Trong những năm qua, tỉnh Quảng Ninh đặc biệt quan tâm củng cố, phát triển quan hệ hợp tác toàn diện với các địa phương của Trung Quốc, trong đó ghi nhiều dấu ấn quan trọng từ mối quan hệ với Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây. Đặc biệt, mối quan hệ hợp tác giữa hai bên không ngừng được củng cố thông qua các thỏa thuận hợp tác toàn diện theo đúng phương châm lãnh đạo của hai Đảng, hai Nhà nước đã xác định. Qua đó, góp phần quan trọng xây dựng khu vực biên giới hòa bình, hữu nghị, ổn định, hợp tác, phát triển.

Phóng viên Trung tâm Truyền thông tỉnh đã có cuộc phỏng vấn với Nguyên Giám đốc Sở Ngoại vụ Quảng Ninh, Nguyên Tham tán kinh tế Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc Nguyễn Văn Chiểu về nội dung này.

- Xin ông cho biết về vai trò của tỉnh Quảng Ninh trong mối quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Trung Quốc?

+ Nói ngắn gọn thì câu trả lời sẽ là “vai trò rất quan trọng”. Để làm rõ thêm câu trả lời này, chúng ta phải xem xét từ vị trí địa lý đặc thù, Quảng Ninh là địa phương có vị trí địa lý vô cùng đặc biệt và riêng có mà không địa phương nào trong nước có được. Thủ tướng Phạm Văn Đồng từng ví Quảng Ninh là “Việt Nam thu nhỏ”. Tọa lạc ở Đông Bắc Việt Nam, bên cạnh những yếu tố về lịch sử truyền thống, kinh tế, văn hóa, xã hội tương đồng với các địa phương khác trong cả nước, Quảng Ninh là địa phương có cả rừng, biển, hải đảo, có Vịnh Hạ Long và Bái Tử Long xinh đẹp, trong đó Vịnh Hạ Long vinh dự được UNESCO vinh danh là di sản thiên nhiên của thế giới. Quảng Ninh có Khu di tích, danh thắng Yên tử nơi Đức Vua - Phật Hoàng Trần Nhân Tông khai sáng thiền phái Trúc Lâm...

Quảng Ninh giàu tiềm năng để phát triển đồng đều nhiều ngành kinh tế mũi nhọn. Đặc biệt, Quảng Ninh là tỉnh duy nhất có cả đường biên giới trên đất liền cũng như trên biển cùng hệ thống cửa khẩu quốc tế với nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa; là địa phương hội tụ hai hành lang một vành đai kinh tế, là cửa ngõ quan trọng kết nối Trung Quốc với các nước Đông Nam Á và Nam Á. Cùng với đó, những năm gần đây Quảng Ninh đã xây dựng và phát triển mạnh mẽ hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại với hệ thống đường cao tốc, sân bay, bến cảng quốc tế kết nối trong và ngoài nước và đặc biệt là với nước bạn.

Với thế mạnh như vậy, từ sau khi mở cửa biên giới đến nay, Quảng Ninh đã phát huy tốt vai trò vô cùng quan trọng của mình, là một cực trong tam giác tăng trưởng và là tỉnh biên giới luôn tiên phong và có tốc độ bứt phá mạnh mẽ trong hợp tác phát triển thương mại biên giới, du lịch, đầu tư với các địa phương của Trung Quốc đặc biệt là khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây. Bằng những cách làm sáng tạo, hiệu quả, Quảng Ninh được các bộ, ngành đánh giá là hình mẫu trong quan hệ đối ngoại trong các địa phương biên giới phía Bắc. Đến nay, tỉnh Quảng Ninh đã thiết lập, duy trì và phát triển quan hệ hợp tác hữu nghị với nhiều địa phương của Trung Quốc như Quảng Tây, Quảng Đông, Vân Nam, Hải Nam, Trùng Khánh, Triết Giang, Phúc Kiến, Cát Lâm.

- Theo ông, điều gì là quan trọng nhất giúp đạt được những kết quả trong quan hệ hợp tác giữa Quảng Ninh và các địa phương của Trung Quốc?

+ Sự lãnh đạo của Đảng, sự quan tâm, sâu sát của các đồng chí lãnh đạo tỉnh qua các thời kỳ là yếu tố đặc biệt quan trọng, đóng vai trò then chốt trong việc nâng tầm mối quan hệ hợp tác giữa các địa phương nói riêng, của hai nước nói chung.

 Chủ tịch UBND TP Móng Cái (Việt Nam) Hồ Quang Huy hội đàm với Chủ tịch Chính quyền nhân dân TP Đông Hưng (Trung Quốc) Lý Kiện. Ảnh: Thu Hằng (Trung tâm TT-VH Móng Cái)

 Chủ tịch UBND TP Móng Cái (Việt Nam) Hồ Quang Huy hội đàm với Chủ tịch Chính quyền nhân dân TP Đông Hưng (Trung Quốc) Lý Kiện. Ảnh: Thu Hằng (Trung tâm TT-VH Móng Cái)

Theo đó, từ việc quán triệt thực hiện tốt chỉ đạo của Trung ương về đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, đa phương hóa, đa dạng hóa, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế, vì lợi ích quốc gia - dân tộc, Quảng Ninh đã có những cách làm sáng tạo thực hiện tốt đường lối đổi mới của Đảng, phù hợp với tình hình thực tế của tỉnh. Qua đó, tận dụng tốt những lợi thế về vị trí địa lý, văn hóa góp phần khơi dậy mạnh mẽ mọi tiềm năng, thu hút mọi nguồn lực, kết hợp giữa nội lực và ngoại lực làm cho mối quan hệ hợp tác giữa Quảng Ninh và các địa phương của nước bạn thêm bền chặt, đi vào thực chất và phát triển tốt như ngày nay.

- Ông tâm đắc về điều gì trong cách tiếp cận, cách làm riêng có của Quảng Ninh trong công tác đối ngoại để góp phần nâng tầm quan hệ Việt Nam - Trung Quốc?

+ Với đặc thù của tỉnh biên giới, lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh đã có tầm nhìn xa và rộng. Lãnh đạo tỉnh các thời kỳ đã coi trọng việc kiện toàn, củng cố cơ quan làm công tác đối ngoại. UBND tỉnh đã chỉ đạo thành lập Sở Ngoại vụ từ năm 2005 để đảm bảo bộ máy và cán bộ có năng lực tham mưu trong mọi hoạt động đối ngoại của tỉnh. Tỉnh luôn thống nhất với quan điểm là làm tốt các hoạt động đối ngoại (địa phương) với địa phương láng giềng là Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây (Trung Quốc) chính là góp phần thực hiện tốt công tác đối ngoại của quốc gia, coi đây là ưu tiên trong các ưu tiên.

 Ông Lục Hải Tân, Bí thư Khu uỷ Phòng Thành (Trung Quốc) tặng quà chúc mừng huyện Bình Liêu nhân kỷ niệm 78 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh nước Cộng hòa XHCN Việt Nam 2/9. Ảnh: Thu Hằng (Trung tâm TT-VH Bình Liêu)

 Ông Lục Hải Tân, Bí thư Khu uỷ Phòng Thành (Trung Quốc) tặng quà chúc mừng huyện Bình Liêu nhân kỷ niệm 78 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh nước Cộng hòa XHCN Việt Nam 2/9. Ảnh: Thu Hằng (Trung tâm TT-VH Bình Liêu)

Cách làm của tỉnh Quảng Ninh cũng rất chủ động, ví dụ như năm 2015, Quảng Ninh và Quảng Tây là hai địa phương đồng sáng kiến hình thành Cơ chế hợp tác Gặp gỡ đầu xuân giữa Tỉnh uỷ các địa phương Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Giang (Việt Nam) và Khu uỷ Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây. Dấu mốc ngày 5/11/2015, Hội nghị được tổ chức lần đầu tiên tại Nam Ninh, Quảng Tây, đánh dấu mốc hình thành cơ chế hợp tác cấp ủy đảng đầu tiên giữa các địa phương của hai nước, đến nay được Trung ương hai nước đánh giá là hình mẫu hợp tác cấp địa phương. Đến năm 2017, tỉnh Quảng Ninh đăng cai tổ chức Hội nghị lần thứ 2 Gặp gỡ đầu xuân, cũng đánh dấu mốc các Tỉnh, Khu thống nhất kết hợp tổ chức Gặp gỡ đầu xuân và Hội nghị Uỷ ban công tác liên hợp vào cùng một thời điểm hàng năm, đây là bước tiến quan trọng trong hợp tác giữa các tỉnh biên giới phía Bắc Việt Nam với Quảng Tây nói chung và giữa tỉnh Quảng Ninh với Quảng Tây nói riêng.

Thông qua cơ chế hội đàm rà soát việc thực hiện các văn bản pháp lý về biên giới trên đất liền, trên biển, về hoạt động của Ủy ban Công tác liên hợp về các bản ghi nhớ hợp tác hữu nghị, thương mại, đầu tư, văn hóa, giáo dục, giao lưu nhân dân, phòng ngừa dịch bệnh... đã góp phần làm cho mối quan hệ từ cấp Tỉnh - Khu đến địa phương cấp huyện, thậm chí cấp xã và sở, ngành hai bên ngày càng gắn bó, bền chặt, đi vào thực chất. Mọi hoạt động hợp tác hai bên diễn ra nhịp nhàng, thuận tiện, lãnh đạo hai bên thường xuyên qua lại hội đàm, thăm hỏi, khẳng định vị thế và hình mẫu của tỉnh trong công tác đối ngoại địa phương biên giới.

Chương trình giao lưu hữu nghị giữa thanh niên Quảng Ninh (Việt Nam) - Quảng Tây (Trung Quốc) được tổ chức định kỳ hằng năm theo hình thức luân phiên giữa hai bên.

Chương trình giao lưu hữu nghị giữa thanh niên Quảng Ninh (Việt Nam) - Quảng Tây (Trung Quốc) được tổ chức định kỳ hằng năm theo hình thức luân phiên giữa hai bên.

- Với kinh nghiệm của mình, ông có đề xuất gì với tỉnh Quảng Ninh để tiếp tục vun đắp mối quan hệ bền vững bền Việt Nam - Trung Quốc?.

+ Trong những năm tiếp theo, tỉnh Quảng Ninh cần tiếp tục kiên quyết, kiên trì thực hiện đường lối đối ngoại của Đảng bởi quan hệ hợp tác hữu nghị đã được các thế hệ lãnh đạo hai nước dày công vun đắp. Quảng Ninh cần bám sát đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước, gắn kết chặt chẽ các hoạt động đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại Nhân dân.

Cuộc thi Tiếng hát hữu nghị Việt - Trung năm 2022 do Trung tâm Truyền thông tỉnh Quảng Ninh (Việt Nam) và Đài PT-TH Quảng Tây (Trung Quốc) phối hợp tổ chức.

Cuộc thi Tiếng hát hữu nghị Việt - Trung năm 2022 do Trung tâm Truyền thông tỉnh Quảng Ninh (Việt Nam) và Đài PT-TH Quảng Tây (Trung Quốc) phối hợp tổ chức.

Tăng cường hợp tác giao lưu giữa Tỉnh uỷ Quảng Ninh và Khu uỷ Quảng Tây; duy trì quan hệ tốt đẹp giữa lãnh đạo cấp cao hai Tỉnh - Khu, thông qua các hình thức thăm hỏi lẫn nhau, trao đổi thư, điện, gặp gỡ và tiếp xúc, kịp thời trao đổi ý kiến về các vấn đề quan trọng, định hướng và chỉ đạo thúc đẩy hợp tác thực chất, hiệu quả giữa hai Tỉnh - Khu, góp phần vào sự phát triển ổn định, lành mạnh của quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Trung Quốc. Phát huy đầy đủ vai trò dẫn dắt của cơ chế Gặp gỡ đầu xuân giữa các Bí thư Tỉnh uỷ 4 tỉnh Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Giang (Việt Nam) và Bí thư Khu uỷ Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây (Trung Quốc) và cơ chế Hội nghị Ủy ban công tác liên hợp; khôi phục và thúc đẩy hoạt động giao lưu, hợp tác đi vào chiều sâu, ngày càng thiết thực.

Tăng cường giao lưu, học hỏi lẫn nhau về lý luận và kinh nghiệm xây dựng đảng, công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật Đảng, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; tiếp tục triển khai các hoạt động giao lưu, hợp tác giữa các cơ quan, tổ chức Đảng, Mặt trận Tổ quốc tỉnh Quảng Ninh và Chính hiệp Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây; các tổ chức đoàn thể: Hội Liên hiệp Phụ nữ; Liên đoàn Lao động; Đoàn Thanh niên Cộng sản hai bên tiếp tục tổ chức chương trình giao lưu hữu nghị định kỳ 1 năm/lần theo hình thức luân phiên...

 Bộ đội Biên phòng Quảng Ninh (Việt Nam) và Biên phòng Quảng Tây (Trung Quốc), tuần tra chung tuyến biên giới 2 nước.

 Bộ đội Biên phòng Quảng Ninh (Việt Nam) và Biên phòng Quảng Tây (Trung Quốc), tuần tra chung tuyến biên giới 2 nước.

Xuất phát từ tình hình thực tế của tỉnh, tôi cũng cho rằng tỉnh cần tiếp tục ưu tiên thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động đối ngoại toàn diện với Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây; làm tốt vai trò cầu nối hỗ trợ các địa phương, doanh nghiệp trong nước kết nối với địa phương và đối tác nước bạn. Đồng thời, thúc đẩy thực hiện các cơ chế hiện có mà tỉnh đã thiết lập với Hải Nam, Vân Nam, Quảng Đông, Phúc Kiến... theo phương châm 16 chữ: “Láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai” và tinh thần 4 tốt: “Láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chi tốt, đối tác tốt”.

- Trân trọng cảm ơn ông về những chia sẻ này! 

Ngày xuất bản: 2/10/2023
Thực hiện: Nguyễn Dung
Trình bày: Hùng Sơn