Quan điểm “văn hóa soi đường cho quốc dân đi” của Chủ tịch Hồ Chí Minh là “sợi chỉ đỏ” xuyên suốt quá trình phát triển văn hóa Việt Nam trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc cũng như trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ Quốc. Văn hóa được Người xác định vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển. Trong xu thế hội nhập và phát triển hiện nay, việc kế thừa và phát huy giá trị của hệ thống di tích chủ tịch Hồ Chí Minh trở thành “chìa khóa” để bảo tồn, gìn giữ và kiến tạo nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; có giá trị trong tiến trình đối thoại văn hóa vì hòa bình và phát triển bền vững

Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định “Vì lẽ sinh tồn cũng như mục đích của cuộc sống, loài người mới sáng tạo và phát minh ra ngôn ngữ, chữ viết, đạo đức, pháp luật, khoa học, tôn giáo, văn học, nghệ thuật, những công cụ cho sinh hoạt hằng ngày về mặc, ăn, ở và các phương thức sử dụng. Toàn bộ những sáng tạo và phát minh đó tức là văn hoá”. Với nhận định này, có thể thấy trong quan niệm của Người, văn hóa là cơ sở tạo nên đời sống xã hội, là đặc trưng của xã hội loài người; trong đó, con người vừa là chủ thể của văn hóa vừa là sản phẩm của văn hóa. Coi trọng vai trò của nền văn hóa dân tộc trong tiến trình phát triển của đất nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu rõ: “Năm điểm lớn xây dựng nền văn hóa dân tộc. 1. Xây dựng tâm lý: tinh thần độc lập tự cường. 2. Xây dựng luân lý: biết hy sinh mình, làm lợi cho quần chúng. 3. Xây dựng xã hội: mọi sự nghiệp có liên quan đến phúc lợi của nhân dân trong xã hội. 4. Xây dựng chính trị: dân quyền. 5. Xây dựng kinh tế”. “Năm điểm lớn” này thể hiện rõ tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng nền văn hóa dân tộc Việt Nam, bao gồm tất cả các mặt: tâm lý con người, đạo đức, xã hội, chính trị, kinh tế; chú trọng xây dựng con người Việt Nam với hệ giá trị: có tinh thần độc lập, ý thức tự cường, có đạo đức, biết hy sinh mình vì mọi người. Trong nền văn hóa đó, mọi giá trị và hoạt động đều hướng đến lợi ích của nhân dân; mọi người dân đều được thụ hưởng các quyền chính đáng của con người và mục tiêu làm “lợi cho quần chúng”.
Thế kỷ XX được nhân dân Việt Nam tự hào gọi là “Thời đại Hồ Chí Minh”, đây không chỉ là lời ngợi ca Người anh hùng vĩ đại của dân tộc mà còn là sự tự hào của dân tộc Việt Nam từ khi có Bác, có Đảng. Thời đại Hồ Chí Minh là thời đại con người Việt Nam “rũ bùn đứng dậy sáng lòa”, là khối đại đoàn kết “sĩ -nông- công- thương” với ý chí quật cường đẩy lùi cuộc xâm lược của các thế lực bành trường, kiến thiết và xây dựng đất nước với ý thức sâu sắc về quyền làm chủ trong một nhà nước “của dân, do dân và vì dân”. Thời đại Hồ Chí Minh tạo ra văn hóa Hồ Chí Minh, là đặc trưng văn hóa vì con người, lấy xây dựng con người làm trung tâm “vô luận việc gì, đều do người làm ra, và từ nhỏ đến to, từ gần đến xa, đều thế cả”.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dành nhiều sự quan tâm và tình cảm đối với Đảng bộ, chính quyền, quân và dân các dân tộc tỉnh Quảng Ninh. Ngoài những chuyến về thăm, Người luôn dõi theo bước phát triển của Vùng mỏ với mong muốn Quảng Ninh sẽ phát triển đẹp, giàu. Khắc ghi, thực hiện lời dạy của Bác, Quảng Ninh xác định phát triển văn hóa, con người trở thành nguồn lực quan trọng để xây dựng và phát triển Quảng Ninh "trở thành một địa phương kiểu mẫu" với các đặc trưng: Hành chính minh bạch - Kinh tế phát triển - Văn hóa đặc sắc - Xã hội văn minh - Nhân dân hạnh phúc.

Ngày 5/10/1957, nói chuyện với cán bộ, nhân dân khu Hồng Quảng tại sân vận động Hòn Gai, Chủ tịch Hồ Chí Minh mong muốn Hồng Quảng "trở thành một địa phương kiểu mẫu". (Ảnh tư liệu)
Ngày 5/10/1957, nói chuyện với cán bộ, nhân dân khu Hồng Quảng tại sân vận động Hòn Gai, Chủ tịch Hồ Chí Minh mong muốn Hồng Quảng "trở thành một địa phương kiểu mẫu". (Ảnh tư liệu)
Văn hóa Quảng Ninh được các nhà văn hóa xác định là sự hội tụ và giao thoa giữa các nét đặc trưng của văn hóa biển và văn hóa công nhân mỏ. Trên nhiều đảo đá vôi vùng Vịnh Hạ Long, Bái Tử Long, Cát Bà, các nhà khoa học đã phát hiện được những chứng tích lịch sử, văn hóa quý hiếm của chủ nhân các nền văn hóa biển. Vào thời đá mới, tiếp nối những phát triển của Soi Nhụ, di chỉ Cái Bèo “đã đánh dấu việc mở đầu phân vùng kinh tế tiền sử Việt Nam” và đạt được những bước tiến quan trọng về văn hóa. Nhờ đó, vào thời hậu kỳ đá mới, đã hình thành nền văn hóa biển Hạ Long phát triển rực rỡ, để lại cho Quảng Ninh ngày nay những di sản văn hóa vật thể và phi vật thể quý báu là những đình, chùa, đền, miếu, danh lam thắng cảnh; là những phong tục, tập quán, trò chơi dân gian, câu hát, điệu múa; là những lễ hội truyền thống độc đáo trải dài từ vùng đất Đông Triều đến địa đầu Móng Cái.
Những người công nhân đất mỏ Quảng Ninh hào sảng, lạc quan, yêu đời, yêu công việc, nhưng trên hết là truyền thống đoàn kết và tinh thần kỷ luật đã tạo thành nét văn hóa đặc trưng. Văn hóa công nhân mỏ được hình thành từ năm 1840 khi người Việt Nam bắt đầu nhát cuốc đầu tiên khai thác mỏ than đá ở núi Yên Lãng (Đông Triều) theo chỉ dụ của vua Minh Mạng và phát triển gắn liền với quá trình lao động, đấu tranh cách mạng. Tinh thần văn hóa từ khẩu hiệu “kỷ luật và đồng tâm” tại cuộc Tổng đình công ngày 12/11/1936 đã trở thành tuyên ngôn thể hiện truyền thống yêu nước, văn hóa cách mạng, sức mạnh của sự đoàn kết và tinh thần quật cường của con người vùng Mỏ. Truyền thống “kỷ luật và đồng tâm” được phát huy qua các thời kỳ và tiếp tục trở thành hành trang tinh thần vô giá của người Quảng Ninh.

Tỉnh Quảng Ninh luôn xác định nhiệm vụ kết hợp chặt chẽ giữa tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hoá, chăm lo các vấn đề xã hội, bảo vệ môi trường sinh thái, bảo đảm an sinh xã hội, đặc biệt là đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở miền núi, biên giới, hải đảo. Bảo tồn và phát huy các di sản văn hoá, bảo vệ môi trường sinh thái; đây là nhiệm vụ cực kỳ quan trọng, có vai trò trực tiếp bảo đảm thành công cho quá trình chuyển đổi phương thức phát triển từ "nâu" sang "xanh".
Với 614 di tích lịch sử văn hóa, 361 di sản văn hóa phi vật thể, trong đó có 6 di tích đặc biệt cấp quốc gia, 54 di tích cấp quốc gia, 6 lễ hội nằm trong danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, số còn lại là di tích được xếp hạng cấp tỉnh hoặc nằm trong danh mục kiểm kê di sản văn hóa vật thể, phi vật thể của tỉnh; có hơn 500 di tích lịch sử và danh thắng đặc sắc gắn liền với sự nghiệp dựng nước và giữ nước hào hùng của Dân tộc, Quảng Ninh sở hữu hệ thống di tích, di sản văn hóa lịch sử và tinh thần phong phú, có giá trị to lớn. Xác định các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể là động lực và nguồn tài nguyên vô tận để phục vụ phát triển kinh tế xã hội một cách bền vững, Tỉnh Quảng Ninh đã ban hành nhiều chính sách và thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp trùng tu, tôn tạo và bảo tồn di tích. Công tác trùng tu, tu bổ di tích, nhất là việc huy động nguồn vốn xã hội hoá được tỉnh quan tâm, áp dụng không chỉ đối với di tích mà còn với cả phế tích. Bên cạnh nguồn vốn từ ngân sách nhà nước, tỉnh Quảng Ninh cũng tích cực huy động từ nguồn xã hội hóa, những năm qua hàng trăm di tích được tiến hành đầu tư tu bổ, tôn tạo, phục hồi theo đúng trình tự, quy định của nhà nước đã và đang đóng vai trò tích cực phục vụ đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân, tuổi thọ công trình được kéo dài, những yếu tố gốc cấu thành di tích được gìn giữ, cũng như tạo cơ sở vật chất quan trọng cho các hoạt động khai thác, phát huy giá trị của di tích. Tính đến năm 2022, có khoảng 120 di tích, di sản đã nằm trong các điểm tour, tuyến du lịch cố định của Quảng Ninh, điều này cho thấy, các di tích, di sản đã từng bước góp phần tạo nên giá trị thương hiệu cho du lịch Quảng Ninh.

Rừng thông đặc dụng phường Minh Thành (TX Quảng Yên), nơi Bác Hồ về thăm Tết Ất Tỵ 1965
Rừng thông đặc dụng phường Minh Thành (TX Quảng Yên), nơi Bác Hồ về thăm Tết Ất Tỵ 1965
Đối với hệ thống di tích chủ tịch Hồ Chí Minh, Quảng Ninh hiện lưu giữ 15 di tích chủ tịch Hồ Chí Minh đã được kiểm kê; trong đó có 8 di tích đã được xếp hạng với 3 khu di tích được xếp hạng quốc gia và quốc gia đặc biệt. Các khu di tích được xếp hạng đều đang ở trạng thái tốt và dần trở thành di sản quý báu, góp phần tạo ra động lực phát triển kinh tế - xã hội.

Di tích Quốc gia đặc biệt Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh trên đảo Cô Tô trước đây được lấy tên là “Di tích lịch sử những địa điểm lưu niệm Hồ Chủ tịch trên đảo Cô Tô”, còn được người dân gọi thân thương là di tích Bác Hồ, là một di tích đặc biệt, mang giá trị riêng có, không trùng lặp với di tích nào trong hệ thống di tích về Chủ tịch Hồ Chí Minh trong cả nước. Di tích lịch sử Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh trên đảo Cô Tô là “cột mốc văn hóa” trường tồn, là “cột mốc chủ quyền” của Việt Nam trên vùng biển đảo vì thế cần được bảo tồn, tôn vinh và phát huy giá trị lịch sử, văn hóa tiêu biểu độc đáo của di tích gắn với việc giáo dục truyền thống, lịch sử của dân tộc, tạo động lực để Cô Tô thay đổi, chuyển mình, hướng đến là một vùng kinh tế biển năng động, thu hút các nhà đầu tư cũng như du khách trong nước và quốc tế đến với Cô Tô nói riêng và Quảng Ninh nói chung.

Khai mạc Triển lãm sưu tập chữ ký và bút tích của Chủ tịch Hồ Chí Minh giai đoạn 1945-1969 tại Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh đảo Cô Tô ngày 27/6/2023
Khai mạc Triển lãm sưu tập chữ ký và bút tích của Chủ tịch Hồ Chí Minh giai đoạn 1945-1969 tại Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh đảo Cô Tô ngày 27/6/2023
Thứ nhất, định vị, bảo tồn và kiến thiết cơ sở hạ tầng, đảm bảo cảnh quan di tích
Trải qua quá trình hơn 50 năm hình thành, di tích lịch sử Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh trên đảo Cô Tô luôn được các cấp có thẩm quyền và toàn thể nhân dân quan tâm, đầu tư các nguồn lực cho công tác quy hoạch, tu bổ, tôn tạo. Ngoài việc bảo tồn nguyên trạng một số hạng mục của Khu di tích, một số công trình phụ trợ và kiến thiết đã được đầu tư xây dựng để duy trì và nâng cấp cảnh quan quần thể Khu di tích. Trong đó phải kể đến, công trình cột cờ chủ quyền có tỷ lệ 1:1 so với cột cờ tại Quảng trường Ba Đình, đặt trước tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh được khánh thành vào đúng dịp kỉ niệm 61 năm ngày Bác ra thăm đảo. Lá cờ Tổ quốc tung bay giữa mênh mông biển trời Cô Tô chính là niềm tin yêu của Đảng, Nhà nước gửi gắm cán bộ, chiến sĩ, nhân dân huyện đảo Cô Tô. Mỗi người dân Cô Tô được trao thêm niềm tin, sức mạnh, để vững vàng nơi đầu sóng, ngọn gió, trở thành cột mốc sống giữa biển trời quê hương, đồng thời càng ý thức được trách nhiệm của mình trong nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Thứ hai, định danh và kiến tạo hệ giá trị văn hóa đặc trưng gắn với di tích.
Sau năm 1979 cư dân Cô Tô có nguồn gốc dân “kinh tế mới” được quần tụ từ 14 tỉnh ven biển trong cả nước; với đa dạng quê quán, vùng miền khiến Cô Tô trở thành địa điểm giao thoa và tiếp biến văn hóa. Vì thế, việc lựa chọn và kiến tạo một địa danh điển hình mang hồn cốt Cô Tô là vô cùng cần thiết. Với giá trị di sản cao quý, ý nghĩa giáo dục sâu sắc, khu di tích chủ tịch Hồ Chí Minh cần được định danh và tạo thành trung tâm văn hóa của người dân Cô Tô nói riêng và vùng biển, đảo Đông Bắc nói chung.
Hiện nay, huyện Cô Tô đã đưa một số hoạt động văn hóa, chính trị trở thành hoạt động định kỳ tại khu vực Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh như lễ chào cờ, nghi lễ thượng cờ, kết nạp đảng viên mới, tôn vinh điển hình tiên tiến, triển lãm các thành tựu kinh tế xã hội của tỉnh, của huyện… Huyện cần tiếp tục triển khai các hoạt động văn hóa, văn nghệ đặc biệt là các lễ kỉ niệm, lễ hội định kỳ gắn liền với sự kiện Bác Hồ ra thăm đảo để Khu lưu niệm chủ tịch Hồ Chí Minh phát huy nội lực và tạo động lực phát triển cho Cô Tô.
Thứ ba, kết nối các di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh trong cả nước nhằm phát huy giá trị Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh đảo Cô Tô.
Có thể nói, hầu hết khách tham quan Di tích chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ thuần túy đi du lịch mà còn muốn tìm hiểu về di tích, truyền thống cách mạng và lịch sử con người, vùng đất lưu giữ di tích. Do đó, cần xây dựng, liên kết các tuyến điểm du lịch để du khách có cơ hội tiếp cận chuỗi với các khu di tích, điểm di tích chủ tịch Hồ Chí Minh của tỉnh và các thiết chế văn hóa khác. Cần có sự kết nối, phối hợp, chuyển giao giữa các khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh trong cả nước để tổ chức các sự kiện lồng ghép phát huy giá trị văn hóa, nghệ thuật, lịch sử của Di tích.

Với những giá trị và ý nghĩa đặc biệt to lớn, các khu di tích, điểm di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh của tỉnh là nơi hội tụ những giá trị nhân văn cao cả, phản ánh tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và niềm tin, tình yêu của Người đối với quân và dân các dân tộc tỉnh Quảng Ninh, đồng thời lan tỏa đến người dân trong cả nước về nhiệm vụ xây dựng, bảo vệ tổ quốc trong tình hình mới. Các khu di tích không chỉ là nơi để mọi người dân trong nước và bạn bè quốc tế tưởng nhớ về Người mà còn là địa chỉ đỏ, trường học thực tiễn sinh động, hun đúc tinh thần yêu nước cho các thế hệ Việt Nam. Không chỉ bứt phá về kinh tế, thực hiện lời dạy của Bác, những năm qua, Quảng Ninh đã giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, chủ quyền biên giới, biển đảo quốc gia. Với truyền thống lịch sử, văn hóa và cách mạng vẻ vang và vị thế rất quan trọng của Quảng Ninh, trên đà những thắng lợi đã đạt được, cùng với ý chí tự lực, tự cường, khát vọng vươn lên mạnh mẽ, tinh thần năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Quảng Ninh sẽ tiếp tục đoàn kết, chung sức, đồng lòng, quyết tâm đẩy mạnh hơn nữa công cuộc đổi mới, phấn đấu hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu, nhiệm vụ mà Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV đã đề ra. Xây dựng Quảng Ninh ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại, nhân dân có cuộc sống ngày càng ấm no và hạnh phúc, như lời căn dặn của Bác với nhân dân Vùng mỏ tháng 10/1957.
Nội dung: NGUYỄN VIỆT DŨNG, ĐOÀN THỊ THU HƯƠNG
Trình bày: HÙNG SƠN