
Từ thực tiễn lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý xây dựng và phát triển toàn diện tỉnh Quảng Ninh sau 10 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011), nhìn lại nhiệm kỳ 2015 - 2020, bài học đầu tiên Quảng Ninh rút ra là phải đặc biệt coi trọng công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng, xây dựng chính quyền địa phương liêm chính, phục vụ, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, nhất là người đứng đầu có đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; giữ vững sự đoàn kết, thống nhất, trước hết từ các cơ quan lãnh đạo. Chính vì thế, trong nửa nhiệm kỳ qua, tỉnh đã tích cực thực hiện và đạt những thành quả đáng tự hào trong việc xây dựng chính quyền liêm chính, phục vụ, thực sự “của dân, do dân, vì dân”.
Tạo niềm tin vững bền từ cải cách hành chính
Công tác cải cách hành chính (CCHC), cải cách thể chế luôn được tỉnh xác định là “chìa khóa” để khơi thông những điểm nghẽn trong quá trình xây dựng và vận hành chính quyền liêm chính, hành động, kiến tạo và phục vụ của Quảng Ninh. Trong Nghị quyết Đại hội XV Đảng bộ tỉnh đã xác định CCHC là một trong 3 đột phá chiến lược, phấn đấu hằng năm giữ vững vị trí nhóm đầu cả nước về các Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), Chỉ số cải cách hành chính (PAR-Index), Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS) và Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công (PAPI). Nhiệm vụ này được cụ thể hóa trong Nghị quyết số 05-NQ/TU ngày 9/4/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh “Về đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh giai đoạn 2021- 2025, định hướng đến năm 2030”.

Quảng Ninh 6 năm đứng trên bục vinh quang PCI.
Quảng Ninh 6 năm đứng trên bục vinh quang PCI.
Nhận diện đúng tình hình, những cơ hội và thách thức, đồng thời khẳng định vẫn còn nhiều dư địa để cải cách, Quảng Ninh thể hiện rõ quan điểm và quyết tâm tiếp tục nâng cao chất lượng CCHC, với phương châm kết hợp “làm từ trên xuống”, “làm từ dưới lên”, “làm đồng thời” gắn với cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh và hiện thực hóa xây dựng chính quyền liêm chính, hành động, kiến tạo, phục vụ người dân, doanh nghiệp ngày một tốt hơn.

Chỉ số Cải cách hành chính PAR-Index của Quảng Ninh 5 năm qua (1 năm đứng ở vị trí thứ nhì, 5 năm đứng ở vị trí thứ nhất).
Chỉ số Cải cách hành chính PAR-Index của Quảng Ninh 5 năm qua (1 năm đứng ở vị trí thứ nhì, 5 năm đứng ở vị trí thứ nhất).
Theo đó, tỉnh chủ động, quyết liệt thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; nâng cao chất lượng về mọi mặt của đội ngũ CBCCVC, nhất là đội ngũ lãnh đạo, quản lý các cấp về tư duy đổi mới sáng tạo, không ngừng nỗ lực bền bỉ để vươn tới bằng tầm nhìn văn hóa, lòng tin chiến lược, trách nhiệm công vụ, đạo đức liêm chính.

Các đồng chí lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh nhận Cúp PCI và chứng nhận "Tỉnh có chất lượng điều hành kinh tế xuất sắc nhất cả nước năm 2022". Ảnh: Đỗ Phương
Các đồng chí lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh nhận Cúp PCI và chứng nhận "Tỉnh có chất lượng điều hành kinh tế xuất sắc nhất cả nước năm 2022". Ảnh: Đỗ Phương
Những nỗ lực, quyết tâm và đổi mới sáng tạo của tỉnh trong nâng cao chất lượng CCHC, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh đã mang lại những kết quả khá toàn diện, bứt phá trong thu hút đầu tư, nhất là thu hút được nguồn lực lớn ngoài ngân sách, tạo động lực đột phá mạnh mẽ cho phát triển kinh tế - xã hội phát triển nhanh, bền vững của tỉnh. Quảng Ninh vinh dự đón nhận những thành tựu nổi bật khi lần thứ hai (năm 2020 và 2022) chinh phục vị trí dẫn đầu cả nước cả 4 chỉ số CCHC, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh (PCI, PAPI, PAR Index và SIPAS). Trong đó, Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 6 năm liên tiếp (2017-2022) giữ ngôi vị quán quân; Chỉ số CCHC (PAR Index) 5 năm dẫn đầu (2017-2020 và năm 2022); Chỉ số đo lường sự hài lòng của người dân về sự phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước (SIPAS) 4 năm (2019-2022) dẫn đầu bảng xếp hạng và Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) 2 năm dẫn đầu vị trí xếp hạng (2020 và 2022). Đáng chú ý, tổng vốn thu hút đầu tư ngoài ngân sách trong 2,5 năm đạt 430.736 tỷ đồng, trong đó thu hút mới được 26 dự án FDI với số vốn đăng ký đạt 3.614,5 triệu USD, gấp 3,6 lần so với cùng kỳ.
Quảng Ninh cũng là một trong các điạ phương chủ động báo cáo, đề xuất Chính phủ được lựa chọn “làm điểm” để triển khai thực hiện Đề án 06 về phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ việc chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030. Đến nay, hệ thống Chính quyền của tỉnh đã hoàn thành kết nối với cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư; 100% TTHC đủ điều kiện (tương ứng 1.017 dịch vụ công trực tuyến) được cung cấp dịch vụ công trực tuyến toàn trình; 100% hồ sơ TTHC được thực hiện theo quy trình “5 bước trên môi trường điện tử” tại các Trung tâm Phục vụ HCC cấp tỉnh và cấp huyện…

Nhân viên Trung tâm Hành chính công TX Đông Triều hỗ trợ người dân thực hiện gửi TTHC qua mạng. Ảnh: Trung Anh
Nhân viên Trung tâm Hành chính công TX Đông Triều hỗ trợ người dân thực hiện gửi TTHC qua mạng. Ảnh: Trung Anh
Cùng với đó, việc ứng dụng công nghệ thông tin, từng bước hiện đại hóa nền hành chính được đẩy mạnh với mục tiêu phục vụ người dân, doanh nghiệp ngày càng tốt hơn. 100% TTHC tại Trung tâm Phục vụ HCC các cấp được tái cấu trúc quy trình giải quyết phù hợp cho việc số hóa hồ sơ, đảm bảo rõ người, rõ việc, rõ thời gian giải quyết trong từng bước, gắn với trách nhiệm của từng bộ phận, từng cán bộ. Các đơn vị, địa phương đã rà soát cắt giảm từ 40%-60% thời gian giải quyết TTHC so với thời gian quy định của Trung ương…

Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh bố trí cán bộ thường trực hỗ trợ người dân làm thủ tục cấp mới, cấp đổi hộ chiếu bằng hình thức trực tuyến. Ảnh: Minh Hà
Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh bố trí cán bộ thường trực hỗ trợ người dân làm thủ tục cấp mới, cấp đổi hộ chiếu bằng hình thức trực tuyến. Ảnh: Minh Hà
Thành quả của sự cầu thị, nỗ lực và đổi mới không ngừng trong việc xây dựng chính quyền liêm chính, hành động, kiến tạo, phục vụ của Quảng Ninh được thể hiện rõ nét, khách quan nhất qua sự ghi nhận của người dân, cộng đồng doanh nghiệp. Bà Trần Thị Phấn (phường Bãi Cháy, TP Hạ Long) chia sẻ: Càng ngày việc giải quyết các TTHC lại càng trở nên nhanh gọn, thuận tiện từ việc cắt giảm thủ tục, quy trình đến thời gian trả kết quả được rõ ràng minh bạch. Mọi thứ trở nên dễ dàng, đơn giản nhanh chóng hơn khi người dân được hướng dẫn, tiếp cận, giải quyết thủ tục qua môi trường mạng. Phong cách làm việc chu đáo, chuyên nghiệp của đội ngũ cán bộ công chức cũng mang đến sự hài lòng, để chính người dân chúng tôi cũng tự thấy mình cần chủ động bắt nhịp chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin để trở thành công dân số, góp phần vào công tác CCHC ngày càng hiệu quả.
Với phương châm “Chỉ có điểm bắt đầu, không có điểm kết thúc, chỉ có nhìn về phía trước để tiến lên”, hành trình chinh phục đỉnh cao về các chỉ số CCHC của Quảng Ninh đã cho thấy sự nỗ lực từng ngày, không chủ quan, tự thỏa mãn với kết quả đã đạt được, mà luôn nhận diện kịp thời những khó khăn, thách thức của người dân và doanh nghiệp để tìm cách tháo gỡ, giải quyết với tư duy phục vụ thay vì quản lý. Từ đây, góp phần khẳng định thương hiệu của tỉnh về một điểm đến đầu tư an toàn, thuận lợi, minh bạch, hấp dẫn và thành công, tất cả vì sự hài lòng của người dân, sự thịnh vượng của doanh nghiệp.
Từ dân để xây dựng bộ máy thích ứng, hiệu quả
Xây dựng một chính quyền liêm chính, hành động, kiến tạo, phục vụ, được Quảng Ninh xác định là khát vọng, mục tiêu phát triển của tỉnh trong dòng chảy của tiến bộ xã hội, của các xu thế phát triển và sự kỳ vọng, mong đợi của nhân dân. Trong nửa đầu nhiệm kỳ 2020-2025, Quảng Ninh tiếp tục có nhiều đổi mới, đột phá trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng gắn với đổi mới xây dựng tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; hoạt động của chính quyền các cấp không ngừng được củng cố, bảo đảm cho mỗi cá nhân và tổ chức bộ máy vận hành nhịp nhàng, đồng bộ để tạo nên sức mạnh tổng hợp.

Các sở, ngành, địa phương ký cam kết giữ vững và nâng cao chất lượng cải thiện các Chỉ số PCI, DDCI năm 2023. Ảnh: Ngọc Trâm
Các sở, ngành, địa phương ký cam kết giữ vững và nâng cao chất lượng cải thiện các Chỉ số PCI, DDCI năm 2023. Ảnh: Ngọc Trâm
Quảng Ninh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt công tác chuẩn bị và tổ chức thành công trên mọi phương diện cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026. Cuộc bầu cử diễn ra đảm bảo dân chủ, bình đẳng, đúng pháp luật, an ninh, an toàn, tiết kiệm, thực sự là ngày hội của toàn dân với tỷ lệ đi bầu cử đạt 99,95% thuộc nhóm các tỉnh, thành phố cao nhất cả nước trong 4 kỳ bầu cử gần đây.

Đồng chí Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tường Huy cùng lãnh đạo TC Group giới thiệu nhanh tới ngài Thủ tướng Petr Fiala và phái đoàn Chính phủ Cộng hòa Séc những thông tin cơ bản về Dự án nhà máy sản xuất, lắp ráp ô tô Škoda Auto tại Quảng Ninh. Ảnh: Minh Hà.
Đồng chí Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tường Huy cùng lãnh đạo TC Group giới thiệu nhanh tới ngài Thủ tướng Petr Fiala và phái đoàn Chính phủ Cộng hòa Séc những thông tin cơ bản về Dự án nhà máy sản xuất, lắp ráp ô tô Škoda Auto tại Quảng Ninh. Ảnh: Minh Hà.
Tỉnh cũng đã hoàn thành sắp xếp tổ chức bộ máy của 100% sở, ngành; tổ chức lại các cơ quan, đơn vị theo đúng quy định hiện hành: Kiện toàn một số mô hình thí điểm theo chỉ đạo của Bộ Chính trị, Tỉnh ủy (Tái thành lập các phòng Nội vụ, Thanh tra cấp huyện), tái thành lập Văn phòng UBND tỉnh theo Nghị quyết số 1004/NQ-UBTVQH14 của Quốc hội; tổ chức lại Ban Xây dựng nông thôn mới tỉnh thành Văn phòng Điều phối chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; kiện toàn Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng cấp tỉnh; là tỉnh đầu tiên tiếp nhận Bệnh viện từ Bộ Y tế về trực thuộc tỉnh (Bệnh viên Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí) và chuyển trạm y tế xã, phường, thị trấn từ trực thuộc UBND các huyện, thị xã, thành phố về Trung tâm Y tế huyện, thị xã, thành phố trực thuộc Sở Y tế quản lý… Bộ máy hệ thống chính trị ngày càng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả với nhiều mô hình mới, đột phá đã trở thành nhân tố cơ bản, góp phần thúc đẩy Quảng Ninh gặt hái những thành tựu toàn diện trong phát triển kinh tế - xã hội.

Dự án Bến cảng cao cấp Ao Tiên (xã Hạ Long, huyện Vân Đồn) - một trong những điển hình của việc tạo thuận lợi tối đa cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong thủ tục giao đất, giao mặt nước.
Dự án Bến cảng cao cấp Ao Tiên (xã Hạ Long, huyện Vân Đồn) - một trong những điển hình của việc tạo thuận lợi tối đa cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong thủ tục giao đất, giao mặt nước.
Đặc biệt, thực hiện lời căn dặn của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: “Đội ngũ cán bộ công chức, nhất là cán bộ lãnh đạo quản lý, người đứng đầu cao nhất của tỉnh đã tạo sự lan tỏa đến các cấp, ngành, địa phương trong tỉnh về quyết tâm xây dựng chỉnh đốn Đảng, hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh gắn với xây dựng tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả và xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức có đủ phẩm chất, năng lực, uy tín để không ngừng nâng cao chất lượng phục vụ và sự hài lòng của người dân”, các cấp, ngành đã tập trung đổi mới phương pháp, phong cách, lề lối làm việc của cơ quan, đơn vị đảm bảo khoa học, dân chủ, sâu sát, cụ thể, gần dân, sát dân, vì dân, nói đi đôi với làm và làm đến cùng, dứt điểm, đo lường được kết quả, hiệu quả. Tăng cường phân cấp, phân quyền, ủy quyền và nâng cao hiệu quả phối hợp trong công tác lãnh đạo, điều hành gắn với ràng buộc trách nhiệm, nhất là người đứng đầu; tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực. Đặc biệt chú trọng nâng cao năng lực quản trị địa phương hiện đại, tự chủ, năng động, hiệu quả trước các thách thức phi truyền thống với những tình thế phức tạp chưa từng có trong tiền lệ, tính bất định cao đòi hỏi tốc độ phản ứng nhanh, linh hoạt, thích ứng, an toàn.

Quảng Ninh thúc đẩy phát triển mạnh mẽ trở lại ngành dịch vụ, du lịch sau khi kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19. Trong ảnh: Lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh đón Tàu Silver Spirit cùng các du khách "xông" Cảng tàu khách quốc tế Hạ Long, ngày 22/1 (tức mùng 1 Tết Nguyên đán Quý Mão 2023). Ảnh: Đỗ Phương
Quảng Ninh thúc đẩy phát triển mạnh mẽ trở lại ngành dịch vụ, du lịch sau khi kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19. Trong ảnh: Lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh đón Tàu Silver Spirit cùng các du khách "xông" Cảng tàu khách quốc tế Hạ Long, ngày 22/1 (tức mùng 1 Tết Nguyên đán Quý Mão 2023). Ảnh: Đỗ Phương
Điều này được thể hiện rõ nét khi trong hơn 2 năm Quảng Ninh ứng phó với đại dịch Covid-19, đội ngũ lãnh đạo tỉnh đã đưa ra nhiều giải pháp phù hợp theo từng thời điểm, vận dụng nhuần nhuyễn quan điểm phương châm nguyên tắc “làm đúng, làm nhanh, làm tốt”, “3 trước”, “4 tại chỗ”, "5 thật" (nghĩ thật, nói thật, làm thật, hiệu quả thật, người dân được thụ hưởng thật), “6 dám” (dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới sáng tạo và dám đương đầu với khó khăn thử thách), chủ động, tích cực, từ xa, từ sớm, từ cơ sở. Qua đó, hoàn thành “mục tiêu kép” giữ vững địa bàn an toàn, vừa chăm lo, bảo vệ sức khỏe cho nhân dân vừa điều hành phát triển kinh tế - xã hội vượt qua khó khăn, hoàn thành toàn diện các mục tiêu, nhiệm vụ chính trị đề ra, giữ đà tăng trưởng trong trạng thái bình thường mới.
Cùng với đó, trên quan điểm, mỗi người dân Quảng Ninh đều được hưởng thành quả tăng trưởng, không để ai bị bỏ lại phía sau, tỉnh đã ban hành những chính sách riêng về an sinh xã hội, phúc lợi xã hội và ưu tiên bố trí nguồn lực lớn cho các vùng đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, các đối tượng chính sách, yếu thế; từng bước thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các địa phương, vùng, miền. Tổng chi an sinh xã hội, phúc lợi xã hội 3 năm (2020-2022) đạt 6.083 tỷ đồng.
Sau nửa nhiệm kỳ qua thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV, Quảng Ninh đã đạt được những kết quả toàn diện, ấn tượng trên tất cả các lĩnh vực. Kinh tế liên tục tăng trưởng cao và ổn định; trong 3 năm 2020, 2021, 2022 bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi dịch Covid-19, song tăng trưởng kinh tế lần lượt đạt 10,05%, 10,12%, 10,28%. Duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế GRDP của tỉnh đạt mức tăng trưởng 2 con số trong 7 năm liên tiếp từ 2016-2022, lập nên kỳ tích trong công cuộc đổi mới, góp phần xây dựng Quảng Ninh ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại, nhân dân ngày càng ấm no, hạnh phúc.

Ngày đăng: 19/7/2023
Thực hiện: NGUYỄN DUNG
Trình bày: ĐỖ QUANG