
Biển, đảo Việt Nam có vị trí chiến lược, trọng yếu về địa chính trị, kinh tế, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của đất nước. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn coi biển, đảo là phần máu thịt không thể tách rời của lãnh thổ Việt Nam và động viên toàn Đảng, toàn dân, toàn quân quyết tâm bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc. Gồm khoảng 70 đảo, đá lớn nhỏ, Cô Tô là huyện đảo tiền tiêu, cách đất liền 60 hải lý, có vị trí quan trọng về an ninh - quốc phòng với hơn 100 km đường biên giới trên biển từ đảo Trần tới đảo Bạch Long Vĩ của thành phố Hải Phòng. Nơi đây vinh dự được đón Bác ra thăm vào ngày 9/5/1961 và được Người cho phép kiến dựng tượng lúc sinh thời. Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh trên đảo Cô Tô được xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt theo Quyết định số 93-QĐ/TTg, ngày 18/01/2022 của Thủ tướng chính phủ, dần khẳng định vị trí quan trọng trong đời sống của quân và dân huyện Cô Tô, đồng thời trở thành cột mốc thiêng liêng giữa biển Đông.

Ngày 9/5/1961, Cô Tô vinh dự được đón Bác ra thăm. Để thể hiện lòng kính trọng, biết ơn Người, năm 1962 nhân chuyến công tác của Bác trở lại tỉnh Hải Ninh (nay là tỉnh Quảng Ninh), Ủy ban hành chính tỉnh Quảng Ninh xin phép Bác cho dựng tượng trên đảo Cô Tô, xây dựng nhà lưu niệm, dựng bia ở những nơi Bác đến thăm và đã được Bác đồng ý. Cô Tô trở thành nơi duy nhất được Bác cho phép kiến dựng tượng Người lúc còn sinh thời. Năm 1997, Khu di tích những địa điểm lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh trên đảo Cô Tô gồm: Khu tượng đài Bác Hồ, Nhà trưng bày lưu niệm, Ao cá, Ruộng khoai, Cánh đồng muối được Bộ Văn hoá - Thông tin công nhận là khu Di tích cấp quốc gia. Năm 2022, Khu di tích này trở thành một trong những di tích quốc gia đặc biệt được Thủ tướng phê chuẩn. Trên bức trướng trong gian thờ được sơn son thiếp vàng, khắc ghi lời căn dặn của Bác Hồ với nhân dân, chiến sĩ, cán bộ trên đảo Cô Tô: ‘Thủ đô Hà Nội tuy cách xa các đảo nhưng Đảng và Chính phủ luôn quan tâm đến đồng bào các đảo và mong đồng bào đoàn kết, cố gắng và tiến bộ”. Hai bên là vế của câu đối: “Tận trung với nước, coi sơn hà xã tắc là thiêng, Tận hiếu với dân, lấy độc lập tự do làm quý”.

Bác Hồ về thăm người dân huyện Cô Tô ngày 09/5/1961. Ảnh tư liệu
Bác Hồ về thăm người dân huyện Cô Tô ngày 09/5/1961. Ảnh tư liệu
Khu tượng đài Bác chính là địa điểm máy bay hạ cánh đưa Bác đến Cô Tô. Nơi đây, xưa kia là một cồn cát lớn toàn xương rồng bánh gai, nay đã được cải tạo, nằm ở địa thế đẹp, phong cảnh sơn thủy hữu tình, nhìn ra bãi biển vụng Cô Tô kín gió, rừng phi lao xanh tươi và bãi cát trắng mịn trải dài quanh co thơ mộng. Đã hơn nửa thế kỉ trôi qua kể từ khi Bác ra thăm đảo và cho phép kiến dựng tượng Người, bóng dáng, dấu chân, hơi ấm và niềm tin của Người đối với quân, dân Cô Tô vẫn luôn hiển hiện và lưu giữ nơi đây. Tượng đài Bác trong tư thế đứng, dáng vẻ uy nghiêm, đôi mắt hiền từ, hướng nhìn ra biển Đông, tay phải giơ cao vẫy chào như thúc giục, vẫy gọi quân, dân Cô Tô “Còn những ai chưa được một lần/Trong đời gặp Bác? Hãy nhanh chân/Tiến lên phía trước! Trên cao ấy/Bác vẫn đưa tay đón lại gần... ” (Theo chân Bác- Tố Hữu, 1970).

Việt Nam là quốc gia ven biển, với bờ biển dài trên 3.260km, theo Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 thì nước ta có diện tích biển hơn 1 triệu km2, gấp ba lần diện tích đất liền. Vùng biển, đảo nước ta có hơn 3.000 hòn đảo lớn, nhỏ được phân bố theo chiều dài bờ biển và 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, có vị trí đặc biệt quan trọng, như một tuyến phòng thủ tiền tiêu bảo vệ sườn phía đông đất nước; một số đảo ven bờ có vị trí quan trọng được sử dụng làm các điểm cơ sở ven bờ lục địa Việt Nam, từ đó xác định vùng nội thủy, lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa…, làm cơ sở pháp lý để xác định chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia trên biển. Do đó, với tầm nhìn chiến lược, chủ tịch Hồ Chí Minh đã sớm nhìn thấy tầm quan trọng của biển, đảo. Với Người, “Biển bạc của ta do dân ta làm chủ”. Tư tưởng của Người là phải làm chủ tiềm năng của biển, bảo vệ biển và khai thác các nguồn lợi từ biển để phục vụ cho sự phát triển đất nước và đời sống của nhân dân. Khẳng định về vị trí, vai trò của biển, đảo, Người cho rằng: “Đồng bằng là nhà, mà biển là cửa. Giữ nhà mà không giữ cửa có được không?... Nếu mình không lo bảo vệ miền biển, thì đánh cá, làm muối cũng không yên. Cho nên một nhiệm vụ quan trọng của đồng bào miền biển là phải bảo vệ bờ biển. Đồng bào miền biển là người canh cửa cho Tổ quốc”. Từ đó, người khẳng định cư dân trên đảo là lực lượng quan trọng góp phần bảo vệ và giữ gìn chủ quyền biển, đảo, trong đó việc tập trung nâng cao đời sống người dân đảo, tạo sinh kế cho người dân là yếu tố then chốt để nhân dân trên đảo yên tâm "coi đảo là nhà, biên giới là quê hương".

Năm 1967, nhân dân đảo Cô Tô đã cho dựng tượng Bác và đây cũng là nơi duy nhất Bác đồng ý cho dựng tượng khi còn sống. Ảnh Tư liệu
Năm 1967, nhân dân đảo Cô Tô đã cho dựng tượng Bác và đây cũng là nơi duy nhất Bác đồng ý cho dựng tượng khi còn sống. Ảnh Tư liệu
Cách Thủ đô Hà Nội hơn 250 km, huyện đảo Cô Tô nằm ở giữa mặt biển phía Đông Bắc tỉnh Quảng Ninh, giữ vị trí đặc biệt quan trọng về quốc phòng - an ninh của Tổ quốc. Cụm đảo Cô Tô - Thanh Lân cùng với các đảo nhỏ lân cận tạo thành căn cứ quân sự liên hoàn, trở thành lá chắn thép nhiều lớp bảo vệ lãnh hải và vùng nội thủy ven bờ Quảng Ninh - Hải Phòng. Cụm đảo Trần có giá trị to lớn và vững chắc về chủ quyền biển đảo của Việt Nam khi nằm cách đường phân định trên Vịnh Bắc Bộ khoảng gần 7 hải lý. Khu vực đảo Trần và quần đảo Cô Tô đã góp phần xác định (từ vị trí số 1 đến số 9, đặc biệt là điểm cực Đông của đảo Bồ Cát - đảo Trần Nhạn) thuộc về lãnh hải của Việt Nam. Với 21 vị trí được xác định, Việt Nam được hưởng 53,23% diện tích Vịnh Bắc Bộ. Việc quản lý một vùng biển rộng đầy tiềm năng xung quanh đảo có ý nghĩa rất quan trọng trong việc bảo vệ chủ quyền, quốc phòng an ninh và phát triển kinh tế đất nước.
Ngược dòng thời gian trở lại thời điểm những năm 1961, khi ấy, miền Bắc còn ngổn ngang trong công cuộc tái thiết đất nước, miền Nam vẫn đang trong những ngày gian khổ để giành độc lập hoàn toàn, nhưng với tầm nhìn xa, trông rộng của một nhà lãnh đạo thiên tài, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gác lại nhiều công việc để đến với bà con ở vùng biển đảo Cô Tô. Tượng đài Bác uy nghiêm, mặt nhìn hướng ra Biển Đông như lời khẳng định Cô Tô luôn là một phần “máu thịt” thiêng liêng không thể tách rời của Tổ quốc, là minh chứng hùng hồn về chủ quyền dân tộc.

Khu lưu niệm chủ tịch Hồ Chí Minh là không gian trang nghiêm, là địa điểm lịch sử, văn hóa, chính trị để Đảng bộ, chính quyền, quân và dân trên đảo Cô Tô tưởng nhớ, tri ân, báo công trước tượng Bác Hồ vào những ngày lễ, tết; là địa điểm linh thiêng để tổ chức các sự kiện quan trọng không chỉ của của chính quyền và người dân trên đảo mà còn của các tổ chức Đảng, cơ quan, đơn vị trong và ngoài tỉnh Quảng Ninh. Tính đến tháng 6/2023, đã có gần 100 điển hình tiên tiến được khen thưởng, 82 Đảng viên vinh dự được kết nạp Đảng tại Di tích Quốc gia đặc biệt Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh. Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh dần trở thành không gian văn hóa tăng cường sự cố kết cộng đồng của quân và dân đảo Cô Tô. Tính từ năm 2015 đến tháng 6/2023, đã có 324 sự kiện văn hóa, chính trị được tổ chức gắn liền với khu di tích, góp phần làm phong phú đời sống văn hóa tinh thần của người dân; giáo dục sâu sắc, khơi dậy và phát huy niềm tự hào dân tộc, thể hiện tình yêu quê hương đất nước, tình yêu biển đảo, góp phần củng cố, nâng cao nhận thức trong thế hệ trẻ, cán bộ, đảng viên và nhân dân về vai trò, vị trí chiến lược của biển, đảo Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ Quốc. Chỉ tính riêng 7 tháng đầu năm 2023, tổng số du khách đến tham quan khu di tích ước đạt trên 270.000 khách; tổng số lượt truy cập trên hệ thống chuyển đổi số khu di tích đạt trên 100.000 lượt. Hướng dẫn viên tại khu di tích đã tổ chức thuyết minh, hướng dẫn cho trên 60.000 lượt du khách.

Sau gần 30 năm thành lập (1994 - 2023), từ một đảo xa bờ, điều kiện tự nhiên cực kỳ khắc nghiệt, khó khăn chồng chất đến nỗi người ta kinh hãi truyền miệng nhau câu nói “Ruồi vàng, bọ chó, gió Cô Tô”, với tinh thần đoàn kết, năng động, vượt khó của cán bộ, chiến sĩ, nhân dân huyện đảo, cùng với sự quan tâm đặc biệt của Trung ương và tỉnh Quảng Ninh, 3 khó khăn lớn nhất của huyện đảo là điện, giao thông kết nối với đất liền, nước ngọt sinh hoạt được giải quyết. Nhiều dự án, công trình phát triển kinh tế được đầu tư đã phát huy hiệu quả, đặc biệt là dự án Đưa điện lưới ra đảo Cô Tô (16/10/2013), Đảo Trần (01/9/2020); Xây dựng các hồ chứa nước ngọt trên các đảo Cô Tô, Thanh Lân, đảo Trần. Bên cạnh đó, việc đầu tư phương tiện cao tốc đã rút ngắn thời gian di chuyển từ Vân Đồn ra Cô Tô xuống 1,5 giờ thay vì 4 giờ như trước đây; Bộ mặt, diện mạo, hình ảnh của của Cô Tô đã thay đổi nhanh chóng và góp phần quan trọng nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân. Cô Tô là huyện đảo đầu tiên trong cả nước được công nhận là huyện đảo Nông thôn mới (2015) và cơ bản đạt các chỉ tiêu, tiêu chí về huyện đảo Nông thôn mới nâng cao theo bộ tiêu chí mới 2022. Thu nhập bình quân đầu người đến cuối năm 2022 đạt trên 5000 USD (115 triệu đồng/người).
Thực hiện lời căn dặn của Bác là “Đoàn kết – cố gắng – tiến bộ”, Cô Tô đã đạt được nhiều kết quả tích cực trong thực hiện mục tiêu kép bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới, biển đảo gắn với phát triển bền vững kinh tế- xã hội, hướng đến là một địa phương đáng đến và đáng sống, là một địa phương kiểu mẫu với các lợi thế 5 không: “Không còn hộ nghèo, không có người ăn xin, không có ma túy, không có trộm cắp, không có tệ nạn xã hội”; Quốc phòng - an ninh luôn được đảm bảo, chủ quyền biên giới biển đảo được giữ vững. Các kết quả nêu trên của Cô Tô góp phần vào những thành tựu chung của tỉnh Quảng Ninh trong dịp kỷ niệm 60 năm ngày thành lập tỉnh (30/10/2023).

Lễ chào cờ của quân và dân huyện Cô Tô tại Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Lễ chào cờ của quân và dân huyện Cô Tô tại Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Huyện Cô Tô ngày nay đang có sự thay đổi và chuyển dịch tích cực trở thành “viên ngọc xanh của vùng biển Đông Bắc” với “bóng dáng” của một đô thị biển hiện đại. Trong định hướng phát triển kinh tế- xã hội bền vững gắn với bảo đảm an ninh - quốc phòng, Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày càng phát huy giá trị của một điểm đến du lịch văn hóa - lịch sử - tâm linh có ý nghĩa thu hút du khách trong và ngoài nước.
Trải qua hơn 60 năm, những kỷ niệm về Bác vẫn được quân, dân trên đảo trân trọng gìn giữ bằng tất cả tình cảm của mình. Với người dân Cô Tô hôm nay, Tượng đài Bác trên đảo Cô Tô không chỉ là nơi tâm linh, che chở, độ trì cho người dân mà còn có ý nghĩa nhắc nhở, thúc giục Đảng bộ, chính quyền, quân và nhân dân huyện Cô Tô đồng lòng, đoàn kết, bám biển, giữ đảo, giữ vững chủ quyền biên giới quốc gia và góp phần đưa Cô Tô trở thành “Hòn ngọc sáng” nơi tiền tiêu Đông Bắc của Tổ Quốc.
Nội dung: NGUYỄN VIỆT DŨNG, ĐOÀN THỊ THU HƯƠNG
Trình bày: HÙNG SƠN