
Mỗi lần trên hành trình ra các huyện miền Đông, dù trước đây là những khúc cua theo tuyến đường 18A, hay giờ là bon bon tăm tắp trên cao tốc Hạ Long – Vân Đồn – Móng Cái thì trước mắt tôi bất kể thời khắc nào cũng là:
“Đường về miền Đông
Mù trôi như sông
Vừng dương lữ thứ
Ngủ mê trên đồng
Nửa mắt là rừng
Nửa mày là bể….
…Vành khăn soóng cọ
Mắt dài đuôi lau
Phố núi làng sâu
Rượu bầu trám muối”
(Ngô Mai Phong)
Từ điểm đầu tiên đặt nét bút vẽ hình chữ S thân yêu - mũi Sa Vĩ nơi thành phố địa đầu của Tổ quốc đến những cột mốc biên giới nơi miền sơn cước Bình Liêu, giữa bao là trùng điệp của núi non, trong bạt ngàn lau trắng hay tím lịm hoa sim là những tấc đất quê hương trong hành trình dặm dài đất nước.

Trong số 2.000 cột mốc trên toàn tuyến biên giới Việt - Trung, Quảng Ninh có 177 cột mốc đường biên giới đất liền với nước Cộng hoà nhân dân Trung Hoa, thuộc 3 địa phương: Bình Liêu, Hải Hà, Móng Cái. Cột mốc được cắm đầu tiên vào năm 2001, mở đầu cho giai đoạn cắm mốc thực địa theo Hiệp ước về biên giới trên đất liền giữa hai nước là cột mốc 1369 tại đầu cầu Bắc Luân (Móng Cái).
Nếu Cột mốc số 0 (Cột mốc A Pa Chải, tỉnh Điện Biên) là khởi đầu của đường biên giới Việt - Trung, thì Cột mốc số 1378 chính là cột mốc cuối cùng của đường biên giới trên bộ giữa Việt Nam – Trung Quốc tính từ tây sang đông. Nằm trên mũi Sa Vĩ, Cột mốc 1378 luôn sừng sững, hiên ngang trên trụ cao của hòn Dậu Gót, giữa ngã ba cửa sông Bắc Luân. Đó là nơi phân định, đánh dấu ranh giới giữa Việt Nam - Trung Quốc. Từ cột mốc 1378 đến hết giới điểm 62 hơn 3km, nhìn hết tầm nhìn là điểm 1 của đường phân định trên Vịnh Bắc Bộ. Vị trí địa lý rất đặc biệt. Tính chất, phạm vi quản lý cũng khác so với đoạn biên giới khác. Đây là điểm đầu của mũi Sa Vĩ - địa dư hành chính của đất nước. Cùng với cột mốc 1378 thì cột mốc 1377 là cột mốc cuối cùng của đường biên giới trên bộ và điểm đầu trên đường phân định trên Vịnh Bắc Bộ, tức là điểm 1.

Cột mốc số 1378 là cột mốc cuối cùng của đường biên giới trên bộ giữa Việt Nam – Trung Quốc tính từ tây sang đông.
Cột mốc số 1378 là cột mốc cuối cùng của đường biên giới trên bộ giữa Việt Nam – Trung Quốc tính từ tây sang đông.
Đối với người dân vùng đất địa đầu Đông Bắc của Tổ quốc, mỗi cột mốc là khắc ghi những ngày tháng quân và dân đồng lòng bảo vệ, xây dựng từng mét đất lãnh thổ, lãnh hải quốc gia, là người bạn gắn bó, điểm tựa bình yên. Từng nét mực khắc trên đá hoa cương của cột mốc không đơn thuần chỉ là con số, là Quốc hiệu mà đó chính là linh hồn, là niềm tự hào dân tộc.
Ở nơi được mệnh danh là “thiên đường” cột mốc - Bình Liêu với trên 50km đường biên giáp với nước Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa, Bình Liêu có cung đường tuần tra đẹp nhất vùng Đông Bắc với các biểu tượng khẳng định chủ quyền, biên giới lãnh thổ quốc gia như cột mốc 1300, 1302, 1305 và 1327. Trong số đó, cột mốc 1305 là đặc biệt hơn cả. Đây có lẽ là mốc cao nhất ở Quảng Ninh. Lên được đến cột mốc là cả một thử thách với ngay cả không ít bạn trẻ. Để đến được đây, mọi người phải băng qua cung đường mòn giữa các đỉnh núi, nơi mà du khách vẫn thường gọi là “sống khủng long” với 2 giờ đồng hồ leo núi, và vượt khoảng 2.000 bậc. Đứng bên cột mốc thiêng liêng, phóng tầm mắt ngắm nhìn rừng núi ngút ngàn, trùng điệp, đón cơn gió biên cương lồng lộng giữa đất trời cũng chính là lúc trong trái tim mỗi người ngân vang lên bài ca tự hào về Tổ quốc anh hùng, để cảm nhận thật rõ tình yêu đất nước luôn thật gần gũi, sâu thẳm, bình dị.

Cột mốc 1327.
Cột mốc 1327.
Cùng với cột mốc 1305 thì ấn tượng ở thiên đường cột mốc Bình Liêu là cột mốc 1327, cột mốc cuối cùng trên đường biên giới Việt Nam - Trung Quốc tại Bình Liêu (Quảng Ninh). Cột mốc được cắm trên đỉnh núi Thanh Long Lĩnh thuộc bản Phạt Chỉ, xã Đồng Văn, huyện Bình Liêu, tỉnh Quảng Ninh. Từ cửa khẩu Hoành Mô, theo con đường nhựa dọc biên giới đi về hướng Đồng Văn tới bản Phạt Chỉ, rẽ trái khoảng 2 cây số trên con đường bê tông cheo leo vách núi là lên tới cột mốc 1327. Đây cũng là cột mốc được xây dựng kỳ công nhất với hơn 200 bậc xi măng khang trang dẫn lên mốc. Từ vị trí cột mốc 1327 có thể phóng tầm mắt ra xa, ngắm nhìn cảnh núi rừng vùng biên Đông Bắc hùng vĩ. Nơi đây trở thành điểm yêu thích của các tín đồ du lịch, đặc biệt là các phượt thủ muốn chinh phục thử thách và vẻ đẹp hoang sơ, phong cảnh núi non trùng điệp hữu tình.

Mốc 1305
Mốc 1305
Còn nhớ hơn 10 năm trước, Bảo tàng tỉnh Quảng Ninh đã tổ chức triển lãm “Cột mốc biên giới quốc gia – Di sản văn hoá độc đáo” với hơn 50 hiện vật, tư liệu, hình ảnh quý về biên giới quốc gia và cột mốc biên giới quốc gia trên vùng đất tỉnh Quảng Ninh. Trong đó có bốn cột mốc quốc giới gồm: cột mốc số 2, số 3 ở xã Lục Lầm, cột mốc số 5 ở cầu Bắc Luân đều được xây dựng vào năm 1890 và cột mốc số 12 ở xã Pò Hèn (TP Móng Cái) xây dựng năm 1893, được giới thiệu lần đầu tiên trong hệ thống trưng bày chuyên đề của các bảo tàng Việt Nam. Những hiện vật được giới thiệu tại triển lãm năm đó vô cùng độc đáo, có ý nghĩa cấp quốc gia, không chỉ là di sản văn hóa mà còn có giá trị đặc biệt về chính trị, ngoại giao, quân sự, phản ánh cuộc đấu tranh xây dựng và bảo vệ lãnh thổ đầy hy sinh gian khổ của nhân dân các dân tộc tỉnh Quảng Ninh qua nhiều thế hệ. Mỗi cột mốc là một thông điệp của các bậc tiền nhân truyền lại cho con cháu về tinh thần độc lập tự do, lòng tự hào dân tộc.
Ngày nay với sự cởi mở và phát triển của các loại hình kinh tế, thì tham quan các cột mốc biên giới trở thành một hình thức du lịch rất hấp dẫn, nhất là đối với người trẻ. Được nhìn ngắm, được chạm tay vào những cột mốc là rưng rưng xúc động bởi đó không đơn giản chỉ là một chuyến đi chơi mà đó là một lần học về địa lý, về lịch sử, về truyền thống hào hùng của dân tộc, để thấy trân trọng hơn biết bao mồ hôi, xương máu của các thế hệ cha anh đã đổ xuống bảo vệ biên cương bờ cõi, cho đất nước thanh bình, đất nước trải gấm hoa hôm nay, mà là sự nhắc nhở trách nhiệm của họ với đất nước hôm nay.




Nhà báo, nhà thơ Ngô Mai Phong kể: Vùng miền Đông của tỉnh Quảng Ninh trước đây là hun hút xa xăm bởi do giao thông đi lại quá khó khăn, dù thiên nhiên có tươi đẹp, hùng vĩ nhưng vì đời sống còn quá khó khăn, bụng đói thì sao có thể cảm hứng với sự tươi đẹp được. Nhớ những năm đầu thập kỷ chín mươi của thế kỷ trước khi làm phóng sự ở một huyện miền núi nghèo khu vực miền Đông tôi cảm nhận cái nghèo ở khu vực này giống như người đàn bà Dao phai duyên, đến chút trang sức trên mình cũng đang có nguy cơ phải cầm bán nốt để ném vào rau cháo… Bây giờ thì khác xưa rồi, đường ra miền Đông là Quốc lộ 18A đã được nâng cấp, mở rộng, cắt cua, thảm nhựa êm ru, hay chỉ chạy độ hơn 1 tiếng trên tuyến cao tốc Hạ Long – Vân Đồn – Móng Cái chưa kịp chợp mắt giật mình đã là Móng Cái. Mọi thứ thuận lợi nên đời sống người dân khu vực miền Đông đã khá giả hơn rất nhiều và cái đẹp của thiên nhiên cũng trở lên tươi tắn hơn, cần khám phá hơn.

Ông chủ vườn hoa Cao Sơn (Bình Liêu), cũng là ông chủ của Bình Liêu Farm stay – một địa chỉ đang rất hot với cộng đồng du lịch chia sẻ: Ở trên này giờ ô tô có thể đi xuyên tất cả các thôn bản biên giới nhờ có tuyến đường kết nối 104 thôn, bản, có sóng điện thoại, có wifi chứ không phải nơi thâm sơn, cùng cốc, núi rừng hiểm trở như trước đây đâu. 4 mùa mỗi mùa một dáng vẻ nhưng màu tươi đẹp của thiên nhiên bao la, hùng vĩ ở dải đất biên cương này luôn khiến mỗi người phải oà vào cảm xúc vừa mộc mạc, vừa thân thương, gần gũi nhưng cũng rất thiêng liêng bởi đứng ở nơi đây cảm nhận sự tự do, độc lập, trời của ta, đất của ta khác biệt hơn tất cả những nơi khác. Thoả thích dạo chơi cả phố núi, cả bản cao tận hưởng những khoảnh khắc sống chậm lại, yêu thiên nhiên hiền hòa.
Đi trong hương quế, hương hồi, giữa bồng bềnh tinh khôi của lễ hội hoa sở hay bỏng rát điệu múa lửa của lễ hội Bàn Vương hay trên mùa vàng Đại Dực, tím lịm lễ hội hoa sim Móng Cái… gặp “Anh thanh niên người Tày, người Dao/Chị Sán Chỉ, Sán Dìu từ Ba Chẽ, Đình Lập, Bình Liêu xuống/Từng bao quế, hồi, chè vàng nguyên sắc nắng/Họ trao cái nhìn chân thật cho nhau…” thấy rằng dải đất miền Đông hôm nay nhựa sống đang căng tràn. Du khách hôm nay trải nghiệm ở các huyện miền Đông của tỉnh Quảng Ninh chắc hẳn không phải thấy áy náy vì gặp những khốn khó của vùng đất bởi trải nghiệm họ được mắt nhìn, tai nghe là những thôn bản yên bình, xinh xắn theo cung đường quanh co, uốn lượn dọc tuyến biên giới Việt - Trung từ Bình Liêu đến Móng Cái, là những thị tứ trù phú trên núi cao giữa thơm mát hương quế, hương hồi, trong thanh khiết của rừng trà hoa vàng…

“Con đường cô lẻ
Là đường miền Đông” – Tôi hẳn rằng Nhà thơ, Nhà báo Ngô Mai Phong hôm nay sẽ không còn trĩu nặng trong lòng nỗi buồn như mấy mươi năm trước đó bởi đường ra miền Đông hôm nay ngược xuôi dòng phương tiện nối dài từ thủ đô Hà Nội tới thành phố cửa khẩu Móng Cái. Dòng chảy đó được tạo bởi huyết mạch giao thông đồng bộ, hiện đại từ con đường cao tốc Hạ Long- Vân Đồn – Móng Cái dài 80km. Con đường đi qua Vịnh Di sản - Kỳ quan thiên nhiên, qua những cánh rừng đại ngàn ngút màu xanh, những vùng đất ngập nước rộng lớn, nơi sở hữu những khu rừng ngập mặn hàng trăm năm tuổi, trở thành một trong những tuyến cao tốc có cảnh quan đẹp nhất Việt Nam. Đường ra miền Đông hôm nay còn là tuyến cao tốc duy nhất ở Việt Nam kết nối đồng bộ với 3 sân bay quốc tế (Nội Bài - Cát Bi - Vân Đồn), hệ thống cảng biển và logistics, các đầu tàu, cực tăng trưởng kinh tế của phía Bắc và các đô thị lớn; các khu kinh tế ven biển của Hải Phòng, Quảng Ninh và các khu kinh tế cửa khẩu với cửa khẩu quốc tế Móng Cái tạo ra những lợi thế so sánh khác biệt.
Đại lộ sinh phú quý – HĐND tỉnh Quảng Ninh vừa thông qua Nghị quyết dành nguồn ngân sách tỉnh để thực hiện dự án cải tạo nâng cấp đường tỉnh 342, đoạn thuộc địa phận TP Hạ Long để đấu nối với Dự án cải tạo, nâng cấp đường tỉnh 342 đoạn qua địa phận huyện Ba Chẽ đang được thực hiện. Tuyến đường này sau khi hoàn thành sẽ tạo kết nối liên vùng và khu vực từ vùng thấp, vùng động lực, vùng phát triển với vùng cao của TP Hạ Long, huyện Ba Chẽ và tỉnh Lạng Sơn, giảm được trên 50km di chuyển Hạ Long - Lạng Sơn và ngược lại so với các tuyến đường như hiện nay, giảm đáng kể thời gian đi lại giữa 2 tỉnh. Những ngày này tiến độ thi công dự án đang được tập trung rất cao độ, khi hình hài con đường mới rõ nét hơn là một ngày người ta thấy phú quý của dải đất miền Đông sắp được nhân lên.

Miền Đông không còn cô lẻ nhờ các công trình, nhất là hạ tầng giao thông gắn với các hành lang kinh tế, hành lang đô thị, thúc đẩy liên kết nội vùng, liên kết vùng, phân công và hợp tác lãnh thổ theo mô hình tổ chức không gian phát triển “một tâm, hai tuyến đa chiều, hai mũi đột phá, ba vùng động lực”, mở ra không gian phát triển mới, tạo ra nguồn lực mới, cơ hội mới, động lực mới thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội nhanh, bền vững gắn với bảo đảm vững chắc quốc phòng- an ninh, thu hẹp chênh lệch vùng miền.
Ngày xuất bản: 30/7/2023
Thực hiện: Lan Hương - Nguyễn Dung
Trình bày: Hùng Sơn