4
18
/
974716
Bài 2: Vươn sóng đến vùng khó
longform
Bài 2: Vươn sóng đến vùng khó

 

 

Trên nẻo đường vùng cao, giữa cơn mưa lất phất, chúng tôi được anh Nguyễn Hải Tiến, Phó Giám đốc Trung tâm viễn thông 4 (Viễn thông Quảng Ninh) dẫn lên thăm trạm BTS Sú Cáu. Trạm được đặt trên đỉnh đồi Sú Cáu thuộc địa bàn xã Húc Động, huyện Bình Liêu. Chặng đường có nhiều đoạn dốc thẳng đứng, khó đi, nên phải cuốc bộ gần 1 giờ đồng hồ mới lên đến trạm. Đấy là trong điều kiện thời tiết thuận lợi, nếu mưa to, gió lớn thì hành trình lên trạm còn gian nan hơn nhiều lần.

Anh Tiến cho biết: Sú Cáu là thôn đặc biệt khó khăn (ĐBKK), điều kiện đi lại không được thuận lợi, nên việc lắp đặt trạm BTS không dễ. Nếu đặt bài toán về kinh tế, chắc chắn không cần tính toán đã có ngay kết quả. Tuy nhiên, với quyết tâm đưa mạng di động đến vùng sâu, vùng xa, cùng với sự hỗ trợ của tỉnh và chính quyền địa phương, Viễn thông Quảng Ninh đã nỗ lực hết sức để xây dựng trạm phát sóng tại khu vực này nhằm phục vụ nhu cầu liên lạc của người dân. Trạm BTS Sú Cáu có tổng mức đầu tư khoảng 1,5 tỷ đồng, trong đó được tỉnh hỗ trợ 500 triệu đồng, còn lại là vốn từ Viễn thông Quảng Ninh.

Sau 6 tháng thi công, ngày 26/11/2018 trạm BTS Sú Cáu chính thức đi vào hoạt động. Đó thực sự là ngày đặc biệt đối với người dân trong thôn. Khi nghe thông báo toàn thôn đã được phủ sóng điện thoại, tất cả mọi người đều vỡ òa niềm vui. Việc thuận tiện trong liên lạc đã giúp khoảng cách giữa thôn xa nhất của xã Húc Động này với những địa phương khác không còn nữa. Không chỉ phủ sóng di động 2G, sóng 3G, 4G cũng đã hiện diện tại đây.

Trước đây, gia đình chị Chíu Tài Múi chưa bao giờ nghĩ có ngày 2 vợ chồng sử dụng thành thạo chiếc điện thoại di động để gọi điện trò chuyện với các con ở rất xa mà lại nhìn thấy hình ảnh như đang nói chuyện trực tiếp. Chị Múi phấn khởi khoe: Có sóng di động, ngày nào vợ chồng tôi cũng điện thoại cho con gái đang đi làm việc ở Malaysia để nói chuyện cho đỡ nhớ. Từ ngày có mạng 3G tôi còn mua thêm chiếc điện thoại thông minh để gọi điện bằng zalo, facebook, có thể nhìn thấy mặt con, nói chuyện trực tiếp với con gái. Không chỉ giúp giải tỏa nỗi nhớ con, tôi còn tìm hiểu những kiến thức về trồng trọt, chăn nuôi qua điện thoại nữa.

Ông Chìu Tắc Lầu, Bí thư chi bộ, Trưởng thôn Sú Cáu, bày tỏ: So với các thôn trong xã thì Sú Cáu là vùng xa trung tâm nhất. Từ ngày được phủ sóng điện thoại, việc thông tin liên lạc trong thôn dễ hơn, nhiều gia đình làm ăn đã khấm khá hơn nhờ buôn bán thuận lợi. Từ một thôn ĐBKK, với tỷ lệ hộ nghèo cao 21/38 hộ (năm 2017) thì đến nay thôn chỉ còn 6/42 hộ nghèo, cận nghèo. Năm nay, thôn cũng đã hoàn thành các chỉ tiêu, tiêu chí ra khỏi diện ĐBKK. Kinh tế các hộ gia đình khấm khá, nên các hộ cũng đã quan tâm hơn đến xây dựng nếp sống văn hóa văn minh; tích cực tham gia vào các phong trào thi đua của địa phương.

Niềm vui của người dân và diện mạo mới của thôn Sú Cáu cũng giống như các xã, thôn khác thuộc diện ĐBKK trên địa bàn tỉnh được phủ sóng điện thoại di động. Sóng điện thoại về với thôn, bản vùng cao không chỉ mang đến ánh sáng văn hóa mà còn xóa dần đi khoảng cách giàu nghèo, trình độ dân trí giữa những vùng sâu, vùng xa, miền núi hải đảo với khu vực đồng bằng, đô thị. Hơn nữa, đây là điều kiện để các thôn, xã sớm thoát khỏi diện ĐBKK. 

Theo thống kê của Sở Thông tin và Truyền thông, từ năm 2017 đến nay, toàn tỉnh đã có 10 trạm BTS được đầu tư tại các xã, thôn ĐBKK, với tổng kinh phí gần 14 tỷ đồng. Trong đó, Viễn thông Quảng Ninh đầu tư 3 trạm, gồm: 2 trạm BTS tại các thôn Tiền Hải, Bản Danh (huyện Tiên Yên); 1 trạm BTS tại thôn Sú Cáu (huyện Bình Liêu). Viettel Quảng Ninh đầu tư 7 trạm, gồm: 1 trạm tại thôn Khe Phương (huyện Hoành Bồ); 5 trạm tại các thôn Khe Tum, Đồng Quánh, Đồng Giáng B, Làng Mô và xã Thanh Lâm (huyện Ba Chẽ); 1 trạm tại thôn Đài Làng (huyện Vân Đồn).

 

Tại buổi làm việc với tỉnh Quảng Ninh cuối tháng 7/2019, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng kỳ vọng từ nay đến năm 2020, 100% dân số của tỉnh được phủ sóng di động và kết nối Internet 3G, 4G; nâng cao tỷ lệ người dân sử dụng điện thoại thông minh và có đường cáp quang tới mọi hộ gia đình.

Bộ trưởng yêu cầu tỉnh Quảng Ninh cùng các đơn vị viễn thông bắt tay kết hợp, phân chia phạm vi cùng xóa vùng “lõm” sóng di động cho các thôn, bản khó khăn, dân cư thưa thớt. Việc sớm xóa vùng “lõm” sóng di động cho các khu vực này không chỉ tạo ra động lực phát triển, đảm bảo an sinh xã hội, an ninh quốc phòng cho vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo mà còn là nền tảng để triển khai thành công Chính quyền điện tử của Quảng Ninh.

Để sớm hiện thực hóa mục tiêu trên, tỉnh Quảng Ninh và các doanh nghiệp viễn thông đang tích cực tập trung nguồn lực đầu tư các trạm BTS để phủ sóng tại 8 điểm còn “lõm” sóng. Dự kiến kinh phí lắp đặt 8 trạm mất hơn 13,7 tỷ đồng. Trong 8 điểm cần phủ sóng, đến nay đã có 1 điểm thuê được vị trí xây dựng và chuẩn bị việc đầu tư xây dựng phát sóng trong năm 2019; 1 điểm đang trình Sở Xây dựng thẩm định hồ sơ dự án; 2 điểm đã khảo sát, thiết kế và lập dự toán. 4 điểm còn lại đang khảo sát xác định vị trí tại thực địa và thực hiện công tác bồi thường GPMB.

Tỉnh Quảng Ninh đang chỉ đạo sát sao các địa phương, sở, ngành, nhanh chóng triển khai và rút ngắn các thủ tục không cần thiết liên quan đến công tác GPMB và thẩm định hồ sơ, nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp sớm đầu tư, xây dựng các trạm BTS. Để gỡ khó trong kinh phí đầu tư cho doanh nghiệp, tỉnh quyết định vẫn tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp viễn thông một phần kinh phí đầu tư trạm BTS (30-50% tùy từng trạm) và yêu cầu các địa phương thực hiện công tác bồi thường, GPMB.

Về phía doanh nghiệp, dù biết việc phủ sóng đến vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo là vô cùng tốn kém và hiệu quả kinh tế đem lại không cao, nhưng các đơn vị vẫn quyết tâm chung tay cùng với tỉnh vì mục tiêu phát triển cộng đồng.

"Khi so sánh giá trị lợi nhuận kinh tế nếu phương án kinh doanh không có lãi doanh nghiệp rất ngại đầu tư. Tuy nhiên, về lâu dài việc đầu tư sóng di động vào những vùng này có ý nghĩa rất lớn, tạo nền tảng, sự đột phá mới, người dân sẽ thay đổi tư duy, phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần. Vì vậy, năm 2019 và năm 2020, Viễn thông Quảng Ninh sẽ tiếp tục đồng hành cùng tỉnh để đầu tư các trạm BTS, quyết tâm hoàn thiện việc phủ sóng các điểm "lõm" còn lại" - Ông Nguyễn Chính Tùng, Trưởng phòng Kỹ thuật đầu tư Viễn thông Quảng Ninh, khẳng định.

Thu Chung - Phạm Tăng

 Trình bày: Tất Đạt

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu