Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng nêu rõ một trong những định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021- 2030 là: “Thực hiện tốt chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội, an ninh con người, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong quản lý phát triển xã hội, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống và hạnh phúc của nhân dân”. Như vậy, an sinh xã hội đã được xác định là yếu tố xuyên suốt trong quá trình phát triển đất nước trong thời gian tới.

Chỉ số “hạnh phúc” - Thước đo thành công

Đảng ta luôn khẳng định: Tăng trưởng kinh tế phải tiến hành song song với tiến bộ và công bằng xã hội trong quá trình phát triển, đáp ứng nhu cầu sống của con người và vì mục tiêu phát triển con người. Mục đích cuối cùng của tăng trưởng kinh tế là cải thiện điều kiện và nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân; thực hiện các chính sách an sinh xã hội, là nhằm bảo đảm phân phối những thành quả tăng trưởng kinh tế theo hướng bảo đảm công bằng xã hội và hài hòa lợi ích giữa các chủ thể, nhóm xã hội và tạo sự đồng thuận xã hội…

Tháng 12/2021, Bảo tàng Quảng Ninh được xếp hạng I trong hệ thống Bảo tàng Việt Nam.

Tháng 12/2021, Bảo tàng Quảng Ninh được xếp hạng I trong hệ thống Bảo tàng Việt Nam.

Nhằm bảo đảm an sinh xã hội, tiến bộ, công bằng xã hội và không ngừng nâng cao chất lượng sống mọi mặt của nhân dân, tỉnh Quảng Ninh luôn đặt con người ở vị trí trung tâm, từ đó ưu tiên dành nguồn lực cho công tác an sinh xã hội. Nghị quyết Đại hội XV của Đảng bộ Quảng Ninh, nhiệm kỳ 2020-2025 đã đề ra mục tiêu cụ thể đến năm 2025: Tỷ lệ lao động đã qua đào tạo đạt 87,5%, trong đó tỷ lệ lao động đã qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt trên 52%; tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị dưới 4,1%. Trong lĩnh vực y tế, đạt 61 giường bệnh/1 vạn dân, 15 bác sĩ/1 vạn dân, 3 dược sĩ đại học/1 vạn dân, trên 25 điều dưỡng/1 vạn dân, tỷ lệ dân số tham gia BHYT đạt trên 95%. Tỉnh duy trì mức giảm trung bình 0,8%/năm, trong đó mức giảm trung bình khu vực thành thị 0,3%/năm, khu vực nông thôn 1,5%/năm. Tỷ lệ hộ nghèo đến năm 2025 còn dưới 1%. Đến hết năm 2023, có 100% xã trong tỉnh đạt chuẩn NTM; ít nhất 50% số xã đạt chuẩn NTM nâng cao và ít nhất 25% số xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; 100% đơn vị cấp huyện đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM. Tỉnh Quảng Ninh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM.

Trục cao tốc dọc tỉnh dài 176km kéo dài từ cầu Bạch Đằng đến Cửa khẩu quốc tế Móng Cái kết nối chuỗi đô thị của tỉnh tạo thành hành lang kinh tế quan trọng trong kế hoạch phát triển KT-XH. Ảnh: Đỗ Phương

Trục cao tốc dọc tỉnh dài 176km kéo dài từ cầu Bạch Đằng đến Cửa khẩu quốc tế Móng Cái kết nối chuỗi đô thị của tỉnh tạo thành hành lang kinh tế quan trọng trong kế hoạch phát triển KT-XH. Ảnh: Đỗ Phương

Với những mục tiêu trên, tỉnh đã đề ra rất nhiều giải pháp và liên tiếp ban hành các quyết sách phù hợp với từng giai đoạn, từng thời điểm để hiện thực hoá mục tiêu đã đề ra. Trong đó, tỉnh kiên định mục tiêu gắn kết chặt chẽ, hài hoà giữa phát triển kinh tế nhanh, bền vững với phát triển văn hoắ, con người, xây dựng nền văn hoá giàu bản sắc Quảng Ninh; giữa đẩy nhanh tốc độ đô thị hoá gắn với nâng cao hiệu quả kinh tế đô thị, xây dựng NTM gắn với phát triển kinh tế nông thôn, nhanh chóng thu hẹp khoảng cách giàu nghèo và chênh lệch vùng miền; đảm bảo an sinh xã hội, phúc lợi xã hội, tiến bộ và công bằng xã hội. Đồng thời, nâng cao chất lượng sống mọi mặt của nhân dân, đảm bảo hài hoà giữa đời sống vật chất và đời sống văn hoá tinh thần theo các tiêu chí của “hạnh phúc”; bảo vệ môi trường sinh thái, thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá, nhất là chuyển hoá giá trị các di sản văn hoá thành nguồn lực phát triển…

Trên quan điểm “mỗi người dân Quảng Ninh đều được hưởng thành quả tăng trưởng bao trùm, không để ai bị bỏ lại phía sau” tỉnh đã dành nhiều chính sách riêng có về an sinh xã hội, phúc lợi xã hội và ưu tiên bố trí nguồn lực lớn cho các vùng đặc biệt khó khăn, đồng bào dân tộc thiểu số, các đối tượng chính sách, yếu thế, từng bước thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các địa phương, vùng miền. Đây cũng chính là việc hướng đến các tiêu chí của “hạnh phúc” mà cốt lõi là người dân phải được hưởng phúc lợi xã hội, hài hòa giữa đời sống vật chất và đời sống văn.

Trong 3 năm (2020-2022), tổng chi an sinh, phúc lợi xã hội trên địa bàn tỉnh đạt trên 6.000 tỷ đồng, gấp 2 lần so với trước đó. Riêng 6 tháng đầu năm 2023, con số này đạt 1.037 tỷ đồng, tăng 81% so cùng kỳ năm 2022. Nguồn NSNN chi cho an sinh, phúc lợi xã hội tập trung vào các chính sách việc làm, đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt, đào tạo nghề, giáo dục, y tế, xóa đói, giảm nghèo, đền ơn, đáp nghĩa, bảo hiểm, cứu trợ, chăm lo nâng cao đời sống của người cao tuổi, neo đơn, khuyết tật, mất sức lao động và trẻ mồ côi...

Đáng chú ý, tỉnh đã dành khoảng 2.600 tỷ đồng để thực hiện Chương trình tổng thể phát triển bền vững KT-XH gắn với bảo đảm vững chắc QP-AN ở các xã, thôn, bản vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, nhằm khuyến khích người nghèo, người dân ở vùng khó khăn phát triển sản xuất, vươn lên thoát nghèo và làm giàu, nâng cao khả năng tự bảo đảm an sinh.

Cầu Quảng Thịnh (huyện Hải Hà) đang được khẩn trương thi công tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại của người dân, phát triển KT-XH của địa phương.

Cầu Quảng Thịnh (huyện Hải Hà) đang được khẩn trương thi công tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại của người dân, phát triển KT-XH của địa phương.

Đồng thời, phân bổ 457 tỷ đồng kinh phí tăng cường cơ sở vật chất, mua sắm thiết bị dạy học ngành giáo dục; dành 245 tỷ đồng kinh phí tăng cường cơ sở vật chất ngành y tế (giai đoạn 1); 277 tỷ đồng kinh phí hỗ trợ học phí cho trẻ em mầm non, học sinh phổ thông, học viên giáo dục thường xuyên trên địa bàn. Từ nguồn tiết kiệm chi thường xuyên, tỉnh đã bố trí 745,5 tỷ đồng chi đầu tư công để đầu tư xây dựng 12 trường học chất lượng cao ở các huyện, thị xã, thành phố trong toàn tỉnh...

Từ nguồn NSNN chi cho lĩnh vực an sinh xã hội không ngừng tăng lên đã mang lại những hiệu quả rõ rệt. Rõ nét nhất là Quảng Ninh đã đầu tư hoàn thiện đồng bộ hệ thống các trung tâm y tế; xây dựng hoàn thiện Bệnh viện Lão khoa; cải tạo nâng cấp Bệnh viện Y dược cổ truyền, Bệnh viện Bảo vệ sức khỏe tâm thần; cải tạo, sửa chữa một số hạng mục công trình thuộc Trung tâm Bảo trợ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt; đầu tư bổ sung cơ sở vật chất cho Trung tâm Bảo trợ tâm thần thuộc Bệnh viện Bảo vệ sức khỏe tâm thần; nâng cấp Bệnh viện Phổi Quảng Ninh…

Nhiều công trình văn hoá, thể thao cũng được đầu tư hoàn thiện và đưa vào sử dụng, như: Trung tâm Huấn luyện thể thao tỉnh; cải tạo, nâng cấp Sân Vận động Cẩm Phả thành sân vận động cấp tỉnh đảm bảo chất lượng cho các môn thi đấu tại SEA Games 31 diễn ra thành công; triển khai đầu tư dự án Công viên Tùng tại Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh trên đảo Cô Tô (huyện Cô Tô) đáp ứng nhu cầu người dân và du khách. Nhiều trường học chất lượng cao ở các huyện, thị xã, thành phố đang được đầu tư xây dựng...

Tỉnh cũng đã thực hiện kịp thời chính sách cấp thẻ BHYT miễn phí cho trẻ em dưới 6 tuổi (đạt 99,8%); bao phủ BHYT đạt 95,2%; số người tham gia BHXH đạt 43,2% so với lực lượng lao động.

Từ năm 2020-2022, trung bình tỉnh tạo việc làm tăng thêm cho khoảng 14.000 lao động/năm. 6 tháng đầu năm 2023, toàn tỉnh ước tạo việc làm tăng thêm cho 9.600 người, tập trung chủ yếu vào các khu vực công nghiệp, xây dựng và thương mại, dịch vụ theo hướng chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đáp ứng yêu cầu của sự phát triển, phù hợp với thực tiễn địa phương.

Có thể nói, các cơ chế, chính sách an sinh xã hội đảm bảo nguồn lực cho lĩnh vực này là nền tảng để Quảng Ninh tăng trưởng toàn diện và phát triển bền vững. Quảng Ninh cũng đạt các chỉ tiêu: 14,9 bác sĩ/vạn dân, 2,7 dược sĩ đại học/1 vạn dân, 24 điều dưỡng/1 vạn dân, tỷ lệ dân số tham gia BHYT đạt trên 94,25% dân số; quản lý, theo dõi sức khỏe bằng hồ sơ sức khỏe điện tử cho 94,3% dân số. Riêng chỉ tiêu giường bệnh/1 vạn dân còn thấp, mới đạt 56,6 giường bệnh/1 vạn dân.

Phụ nữ Dao Thanh Y thêu trang phục truyền thống tại Trung tâm Bảo tồn Văn hóa Dân tộc Dao xã Bằng Cả, TP Hạ Long.

Phụ nữ Dao Thanh Y thêu trang phục truyền thống tại Trung tâm Bảo tồn Văn hóa Dân tộc Dao xã Bằng Cả, TP Hạ Long.

Quảng Ninh đã về đích Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 trước 3 năm theo tiêu chí của Trung ương. Quảng Ninh hiện không có huyện nghèo, xã nghèo; TP Hạ Long không còn hộ nghèo, hộ cận nghèo; 3 địa phương là Quảng Yên, Cô Tô, Vân Đồn không còn hộ nghèo; 9 địa phương còn lại tỷ lệ hộ nghèo dưới 1%. 

Diện mạo, cảnh quan ở các địa phương thay đổi từng ngày. Đời sống nhân dân không ngừng được cải thiện; mở rộng cơ hội tiếp cận dịch vụ y tế, giáo dục chất lượng cao và bảo đảm chất lượng chăm sóc sức khỏe của nhân dân, nhất là trong phòng, chống dịch COVID-19.

Nhằm đáp ứng nhu cầu hưởng thụ và sáng tạo văn hóa tinh thần ngày càng cao của người dân và để các thiết chế văn hóa thực sự là “sợi dây” kết nối cộng đồng, hệ thống thiết chế văn hóa thể thao từ tỉnh đến cơ sở cơ bản đã được quan tâm đầu tư bài bản ngay từ công tác quy hoạch cho đến dành quỹ đất, nguồn lực đầu tư các công trình văn hóa, thể thao đảm bảo quy mô hiện đại, tạo điểm nhấn trong phát triển tham quan du lịch trên địa bàn. Ở cấp tỉnh, Quảng Ninh đã quan tâm đầu tư một số công trình thiết chế văn hoá thể thao trọng điểm mang tầm cỡ quốc gia, như: Bảo tàng, Thư viện tỉnh, Khu liên hợp Thể thao Quảng Ninh, Cung Quy hoạch Hội chợ và Triển lãm, Cung Văn hoá Thanh thiếu nhi tỉnh, Sân Vận động Cẩm Phả... với kinh phí gần 3.000 tỷ đồng. Các công trình văn hoá thể thao được đầu tư quy mô, kiến trúc hiện đại, tạo điểm nhấn không gian văn hoá, vừa lưu giữ bảo quản các giá trị văn hoá, vừa là nơi phục vụ tổ chức nhiều sự kiện lớn về văn hoá thể thao của tỉnh, đồng thời phục vụ nhân dân và du khách đến tham quan.


Đặc biệt, năm 2021, Bảo tàng Quảng Ninh được nâng hạng từ bảo tàng loại II lên loại I, đã giúp Bảo tàng Quảng Ninh tiếp tục được nâng giá trị trên “bản đồ” bảo tàng thế giới và là điểm đến hút khách bậc nhất tại Hạ Long.

Ở cấp huyện, 13/13 địa phương trong tỉnh đã thành lập Trung tâm Truyền thông và Văn hóa; 103/177 xã, phường thành lập Trung tâm văn hóa thể thao; 75/177 xã, phường có nhà văn hóa; 1.448/1.452 thôn, khu có nhà văn hóa. Hoạt động các thiết chế văn hóa - thể thao trên địa bàn tỉnh đã phát huy hiệu quả, góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho các tầng lớp nhân dân, nhất là trong công tác tuyên truyền cổ động trực quan; tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thi đấu thể dục thể thao rộng khắp từ tỉnh đến cơ sở, với nhiều nội dung, loại hình phong phú, đa dạng. Nhiều thiết chế văn hoá thể thao trở thành một điểm du lịch gắn với phát triển du lịch cộng đồng của địa phương, thông qua các bản sắc, giá trị văn hoá tại thiết chế văn hoá và sinh thái tự nhiên đã thu hút khách du lịch trong và ngoài nước đến tham quan trải nghiệm.

Một góc đô thị Hạ Long.

Một góc đô thị Hạ Long.

Du khách trong và ngoài tỉnh tham quan Bảo tàng Quảng Ninh.

Du khách trong và ngoài tỉnh tham quan Bảo tàng Quảng Ninh.

Nhà Văn hóa thôn Đồng Đình, xã Phong Dụ (Tiên Yên) vừa là nơi sinh hoạt, vừa là nơi bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống dân tộc Tày trên địa bàn.

Nhà Văn hóa thôn Đồng Đình, xã Phong Dụ (Tiên Yên) vừa là nơi sinh hoạt, vừa là nơi bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống dân tộc Tày trên địa bàn.

Quyết tâm cho những mục tiêu cao hơn

Quảng Ninh từ một tỉnh với vô vàn cái khó, nay đã vươn lên đạt được nhiều thành tựu to lớn, toàn diện trên nhiều lĩnh vực, từng bước đặt nền móng cho sự phát triển bền vững. Những thành quả phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, cải thiện đời sống nhân dân, nâng cao dân trí, nhân dân ngày càng ấm no, hạnh phúc đã và đang góp phần quan trọng xây dựng xã hội bình an, hạnh phúc và tươi đẹp.

Ngày 18/8, tỉnh Quảng Ninh tổ chức lễ phát động thi đua đặc biệt chào mừng kỷ niệm 60 năm ngày thành lập tỉnh Quảng Ninh 30/10 (1963-2023) với chủ đề “Khát vọng xây dựng một Quảng Ninh kiểu mẫu, giàu đẹp, văn minh, hiện đại”. 

Ngày 18/8, tỉnh Quảng Ninh tổ chức lễ phát động thi đua đặc biệt chào mừng kỷ niệm 60 năm ngày thành lập tỉnh Quảng Ninh 30/10 (1963-2023) với chủ đề “Khát vọng xây dựng một Quảng Ninh kiểu mẫu, giàu đẹp, văn minh, hiện đại”. 

Tuy nhiên, không bằng lòng với kết quả này, tỉnh Quảng Ninh quyết tâm không ngừng nâng cao hơn nữa đời sống người dân cả ở khu vực đô thị và nông thôn. Phát huy những mặt tích cực, tỉnh nhận định rõ những tồn tại, khó khăn, từ đó đặt ra “bài toán” quyết tâm giải quyết hài hoà, hiệu quả giữa tăng trưởng kinh tế với phát triển xã hội, bảo đảm an sinh xã hội, phúc lợi xã hội, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, thu hép chênh lệch vùng - miền.

Đại diện gia đình anh Đỗ Văn Xứng (phường Cẩm Tây, TP Cẩm Phả) được hỗ trợ xây nhà mới, bày tỏ cảm ơn đối với các chính sách nâng cao chất lượng đời sống nhân dân kịp thời và hiệu quả.

Đại diện gia đình anh Đỗ Văn Xứng (phường Cẩm Tây, TP Cẩm Phả) được hỗ trợ xây nhà mới, bày tỏ cảm ơn đối với các chính sách nâng cao chất lượng đời sống nhân dân kịp thời và hiệu quả.

Nghị quyết số 12-NQ/TU (ngày 28/11/2022) của BCH Đảng bộ tỉnh đã xác định một trong những nội dung quan trọng trong chủ đề công tác năm 2023 là “Nâng cao chất lượng cuộc sống nhân dân”. Với quan điểm "để mỗi người dân đều được hưởng thành quả tăng trưởng bao trùm, phát triển bền vững, thu hẹp khoảng cách giàu nghèo", tỉnh đặt ra lộ trình đến năm 2030 đầu tư xây dựng khoảng 25.000 căn nhà ở xã hội, tăng 40% so với chỉ tiêu được giao. Riêng trong năm 2023, trên địa bàn tỉnh tập trung triển khai 10 dự án với quy mô 7.034 căn, bằng 85% kế hoạch giai đoạn 2021-2025. Cùng với đó, xây dựng kế hoạch bố trí 50.000 chỗ tái định cư phục vụ công tác GPMB, thu hồi đất giai đoạn 2021-2030 trên địa bàn tỉnh.

Công trường thi công đường nối xã Sơn Dương - xã Đồng Lâm (TP Hạ Long).

Công trường thi công đường nối xã Sơn Dương - xã Đồng Lâm (TP Hạ Long).

Việc xóa nhà tạm, nhà ở dột nát trên địa bàn tỉnh là chủ trương có ý nghĩa an sinh xã hội rất lớn, có ý nghĩa nhân văn sâu sắc, tạo niềm tin “an cư lạc nghiệp” tiếp thêm động lực cho người nghèo vươn lên trong cuộc sống, góp phần phát triển KT-XH địa phương. Trên cơ sở đó, tỉnh đã thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện xóa nhà ở tạm, nhà ở dột nát mới phát sinh trên địa bàn tỉnh do đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh làm Trưởng Ban với sự tham gia của các đồng chí trong Thường trực HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ tỉnh và các đơn vị có liên quan để bảo đảm thực hiện thành công mục tiêu xóa nhà ở tạm, nhà dột nát mới phát sinh trong năm 2023.

Ngôi nhà của bà Ngô Thị Dậu (xã Cộng Hòa, TP Cẩm Phả) đang được khẩn trương xây dựng bằng kinh phí hỗ trợ từ chương trình xóa nhà ở tạm, nhà ở dột nát mới phát sinh trên địa bàn tỉnh.

Ngôi nhà của bà Ngô Thị Dậu (xã Cộng Hòa, TP Cẩm Phả) đang được khẩn trương xây dựng bằng kinh phí hỗ trợ từ chương trình xóa nhà ở tạm, nhà ở dột nát mới phát sinh trên địa bàn tỉnh.

Để có thêm nguồn lực, tất cả các địa phương trong tỉnh đều ra lời kêu gọi, tổ chức phát động ủng hộ thực hiện chương trình an sinh xã hội và xóa nhà ở tạm, nhà ở dột nát. Điển hình TP Cẩm Phả còn 180 hộ hoàn cảnh khó khăn, đang phải ở nhà tạm, nhà dột nát; trong đó có 109 hộ cần xây mới, 71 hộ cần sửa chữa nhà ở. Sau 2 tháng vận động kinh phí xã hội hóa, từ tháng 7/2023 TP Cẩm Phả đồng loạt triển khai công tác hỗ trợ, quyết tâm hoàn thành đúng kế hoạch đề ra. Hiện địa phương đang tận dụng thời gian để đẩy nhanh tiến độ triển khai với nguyên tắc công khai, minh bạch, dân chủ và kịp thời, hiệu lực, hiệu quả với phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát và dân thụ hưởng”. Mức hỗ trợ trường hợp xây mới là 80 triệu đồng/hộ; hỗ trợ cải tạo, sửa chữa tối đa là 40 triệu đồng/hộ…

Lãnh đạo Hội CCB tỉnh và huyện Bình Liêu tham gia khởi công xây dựng cơ sở hạ tầng khu dân cư Trình Tường (xã Hoành Mô), tháng 2/2023.

Lãnh đạo Hội CCB tỉnh và huyện Bình Liêu tham gia khởi công xây dựng cơ sở hạ tầng khu dân cư Trình Tường (xã Hoành Mô), tháng 2/2023.

Đến thời điểm này, việc thực hiện xóa nhà tạm, nhà ở dột nát đang được các địa phương tập trung triển khai tích cực. Đã có 285/415 hộ tiến hành sửa chữa, xây mới; 8/10 địa phương đã huy động đủ nguồn lực cần hỗ trợ với tổng tiền hơn 20 tỷ đồng. Mục tiêu phấn đấu đến tháng 9/2023, tỉnh Quảng Ninh cơ bản hoàn thành việc xóa nhà ở tạm, nhà ở dột nát cho các đối tượng là hộ nghèo, hộ cận nghèo, người cao tuổi, người khuyết tật, người neo đơn, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, đối tượng yếu thế, đối tượng bảo trợ xã hội theo các tiêu chí phân loại về nhà ở do Bộ Xây dựng hướng dẫn thực hiện. Qua đó, góp phần thực hiện thành công chủ trương có ý nghĩa an sinh xã hội rất lớn của tỉnh theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV và chủ đề công tác năm 2023.

Kiểm tra chất lượng nước tại Nhà máy nước Diễn Vọng.

Kiểm tra chất lượng nước tại Nhà máy nước Diễn Vọng.

“Quảng Ninh luôn quan tâm, trăn trở, tìm mọi giải pháp để chăm lo và nâng cao chất lượng đời sống nhân dân, nhất là các đối tượng yếu thế. Sự quan tâm đó được thể hiện qua các chủ trương đúng đắn, hợp lòng dân được tỉnh ban hành. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất vẫn là khâu tổ chức thực hiện các địa phương. Mỗi địa phương cấp huyện, cấp xã cần trách nhiệm, nỗ lực hơn nữa để tổ chức triển khai thực hiện hiệu lực, hiệu quả chủ trương hoàn thành việc xóa nhà tạm, nhà dột nát mới phát sinh trên phạm vi toàn tỉnh, tất cả luôn vì hạnh phúc của nhân dân” -  Đồng chí Nguyễn Xuân Ký, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, chỉ đạo quyết liệt tại buổi kiểm tra tiến độ thực hiện xóa nhà ở tạm, nhà ở dột nát mới phát sinh trên địa bàn tỉnh, mới đây.


Hiện nay, phong trào thi đua đặc biệt kỷ niệm 60 năm Ngày thành lập tỉnh Quảng Ninh với chủ đề “Khát vọng xây dựng một Quảng Ninh kiểu mẫu, giàu đẹp, văn minh, hiện đại” đang được các địa phương, cơ quan, đơn vị đẩy mạnh. Phong trào tiếp tục khơi dậy niềm tự hào, khích lệ và phát huy mạnh mẽ giá trị văn hóa, con người Quảng Ninh, tinh thần “Kỷ luật và Đồng tâm”, truyền thống cách mạng, văn hóa, sự năng động và khát vọng đổi mới, sáng tạo, ý chí tự lực, tự cường, vượt lên mạnh mẽ và bền vững của nhân dân các dân tộc tỉnh Quảng Ninh, quyết tâm vượt qua khó khăn, phấn đấu thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội XV của tỉnh.

Các địa phương, cơ quan, đơn vị cũng xác định lựa chọn, triển khai xây dựng ít nhất 1 mô hình tiêu biểu, 1 công trình thiết thực. Hiện nay, trên các công trường,   các công nhân, lao động, nhà thầu phụ trách các mũi thi công đang nỗ lực “vượt nắng, thắng mưa” để góp sức đảm bảo tiến độ được giao, như: Công trình Hạ tầng khu dân cư Trình Tường (xã Hoành Mô, Bình Liêu); công trình Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh; công trình đường nối xã vùng cao Sơn Dương với xã Đồng Lâm (TP Hạ Long)… Những công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên cũng nô nức thi đua sáng tạo và triển khai nhiều ý tưởng giải pháp đổi mới, công trình sáng tạo để nâng cao năng suất lao động, cải tiến quy trình làm việc, góp phần xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, xây dựng đời sống văn hoá, giữ vững quốc phòng, an ninh...

Lãnh đạo huyện Bình Liêu thăm mô hình nuôi cá nước lạnh tại xã Húc Động, huyện Bình Liêu

Lãnh đạo huyện Bình Liêu thăm mô hình nuôi cá nước lạnh tại xã Húc Động, huyện Bình Liêu

Với phương châm mọi người dân đều được hưởng thành quả phát triển, tăng trưởng bao trùm, không để ai bị bỏ lại phía sau, Quảng Ninh xác định tiếp tục dành nguồn lực để chi cho lĩnh vực an sinh xã hội. Tại kỳ họp thứ 14 - kỳ họp thường lệ giữa năm của HĐND tỉnh đã xem xét phê duyệt điều chỉnh tăng vốn cho một số dự án liên quan đến an sinh xã hội, trong đó có dự án đầu tư xây dựng Bệnh viện Phổi; dự án cải tạo, nâng cấp cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh; bố trí nguồn kinh phí tăng cường cơ sở vật chất, mua sắm trang, thiết bị nâng cao năng lực cơ sở y tế toàn tỉnh năm 2023 (giai đoạn 2); bổ sung dự toán kinh phí ủy thác cho vay giải quyết việc làm để tạo, duy trì việc làm, tăng thu nhập cho người lao động…

Những quyết sách quan trọng ở mỗi thời điểm được Quảng Ninh cụ thể trên quan điểm mục tiêu gắn chặt phát triển kinh tế với đảm bảo an sinh xã hội mà đích đến là “hạnh phúc của nhân dân”.

Ông Phạm Văn Tiền (phường Giếng Đáy, TP Hạ Long): “Hạnh phúc vì người cao tuổi luôn được tỉnh quan tâm, động viên để sống vui, sống khỏe”.

Năm nay tôi đã 82 tuổi và  thấy mình thật may mắn khi sức khỏe vẫn còn tốt. Để người già vui khỏe, ngoài được sự chăm lo của gia đình, những người cao tuổi luôn nhận được sự quan tâm của tỉnh với mức hỗ trợ cao hơn quy định của Trung ương. Điển hình, tỉnh đã hỗ trợ 100% kinh phí mua BHYT cho người từ đủ 70 tuổi trở lên đến dưới 80 tuổi không có lương hưu, không được hưởng trợ cấp BHXH hoặc trợ cấp xã hội hằng tháng và chưa được cấp thẻ BHYT theo các chính sách khác (quy định của Trung ương là từ 80 tuổi trở lên); người cao tuổi từ 80 tuổi trở lên khi đến khám tại các bệnh viện, cơ sở y tế được ưu tiên khám trước, không mất thời gian chờ đợi, không để tình trạng người cao tuổi nằm chung giường khi điều trị tại bệnh viện.

Chúng tôi cũng rất yên tâm khi tỉnh đã có riêng Bệnh viện Lão khoa để phục hồi, chăm sóc sức khỏe cho những người cao tuổi. Bên cạnh đó, công tác tổ chức lễ mừng thọ luôn được địa phương quan tâm, tổ chức chu đáo, long trọng vào các dịp Tết Nguyên đán, ngày Quốc tế Người cao tuổi 1/10 hoặc ngày sinh nhật. Có thể thấy, đời sống vật chất của người cao tuổi trong tỉnh còn gặp nhiều khó khăn, nhiều cụ phải tự kiếm sống hoặc nhờ vào sự phụng dưỡng và chăm sóc của con cái. Nhưng nhờ có thêm sự chăm sóc, và những chính sách an sinh xã hội của tỉnh, những người cao tuổi có hoàn cảnh khó khăn là sự chia sẻ, động viên rất lớn để chúng tôi sống vui, sống khỏe, sống hạnh phúc và sống có ích.

Chị Chíu Thị Liên (thôn Khe Mười, xã Đồn Đạc, huyện Ba Chẽ): “Điều kiện sống của người dân Đồn Đạc giờ ngày càng tốt lên".

Thời gian trước, Đồn Đạc nghèo lắm, người dân không đủ ăn, đủ mặc. Cả xã có 14 thôn nhưng chỉ có 2 thôn trung tâm. Thôn xa nhất là Nà Làng và Khe Vang, cách trung tâm xã khoảng gần 20km. Một thời gian dài, bà con trong thôn gặp cảnh đau ốm, muốn ra viện huyện thì đều phải nằm cáng khiêng bộ, đi mất cả ngày vất vả lắm. Cũng tại vì khó khăn về đường sá nên khi đến kỳ thu hoạch nông sản, người dân cũng vất vả vô cùng vì không mang đi tiêu thụ được. Nhưng từ khi có chương trình xây dựng nông thôn mới cũng như nhiều hỗ trợ của Đảng và Nhà nước mà giờ tất cả các thôn từ Nà Làng, Tân Tiến, Nam Kim, Làng Mô, Nà Phốc đã có nhiều thay đổi. Bà con không lo thiếu nước sản xuất nữa vì có công trình nước đến tận ruộng; cán bộ huyện, xã cũng thường xuyên đến thăm và chỉ bảo bà con xây dựng các mô hình kinh tế mới. Gần đây, bà con trong thôn cũng tích cực bảo nhau thực hiện các mô hình kinh tế, mở rộng diện tích trồng trà, trồng hồi, trồng keo, nuôi gà... Đời sống của bà con trong thôn giờ nâng lên nhiều. Nhiều nhà còn mua được nhiều máy móc để sản xuất nên rất thuận tiện và làm kinh tế tốt hơn; việc học hành của con em cũng có nhiều tiến bộ hơn trước…

Qua theo dõi thì tôi thấy rằng, không chỉ ở địa phương tôi mà nhiều địa phương của Quảng Ninh cũng có nhiều tiến bộ, phát triển, nhất là nhiều con đường bê tông to rộng được xây vào tận thôn, bản để người dân đi lại đỡ vất vả hơn; nhiều thôn, bản xa xôi đã có điện thắp sáng, nhiều nơi không còn thiếu nước nước sạch nữa…

Anh Vũ Đình Đặng, Thuyền trưởng tàu Emperor: "Hạnh phúc vì được sống và làm việc ở một địa phương luôn đặt quyền lợi, an sinh của người dân lên hàng đầu".

Đại dịch Covid-19 ập đến năm 2020 đã khiến cho ngành Du lịch của tỉnh lao đao. Tình trạng chung của mỗi một đợt dịch bùng phát là tàu du lịch không chạy, doanh nghiệp không có nguồn thu, tương đương với việc những người làm dịch vụ trên tàu như chúng tôi không có việc làm. Có những đêm trắng tôi và các thuyền viên, người lao động trên tàu không ngủ được vì không biết dịch sẽ kéo dài đến khi nào và bao giờ thì tàu mới được đón khách trở lại. Thế nhưng, thật may mắn vì tình trạng này không kéo dài khi tỉnh vừa tập trung chống dịch, vừa triển khai tiêm vắc xin, vừa tung ra các gói kích cầu du lịch và tổ chức nhiều hoạt động du lịch hấp dẫn, giới thiệu các sản phẩm khuyến mãi….

Nhờ đó, Quảng Ninh đã trở thành địa phương sớm nhất trong cả nước mở cửa đón khách du lịch trong nước và quốc tế. Đến thời điểm này thì khách du lịch đang ùn ùn kéo về Quảng Ninh và chúng tôi hạnh phúc vì được sống và làm việc ở một địa phương luôn đặt quyền lợi, an sinh của người dân lên hàng đầu. Du lịch phát triển, ngành Du lịch đã đóng góp tích cực vào kết quả tăng trưởng kinh tế của tỉnh, nhất là trong 6 tháng đầu năm nay. Những tín hiệu vui từ kết quả hoạt động du lịch nói riêng và kinh tế nói chung của tỉnh đã và đang làm bàn đạp, lực đẩy quan trọng để Quảng Ninh nhanh chóng phục hồi nền kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân.

Em Nguyễn Thị Mai Hương (TP Cẩm Phả): “Tỉnh đã tạo điều kiện cho thế hệ trẻ được tiếp cận với giáo dục một cách tốt nhất”.

Em cũng như nhiều bạn vừa trải qua kỳ thi vào lớp 10 và chúng em cũng đã phải trải qua 3 năm học trung học cơ sở học với nhiều khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Thế nhưng, với sự quan tâm của tỉnh và ngành Giáo dục nên chưa năm nào chúng em bị gián đoạn việc học cho dù bằng hình thức nào, nhất là thời điểm trong bối cảnh nhiều nơi trong cả nước hay thế giới vẫn còn phải học trực tuyến ở nhà do chưa thể kiểm soát được dịch Covid-19.

Không chỉ may mắn vì được đến trường mà tất cả học sinh từ mầm non đến học sinh phổ thông, học viên học chương trình giáo dục thường xuyên cấp phổ thông đang học tại các cơ sở giáo dục cũng được miễn học phí trong suốt 2 năm học vừa qua. Đây thực sự là nguồn động viên, khích lệ chúng em và cả gia đình trước mỗi thềm năm học mới. Qua gần 3 năm đối mặt với dịch Covid-19, rất nhiều bạn bè em gặp khó khăn vì bố mẹ mất việc làm hoặc phải ngừng kinh doanh. Nhiều gia đình ở vùng sâu, vùng xa, nếu không có sự hỗ trợ kịp thời này thì chắc sẽ có nhiều trường hợp, nhiều bạn học sinh bị gián đoạn việc học. Sự quan tâm của tỉnh từ những chính sách hỗ trợ kịp thời tiếp tục khẳng định sự quan tâm, đầu tư rất lớn của tỉnh dành cho sự nghiệp giáo dục, hướng đến một nền giáo dục toàn dân, mọi học sinh đều bình đẳng trong cơ hội tiếp cận với giáo dục một cách tốt nhất.  

Ngày xuất bản: 26.7.2023
Thực hiện: Nguyễn Huế - Hoàng Nga
Trình bày: Vũ Đức