Trước khi ra thăm Trường Sa, chúng tôi đã đọc nhiều bài viết của các nhà văn, nhà thơ nổi tiếng dành tình yêu cho quần đảo này. Và chia sẻ khiến tôi cảm thấy ấn tượng nhất là những tâm sự của nhà thơ Trần Đăng Khoa: “Không có hình ảnh nào lãng mạn như hình ảnh người lính hải quân trước sóng gió. Nhưng cũng không có hình ảnh nào dữ dội như sự hi sinh của người lính trên biển”. Đối với chúng tôi, được đến Trường Sa không chỉ là niềm vinh dự, mà còn mang theo cả tấm lòng tri ân, niềm tin yêu của người dân cả nước đến với những người lính đang ngày đêm chắc tay súng bảo vệ Tổ quốc.
Ngày đầu tiên khi đến Trường Sa, Đoàn công tác chúng tôi đã tổ chức buổi lễ tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ. Gạc Ma - Cô Lin - Len Đao, nơi an nghỉ của 64 cán bộ, chiến sĩ đã hy sinh anh dũng. Từ trong cuộc chiến đấu đó, những cái tên như Trung tá Trần Đức Thông, Phó Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 146; Anh hùng liệt sỹ Đại úy Vũ Phi Trừ, Thuyền trưởng Tàu HQ 604; Thiếu uý Trần Văn Phương, Phó Chỉ huy trưởng đảo Gạc Ma... đã hóa thành hồn thiêng núi sông. Trong các chiến sĩ ấy, có cả những chàng trai chưa tròn một tuổi quân, mang trong mình nhiệt huyết tuổi trẻ.
Buổi lễ tưởng niệm diễn ra trang trọng trên boong tàu. Những tia nắng vàng rực cuối ngày hắt trên mặt nước khiến khung cảnh càng thêm bi tráng. Trên tay ai cũng cầm con Hạc giấy và bông cúc vàng rưng rưng, chứa đựng tình cảm, sự tri ân sâu sắc. Thay mặt đoàn công tác, Thượng tá Trần Hải Đảo, Chính ủy Lữ đoàn 682, Quân chủng Hải quân, khẳng định: “Thời gian 31 năm đã trôi qua, tên tuổi, sự hiên ngang, kiêu hãnh của các liệt sĩ mãi ở lại trong niềm tự hào, tiếc thương vô hạn của gia đình, đồng bào, đồng chí và nỗi nhớ khôn nguôi của những người thân luôn đau đáu trong lòng. Hôm nay, giữa biển, trời Trường Sa thiêng liêng của Tổ quốc, trong không gian tĩnh lặng, trang nghiêm, với lòng thành kính biết ơn và tiếc thương vô hạn, chúng tôi, những người hiện đang tiếp tục sự nghiệp của các đồng chí xin thề trước anh linh của tổ tiên, trước hương hồn các liệt sĩ, nguyện mãi mãi tiếp bước xứng đáng niềm tin và lý tưởng của thế hệ đi trước; quyết đem hết sức mình hiến dâng cho sự nghiệp xây dựng, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc”.
Một phút mặc niệm bắt đầu. Hoàng hôn trong buổi lễ tưởng niệm của các anh dường như cũng lặng đi. Cả không gian ngưng lại, tất cả đều cúi mình khi tiếng nhạc trầm hùng của bài “Hồn tử sĩ” vang lên, tiễn đưa anh linh những người anh hùng đã vĩnh viễn nằm lại giữa lòng đại dương mênh mông, trong tiếng sóng vỗ hay tiếng lòng mỗi người đang đang lên, nghẹn ngào, xúc động.
Không chỉ hướng về những người lính ở Gạc Ma - Cô Lin - Len Đao, sau đó 2 ngày, Đoàn công tác số 12 tiếp tục tổ chức Lễ tưởng niệm các liệt sĩ hy sinh trên thềm lục địa phía Nam. Tại lễ tưởng niệm, các đại biểu đã ôn lại sự hy sinh anh dũng của cán bộ, chiến sĩ nhà giàn giữ vững chủ quyền biển đảo. Mỗi khi vòng hoa và lễ vật được thả xuống, hàng loạt những cánh hạc, hoa cúc cũng trôi theo, mang theo niềm tri ân sâu sắc của các thành viên trong đoàn. Nhiều đại biểu đã không nén nỗi xúc động, đưa tay gạt nước mắt của mình.
Được trực tiếp đến với Trường Sa, tôi mới hiểu rõ rằng, chủ quyền biển đảo của chúng ta không chỉ hiện hữu qua phương diện lịch sử, những văn bia, bằng chứng hết sức rõ ràng, mà còn chính từ những cột mốc vững chắc, được hun đúc bằng máu, nước mắt, mồ hôi, sự hy sinh của bao thế hệ chiến sĩ hải quân và nhân dân Việt Nam. Đối với tôi, giây phút lặng nhìn vòng hoa in cờ Tổ quốc trôi theo sóng biển về phía mặt trời lặn, cảm xúc tiếc thương và xót xa như trào dâng. Sự hi sinh của cha anh khiến tôi chắp tay, nghiêng mình kính cẩn, cầu mong anh linh của các chiến sĩ sẽ siêu thoát. Dù họ đã mãi mãi nằm lại biển sâu nhưng tinh thần, lòng quyết tâm và tình yêu bất diệt đối với Tổ quốc sẽ mãi là tượng đài trường tồn trong lòng những người con đất Việt, để mỗi lần cất tiếng gọi “Trường Sa”, chúng ta đều cảm thấy vô cùng thiêng liêng, tự hào.
Trong hải trình ra thăm Trường Sa, Đoàn công tác tỉnh Quảng Ninh đã có nhiều hoạt động ý nghĩa như: Động viên, tặng quà cán bộ, chiến sĩ, nhân dân; tham gia lễ chào cờ và tổ chức trồng cây trên đảo Trường Sa; tổ chức lễ tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh vì nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo ở khu vực biển Cô Lin và thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc. Không những thế, Đoàn còn chia sẻ, lắng nghe tâm tư nguyện vọng của các chiến sĩ Quảng Ninh về việc ổn định nơi công tác cho người thân tại quê hương. Từ đó, ngay khi trở về, lãnh đạo tỉnh đã quan tâm, chỉ đạo các đơn vị liên quan hỗ trợ gia đình chiến sĩ để các đồng chí yên tâm công tác, hoàn thành nhiệm vụ.
Điều đặc biệt trong chuyến đi này còn có món quà tinh thần dành tặng riêng cho chiến sĩ Trường Sa. Đó là bài hát “Lính đảo Trường Sa” của nhạc sĩ Phạm Quang Khải, giảng viên trường Đại học Hạ Long sáng tác trước chuyến đi 1 tuần. Ngay khi lên tàu, các thành viên trong đoàn đã háo hức tập luyện bài hát mới để sẵn sàng biểu diễn. Trong căn phòng sinh hoạt tập thể, cả đoàn Quảng Ninh cùng cất cao tiếng hát. Dù tàu đang đi vào vùng biển động, tròng trành nhưng không ngăn được tình yêu và sự tâm huyết của các thành viên dành chương trình văn nghệ ý nghĩa này.
Không ánh đèn rực rỡ, không sân khấu lung linh, chỉ có manh chiếu, đôi dép rọ mới là sân khấu dã chiến cho các chương trình văn nghệ ở quần đảo Trường Sa. Dù chưa thuộc lời, thậm chí hát sai nhạc nhưng mọi người trong đoàn đều vô cùng phấn khởi, tự tin thể hiện bài hát. Từ chương trình văn nghệ trên boong tàu đến các đảo Đá Thị, Nam Yết... giai điệu tự hào và lời hát “Lính đảo Trường Sa” vang lên như động viên, thúc giục những người lính. Đặc biệt trong đêm diễn ở Trường Sa, dưới cột chủ quyền thiêng liêng, 28 thành viên của đoàn Quảng Ninh đã cất cao tiếng hát. Tiết mục của Đoàn được chiến sĩ đón nhận nhiệt tình, hò reo không ngớt. Thậm chí, nhiều bạn nhỏ cùng lên tham gia tiết mục, nhảy múa trong điệu nhạc sôi động mà hào hùng. Trải nghiệm ấy, bầu không khí ấy, nụ cười rạng rỡ của những người lính hải quân sẽ mãi trở thành ký ức không thể phai nhòa trong tâm trí mỗi người.
Không chỉ dành tặng bài hát mới, chính cuộc sống, tinh thần và nghị lực của chiến sĩ đã trở thành niềm cảm hứng cho các thành viên trong đoàn gửi gắm qua những vần thơ cảm xúc. “Những vất vả, hy sinh và khó khăn chồng chất/Đã xứng đáng được bù đắp bằng sức sống quê hương/Đảo càng xanh hơn với tiếng cười con trẻ/Và những mẻ cá đầy nặng lưới lúc bình minh” trích từ bài thơ “Ký ức Trường Sa” của đồng chí Phạm Lê Hưng, Phó Bí thư Huyện ủy Hoành Bồ. Đó cũng chính là ấn tượng của các thành viên trong đoàn khi lần đầu đến Trường Sa, được chứng kiến sức sống căng tràn trên đảo, càng thêm khâm phục ý chí, tinh thần của những người lính hải quân.
Nhưng để có được sự bình yên ấy phải đánh đổi bằng máu của những người lính đã ngã xuống, quyết tâm bảo vệ từng tấc đất, vùng biển của Tổ quốc. Sự xúc động nghẹn ngào trong buổi lễ tưởng niệm các anh hùng đã hi sinh khiến Đại tá Nguyễn Trung Trịnh, Chính ủy Bộ CHQS tỉnh Quảng Ninh viết lên bài thơ “Gọi anh trên biển Gạc Ma”. “Đứng vọng nhìn về phía đảo Gạc Ma/Dâng nén tâm hương gửi theo lời nhắn/Biển ôm anh vào lòng nên biển mặn/Mẹ nhớ anh nhờ con sóng vỗ về/Trước hy sinh vẫn giữ trọn lời thề/Quấn quanh mình lá cờ sao Tổ quốc/Giữa trùng khơi vẫn ngôi nhà thân thuộc/Đất nước này đâu chẳng đất quê ta”.
Trước sự kiên trung, bất khuất của những người lính, đồng chí Bùi Văn Khắng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh, đã dành nhiều tình cảm, tri ân cho các chiến sĩ Trường Sa. Đồng chí chia sẻ: “Qua chuyến đi này, chúng tôi cảm nhận được ý chí, nghị lực, tinh thần trách nhiệm cao trước Tổ quốc, nhân dân, quân đội của cán bộ, chiến sĩ hải quân đang làm nhiệm vụ tại các điểm, đảo, đã vượt qua những khó khăn, vất vả, thách thức để vươn lên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Về phía mình, sau chuyến đi này, chúng tôi sẽ tiếp tục tham mưu các cấp ủy, chính quyền đẩy mạnh công tác tuyên truyền về biển đảo, tổ chức các hoạt động thiết thực, cùng chung tay với lực lượng hải quân bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc”.
Càng đi, càng thấy tự hào và cảm phục những người lính đảo. Đến hôm nay khi nhớ lại hải trình 9 ngày đến thăm Trường Sa, tận mắt chứng kiến cuộc sống của quân và dân trên các đảo, trong tôi vẫn bồi hồi xúc động. Có lẽ không chỉ riêng tôi mà tất cả các thành viên trên tàu đều cảm nhận rõ nét thông điệp “Mang đi tình cảm, mang về niềm tin...”, để tiếp tục phấn đấu học tập và làm việc, xứng đáng với sự hi sinh, niềm hi vọng của các chiến sĩ nơi đảo xa.
Hoàng Quỳnh -Lý Cường
Trình bày: Tất Đạt
Ý kiến ()