Phải khẳng định, hành trình thoát nghèo của hàng nghìn hộ dân trên địa bàn tỉnh luôn có sự đồng hành, hỗ trợ của cả hệ thống chính trị. Bằng nguồn vốn, các mô hình… đa dạng và linh hoạt, đã tạo động lực, nguồn động viên, khích lệ rất lớn, thổi bùng ý chí vươn lên đối với mỗi gia đình nghèo.
Vài năm trước, khi còn là hộ nghèo của xã Đồn Đạc, chị Triệu Kim Hương (thôn Tầu Tiên, xã Đồn Đạc, huyện Ba Chẽ) chẳng dám tin mình sẽ có những cánh rừng phủ xanh. Thế rồi thông tin về nguồn vốn vay tín dụng chính sách của Ngân hàng CSXH đã nhen nhóm cho gia đình chị hi vọng thoát cảnh khó khăn. Mạnh dạn vay 50 triệu đồng nguồn vốn cho vay hộ nghèo, chị Hương dồn cả vào trồng rừng với các loại cây quế, keo, sa mộc… Những cánh rừng nhờ bàn tay cần cù chăm sóc của chị Hương luôn xanh tốt, phát triển mỗi ngày. Tiền bán keo, quế, sa mộc khi thu hoạch, một phần chị trả nợ ngân hàng, còn lại chị tiếp tục mua cây giống, phân bón, chăm sóc rừng. Đến cuối năm 2017, gia đình chị đã thoát nghèo.
Chị Hương chia sẻ: "Nguồn vốn thực sự rất quan trọng để phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống. Đối với hộ nghèo, nguồn vốn càng quan trọng hơn bội phần. Khoản vay nhỏ, không tài sản đảm bảo, lãi suất cao nên tôi không thể tiếp cận được với vốn vay của các ngân hàng thương mại. Do đó, vốn tín dụng chính sách thực sự là cứu cánh cho hộ nghèo".
Ngân hàng CSXH Chi nhánh Quảng Ninh giải ngân vốn tín dụng chính sách cho người dân xã Đồng Sơn, TP Hạ Long. |
Những hộ dân có điều kiện thuận lợi nhưng không có vốn để sản xuất đã khó, thì ở những hộ nghèo thiếu vốn, khó khăn nhân lên gấp bội. Xác định vai trò quan trọng của vốn phục vụ phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân, góp phần giảm nghèo bền vững, các cấp, ngành, địa phương luôn quan tâm để kịp thời đưa vốn tín dụng chính sách đến người dân. Đặc biệt, thực hiện Đề án 196 đưa các xã, thôn ra khỏi diện đặc biệt khó khăn, các tổ chức hội đoàn thể đã tích cực tuyên truyền, vận động, triển khai các chương trình tín dụng chính sách, giúp người dân tại vùng đặc biệt khó khăn thay đổi phương thức sản xuất. Đồng thời, tăng cường phối hợp để phổ biến hỗ trợ khoa học kỹ thuật, hướng dẫn cách thức làm ăn, hỗ trợ đầu tư vốn tín dụng chính sách để phát triển kinh tế vươn lên thoát nghèo.
Tại các xã, thôn đặc biệt khó khăn, tổ chức hội phối hợp với Ngân hàng CSXH triển khai 13 chương trình tín dụng chính sách có tổng dư nợ 62,9 tỷ đồng với 1.624 hộ vay vốn. Dư nợ bình quân một xã đặc biệt khó khăn là 20,7 tỷ đồng. Vốn tín dụng chính sách cùng với các nguồn lực hỗ trợ đầu tư của địa phương đã giúp hàng nghìn hộ thuộc diện hộ nghèo có động lực vươn lên, góp phần đưa 23 xã, 56 thôn ra khỏi diện đặc biệt khó khăn, hoàn thành chương trình 135 trước 1 năm so với lộ trình.
Bằng nguồn vốn tín dụng chính sách, người dân huyện Ba Chẽ đầu tư trồng trà hoa vàng, nâng cao thu nhập. |
Tiếp tục đồng hành cùng người dân trong hành trình thoát nghèo bền vững, ổn định cuộc sống, vươn lên làm giàu, riêng năm 2021, tỉnh đã bố trí nguồn vốn ủy thác cho Ngân hàng CSXH chi nhánh Quảng Ninh 120 tỷ đồng để thực hiện cho vay. Điều này, thể hiện sự quan tâm rất lớn của các cấp uỷ, chính quyền địa phương và các cấp trong việc bố trí nguồn lực để thực hiện an sinh xã hội thông qua hoạt động tín dụng chính sách tại địa phương.
Những ngày cuối năm dường như ấm áp hơn đối với gia đình chị Đinh Thị Khương (tổ 4, khu 11, phường Mông Dương, TP Cẩm Phả). Uớc mơ về ngôi nhà mới, khang trang, rộng rãi của gia đình chị nay đã thành hiện thực. Sức khỏe yếu, không có việc ổn định, nuôi chồng bị liệt hai chân và hai con nhỏ nên khó khăn luôn đè nặng lên đôi vai nhỏ bé của chị. Nhiều năm nay, gia đình chị ở nhờ bố mẹ, nhưng căn nhà cũng chật hẹp. Gia đình chị Khương là một trong những hộ nghèo của phường. Do đó, phường Mông Dương đã vận động các tổ chức chính trị - xã hội, doanh nghiệp, nhà hảo tâm hỗ trợ gia đình chị mua đất, xây dựng nhà, trang bị các vật dụng sinh hoạt.
Chị Khương chia sẻ: Nếu không có sự hỗ trợ của phường, doanh nghiệp, nhà hảo tâm có lẽ cả đời này tôi cũng không có được căn nhà này. Được sống trong ngôi nhà kiên cố, khang trang, vững chãi này, vợ chồng tôi yên tâm hơn, các cháu đi học cũng tự tin hơn, cuộc sống gia đình sẽ ổn định hơn.
Gia đình chị Đinh Thị Khương được sống trong căn nhà mới, kiên cố nhờ sự chung tay của các cấp chính quyền, doanh nghiệp và nhà hảo tâm. |
Thực hiện chương trình giảm nghèo, các cơ quan, đơn vị trong tỉnh đã có nhiều giải pháp sáng tạo, cụ thể, hiệu quả. Điển hình là Hội LHPN tỉnh, hằng năm giao chỉ tiêu giảm nghèo cho từng đơn vị. Đồng thời, tích cực triển khai phong trào "Phụ nữ làm kinh tế giỏi" và "Giúp phụ nữ nghèo có địa chỉ", tập trung nguồn lực hỗ trợ phụ nữ nghèo phát triển kinh tế, duy trì các nguồn vốn vay, hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, xây dựng mái ấm tình thương...
Trong giai đoạn 2016-2021, các cấp hội phụ nữ trong tỉnh đã vận động hỗ trợ phụ nữ thực hiện 493 loại mô hình kinh tế theo quy mô tổ/nhóm và hộ gia đình với 8.717 thành viên tham gia; giúp đỡ 915 hộ hội viên, phụ nữ thoát nghèo; hỗ trợ cho vay vốn thông qua hoạt động uỷ thác với Ngân hàng CSXH với tổng dư nợ là 1.597 tỷ đồng với 1.055 tổ tiết kiệm và vay vốn, 33.362 hộ vay... Đặc biệt, các cấp hội phụ nữ cũng đã hỗ trợ xây dựng mới, sửa chữa 260 ngôi nhà "Mái ấm tình thương" cho hội viên, phụ nữ nghèo các xã đặc biệt khó khăn với tổng giá trị gần 10 tỷ đồng. Hưởng ứng đợt thi đua đặc biệt với chủ đề: "90 hành động thiết thực vì phụ nữ và trẻ em", các cấp hội đã vận động xã hội hóa nguồn lực hỗ trợ sửa và xây mới 156 nhà "Mái ấm tình thương" với số tiền 5,7 tỷ đồng.
Hội LHPN huyện Tiên Yên trao đổi với hội viên, phụ nữ về phát triển sản xuất. |
Cùng với sự vào cuộc của các cấp hội, đoàn thể, ngành LĐ,TB&XH tỉnh cũng đã làm tốt công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn với mục tiêu kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo do thiếu việc làm ổn định. 5 năm gần đây, tỉnh triển khai được gần 500 lớp đào tạo nghề nông nghiệp và phi nông nghiệp, với gần 13.000 lao động được đào tạo. Số lao động phát huy hiệu quả sau đào tạo đạt trên 83,4%. Thông qua đào tạo nghề cũng đã góp phần tích cực trong công tác giảm nghèo với trên 500 hộ thoát nghèo và trên 2.000 hộ khá giả.
Với các địa phương, sự chủ động trong triển khai các giải pháp giảm nghèo cũng được chú trọng. Đơn cử: Tại TP Hạ Long, ngay sau sáp nhập huyện Hoành Bồ với thành phố để mở rộng địa giới hành chính, công tác giảm nghèo là mục tiêu quan trọng của địa phương này. Năm 2021, thành phố đã triển khai mô hình “Kho hàng tái sử dụng dành cho người nghèo”. Theo đó, các cơ quan, đơn vị trên địa bàn thành phố đã vận động quyên góp, ủng hộ những vật dụng thiết yếu cho các đối tượng là hộ nghèo, cận nghèo, có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn. Chỉ sau một thời gian ngắn, mô hình đã quyên góp trên 1.000 bộ quần áo của trẻ em và người lớn, 1 máy giặt, 1 bình nóng lạnh, 1 quạt sưởi, 119 quạt điện, 44 phích điện, 33 nồi cơm điện, cùng nhiều vật dụng thiết yếu khác và 1 triệu đồng tiền mặt. Thành phố đã bàn giao các vật dụng được quyên góp về 13 kho hàng tái sử dụng tại các xã, phường để phát cho các hộ nghèo, cận nghèo.
Mô hình trồng bưởi của hộ anh Đào Hữu Tỉnh (xã Dân Chủ, TP Hạ Long) mang lại nguồn thu nhập khá cho gia đình. |
Để hỗ trợ các hộ nghèo phát triển sản xuất, đa dạng sinh kế, nâng cao thu nhập, từ năm 2020 đến nay, TP Hạ Long triển khai mạnh mẽ việc hỗ trợ lợn giống, gà giống, thức ăn chăn nuôi cho các hộ. Riêng năm 2021, đã có 119 hộ được thành phố hỗ trợ con giống, các loại thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y.
Hay như tại huyện Bình Liêu, địa phương có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất tỉnh, nhờ thực hiện đồng bộ các chính sách giảm nghèo, nhất là tạo nguồn sinh kế bền vững cho người dân, đến cuối năm nay, huyện đã có 106 hộ thoát nghèo, đưa tỷ lệ hộ nghèo của huyện xuống còn 1,31%.
Với phương châm “để không ai bị bỏ lại phía sau”, tỉnh Quảng Ninh luôn thể hiện tốt vai trò đồng hành, tiếp sức cho người nghèo vượt khó thông qua những chương trình giảm nghèo hiệu quả, các quyết sách đúng, trúng và kịp thời, để mỗi người dân Quảng Ninh được hưởng cuộc sống ấm no, sung túc và hạnh phúc.
Thực hiện Hùng Sơn
Ý kiến ()