4
18
/
1058761
Bài 4: Nông thôn mới và OCOP dẫn đường
longform
Bài 4: Nông thôn mới và OCOP dẫn đường

 

 

Tròn 10 năm thực hiện xây dựng nông thôn mới (NTM), diện mạo nông nghiệp, nông thôn, nông dân Quảng Ninh đã có nhiều biến chuyển khởi sắc. Quảng Ninh cũng trở thành điểm sáng trong cả nước với những bước đi mạnh dạn, tiên phong, sáng tạo. Đặc biệt, tiếng vang từ chương trình mỗi xã, phường một sản phẩm (OCOP) cùng những thành tựu mà chương trình mang lại đã khẳng định hướng đi đúng đắn của tỉnh trong hiện thực hóa mục tiêu NTM. Qua đó, ổn định, nâng cao thu nhập cho cộng đồng dân cư khu vực nông thôn, đồng thời, thay đổi tư duy sản xuất, từng bước hình thành sản xuất hànghóa, góp phần tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng bền vững.

Đích đến, mục tiêu của xây dựng NTM là nâng cao mức sống của người dân. Quảng Ninh đã triển khai những giải pháp sáng tạo, đột phá về sản xuất và thu nhập. Trong đó, Chương trình OCOP được xem như cách làm tiên phong, riêng có và hiệu quả của tỉnh nhằm đảm bảo tính bền vững của NTM.

Khi chương trình OCOP nhen nhóm khởi thảo, lúc đó các sản phẩm nông nghiệp của Quảng Ninh mới chỉ dừng lại ở việc tự cung, tự cấp. Hầu hết các mặt hàng nông sản được sản xuất, chế biến theo phương thức truyền thống và cung cấp cho một đại bộ phận người dân quanh khu vực. Sản phẩm nông nghiệp không có giá trị kinh tế, không có tính cạnh tranh cao với những mặt hàng của tỉnh ngoài trong khi diện tích đất canh tác, nguồn nhân lực của tỉnh có.

Thực tiễn đó đặt ra yêu cầu cần phải thay đổi tư duy, hình thức sản xuất nông nghiệp của tỉnh. Nghiên cứu kinh nghiệm của Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, năm 2013 Quảng Ninh phê duyệt và tập trung chỉ đạo thực hiện Đề án “Tỉnh Quảng Ninh - Mỗi xã, phường một sản phẩm” (Chương trình OCOP). Năm 2014, chương trình chính thức được triển khai. Dựa vào nguyên lý hỗ trợ sản xuất theo chuỗi giá trị hoàn chỉnh (sản xuất ngoài cánh đồng - thu hoạch - chế biến - tiêu thụ), Chương trình OCOP được Quảng Ninh kỳ vọng sẽ góp phần quan trọng vào tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh.

Sau 10 năm tham gia chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, diện mạo nông thôn Quảng Ninh đã có nhiều thay đổi đáng kể
Sau 10 năm tham gia chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới,
diện mạo nông thôn Quảng Ninh đã có nhiều thay đổi đáng kể

Xác định 2 đối tượng quan trọng là sản phẩm/dịch vụ và các tổ chức kinh tế, Chương trình OCOP được Quảng Ninh thiết kế để các cá thể, hộ sản xuất, Tổ hợp tác, Hợp tác xã, doanh nghiệp chủ động về ý tưởng sản phẩm, xác định thị trường, chủ động sản xuất, tiêu thụ. Nhà nước đóng vai trò tạo sân chơi, hỗ trợ chính sách, thông tin thị trường và xúc tiến thương mại.

Qua 7 năm triển khai, Chương trình OCOP đã góp phần làm thay đổi tập quán sản xuất của nhân dân, từ sản xuất lạc hậu tự cung, tự cấp sang sản xuất hàng hóa quy mô lớn, tạo ra hướng đi mới trong sản xuất kinh doanh các sản phẩm truyền thống có lợi thế trên địa bàn tỉnh. Từ chỗ có 40 sản phẩm vào năm 2014 đến nay Quảng Ninh đã phát triển 456 sản phẩm và 175 tổ chức, tạo giá trị doanh thu từ chương trình OCOP đạt 400-500 tỷ đồng/năm. Các sản phẩm OCOP ngày càng được đầu tư nâng cấp đạt tiêu chuẩn được người tiêu dùng đón nhận; cộng đồng các doanh nghiệp, HTX tham gia OCOP ngày càng có bước trưởng thành và phát triển.

 

Qua 7 năm triển khai, Chương trình OCOP đã góp phần làm thay đổi tập quán sản xuất của nhân dân, từ sản xuất lạc hậu tự cung, tự cấp sang sản xuất hàng hóa quy mô lớn 
Chương trình OCOP đã góp phần làm thay đổi tập quán sản xuất của nhân dân,
từ sản xuất lạc hậu tự cung, tự cấp sang sản xuất hàng hóa quy mô lớn

Chương trình OCOP thực sự đã trở thành người bạn đồng hành nâng tầm giá trị các sản phẩm truyền thống của địa phương, tạo nhiều công ăn việc làm, góp phần không nhỏ vào công cuộc xóa đói giảm nghèo, xây dựng NTM với số lao động trực tiếp tham gia chương trình là 4.500 người và hàng vạn lao động gián tiếp. Đồng thời, góp phần nâng chất và tạo ra nhiều sản phẩm phục vụ phát triển ngành du lịch, tạo dựng thương hiệu tỉnh Quảng Ninh.

Anh Nịnh Văn Trắng, chủ cơ sở sản xuất trà hoa vàng Ba Chẽ chia sẻ: “Tham gia OCOP với những hướng dẫn, hỗ trợ của các sở, ngành trong xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại, cây trà hoa vàng Ba Chẽ đã dần khẳng định được chỗ đứng trên thị trường với đầu ra ổn định, đem lại thu nhập cao…” Hiện sản lượng tiêu thụ mỗi năm tại cơ sở sản xuất trà hoa vàng của anh Nịnh Văn Trắng đạt 200kg hoa khô, 500kg lá khô; doanh thu 3-4 tỷ đồng.

Trà hoa vàng - sản phẩm OCOP chủ đạo của huyện miền núi Ba Chẽ
Trà hoa vàng - sản phẩm OCOP chủ đạo của huyện miền núi Ba Chẽ

Sự dẫn đường từ Chương trình OCOP đã mang lại những khởi sắc cho xây dựng NTM khi thu nhập của chủ thể chính là người dân được từng bước ổn định và nâng cao. Điển hình như TX Đông Triều, việc xây dựng chuỗi sản phẩm OCOP luôn được Thị xã quan tâm, coi đây là “mắt xích” quan trọng của tiến trình xây dựng NTM. Từ chương trình OCOP, nhiều sản phẩm chủ lực của thị xã như: na dai Đông Triều, nếp cái Hoa Vàng, gốm sứ, sữa tươi Đông Triều… đang ngày càng phát triển, khẳng định uy tín với người tiêu dùng, mang lại nguồn thu lớn cho người dân. Nhiều hộ đã trở thành tỷ phú, triệu phú từ trên chính cánh đồng của mình. Đặc biệt, các sản phẩm chủ lực địa phương đã hình thành các chuỗi liên kết sản xuất tiêu thụ sản phẩm. Hiện Thị xã có 8 vùng sản xuất tập trung, gồm: Vùng trồng lúa chất lượng cao, vùng nuôi trồng thủy sản, vùng trồng na dai, vùng trồng cam canh - bưởi diễn, vùng trồng vải thiều, vùng trồng rau an toàn, vùng chăn nuôi tập trung, vùng liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm khoai tây Atlantic… Qua đó, góp phần tích cực trong mục tiêu tái cơ cấu ngành nông nghiệp của địa phương.

Cũng qua OCOP, các sản phẩm đặc trưng của tỉnh như miến dong Bình Liêu, trà hoa vàng Ba Chẽ, gốm sứ mỹ nghệ Quang Vinh, nước khoáng Quang Hanh... bắt đầu được người tiêu dùng biết tiếng, sản lượng tăng cao từng năm. Nhờ OCOP nông nghiệp – nông thôn Quảng Ninh ghi nhận những đổi thay mạnh mẽ.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bùi Văn Khắng từng nhấn mạnh: “Chương trình OCOP đã làm thay đổi căn bản tư duy nhận thức của người dân trong sản xuất hàng hóa nông nghiệp, tạo được niềm tin và sự sáng tạo, thúc đẩy người dân mạnh dạn sản xuất hàng hóa nông sản, nâng cao giá trị sản phẩm”…

Từ trái ngọt OCOP Quảng Ninh, Chính phủ đã quyết định số 490 triển khai Chương trình trên địa bàn cả nước lấy tên là Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”.  Năm 2019 tại Hội nghị tổng kết 10 năm Chương trình Xây dựng nông thôn mới toàn quốc, tỉnh Quảng Ninh được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng 3 về thành tích triển khai Chương trình OCOP.

Sự dẫn đường từ Chương trình OCOP cùng với những cách làm bài bản, sáng tạo và nguồn lực đầu tư đủ lớn, hiệu quả đã đưa chương trình NTM của Quảng Ninh trở thành điểm sáng trong cả nước cùng nhiều kết quả tích cực. Diện mạo nông thôn, miền núi ngày càng khởi sắc, khang trang; đời sống vật chất, tinh thần của người dân nông thôn được cải thiện, văn minh, hiện đại, giàu có hơn.

Giai đoạn từ 2012-2020, tỉnh Quảng Ninh đã huy động, bố trí trên 138 nghìn tỷ đồng để thực hiện Chương trình xây dựng NTM tỉnh Quảng Ninh đạt 120,8 nghìn tỷ đồng. Từ nguồn lực này, tỉnh phân cấp, ủy quyền cho các địa phương thực hiện các công trình hạ tầng giao thông, điện chiếu sáng, nước sinh hoạt, thiết chế văn hóa và phát triển sản xuất… Đến nay, 100% xã có đường trục xã, liên xã được nhựa hóa hoặc bê tông hóa; 100% hệ thống thủy lợi đảm bảo đủ điều kiện đáp ứng yêu cầu dân sinh; mạng lưới điện quốc gia phủ tới 100% xã; 98,2% xã đạt chuẩn về tiêu chí hạ tầng thương mại nông thôn. Sóng viễn thông, Internet được phủ đến các xã, thôn… Nông thôn Quảng Ninh đã có sự chuyển mình căn bản.

Người dân nông thôn tận hưởng đời sống vật chất, tinh thần ngày một nâng cao
Người dân nông thôn tận hưởng đời sống vật chất, tinh thần ngày một nâng cao

Đặc biệt, sự huy động nguồn lực từ nhân dân được đẩy mạnh với sự tham gia đóng góp trực tiếp của người dân, cộng đồng doanh nghiệp, các lực lượng vũ trang, tổ chức, đoàn thể… qua đó, thể hiện sự lan tỏa, chung tay của toàn dân tham gia xây dựng NTM. Theo thống kê chưa đầy đủ, trong 10 năm qua, người dân toàn tỉnh đã đóng góp khoảng 133,5 tỷ đồng tiền mặt (bình quân 118 triệu đồng/xã/năm) và gần 236.000 ngày công lao động; hiến hàng triệu m2 đất cùng vật tư, tường rào, cây xanh để phục vụ cho mục tiêu xây dựng NTM. Các doanh nghiệp, tổ chức ước ủng hộ, đóng góp trên 2.000 tỷ đồng. Nhờ đó, nhiều km đường giao thông, kênh mương, nội đồng được xây dựng, tu bổ; nhiều tuyến đường quê được chiếu sáng, trồng hàng ngàn cây xanh tạo cảnh quan, giữ gìn môi trường, những con đường khu phố xanh sạch đẹp làm cho bộ mặt nông thôn ngày một đổi mới.

Sự vào cuộc mạnh mẽ, quyết liệt và thường xuyên của các cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể chính trị xã hội cùng cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt là người dân đã đưa “luồng gió” NTM trải khắp tỉnh, từ miền quê đến thành thị, từ vùng cao đến huyện đảo xa xôi.

Không dừng lại ở đó, với mục tiêu “NTM – hành trình không có điểm dừng”, năm 2016, Tỉnh ủy tiếp tục ban hành Chỉ thị 07-CT/TU; trong đó nêu rõ quan điểm “Xây dựng NTM theo hướng chuyển từ lượng sang chất, đảm bảo thường xuyên, liên tục và lâu dài”, tiến tới xây dựng nông thôn tiên tiến, tiếp tục xác định người nông dân là chủ thể, trực tiếp thực hiện và được thụ hưởng, đầu tư của doanh nghiệp là động lực.

 

OCOP từng bước trở thành chương trình phát triển kinh tế quan trọng, góp phần khẳng định thương hiệu riêng có của Quảng Ninh 
OCOP từng bước trở thành chương trình phát triển kinh tế quan trọng,
góp phần khẳng định thương hiệu riêng có của Quảng Ninh

Việc nâng chất chương trình NTM cũng được cấp ủy, chính quyền các địa phương chú trọng trên tinh thần quyết tâm, sâu sát, thực chất. Từ năm 2018, Quảng Ninh thực hiện xây dựng xã NTM kiểu mẫu theo Quyết định số 691/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; ban hành Bộ tiêu chí xã NTM nâng cao phù hợp với điều kiện đặc thù của tỉnh để NTM ngày càng bền vững hơn, hiệu quả hơn. Các địa phương căn cứ vào tiêu chí xã NTM nâng cao, kiểu mẫu và điều kiện thực tế địa phương, chủ động xác định lĩnh vực xây dựng NTM kiểu mẫu cho địa phương mình trên cơ sở gắn với tổng thể chung của khu vực nông thôn có kết nối với các vùng xung quanh, nhằm đạt hiệu quả cao nhất. Đến nay, sau hơn 2 năm thực hiện chương trình xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu, người dân có sự chuyển biến rõ rệt về phát huy vai trò chủ thể, tự giác tham gia xây dựng chương trình. Đây chính là tiền đề cốt lõi để NTM Quảng Ninh được nâng tầm, đi vào thực chất, bền vững hơn.

Tính đến hết năm 2020, có 7 địa phương gồm: Đông Triều, Cô Tô, Cẩm Phả, Móng Cái, Uông Bí, Quảng Yên và Tiên Yên hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM, 2 địa phương Đầm Hà và Hải Hà đang lập hồ sơ trình thẩm định huyện đạt chuẩn NTM năm 2020. Toàn tỉnh có 91/98 xã đạt chuẩn NTM, 30/98 xã đạt chuẩn NTM nâng cao và 12/98 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu.

Với những bước đi mạnh dạn, sáng tạo, đặc biệt là sự dẫn đường mang tính bền vững từ chương trình OCOP đã góp phần đưa nông nghiệp, nông dân, nông thôn Quảng Ninh ngày càng phát triển hưng thịnh hơn. Xác định xây dựng NTM là việc làm thường xuyên, liên tục, lâu dài, bên cạnh các giải pháp căn cơ khác về nguồn lực, cơ chế, chính sách, Quảng Ninh tiếp tục nhấn mạnh đến vai trò của Chương trình OCOP như “kim chỉ nam” nhằm đảm bảo mục tiêu nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân khu vực nông thôn.

Bài 5: IPA Quảng Ninh - Truyền lửa cải cách

Thực hiện: Nguyên Ngọc

Trình bày: Đỗ Quang

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu