4
18
/
826351
Bài 2: Cách làm hay, sáng tạo
longform
Bài 2: Cách làm hay, sáng tạo

 

 [links()]

 

 

Việc sáp nhập, thành lập TTYT đa chức năng nhằm giảm đầu mối, khoa, phòng và thống nhất sự điều hành, chỉ đạo tuyến y tế cơ sở. Tuy nhiên, bước vào triển khai, nhiều đơn vị còn tỏ ra băn khoăn về bộ máy tổ chức, nhân lực, kinh phí hoạt động, chức năng nhiệm vụ… sau khi sáp nhập. Chẳng hạn, các bác sĩ ở bệnh viện quen làm việc chuyên sâu, nay có thêm nhiệm vụ dự phòng, hay nhân lực từ TTYT quen với dự phòng sau sáp nhập có thể sẽ làm chuyên môn ở bệnh viện như tiêm, truyền… thì không phải ai cũng làm được. Chưa kể giải quyết chế độ cho người lao động như thế nào để đảm bảo hài hòa, không gây thắc mắc, mất đoàn kết cũng là điều đáng bàn, đòi hỏi sự sắp xếp, bố trí công việc một cách phù hợp với chuyên môn và điều kiện cho phép. Thêm vào đó, ở TTYT đa chức năng, nếu không cẩn thận sẽ chỉ quan tâm đến công tác khám, chữa bệnh (vốn mang lại nguồn thu cho đơn vị), coi nhẹ công tác dự phòng (vốn tiêu tốn kinh phí và khó nhìn thấy những việc đã làm)…

Chính từ thực tế đó, trong quá trình sáp nhập các đơn vị thành TTYT đa chức năng, ngành Y tế tỉnh đã có sự chuẩn bị kĩ lưỡng. Theo đó, để ổn định tư tưởng của cán bộ, lãnh đạo, nhân viên các đơn vị sáp nhập, lãnh đạo Sở và các phòng, ban đã tăng cường tuyên truyền, giúp cán bộ, nhân viên hiểu rõ ý nghĩa của việc sáp nhập, thành lập TTYT đa chức năng. Khi xây dựng đề án sáp nhập, các nội dung đều được gửi đến tất cả lãnh đạo, nhân viên trong ngành để tham gia ý kiến. Khi có được sự nhất trí cao và được phê duyệt, ngành Y tế tỉnh đã triển khai theo hướng công khai, minh bạch, khách quan, đúng quy định, nhất là trong công tác cán bộ. Nhờ đó, khi sáp nhập, đa phần các TTYT đều có cán bộ phải thay đổi chức danh, từ giám đốc chuyển làm phó giám đốc, thậm chí là trưởng phòng (khoa), nhưng lãnh đạo, cán bộ, nhân viên các đơn vị vẫn đồng tình và làm tốt nhiệm vụ trên cương vị mới của mình.

Bác sĩ Đặng Thị Hiền, Khoa Phụ sản và chăm sóc sức khỏe sinh sản, TTYT Hoành Bồ, chia sẻ: “Khi có thông tin sáp nhập, chúng tôi rất băn khoăn, lo lắng. Tuy nhiên, được phổ biến về nhiệm vụ, chức năng của mô hình mới, đồng thời đội ngũ cán bộ, y, bác sĩ của cả 2 bên được sắp xếp lại phù hợp với vị trí việc làm, nên ai cũng thấy yên tâm, phấn khởi, làm việc có trách nhiệm hơn”.

Khẳng định điều này, bác sĩ CKII Nguyễn Văn Trọng, Giám đốc TTYT huyện Hoành Bồ, cho biết: Sau khi hợp nhất 2 đơn vị, TTYT huyện đã khẩn trương sắp xếp lại các khoa, phòng; đầu tư cải tạo cơ sở hạ tầng theo hướng hiện đại, đồng bộ, mua sắm trang thiết bị y tế hiện đại và thu hút thêm bác sĩ có trình độ chính quy về làm việc. Qua đó, Trung tâm đã thực hiện được nhiều kỹ thuật tiên tiến, số lượt khám, chữa bệnh tại Trung tâm ngày càng tăng.

 

 

Đối với một TTYT đa chức năng, thực hiện các nhiệm vụ y tế dự phòng, dân số, khám bệnh, chữa bệnh, phục hồi chức năng và các dịch vụ y tế khác…, để nâng cao chất lượng chuyên môn không phải là việc “một sớm, một chiều”. Nhất là khi ở Quảng Ninh, nhiều địa phương còn khó khăn như Ba Chẽ, Bình Liêu, Cô Tô… thì công tác thu hút nguồn nhân lực, nhất là bác sĩ giỏi, chuyên môn cao vẫn còn là việc hết sức khó khăn. Do đó, ngành Y tế tỉnh đã có nhiều cách làm hay, sáng tạo nhằm hỗ trợ y tế tuyến huyện mà đích đến cuối cùng là nâng cao chất lượng công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Sau khi sáp nhập, nhiều TTYT được đầu tư xây mới như TTYT Đông Triều, Quảng Yên, Đầm Hà… Để không lãng phí cơ sở hạ tầng, trang thiết bị, quyết tâm làm chủ kỹ thuật cao, khó, các TTYT đã đặc biệt quan tâm thu hút nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao. Như TTYT TX Quảng Yên áp dụng cơ chế đặc thù: Dành biên chế, trợ cấp ăn ở, chi trả thu nhập tăng thêm theo năng suất và chất lượng công việc... Nhờ đó, hiện Trung tâm đã có 114 bác sĩ, trong đó có tới 5 bác sĩ CKII, 22 bác sĩ CKI, 2 thạc sĩ, 85 bác sĩ chính quy học định hướng các chuyên ngành. Còn TTYT Ba Chẽ đã mời một số bác sĩ tuyến trên thông qua mô hình nguồn nhân lực chất lượng cao dùng chung của ngành Y tế. Đồng thời, đào tạo nhân lực theo hướng mời bác sĩ tuyến trên về đào tạo tại chỗ hay cử cả kíp đi đào tạo tại các bệnh viện tuyến trên. Hay từ khi sáp nhập đến nay, TTYT Tiên Yên cũng đã thu hút được 4 bác sĩ chính quy có bằng khá trở lên, nâng tổng số bác sĩ của đơn vị lên 50 bác sĩ/193 cán bộ y tế...

Một cách làm hay được Sở Y tế thực hiện từ năm 2016, đó là các đơn vị y tế tuyến tỉnh hỗ trợ toàn diện cho các TTYT khó khăn và chuyển giao kỹ thuật cho một số đơn vị tuyến huyện; khám, chữa bệnh lưu động cho nhân dân khu vực xa trung tâm. Theo đó, Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh hỗ trợ TTYT huyện Đầm Hà; Bệnh viện Bãi Cháy hỗ trợ TTYT huyện Bình Liêu; Bệnh viện Sản Nhi tỉnh hỗ trợ TTYT huyện Cô Tô; BVĐK khu vực Cẩm Phả hỗ trợ TTYT huyện Ba Chẽ. Từ việc hỗ trợ toàn diện cả về lý thuyết và thực hành, các TTYT tuyến huyện đã học hỏi, thực hiện được nhiều kỹ thuật mới, khó của tuyến tỉnh trong khám, điều trị. Đặc biệt, rất nhiều ca bệnh khó, nguy cấp được điều trị kịp thời ngay tại tuyến huyện. Nhờ các chuyến khám, chữa bệnh lưu động tổ chức thường xuyên, định kỳ đã góp phần phát hiện bệnh sớm cho người dân, giải quyết những ca bệnh khó ngay tại cấp huyện.

Đặc biệt, năm 2017, ngành Y tế Quảng Ninh triển khai mô hình nguồn nhân lực chất lượng cao sử dụng chung trong ngành. Theo đó, Sở Y tế đã lập danh sách 138 cán bộ y tế ở các lĩnh vực, có thể sẵn sàng hỗ trợ chuyên môn tuyến dưới bất cứ lúc nào. Đây là cách làm riêng có của ngành trong việc quản lý, sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực chất lượng cao, tạo điều kiện cho người dân được sử dụng dịch vụ y tế tốt ngay tại địa phương, góp phần giảm tải cho tuyến trên và giảm chi phí trong quá trình khám, chữa bệnh của người bệnh, gia đình người bệnh; đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong toàn ngành.

Bác sĩ Vũ Xuân Diện, Giám đốc Sở Y tế, cho biết: Sau 3 năm thực hiện sáp nhập TTYT tuyến huyện, bên cạnh những thuận lợi, chúng tôi cũng nhận diện những khó khăn, thách thức để cùng tuyến cơ sở tháo gỡ. Tiếp tục triển khai sáp nhập trung tâm DS - KHHGĐ vào TTYT tuyến huyện, ngành Y tế Quảng Ninh đang rất cẩn trọng, làm đúng quy định. Mục tiêu cuối cùng là xây dựng mô hình TTYT tuyến huyện đa chức năng phù hợp và hiệu quả nhất, góp phần nâng cao hiệu quả công tác y tế trên địa bàn tỉnh.

 [links()]

 

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu