
Trong bài viết “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam” tháng 5/2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng một lần nữa nhấn mạnh: “Con người giữ vị trí trung tâm trong chiến lược phát triển; phát triển văn hóa, xây dựng con người vừa là mục tiêu, vừa là động lực của công cuộc đổi mới”. Lĩnh hội và không ngừng cụ thể hóa quan điểm đó, tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo làm cơ sở để các cấp, các ngành, tổ chức chính trị xã hội tập trung tạo môi trường giáo dục, rèn luyện con người Quảng Ninh phát triển toàn diện về đạo đức, lối sống, có lý tưởng, trách nhiệm, trình độ năng lực sáng tạo, tư duy thẩm mỹ, được sống trong môi trường an toàn, lành mạnh, được bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe.

Xác định việc nâng cao hiệu quả công tác giáo dục chính trị tư tưởng gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ” và Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” là nhiệm vụ quan trọng trong xây dựng con người Quảng Ninh phát triển toàn diện, các cấp, ngành, địa phương đã đẩy mạnh thực hiện tạo sức lan tỏa sâu rộng trong toàn tỉnh. Từ đây, tạo sự thống nhất trong nhận thức và hành động, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên, học sinh, sinh viên, bồi dưỡng tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, ý thức cá nhân, tuân thủ pháp luật cho mỗi cá nhân.

Đảng bộ Trường THPT Bãi Cháy (TP Hạ Long) tổ chức Lễ kết nạp đảng viên, ngày 19/5/2022.
Đảng bộ Trường THPT Bãi Cháy (TP Hạ Long) tổ chức Lễ kết nạp đảng viên, ngày 19/5/2022.
Theo đó, nhằm phát hiện, bồi dưỡng những quần chúng ưu tú, xuất sắc trong học sinh để kết nạp vào Đảng và tiếp tục bồi dưỡng, rèn luyện trở thành những cán bộ trẻ “vừa hồng, vừa chuyên”, thời gian qua Đảng bộ các địa phương, các cơ sở giáo dục đã luôn quan tâm đến công tác phát triển đảng viên trong học sinh. Từ năm 2018 đến nay, toàn tỉnh đã kết nạp được 28 Đảng viên là học sinh. Đây là minh chứng cho thấy công tác giáo dục chính trị tư tưởng, xây dựng văn hóa, con người Quảng Ninh luôn được các cấp, ngành, địa phương thực hiện thường xuyên, liên tục, không ngừng được cụ thể hóa từ Nghị quyết đi vào cuộc sống.
Công tác giáo dục, xây dựng con người Quảng Ninh phát triển toàn diện còn được đẩy mạnh thực hiện thông qua việc đa dạng hóa hình thức, nội dung giáo dục truyền thống lịch sử, văn hóa, nghệ thuật, kỹ năng sống, nâng cao trình độ ngoại ngữ, tin học, ứng dụng công nghệ thông tin cho các tầng lớp nhân dân đặc biệt là cho học sinh, sinh viên. Trung bình mỗi năm có gần 500/645 trường học tổ chức các hoạt động trải nghiệm thực tiễn tại các điểm di tích trên địa bàn tỉnh, với hơn 200.000 học sinh tham gia. Các cấp Đoàn TNCS Hồ Chí Minh cũng tổ chức các hoạt động giáo dục chủ quyền, biên giới, hải đảo cho đoàn viên thanh niên thông qua các mô hình, phong trào đạt hiệu quả, như: Cuộc vận động “Cờ hồng nơi biên cương”; “Hành trình theo dấu chân Bác - Hành trình biển đảo quê hương”.

Giáo viên và học sinh Trường Tiểu học Đông Ngũ 2 (huyện Tiên Yên) trong một giờ sinh hoạt Đội Thiếu niên tiền phong Hồ Chí Minh.
Giáo viên và học sinh Trường Tiểu học Đông Ngũ 2 (huyện Tiên Yên) trong một giờ sinh hoạt Đội Thiếu niên tiền phong Hồ Chí Minh.
Đồng chí Nguyễn Phương Thảo, Phó Bí thư Tỉnh Đoàn, cho biết: Thời gian qua, các cấp bộ Đoàn đã đề xuất, tham mưu tổ chức nhiều chương trình, hoạt động nhằm nâng cao năng lực thực hành của thanh thiếu nhi. Từ các cuộc thi phát triển kỹ năng như “Hùng biện tiếng anh”, “Sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng”, “Tin học trẻ”, “Sáng tạo khởi nghiệp”, đến cuộc thi về nghệ thuật như “Họa mi vàng”, trải nghiệm “Học hè quân đội”… đã tạo sân chơi bổ ích, giúp thanh thiếu nhi phát triển toàn diện về đức, trí, thể, mỹ. Giai đoạn 2022-2027, Tỉnh Đoàn dự kiến triển khai thực hiện các Đề án: “Nâng cao năng lực số cho thanh niên Quảng Ninh, giai đoạn 2023-2030”; “Nâng cao năng lực ngoại ngữ, tin học cho thanh thiếu nhi Quảng Ninh, giai đoạn 2023-2030”... Qua đó, tạo điều kiện, cơ hội để thanh thiếu nhi toàn tỉnh tiếp tục học tập, rèn luyện, nâng cao năng lực, kiến thức, kỹ năng toàn diện, sẵn sàng đáp ứng yêu cầu phát triển của tỉnh và xu thế hội nhập quốc tế.
Bên cạnh đó, tỉnh chú trọng giáo dục nghệ thuật, khuyến khích mở các trung tâm, câu lạc bộ dạy và sinh hoạt các loại hình nghệ thuật nhằm nâng cao trình độ, năng lực cảm thụ thẩm mỹ trong nhân dân, nhất là đối tượng trẻ. Tại các địa phương Móng Cái, Bình Liêu, Đông Triều, Quảng Yên, Ba Chẽ một số lớp dạy đàn tính, hát then, hát nhà tơ, hát cửa đình, hát đúm, hát chèo... được tổ chức truyền dạy cho người dân, học sinh. Năm 2019, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã phê duyệt Đề án “Phát hiện tài năng và bồi dưỡng kỹ năng, năng khiếu một số lĩnh vực cho thanh thiếu nhi trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, giai đoạn 2019 - 2025”. Đề án là cơ sở cho công tác đào tạo, bồi dưỡng nhiều thanh, thiếu nhi phát triển năng khiếu một cách toàn diện, bài bản.

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Xuân Ký trao Bằng khen và tiền thưởng 300 triệu đồng cho em Vũ Huy Hoàng, học sinh lớp 12 tin, Trường THPT Chuyên Hạ Long đoạt Huy chương Bạc Olympic Tin học Châu Á – Thái Bình Dương.
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Xuân Ký trao Bằng khen và tiền thưởng 300 triệu đồng cho em Vũ Huy Hoàng, học sinh lớp 12 tin, Trường THPT Chuyên Hạ Long đoạt Huy chương Bạc Olympic Tin học Châu Á – Thái Bình Dương.
Tỉnh cũng hướng đến xây dựng xã hội học tập qua đó góp phần quan trọng nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện đời sống cho nhân dân trong tỉnh. Hội Khuyến học Quảng Ninh đã triển khai, thực hiện tốt phong trào “Gia đình học tập, dòng họ học tập, cộng đồng học tập, đơn vị học tập”. Phong trào “Ba đỡ đầu” được tiếp tục duy trì, phát triển. Tỷ lệ gia đình học tập, dòng họ học tập, cộng đồng học tập, đơn vị học tập được nâng lên theo từng năm. Đồng thời, quan tâm xây dựng môi trường làm việc sáng tạo, tạo điều kiện vật chất và tinh thần để cá nhân phát huy năng lực, sở trường; tạo điều kiện cho học sinh, sinh viên, nhà khoa học phát huy ý tưởng.

5 học sinh Trường THPT Chuyên Hạ Long xuất sắc giành được Huy chương Bạc tại Olympic Phát minh và Sáng chế quốc tế năm 2023. Ảnh: Nhà trường cung cấp
5 học sinh Trường THPT Chuyên Hạ Long xuất sắc giành được Huy chương Bạc tại Olympic Phát minh và Sáng chế quốc tế năm 2023. Ảnh: Nhà trường cung cấp
Bên cạnh đó, việc xây dựng con người Quảng Ninh phát triển về thể chất, cải thiện tầm vóc, thể trạng cũng được quan tâm thông qua các phong trào thể thao quần chúng và thể thao thành tích cao ngày càng phát triển cả về lượng và chất, tạo sự lan tỏa rộng khắp. Đến năm 2022, tỷ lệ số người tập luyện thể dục thể thao thường xuyên trong toàn tỉnh đạt 40,8%. Đặc biệt, hoạt động thể thao thành tích cao của Quảng Ninh gặt hái được nhiều thành công. Trong 3 năm, các vận động viên tỉnh Quảng Ninh tham gia đội tuyển quốc gia thi đấu các giải thể thao quốc tế đoạt 59 huy chương, 350 vận động viên đạt đẳng cấp quốc gia.

Đảng ta luôn xác định xây dựng con người phát triển toàn diện là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu. Bám sát quan điểm đó, trong các định hướng phát triển, Quảng Ninh đặc biệt quan tâm đến phát triển con người. Quan điểm, định hướng phát triển giai đoạn 2020 – 2025 mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh lần thứ XV đã nêu có nhiều nội dung liên quan đến con người. Đó là “phát triển dựa vào nguồn lực bên trong là quyết định, chiến lược, cơ bản, lâu dài và nguồn lực bên ngoài là quan trọng, đột phá; lấy phát triển con người, đảm bảo và cải thiện dân sinh làm mục đích…”; là “chuyển đổi phương thức phát triển từ “nâu” sang “xanh” theo hướng bền vững dựa vào ba trụ cột (thiên nhiên, con người, văn hóa), kết hợp với xu thế hòa bình, hợp tác, hội nhập và cơ hội của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư…”.
Tại Quy hoạch tỉnh Quảng Ninh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 80/QĐ-TTg, quan điểm, định hướng này một lần nữa được nhấn mạnh. Đó là “Phát huy tối đa nhân tố con người, coi con người là trung tâm, chủ thể, nguồn lực quan trọng nhất và mục tiêu của sự phát triển; khơi dậy và phát huy mạnh mẽ giá trị văn hóa, con người Quảng Ninh, truyền thống cách mạng, văn hóa, sự năng động và khát vọng đổi mới, sáng tạo, ý chí tự lực, tự cường, vượt lên mạnh mẽ và bền vững của nhân dân các dân tộc tỉnh Quảng Ninh…”

Người uy tín xã Quảng An (huyện Đầm Hà) tuyên truyền chính sách giảm nghèo tới nhân dân.
Người uy tín xã Quảng An (huyện Đầm Hà) tuyên truyền chính sách giảm nghèo tới nhân dân.
Thực hiện những quan điểm đó, những năm qua, Quảng Ninh luôn coi con người là trung tâm, chủ thể, nguồn lực quan trọng nhất và mục tiêu của sự phát triển. Tỉnh xây dựng mục tiêu: Mọi người dân Quảng Ninh đều được hưởng thành quả phát triển, tăng trưởng bao trùm, không để ai bị bỏ lại phía sau. Đến năm 2022, tỷ lệ hộ nghèo đa chiều của tỉnh giảm xuống còn 0,067% tương ứng 258 hộ (chỉ đứng sau Thành phố Hồ Chí Minh và Bà Rịa - Vũng Tàu), hoàn thành trước 3 năm Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, chuyển sang giai đoạn xây dựng và triển khai theo chuẩn nghèo đa chiều mới của tỉnh cao hơn mức bình quân chung của cả nước theo Nghị quyết số 13/2023/NQ-HĐND ngày 30/3/2023 của HĐND tỉnh.

Một lớp học xóa mù chữ tại huyện Bình Liêu, tỉnh Quảng Ninh.
Một lớp học xóa mù chữ tại huyện Bình Liêu, tỉnh Quảng Ninh.
Từ năm 2018 đến nay, nhiều cơ chế, chính sách liên quan đến xây dựng và phát triển văn hóa, con người đã được tỉnh bổ sung và triển khai hiệu quả. Tổng số chi nguồn ngân sách cho lĩnh vực văn hóa, thể thao giai đoạn 2018-2022 phục vụ cho phát triển văn hóa, thể chất người dân trên địa bàn tỉnh là 4.759 tỷ đồng. Hàng năm, ngân sách chi cho lĩnh vực giáo dục, đào tạo chiếm khoảng 20% tổng chi ngân sách của tỉnh, trong đó, chi thường xuyên cho giáo dục chiếm khoảng 30-35% tổng chi thường xuyên. Tỉnh cũng đặc biệt quan tâm đầu tư nguồn lực thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, chính sách khuyến khích đào tạo, chính sách an sinh xã hội. Toàn tỉnh hiện có 42 cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia đạt 87,81%, đáp ứng tốt chiến lược phát triển nguồn nhân lực trong tình hình mới. Tỉnh đã giữ vững và ngày càng nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục, xóa mù chữ với 100% đơn vị cấp xã đạt chuẩn mức độ 3. Tỷ lệ người lao động qua đào tạo nghề đạt 85% (tăng so 20,5% so với năm 2015).

Phụ nữ TP Hạ Long trình diễn áo dài tại Khu Du lịch và Giải trí Quốc tế Tuần Châu, TP Hạ Long.
Phụ nữ TP Hạ Long trình diễn áo dài tại Khu Du lịch và Giải trí Quốc tế Tuần Châu, TP Hạ Long.

Lễ hội hoa sở ở Bình Liêu thu hút nhiều du khách đến tham quan, ngắm cảnh.
Lễ hội hoa sở ở Bình Liêu thu hút nhiều du khách đến tham quan, ngắm cảnh.
Trong đó, tỉnh đặc biệt quan tâm tới việc giáo dục thế hệ trẻ - những chủ nhân tương lai của đất nước, lực lượng nòng cốt, có vai trò xung kích trong xây dựng, phát triển và bảo vệ Tổ quốc nói chung, tỉnh Quảng Ninh nói riêng. Nhiều giải pháp đã được thực hiện để trang bị cho thế hệ trẻ một bản lĩnh chính trị vững vàng, nền tảng tri thức công nghệ và có lối sống, đạo đức phù hợp với chuẩn mực văn hóa dân tộc, tiếp thu được những tinh hoa của cộng đồng quốc tế.

Sinh viên Trường Đại học Hạ Long học tiếng Anh với giảng viên người nước ngoài.
Sinh viên Trường Đại học Hạ Long học tiếng Anh với giảng viên người nước ngoài.
Công tác giáo dục truyền thống lịch sử và văn hóa cho học sinh được các nhà trường quan tâm, tổ chức các hoạt động trải nghiệm, tìm hiểu, nghiên cứu lịch sử địa phương; tổ chức các hoạt động ngoại khóa, giáo dục trải nghiệm, các buổi giao lưu, tìm hiểu về lịch sử, văn hóa, con người Quảng Ninh giúp các em hiểu hơn về truyền thống cách mạng của quê hương, thêm trân trọng và gìn giữ những giá trị truyền thống tốt đẹp. Tổ chức Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tổ chức các hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa”, các cuộc thi tìm hiểu, thi sáng tác về đề tài lịch sử, đạo đức, lối sống cho thanh thiếu nhi đa dạng về hình thức nhằm tạo sân chơi hấp dẫn, bổ ích, khuyến khích, cổ vũ giới trẻ tham gia, góp phần giáo dục thế hệ trẻ tinh thần yêu nước, tự hào dân tộc, lối sống “chân, thiện, mỹ” cho thế hệ trẻ và ngăn chặn tệ nạn không lành mạnh.

CLB Đầu tư và Khởi nghiệp Hạ Long đào tạo các nội dung về khởi nghiệp sáng tạo. Ảnh: Khánh Đan
CLB Đầu tư và Khởi nghiệp Hạ Long đào tạo các nội dung về khởi nghiệp sáng tạo. Ảnh: Khánh Đan
Cùng với đó, các phong trào khởi nghiệp, phong trào thiện nguyện, xây dựng con người gắn với phong trào thi đua yêu nước được đẩy mạnh. Các cơ quan, đơn vị, địa phương quan tâm hơn đến giáo dục con người toàn diện ngay từ tuổi mầm non, ở từng cấp học; kết hợp dạy chữ, dạy người, dạy kỹ năng sống, giáo dục nghệ thuật, năng lực cảm thụ thẩm mỹ với rèn luyện thể chất, góp phần nâng cao trí tuệ, cải thiện tầm vóc con người Quảng Ninh. Tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, tính tích cực xã hội của nhân dân được phát huy.
Các chuẩn mực tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của con người Quảng Ninh dần được hình thành đưa vào quy ước, hương ước làng, xã; vào quy chế, quy định, nội dung, quy tắc của cơ quan, đơn vị, tổ chức, bước đầu có kết quả tích cực. Nhiều địa phương đã có những cách làm riêng, có những phong trào thiết thực để xây dựng con người Quảng Ninh “Năng động - Sáng tạo - Hào sảng - Lành mạnh - Văn minh - Thân thiện”. Cụ thể như Tiên Yên đẩy mạnh thực hiện phong trào “Người Tiên Yên nói lời hay, làm việc tốt, ứng xử văn minh” gắn với phát triển con người Tiên Yên theo hướng toàn diện, có lối sống tốt đẹp với các đặc trưng “Năng động-sáng tạo-Hào sảng-Lành mạnh-Văn minh-Thân thiện”. Huyện Ba Chẽ giữ gìn và phát huy bền vững giá trị bản sắc văn hóa các dân tộc, các di tích lịch sử văn hóa của địa phương, sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân; xây dựng con người Ba Chẽ với các đặc trưng “Năng động-Sáng tạo-Chân thành-Hào sảng-Lành mạnh-Văn minh-Thân thiện”. TP Cẩm Phả có phong trào "Xây dựng hình ảnh con người Cẩm Phả văn minh, thân thiện, nghĩa tình”. Huyện Đầm Hà xây dựng Đề án xây dựng và phát triển con người Đầm Hà “Đoàn kết, sáng tạo, thân thiện, nghĩa tình”. Huyện Cô Tô triển khai Đề án xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc, bền vững trên địa bàn huyện Cô Tô giai đoạn 2019 - 2020, định hướng đến năm 2025; TX Đông Triều xây dựng “Người Đông Triều văn minh, thân thiện”.

Người dân giao lưu hát Soóng cọ bên ruộng bậc thang giữa xã Đại Dực (Tiên Yên) và xã Húc Động (Bình Liêu) tại Lễ hội Văn hóa, thể thao dân tộc Sán Chỉ - Mùa vàng Soóng cọ năm 2022. Ảnh: Trần Hoàn (CTV)
Người dân giao lưu hát Soóng cọ bên ruộng bậc thang giữa xã Đại Dực (Tiên Yên) và xã Húc Động (Bình Liêu) tại Lễ hội Văn hóa, thể thao dân tộc Sán Chỉ - Mùa vàng Soóng cọ năm 2022. Ảnh: Trần Hoàn (CTV)
Thực tiễn này cho thấy, việc xây dựng con người Quảng Ninh phát triển toàn diện đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đạt kết quả bước đầu tích cực; công tác giáo dục chính trị tư tưởng, thực hiện chỉ thị, nghị quyết của các cấp ủy về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; về ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ đạt hiệu quả. Nhận thức của các cấp ủy, chính quyền, cán bộ, đảng viên đặc biệt là nhân dân và các doanh nghiệp về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của con người trong phát triển kinh tế - xã hội đã có sự chuyển biến rõ rệt. Hầu hết người dân đều nỗ lực học tập, rèn luyện, tu dưỡng xây dựng con người Quảng Ninh Năng động - Sáng tạo - Hào sảng - Lành mạnh - Văn minh - Thân thiện; góp phần thực hiện nhiệm vụ xây dựng Quảng Ninh trở thành tỉnh Hành chính minh bạch - Kinh tế phát triển - Văn hóa đặc sắc - Xã hội văn minh - Nhân dân hạnh phúc.
Ngày đăng: 4/8/2023
Thực hiện: HOÀNG QUỲNH
Trình bày: ĐỖ QUANG