
Ghi dấu ấn đậm nét trong chặng đường 60 năm lịch sử đầy vẻ vang của tỉnh Quảng Ninh là những người con Quảng Ninh với lòng yêu nước nồng nàn, anh dũng, kiên trung và tài năng xuất chúng đã góp phần xứng đáng vào quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, khẳng định vị thế Quảng Ninh trong lịch sử, cũng như trong hôm nay và tương lai...
“Học đi em. Học đi mà nhớ mãi. Quê hương ta một dải. Từ mũi Cà Mau. Đến địa đầu Móng Cái. Quê hương ta đồng ruộng phì nhiêu. Đủ bốn mùa hoa trái. Núi Trường Sơn vĩ đại. Bờ biển rộng bao la”. Tôi vẫn còn nhớ như in những câu thơ của Tố Hữu được học ngày còn bé. Bài thơ làm thổn thức biết bao trái tim thế hệ học trò, hun đúc thêm tình yêu, thêm hiểu về mảnh đất Móng Cái, điểm đầu của Tổ quốc, vùng đất phên giậu thiêng liêng, nơi từng ghi dấu nhiều chiến công oanh liệt của cha ông trong công cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền lãnh thổ quốc gia.
Móng Cái hôm nay đang trỗi dậy mạnh mẽ trong hình hài của một thành phố vùng biên năng động, hiện đại, tráng lệ. Sự chuyển mình của vùng đất vùng biên này đã và đang làm cho người Móng Cái và cả những người từng gắn bó với mảnh đất này càng thêm tự hào cả những người con anh hùng đã không ngần ngại hy sinh quên mình vì Tổ quốc.

Anh hùng, liệt sĩ Đào Phúc Lộc.
Anh hùng, liệt sĩ Đào Phúc Lộc.
Nhắc đến người con tiêu biểu của mảnh đất vùng biên này, không ai có thể quên anh hùng Đào Phúc Lộc (1923 - 1969) - một trong những nhà tình báo nổi tiếng của Việt Nam. Sinh ra trong một gia đình viên chức có truyền thống yêu nước ở Móng Cái, ông được coi là người đầu tiên xây dựng nền móng cho sự thành lập của ngành tình báo Việt Nam ngay từ khi Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công. Ông đi theo cách mạng năm 13 tuổi, được đồng chí Tô Hiệu - người đảng viên xuất sắc của Đảng Cộng sản Đông Dương, kết nạp vào Đảng khi mới 16 tuổi (năm 1939). Năm 1942, ông được đồng chí Trường Chinh giao nhiệm vụ tạo cơ sở đảng ở Móng Cái và giữ đường giao thông của Đảng từ Hải Phòng qua Móng Cái để ra nước ngoài.
Với sự hoạt động tích cực và hiệu quả của ông, cuối năm 1942, Mặt trận Việt Minh huyện Móng Cái được thành lập với những thanh niên ưu tú như Nguyễn Hải, Bùi Chương, Hoàng Minh Đường… Phong trào đã tập hợp được đông đảo quần chúng, tích cực chuẩn bị lực lượng để tiến lên đấu tranh giành chính quyền. Ông cũng là người chủ trì, thành lập Huyện bộ Việt Minh Móng Cái năm 1943.

Đồng chí Đào Phúc Lộc (người thứ 7, từ trái qua, hàng đứng) cùng đồng đội tại căn cứ Trung ương cục miền Nam (1968). Ảnh: cand.com.vn.
Đồng chí Đào Phúc Lộc (người thứ 7, từ trái qua, hàng đứng) cùng đồng đội tại căn cứ Trung ương cục miền Nam (1968). Ảnh: cand.com.vn.
Luôn kiên trung với cách mạng, gác lại gia đình, hơn 20 năm lăn lộn trên chiến trường Nam bộ, ông trở thành nhà tình báo huyền thoại, lập được nhiều công lớn, góp phần xứng đáng vào công cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam. Quá trình hoạt động, ông đã giữ nhiều trọng trách: Trưởng Phòng Tình báo Quân ủy Hội, Bộ Tổng Tham mưu; Trưởng Ban Quân báo và Tình báo của Bộ Tư lệnh Nam Bộ; Ủy viên Thường vụ Khu ủy Sài Gòn-Gia Định, Chính ủy Lực lượng Biệt động Sài Gòn. Ông đã được Nhà nước Việt Nam phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân năm 1998, truy tặng Huân chương Hồ Chí Minh năm 1999.
Bà Đào Thị Minh Vân, con gái của Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Đào Phúc Lộc và người vợ đầu Hoàng Minh Phụng chia sẻ: Tôi sinh ra đúng ngày toàn quốc kháng chiến 19/12/1946 trong gia đình có cha và mẹ cùng hoạt động, cùng quê hương, cùng chí hướng cách mạng. Không may mắn như những đứa trẻ khác, tôi mồ côi mẹ và phải từ biệt cha khi chưa đầy 2 tuổi. Rồi suốt cả cuộc đời, nỗi khắc khoải mong được gặp cha vẫn day dứt cho đến ngày ông tạ thế. Thế nhưng, tôi luôn được lớn lên trong tình yêu quê hương, truyền thống và dòng tộc ở vùng biên Móng Cái qua lời kể của cha và những bà mẹ nuôi của tôi sau này. Sau này, mẹ tôi hy sinh, cha tôi vào Nam chiến đấu, thỉnh thoảng ông có viết thư về. Trong bức thư gửi ra Bắc cha tôi luôn đặt nhiệm vụ với Tổ quốc lên trên hết. Người cha luôn nặng tình với quê hương Móng Cái đã gieo vào lòng chúng tôi những tình cảm đẹp đẽ, gắn bó với quê hương, để đi đâu làm gì vẫn luôn nhớ về mảnh đất địa đầu mến thương như ước nguyện của ba.

Gia đình Anh hùng liệt sĩ Đào Phúc Lộc và đại diện Tổng cục II (Bộ Quốc phòng) tại lễ trao bằng Tổ quốc ghi công cho thân nhân liệt sĩ Hoàng Minh Phụng (người ôm bằng Tổ quốc ghi công là bà Đào Thị Minh Vân). Ảnh: Tống Khắc Hài
Gia đình Anh hùng liệt sĩ Đào Phúc Lộc và đại diện Tổng cục II (Bộ Quốc phòng) tại lễ trao bằng Tổ quốc ghi công cho thân nhân liệt sĩ Hoàng Minh Phụng (người ôm bằng Tổ quốc ghi công là bà Đào Thị Minh Vân). Ảnh: Tống Khắc Hài
Tên tuổi của Anh hùng Liệt sĩ Đào Phúc Lộc đã được đặt cho nhiều đường phố, trường học tại TP Móng Cái - quê hương ông và tại TP Hồ Chí Minh – vùng đất ông từng chiến đấu và hy sinh. Phạm Hà My, học sinh lớp 4A5, Trường Tiểu học Đào Phúc Lộc, TP Móng Cái chia sẻ: Em rất tự hào vì mình được học dưới mái trường mang tên Anh hùng Đào Phúc Lộc. Chúng em sẽ học tập thật giỏi, chăm ngoan, để tiếp nối truyền thống tốt đẹp của cha ông.
Quảng Ninh - miền đất ẩn chứa một bề dày truyền thống hàng nghìn năm. Ánh hào quang từ quá khứ xa xưa ấy cũng như cốt cách hào hùng của cha ông đã hun đúc niềm tự hào thiêng liêng cho mảnh đất Quảng Ninh vững bước đi lên hôm nay. Dù ở bất kỳ ngành nghề, công việc hay lĩnh vực nào, những người con Quảng Ninh cùng chung một giấc mơ xây dựng Quảng Ninh ngày càng giàu đẹp.
Anh hùng không chỉ có trong thời chiến, mà còn ở cả thời bình hôm nay. Có lẽ chính mảnh đất Quảng Ninh đã tạo nên địa linh nhân kiệt. Tiêu biểu là Anh hùng lao động Nguyễn Quang Mâu, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Gốm đất Việt (TX Đông Triều) là người thổi hồn, đưa Gốm Đất Việt trở thành nhà sản xuất gạch ngói đất sét nung cao cấp số 1 Việt Nam. Chính ông đã góp phần thay đổi cách thức sản xuất gạch ngói Việt Nam đương đại.

TS. AHLĐ Nguyễn Quang Mâu, Chủ tịch HĐQT Tổ hợp Gốm Đất Việt, vinh dự nhận Bằng khen Trí thức Khoa học và Công nghệ tiêu biểu năm 2022 do Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc trao tặng.
TS. AHLĐ Nguyễn Quang Mâu, Chủ tịch HĐQT Tổ hợp Gốm Đất Việt, vinh dự nhận Bằng khen Trí thức Khoa học và Công nghệ tiêu biểu năm 2022 do Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc trao tặng.
Anh hùng lao động Nguyễn Quang Mâu sinh ra và lớn lên trên quê lúa Thái Bình. Thừa hưởng truyền thống gia đình, ngay từ nhỏ, ông đã nổi tiếng hiếu học. Từ ý chí thay đổi cuộc sống của một chàng thanh niên đầy nhiệt huyết, đầy đam mê của tuổi trẻ, ông đã rời xa quê hương đến với đất mỏ để thực hiện những ước mơ hoài bão của mình. Ông ra Hạ Long làm thợ rồi Giám đốc và sau đó là Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Viglacera Hạ Long. Suốt chặng đường đã qua, tên tuổi của ông gắn liền với thương hiệu Viglacera Hạ Long. Ngày 10/10/2009, ông được Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết ký quyết định phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động trong thời kỳ đổi mới để ghi nhận những đóng góp to lớn của ông cho sự phát triển công ty và sự nghiệp xây dựng đất nước.
Kể về hành trình xây dựng thương hiệu Gốm đất Việt, ông Nguyễn Quang Mâu cho biết: Sau khi nghỉ hưu, tôi cùng các cộng sự thành lập Công ty CP Gốm Đất Việt và Công ty CP Gạch ngói Đất Việt, với một mong muốn góp phần xây dựng và phát triển ngành công nghiệp đất sét nung, đưa cuộc sống người dân quanh nhà máy ngày càng được nâng cao bằng cách tạo công ăn việc làm. Năm 2010, những sản phẩm gạch Cotto mang thương hiệu Gốm Đất Việt và những sản phẩm ngói mang thương hiệu Gốm Đất Việt đầu tiên được bán ra thị trường.

Ông Nguyễn Quang Mâu giới thiệu sản phẩm Gốm Đất Việt tới lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh.
Ông Nguyễn Quang Mâu giới thiệu sản phẩm Gốm Đất Việt tới lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh.
Sau hơn chục năm đi vào sản xuất, kinh doanh, sản phẩm Gốm Đất Việt đã hiện diện tại 63 tỉnh thành trong cả nước, xuất khẩu đến 51 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Đến thời điểm hiện tại, Thương hiệu Gốm Đất Việt đã xác lập được 34 Kỷ lục Việt Nam và 4 Kỷ lục thế giới.
Ở cái tuổi đáng nhẽ được an nhàn, ông Nguyễn Quang Mâu vẫn lao động cống hiến hết mình, sáng tạo đưa ra những quyết sách mang tính chiến lược, giúp doanh nghiệp ngày càng khẳng định được vị thế hàng đầu trên thị trường vật liệu xây dựng. Với tinh thần, bản lĩnh kinh nghiệm của Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới, một doanh nhân đã kinh qua bao khó khăn, thách thức khi còn ở Viglacera Hạ Long đã giúp ông vững bước, đóng góp to lớn cho sự thành công của Gốm Đất Việt.

AHLĐ Nguyễn Quang Mâu nhận danh hiệu “Giáo sư danh dự” của Viện Đại học Kỷ lục Thế giới.
AHLĐ Nguyễn Quang Mâu nhận danh hiệu “Giáo sư danh dự” của Viện Đại học Kỷ lục Thế giới.
Dưới sự lãnh đạo tài tình của ông, Công ty đã gặt hái được rất nhiều giải thưởng: Top 500 doanh nghiệp tăng trưởng nhanh nhất Việt Nam; ba lần được vinh danh giải thưởng Sao vàng Đất Việt (2012, 2015, 2018). Năm 2016, công ty đạt giải Vàng Chất lượng quốc gia. Năm 2019, Công ty CP Gạch ngói Đất Việt vinh dự được công nhận là doanh nghiệp KH&CN, đồng thời là doanh nghiệp KH&CN đầu tiên của ngành công nghiệp đất sét nung cả nước, với 5 bằng sáng chế và độc quyền giải pháp hữu ích…
Quá trình xây dựng và phát triển, Quảng Ninh và ngành than luôn gắn bó mật thiết, máu thịt “tuy hai mà một, tuy một mà hai”. Vùng than, vùng mỏ Quảng Ninh, cái tên ấy gắn với người thợ mỏ, gắn với cái nôi của giai cấp công nhân Việt Nam. Với tinh thần “Kỷ luật và Đồng tâm”, biết bao người thợ mỏ Quảng Ninh đã viết nên những trang sử anh hùng cho mảnh đất này, tiếp tục tôi luyện qua biết bao gian khó của những cuộc đấu tranh chống lại giặc thù, góp phần bảo vệ, xây dựng Vùng mỏ giàu đẹp như hôm nay.
Trong số rất nhiều thợ mỏ tiêu biểu của tỉnh qua các thời kỳ, chúng tôi đặc biệt ấn tượng mạnh mẽ với người thợ lò trẻ Lê Văn Biên, công nhân khai thác than trong hầm lò bậc 5/5, phân xưởng khai thác 7, Công ty Than Thống Nhất (TKV). Bằng sự cần cù, tinh thần kỷ luật và đồng tâm, người thợ lò trẻ ấy đang ngày ngày hăng hái thi đua lao động sản xuất dưới tầng lò sâu trong lòng đất.

Thợ lò Lê Văn Biên sinh ra và lớn lên ở vùng đất Hải Dương. Bao năm qua, cuộc sống của gia đình anh gắn liền với những sào ruộng. Mong muốn thoát nghèo, năm 2004, anh Biên quyết định rời Hải Dương, đến vùng đất Quảng Ninh học trung cấp khai thác mỏ, đây cũng chính là dấu mốc, cơ duyên đưa anh đến với nghề thợ lò.
Những ngày tháng tuổi trẻ, anh Biên đã cống hiến trọn vẹn cho nghề mỏ. Năm 2010, anh được tuyển vào Công ty Than Thống Nhất. Suốt 13 năm qua, anh luôn nỗ vượt lên trên tất cả gian nan, gắn bó với gương than, trở thành người chiến sĩ thực thụ, đang từng ngày nỗ lực, cần cù, vượt bao gian khổ để biến than thành “vàng đen” phục vụ cho công cuộc phát triển của TKV, Quảng Ninh và cả đất nước.
Anh Lê Văn Biên, chia sẻ: Lần đầu tiên xuống lò, tôi cũng lạ lẫm, bỡ ngỡ lắm. Thế nhưng, qua nhiều năm tháng, tôi nhận ra mình rất yêu những con đường lò, những vỉa than đen lấp lánh dưới hầm sâu. Nghề mỏ đã chứng minh cho tôi thấy rằng, chỉ cần đam mê, nhiệt huyết, phấn đấu hết mình, thì có thể vượt qua hết mọi khó khăn, gian khổ.

Lê Văn Biên tại lễ trao tặng giải thưởng Nguyễn Đức Cảnh lần thứ IV năm 2023.
Lê Văn Biên tại lễ trao tặng giải thưởng Nguyễn Đức Cảnh lần thứ IV năm 2023.
Phát huy bản lĩnh của người thợ mỏ, tinh thần ham học hỏi, cùng kinh nghiệm trong quá trình lao động, anh Biên đã tìm tòi, nghiên cứu, đề xuất nhiều sáng kiến được áp dụng hiệu quả vào thực tiễn, nâng cao năng suất lao động. Trong đó phải kể đến sáng kiến hợp lý hoá công tác tách nước lò chợ bằng cách đặt ống HDPE trong lò chợ sát nền luồng phá hoả để thu nước.
Nhờ vậy mà tổ sản xuất của anh Biên luôn đạt tổ lao động xuất sắc, sản lượng than khai thác luôn đạt và vượt định mức được giao. Thu nhập bình quân của cá nhân của anh luôn ở nhóm thu nhập cao của đơn vị và Công ty. Tiền lương bình quân năm 2022 của anh đạt trên 35 triệu đồng/tháng. Cá nhân anh đã đạt danh hiệu “Thợ mỏ sáng tạo” của Công đoàn TKV, bằng lao động sáng tạo của Tổng LĐLĐ Việt Nam, điển hình tiên tiến của TKV và là 1 trong 75 cá nhân điển hình tiên tiến về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức phong cách Hồ Chí Minh, được Chủ tịch nước gặp mặt, tôn vinh điển hình tiên tiến toàn quốc trong phong trào thi đua yêu nước trong năm 2023.
Trong suốt chiều dài của chặng đường xây dựng và phát triển, những người con của Quảng Ninh vẫn luôn giữ được cốt cách năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm... Tiếp nối truyền thống cha anh, thế hệ trẻ của Quảng Ninh hôm nay bằng bản lĩnh, trí tuệ, tài năng, đã khẳng định được bản thân, thành công trên nhiều lĩnh vực, gặt hái được thành công, cả trong học tập, rèn luyện và lao động, sản xuất. Chinh phục ngọn núi tri thức mới, nhiều bạn trẻ Đất mỏ đã giành những tấm huy chương danh giá tại các cuộc thi, kỳ thi mang tầm cỡ khu vực và quốc tế, trở thành niềm tự hào của quê hương Quảng Ninh.
Chúng tôi vẫn còn nhớ như in hình ảnh của Nguyễn Ngọc Minh Hải, cựu học sinh lớp chuyên Sinh K23, khóa 2013-2016, Trường THPT Chuyên Hạ Long. Hải đã xuất sắc đem về Huy chương Đồng tại Olympic Sinh học quốc tế - IBO 27, năm 2016. Sau rất nhiều năm, tấm huy chương Olympic mới được giành cho Quảng Ninh. Hải chính là học sinh thứ 2 của tỉnh đoạt huy chương tại 1 kỳ Olympic khoa học quốc tế dành cho học sinh phổ thông (huy chương đầu tiên thuộc về Vi Anh Tuấn, học Trường THPT Cẩm Phả, Huy chương Bạc Olympic Hóa học năm 1998).
Trước đó, năm lớp 10 và lớp 11, Hải giành Huy chương Bạc Olympic Trại hè Hùng Vương các trường THPT chuyên khu vực trung du miền núi Bắc Bộ, giải Nhì học sinh giỏi cấp tỉnh, giải khuyến khích Quốc gia môn Sinh học. Tới lớp 12, Nguyễn Ngọc Minh Hải tiếp tục đoạt giải nhất tỉnh, giải nhất Quốc gia môn Sinh học.

Nguyễn Ngọc Minh Hải trong lễ tốt nghiệp Đại học Y Hà Nội.
Nguyễn Ngọc Minh Hải trong lễ tốt nghiệp Đại học Y Hà Nội.
Tốt nghiệp Trường Đại học Y Hà Nội, hiện nay, Hải đang tiếp tục học tập sau đại học ở Bệnh viện Phụ sản T.Ư. Hải cũng là thạc sĩ xét tuyển trẻ nhất năm 2023 chuyên ngành Sản phụ khoa tại Đại học Y Hà Nội. Nguyễn Ngọc Minh Hải chia sẻ: Từ nhỏ em đã luôn thích thú với các hiện tượng tự nhiên, cuộc sống quanh mình và có đam mê đặc biệt với môn Sinh học. Sau này lớn lên, càng đi sâu tìm hiểu, em càng thấy môn Sinh học thú vị. Khi vào học tại Trường THPT Chuyên Hạ Long, với sự tận tâm dìu dắt của các thầy, cô giáo cùng cơ sở vật chất, trang thiết bị học tập đầy đủ đã tiếp tục nuôi dưỡng khả năng, đam mê học môn Sinh học trong em. Đặc biệt, dấu mốc quan trọng của em chính là dự thi Olympic Sinh học quốc tế - IBO 27, năm 2016. Đây là sân chơi mà em cho rằng mình đã được học hỏi rất nhiều. Em đã được giao lưu với tài năng trẻ trong lĩnh vực sinh học ở các quốc gia trên toàn thế giới.
Đặc biệt, năm 2021, khi cả nước phải căng mình chống chọi với đại dịch Covid-19, Nguyễn Ngọc Minh Hải khi ấy đang sinh viên Trường Đại học Y Hà Nội đã được rất nhiều người biết đến khi viết lá thư tay gửi Ban Giám hiệu nhà trường xung phong vào tâm dịch Covid-19 ở Bình Dương. Nội dung lá thư từng khiến nhiều người xúc động: "Khi Tổ quốc cần, thanh niên không ngại khó", đặc biệt khi là sinh viên Y Hà Nội, mang trong mình niềm tự hào của mái trường có truyền thống hơn một thế kỷ phụng sự Tổ quốc và chăm sóc sức khỏe nhân dân".

Nguyễn Ngọc Minh Hải cùng với nhiều sinh viên Đại học Y Hà Nội đã xung phong vào tâm dịch Covid-19 để đóng góp sức trẻ đẩy lùi dịch bệnh.
Nguyễn Ngọc Minh Hải cùng với nhiều sinh viên Đại học Y Hà Nội đã xung phong vào tâm dịch Covid-19 để đóng góp sức trẻ đẩy lùi dịch bệnh.
Chắc hẳn nhật ký chống dịch của Nguyễn Ngọc Minh Hải đã đầy ắp những trải nghiệm không thể quên về những ngày tháng đã dũng cảm dấn thân vào tâm dịch, đóng góp sức trẻ vì sứ mệnh nghề Y cao quý và với quê hương, Tổ quốc. Nguyễn Ngọc Minh Hải nói: Tuổi trẻ ai cũng có những lựa chọn. Em đã chọn góp sức nhỏ của mình, mang yêu thương đi thật xa. Em luôn mong muốn dc đóng góp cho quê hương theo nhiều cách khác nhau.
Có người sinh ra và lớn lên tại ở Quảng Ninh, có người lại chọn mảnh đất này là quê hương thứ 2 của mình. Song dù là ai, ở bất cứ giai đoạn nào, bằng cốt cách năng động, hào sảng, văn minh của con người Quảng Ninh, họ đã và đang nỗ lực cống hiến để xây dựng nên những trang lịch sử hào hùng, dáng vóc một vùng mỏ tươi đẹp và cả một Việt Nam thịnh vượng.
Ngày đăng: 4/8/2023
Thực hiện: LAN ANH
Trình bày: ĐỖ QUANG