều ven biển…
Từ tháng 8 đến nay, các đơn vị trong tỉnh đồng loạt mở đợt cao điểm ngăn chặn khai thác thuỷ sản tận diệt, thả giống tái tạo thuỷ sản; UBND tỉnh đã tổ chức đối thoại với các hộ ngư dân đang hoạt động khai thác thủy sản trên toàn tỉnh về việc sử dụng phương tiện khai thác, ngư trường khai thác. Tỉnh đã thành lập đường dây nóng để nhận thông tin về tình trạng khai thác thủy sản trái phép.
Trong 2 tháng qua, các sở, ngành trong toàn tỉnh đã trực tiếp tuyên truyền cho hơn 1.200 lượt người; tổ chức 2 lớp tập huấn với 80 cán bộ tham gia; tổ chức ký cam kết với 11 nghiệp đoàn, tổ đội khai thác thuỷ sản, 961 chủ tàu và 40 hộ kinh doanh ngư cụ... về các nội dung quy định cấm trong khai thác thuỷ sản, kinh doanh ngư cụ. In ấn, cấp phát 2.200 bộ tài liệu, 16.000 tờ rơi các quy định về hoạt động khai thác, bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản hiện hành cho ngư dân; tổ chức thả con giống thuỷ sản tại các hồ, đập lớn nhằm tái tạo quần đàn của các loài thuỷ sản ở các thuỷ vực nước ngọt nội địa... .
Theo ông Nguyễn Hữu Giang, Giám đốc Sở NN&PTNT Quảng Ninh: Vịnh Hạ Long được xác định là khu vực đa dạng sinh học, giàu nguồn lợi thủy hải sản. Đặc biệt đây là vùng di sản thiên nhiên thế giới, theo quy định phải được ứng xử là địa bàn có mức độ bảo vệ nghiêm ngặt giống hoặc trên mức độ bảo vệ đối với khu bảo tồn biển. Việc cấm khai thác tại vùng lõi, tiến tới toàn vùng Vịnh Hạ Long là hết sức cần thiết và cần thực thi nghiêm túc, có hiệu quả. Để tiếp tục quản lý, bảo vệ nguồn lợi thủy sản Vịnh Hạ Long, trước hết cần tiếp tục nâng cao việc thực thi quy định quản lý nhà nước về bảo vệ nguồn lợi thủy sản trong vùng lõi Vịnh Hạ Long.
Cùng với đó, về lâu dài tỉnh và các đơn vị chức năng cần có những chương trình chuyển đổi nghề khai thác thủy sản gần bờ, trong vùng vịnh, sang các nghề khác cho ngư dân, trong đó chuyển sang nghề nuôi trồng thủy sản có trách nhiệm gắn với du lịch và dịch vụ du lịch.
Đặng Nhung
Bài 3: Cần có giải pháp lâu dài, bền vững
Liên kết website
Ý kiến ()