Trong quá trình phát triển, cùng với việc không ngừng bồi đắp, phát huy nội lực, tỉnh Quảng Ninh đẩy mạnh việc mở rộng và nâng cao hiệu quả kinh tế đối ngoại. Tỉnh đã khai thác và mở rộng thị trường quốc tế, đẩy mạnh hoạt động thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài; mở rộng thị trường và đối tác trong hoạt động kinh tế đối ngoại; thực hiện cơ chế “một cửa” trong tiếp nhận, thẩm định và cấp phép đầu tư…

Từ khi đất nước hoàn toàn thống nhất, đặc biệt là sau khi bước vào thời kỳ đổi mới, Quảng Ninh đã thực hiện chủ trương mở rộng quan hệ kinh tế đối ngoại, coi trọng kinh doanh tiểu ngạch và liên doanh, liên kết; sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn viện trợ của các tổ chức quốc tế; đẩy mạnh xuất khẩu để có ngoại tệ nhập vật tư, thiết bị cần thiết cho sản xuất và đời sống.

Quảng Ninh đã và đang tạo được sự tác động tích cực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh.

Quảng Ninh đã và đang tạo được sự tác động tích cực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh.

Vấn đề hội nhập kinh tế quốc tế được tỉnh Quảng Ninh quan tâm từ khá sớm. Tuy nhiên, những năm đầu đổi mới, do điều kiện đất nước còn nhiều khó khăn, nên các chủ trương, nhiệm vụ, giải pháp cụ thể về hội nhập kinh tế quốc tế chưa có định hướng rõ nét. Khởi đầu cho sự phát triển kinh tế đối ngoại là việc thiết lập quan hệ đối ngoại với nước láng giềng Trung Quốc. Thực hiện Thông báo số 118 của Ban Bí thư Trung ương Đảng, Chỉ thị số 08 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, ngày 5/2/1989, Ủy ban nhân dân tỉnh ra quyết định cho phép mở cửa biên giới để nhân dân các xã giáp biên giới qua lại thăm thân và trao đổi hàng hóa thiết yếu tại một số điểm của các huyện Hải Ninh (nay là thành phố Móng Cái), Quảng Hà (nay là huyện Đầm Hà, Hải Hà) và Bình Liêu; đồng thời cho mở 2 chợ cửa khẩu ở Ka Long (Móng Cái) và Hoành Mô (Bình Liêu). Đến ngày 15/4/1994, hai bên tổ chức lễ thông cầu Bắc Luân và mở cửa khẩu quốc tế Móng Cái - Đông Hưng. Đây là sự kiện có tầm quan trọng đặc biệt đối với hoạt động thương mại và xuất nhập khẩu, mở ra thời kỳ hợp tác phát triển mới giữa 2 tỉnh Quảng Ninh và Quảng Tây, cũng như hai nước Việt Nam và Trung Quốc. Tiếp đó, Hiệp định song phương về hợp tác phát triển kinh tế thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc được ký kết, cùng với việc Việt Nam gia nhập ASEAN và ASEM tạo cơ hội thuận lợi để Quảng Ninh mở rộng quan hệ hợp tác với các nhà đầu tư nước ngoài và tiếp cận thị trường thế giới.

Lãnh đạo BQL Khu Kinh tế tỉnh trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho đại diện Công ty TNHH Công nghệ Jinko Solar Việt Nam, ngày 9/9/2021. Ảnh: Mạnh Trường

Lãnh đạo BQL Khu Kinh tế tỉnh trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho đại diện Công ty TNHH Công nghệ Jinko Solar Việt Nam, ngày 9/9/2021. Ảnh: Mạnh Trường

Năm 1992, tỉnh đã đề xuất và được Bộ Công an cho phép vận dụng cơ chế đặc thù, tạo sự thông thoáng trong việc giải quyết các thủ tục xuất, nhập cảnh qua cửa khẩu đường bộ và phương tiện thủy qua cửa khẩu cảng. Trên cơ sở đó, Quyết định số 1050 ngày 29/5/1992 của UBND tỉnh ra đời đã mở ra thời kỳ mới, thúc đẩy các hoạt động kinh tế, du lịch, thông thương hàng hóa. Cũng trong năm 1992, Quảng Ninh đã chủ động nghiên cứu lập đề án trình Chính phủ cho phép thành lập “Khu kinh tế của khẩu Móng Cái” với một số cơ chế, chính sách ưu đãi đặc thù tạo điều kiện để Móng Cái phát triển. Ngày 18/9/1996, Chính phủ ban hành Quyết định số 675/QĐ-TTg, về “Áp dụng thí điểm một số chính sách tại khu vực cửa khẩu Móng Cái”. Quyết định số 675/QĐ-TTg tuy chưa thỏa mãn tất cả những gì đề án của tỉnh mong muốn, nhưng với các chính sách mà Chính phủ cho phép Móng Cái được hưởng đã thể hiện sự thông thoáng, cởi mở, ưu ái mà chưa địa phương nào trong cả nước khi đó có được, nhất là chính sách tài chính. Trong 5 năm (từ 1996 - 2000), mỗi năm, Nhà nước đầu tư cho Móng Cái không dưới 50% tổng thu ngân sách trên địa bàn khu vực cửa khẩu Móng Cái (ở thời điểm đó, tổng thu ngân sách trên địa bàn Móng Cái đạt trên 200 tỷ đồng). Đây là nguồn vốn rất lớn dành cho Móng Cái để đầu tư phát triển. Từ chính sách trên, chỉ sau một thời gian ngắn, nhiều công trình kết cấu hạ tầng quan trọng, quy mô lớn đã được đầu tư xây dựng, như hệ thống đường giao thông, cầu Ka Long II, công trình cấp điện, cấp nước, chợ trung tâm, công trình cửa khẩu Bắc Luân, trụ sở huyện, nhà văn hóa, khu du lịch Trà Cổ… được xây dựng. Diện mạo của Móng Cái thay đổi nhanh chóng từng ngày.

Hoạt động kinh tế, nhất là hoạt động thương mại, du lịch phát triển sôi động, tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh chưa từng có (25 - 30%/năm). Quyết định số 675/QĐ-TTg thực sự là dấu mốc lịch sử của thành phố Móng Cái nói riêng và tỉnh Quảng Ninh nói chung. Sau 5 năm, Móng Cái đã thực hiện tốt chính sách theo Quyết định số 675/QĐ-TTg, hầu hết các địa phương có cửa khẩu trong cả nước đều đến tham quan, học tập kinh nghiệm. Từ sự thành công của Móng Cái, Chính phủ đã áp dụng rộng rãi, cho phép thành lập nhiều khu kinh tế cửa khẩu trong cả nước, đồng thời ban hành Quyết định số 53/QĐ-TTg, ngày 19-4-2001, "Về chính sách đối với khu kinh tế cửa khẩu biên giới”.

Cửa khẩu Quốc tế Móng Cái

Cửa khẩu Quốc tế Móng Cái

Riêng tỉnh Quảng Ninh, Chính phủ tiếp tục ra Quyết định số 115/2002/ QĐ-TTg, ngày 13-9-2002, về thành lập khu kinh tế cửa khẩu và áp dụng chính sách khu kinh tế cửa khẩu đối với khu vực Hoành Mô - Đồng Văn (Bình Liêu) và Bắc Phong Sinh (Hải Hà). Đây là 2 huyện miền núi biên giới kinh tế có nhiều khó khăn, nên nhờ có chính sách ưu đãi trên, tình hình phát triển kinh tế - xã hội đều có những thay đổi quan trọng. Ngoài chính sách để lại 50% tổng thu ngân sách, Chính phủ còn cho phép khách Trung Quốc được sử dụng giấy thông hành xuất nhập cảnh để vào Quảng Ninh và Hà Nội, sau này được mở rộng đến các địa phương khác và trở thành phương thức trao đổi khách thuận lợi giữa hai nước. Tình hình phát triển kinh tế thương mại, du lịch, xuất nhập khẩu biên giới trở thành thị trường cầu nối giữa thị trường nội địa nước ta và Trung Quốc. Hợp tác đầu tư giữa hai bên tuy chưa lớn song cũng mang lại những hiệu quả nhất định đối với sự phát triển kinh tế của hai nước.

Trên cơ sở bám sát các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, đồng thời căn cứ vào các điều kiện cụ thể của địa phương, Quảng Ninh luôn có sự sáng tạo, chủ động đề ra nhiều chủ trương, biện pháp tăng cường mở rộng quan hệ đối ngoại hòa bình, hợp tác hữu nghị và phát triển với các nước. Tỉnh đã ban hành các chủ trương đẩy mạnh, nâng cao chất lượng hội nhập quốc tế như: Chương trình thực hiện Nghị quyết 07- NQ/TW, của Bộ Chính trị, về hội nhập kinh tế (Chương trình số 367/CTr-UB ngày 29/3/2002 của UBND tỉnh, Kế hoạch số 1033/KH-UBND ngày 08/3/2007 về hội nhập kinh tế quốc tế tỉnh, Chương trình hành động số 5416/CTr-UBND ngày 22/11/2007 thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 (khóa X) về một số chủ trương chính sách lớn để nền kinh tế phát triển nhanh, bền vững khi Việt Nam là thành viên của tổ chức thương mại thế giới...). Năm 2005, tỉnh tiến hành thành lập Ban Chỉ đạo về Hội nhập kinh tế quốc tế. Ngày 15/8/2014, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh ban hành Nghị quyết số 17-NQ/TU, sau đó Ủy ban nhân dân tỉnh có Quyết định số 2890/QĐ-UBND ngày 04/12/2014 về việc ban hành Chương trình hành động “Về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, đẩy mạnh và nâng cao chất lượng, hiệu quả hội nhập quốc tế đến năm 2020, định hướng đến năm 2030”. Đến năm 2015, tỉnh tiếp tục thành lập Ban Chỉ đạo về Hội nhập quốc tế và các Tiểu ban chỉ đạo hội nhập về kinh tế, hội nhập về văn hóa, xã hội, hội nhập về chính trị, quốc phòng, an ninh.

Sản xuất dầu ăn tại Công ty TNHH Dầu thực vật Cái Lân. Ảnh: Mạnh Trường

Sản xuất dầu ăn tại Công ty TNHH Dầu thực vật Cái Lân. Ảnh: Mạnh Trường

Chính vì vậy, Quảng Ninh tạo được sự quan tâm của các nhà đầu tư nước ngoài với sự cởi mở trong chính sách đối ngoại và thu hút vốn đầu tư, số dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trên địa bàn Quảng Ninh ngày một tăng. Trong giai đoạn 1991 - 1995, thu hút được 11 dự án, với số vốn là 98 triệu USD, trong đó có một số dự án, như: Dự án Du lịch Khe Đôi (39 triệu USD), Nhà máy bột mì Cái Lân (15 triệu USD), Khách sạn Heritage (5 triệu USD). Sang giai đoạn 1996 - 2000, số dự án thu hút được tăng lên 73 dự án, với tổng số vốn thực hiện là 305,4 triệu USD. Giai đoạn từ năm 2011- 2016, với những nỗ lực cố gắng vượt bậc của cả hệ thống chính trị, môi trường đầu tư trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh có bước cải thiện rõ nét, tạo sức hút mạnh mẽ đối với các nhà đầu tư. Năm 2022, Quảng Ninh đứng thứ 3 trong top 10 địa phương thu hút dòng vốn FDI nhiều nhất (sau TP Hồ Chí Minh và tỉnh Bình Dương).

Ngoài thu hút vốn FDI, Quảng Ninh còn chú trọng thu hút nguồn vốn đầu tư phát triển chính thức (ODA), các nguồn viện trợ từ các tổ chức phi chính phủ (NGO). Đây là những nguồn vốn bổ sung góp phần giải quyết khó khăn cho một số địa phương trong tỉnh, đồng thời là nguồn lực triển khai các dự án động lực, quy mô lớn như: dự án cầu Bãi Cháy, dự án cảng Cái Lân, dự án nâng cấp quốc lộ 18A, dự án cấp thoát nước Hạ Long, Cẩm Phả.

Nhà máy Nhiệt điện Mông Dương 2

Nhà máy Nhiệt điện Mông Dương 2

Hoạt động kinh tế đối ngoại của tỉnh Quảng Ninh những năm qua đã và đang tạo được sự tác động tích cực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh như: Nhiệt điện, cảng biển, công nghiệp chế biến, dịch vụ du lịch, xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội; chuyển giao, ứng dụng công nghệ, kinh nghiệm quản lý tiên tiến; thúc đẩy quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng dịch vụ, tăng nhanh xuất khẩu tại chỗ; tạo ra một số sản phẩm có hàm lượng công nghệ cao cho tiêu dùng và xuất như dầu thực vật, sản phẩm da giày, bột mì, ngọc trai..

Ngày đăng: 2/10/2023
Thực hiện: Bảo Bình
Trình bày: Hùng Sơn