Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 23/11/2024 20:48 (GMT +7)
Bài 2: Tăng người hay tăng lương?
Thứ 6, 07/12/2012 | 07:06:37 [GMT +7] A A
Trong các buổi tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội (ĐBQH), HĐND, hầu như buổi nào các ĐBQH, HĐND cũng nhận được kiến nghị về việc xin thêm cấp phó của các ngành, đoàn thể. Như một vị ĐBQH của tỉnh đã từng chia sẻ, đối với một số vị trí chức danh ở xã, phường, thị trấn như công an, địa chính, văn phòng, kế toán, y tế... họ phải đảm nhiệm rất nhiều công việc và hoạt động của họ hết sức thiết thực đối với nhân dân, nhưng bên cạnh đó cũng có những chức danh chỉ là hình thức.
Ngân sách nào kham nổi?
Theo thống kê của Sở Tài chính, năm 2012 tổng kinh phí chi trả lương và các khoản phụ cấp trên toàn tỉnh là 3.205,517 tỷ đồng cho 1.159.126 suất (tương đương với tổng dân số của tỉnh Quảng Ninh đến hết năm 2010). So với tổng chi ngân sách địa phương (bao gồm cả chi đầu tư phát triển, chi quản lý qua ngân sách, dự phòng…) chiếm 24%, còn nếu so với tổng chi thường xuyên chiếm tới 40%. Dự kiến năm 2013, tổng chi cho khoản này là trên 4.000 tỷ đồng, cho 1.185.598 suất, chiếm 50% tổng chi thường xuyên của tỉnh. Cũng theo tính toán của một chuyên gia ngành Tài chính với số lượng suất đang hưởng lương, phụ cấp từ ngân sách của tỉnh hiện nay thì nếu lương tối thiểu tăng 100.000 đồng thì ngân sách địa phương tăng chi khoảng 360 tỷ đồng/năm. Không chỉ đối tượng được hưởng lương, phụ cấp từ ngân sách thuộc các tổ chức hội, đoàn thể, chính quyền cơ sở đang ngày càng đông, mà ở ngay chính các sở, ban, ngành của tỉnh cũng đang ngày càng “sản sinh” thêm rất nhiều trung tâm, chi cục trực thuộc, để không chỉ góp phần làm cho thiết chế bộ máy của tỉnh ngày càng cồng kềnh, mà còn đang tạo gánh nặng rất lớn cho ngân sách.
Cán bộ xã Hạ Long (Vân Đồn) hướng dẫn người dân thực hiện các thủ tục hành chính. (Ảnh có tính minh họa). |
Câu chuyện mỗi nhà một cán bộ không chỉ có ở xã Minh Cầm (Ba Chẽ) mà là thực trạng chung phổ biến đang diễn ra ở khá nhiều địa phương. Thiết chế bộ máy hoạt động hiệu quả hay không có lẽ không phụ thuộc nhiều ở lực lượng cán bộ đông đảo này! |
Mặc dù về mặt lý thuyết thiết chế bộ máy thì những chức danh đang có hiện nay rất cần, có lịch sử hình thành, có nội dung hoạt động nhưng trên thực tiễn những hoạt động của họ chủ yếu chỉ là hội họp. Như khảo sát của chúng tôi tại xã Minh Cầm (Ba Chẽ) một xã chỉ có 131 hộ dân nhưng có tới 120 người được bầu làm cán bộ hưởng lương, phụ cấp từ ngân sách. Có thôn như thôn Đồng Quánh chỉ có 3 đảng viên nhưng nhất thiết là phải có một bí thư chi bộ chuyên trách, một cán bộ mặt trận thôn, một trưởng thôn, rồi các hội, đoàn thể khác không kiêm nhiệm bởi theo lý giải của họ thì Nhà nước đã cho một suất lương thì vì lý do gì mà không bầu đủ để “hoa thơm mỗi người hưởng một tý”. Hay như Bí thư Đảng uỷ xã Lương Mông (Ba Chẽ) đã báo cáo với đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh trong buổi làm việc gần đây, rằng theo quy định xã được cho 21 biên chế nhưng hiện tại mới bố trí được 19 biên chế, đang tìm để bổ sung tiếp cho hết chỉ tiêu biên chế nhà nước giao mặc dù hiện tại sự vận hành của xã miền núi này đang rất tốt, là xã có tỷ lệ hộ nghèo thấp hơn rất nhiều so với mức bình quân chung của tỉnh. Điều đó có nghĩa vì định suất lương đã được cho mà phải tìm đủ người chứ không phải vì công việc.
Ngoài sự cồng kềnh của thiết chế bộ máy ở các cấp cơ sở thì qua khảo sát của chúng tôi hiện nay ở các sở, ban, ngành của tỉnh cũng đang có một bộ máy cán bộ, công chức đông đảo chẳng kém gì ở cấp cơ sở từ việc thành lập thêm các chi cục, trung tâm. Toàn tỉnh hiện đang có 65 trung tâm, với tổng số 1.331 biên chế được duyệt, năm 2012 ngân sách tỉnh đã cấp 225,816 tỷ đồng để chi trả lương, phụ cấp cho đội ngũ này. Đó là chưa kể số lượng các chi cục trực thuộc các sở, ngành đã được thành lập, với số lượng tối thiểu mỗi chi cục có từ 20 biên chế trở lên. Đơn cử như Sở NN&PTNT hiện đang sở hữu tới 9 chi cục, 7 trung tâm, 3 ban quản lý dự án và đầy đủ các phòng, ban chuyên môn của Sở. Chỉ lấy con số bình quân tối thiểu là 20 biên chế/đơn vị thì với tổng số 19 đơn vị trực thuộc này có tới 380 người được hưởng lương, phụ cấp từ ngân sách. Và cũng chỉ cần liếc qua tên gọi của các trung tâm, chi cục đã thấy sự na ná giống nhau về chức năng, nhiệm vụ, vì vậy khó có thể nói rằng không có sự chồng chéo trong hoạt động giữa các đơn vị này.
Đồng chí Nguyễn Văn Minh, Giám đốc Sở Tài chính cho biết: Hàng năm ngân sách tỉnh chi rất lớn cho trả lương, phụ cấp cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, cán bộ tổ chức hội, đoàn thể, nghề nghiệp. Bên cạnh lương tăng, hàng loạt các loại phụ cấp cũng phải tăng hàng năm. Riêng đội ngũ cán bộ cấp xã, họ được tăng phụ cấp trách nhiệm: Bí thư Đảng uỷ xã được 2%, phó bí thư và chủ tịch UBND, HĐND 1,9%, phó chủ tịch UBND, thường trực Đảng uỷ, chủ tịch MTTQ 1,8%, phó trưởng các tổ chức chính trị - xã hội như hội nông dân, cựu chiến binh, phụ nữ, đoàn thanh niên, uỷ viên UBND… là 1,7%. Ngoài ra họ còn được bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế. Dù lương và phụ cấp không phải đã là cao lắm nhưng với bộ máy hết sức cồng kềnh thì ngân sách Nhà nước phải chi cho đội ngũ cán bộ hiện nay là cực kỳ lớn. Đương nhiên, ngân sách chi nhiều như vậy thì nhân dân cũng sẽ đặt câu hỏi: Không ít “đầy tớ” không rõ đang làm cái gì, có xứng đáng với đồng lương được hưởng?
Quan trọng là Cơ chế quản lý
Khi hỏi về việc ở một thôn chỉ có 20 hộ dân mà có đầy đủ các tổ chức hội, đoàn thể như nông dân, phụ nữ, cựu chiến binh, đoàn thanh niên… chắc chắn một người là hội viên của rất nhiều hội, đoàn thể thì việc đóng hội phí sẽ thế nào? Đồng chí Phó Chủ tịch UBND xã Minh Cầm cười bảo, các hội chia nhau thu tiền hội phí, hội này thu rồi thì hội khác thôi. Còn khi được hỏi với xã mà dân số không quá đông, tình hình phát triển kinh tế - xã hội không có nhiều đặc biệt thì cán bộ xã có thể kiêm nhiệm một số chức danh ở thôn được không? Phó Chủ tịch xã Minh Cầm đã thẳng thắn cho rằng, có thể làm được nhưng vấn đề ở đây là định mức suất lương, phụ cấp mà Nhà nước đã cho thì ai hưởng!
Thực tế ở xã Minh Cầm (Ba Chẽ) hiện nay cũng là tình trạng chung ở rất nhiều xã, phường, thị trấn, thôn, bản trên toàn tỉnh. Cũng số lượng biên chế được duyệt như các xã, phường, thị trấn cùng loại nhưng như ở thị trấn Mạo Khê (Đông Triều) với quy mô dân số trên 5 vạn dân cũng chỉ có 25 suất biên chế được duyệt cho cán bộ công chức, viên chức thị trấn. Điều quan trọng là bộ máy đó đang được vận hành khá tốt, hiệu quả, công tác quản lý Nhà nước trên địa bàn được đánh giá cao. Như vậy rõ ràng vấn đề không phải là ở số lượng ban bệ đông đủ mà cái quan trọng là cơ chế quản lý, vận hành hoạt động như thế nào.[links(right)]
Trả lời trên các phương tiện thông tin đại chúng thời gian qua về cách nào để có thể cắt giảm được lượng cán bộ khổng lồ như hiện nay? Giáo sư Nguyễn Lân Dũng, Đại biểu Quốc hội khoá XII cho rằng phải kiên quyết bỏ hẳn biên chế cứng. Thay vào đó là hợp đồng, là khoán quỹ lương gắn với giao nhiệm vụ. Thủ trưởng cơ quan toàn quyền quyết định việc lương cao hay lương thấp và cơ chế để giám sát thủ trưởng này là bỏ phiếu tín nhiệm. Ví dụ, nếu các sở mới ra đời, bộ máy phình ra mà không có hiệu quả thì phải bỏ phiếu tín nhiệm người có trách nhiệm ra các quyết định này.
Không thể phủ nhận hiệu quả hoạt động của bộ máy thiết chế ở cơ sở, nhất là cấp thôn, bản tuy nhiên vì xác định chưa rõ ràng, chồng chéo nội dung công việc của các chức danh, thiết chế bộ máy chậm được thay đổi phù hợp với thực tế hiện tại, nội dung hoạt động chưa thực sự gắn với lợi ích của nhân dân nên bộ máy ngày càng cồng kềnh thêm. Tình trạng một cây được trồng mới 4-5 hội, đoàn thể làm báo cáo thành tích chủ yếu là do hệ lụy của tình trạng này. Bởi theo các chuyên gia thì càng đông cán bộ càng dễ chồng chéo chức năng và càng khó vận hành chế độ trách nhiệm. Thực trạng hiện nay đang đặt ra vấn đề, hoạt động của bộ máy thiết chế cơ sở phải có nghiên cứu từ Trung ương đến địa phương, chứ không phải tăng người, tăng lương làm cho bộ máy ngày càng phình to như hiện nay.
Lan Hương - Hồng Nhung
(Xem từ số báo ra ngày 6-12-2012)
Liên kết website
Ý kiến ()