4
18
/
1101097
Thêm động lực - Vững niềm tin
longform
Thêm động lực - Vững niềm tin

Cover

Với sự kiên trì, bền bỉ, linh hoạt, cách làm đổi mới, sáng tạo trong công tác lãnh đạo, điều hành, Quảng Ninh đã lập kỳ tích trong công tác giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, góp phần quan trọng nâng cao chất lượng đời sống nhân dân, thu hẹp khoảng cách giàu, nghèo, chênh lệch vùng, miền trong tỉnh. Kết quả này được các bộ, ngành Trung ương ghi nhận, đánh giá cao; tiếp thêm động lực, vững niềm tin trong cán bộ, đảng viên, nhân dân các dân tộc trên địa bàn tỉnh tin tưởng, kỳ vọng và nêu cao quyết tâm chinh phục những mục tiêu mới.  

Ảnh căn trái

Quảng Ninh có rất nhiều sáng tạo, linh hoạt trong triển khai chương trình xây dựng NTM, giảm nghèo bền vững. Tôi đánh giá cao các cách làm của Quảng Ninh, trong đó là sự vào cuộc tích cực của các cấp ủy, chính quyền, cả hệ thống chính trị một cách đồng bộ quyết liệt. Đặc biệt, Quảng Ninh có nhiều cách làm sáng tạo, triển khai hiệu quả các chính sách của Trung ương cũng như kịp thời ban hành những chính sách riêng có để tạo động lực, khuyến khích người dân, nhất là vùng đồng bào DTTS chung tay xây dựng NTM, thực hiện chương trình giảm nghèo. Đặc biệt, sự chủ động của tỉnh Quảng Ninh trong việc lấy người dân làm chủ thể triển khai các chương trình, nhất là chương trình xây dựng NTM, chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững được đánh giá cao. Khi cấp ủy, chính quyền vào cuộc, quan tâm lợi ích của nhân dân, đã giúp người dân hiểu và tạo đồng thuận tham gia các chương trình, phong trào một cách chủ động, tích cực. Đây là một trong những yếu tố tiên quyết để tạo nên những thành quả đáng mừng của Quảng Ninh trong xây dựng NTM, giảm nghèo, nhất là vùng đồng bào DTTS, biên giới, hải đảo. Để tiếp tục duy trì kết quả đạt được, tỉnh Quảng Ninh cần tiếp tục đề xuất, phối hợp để triển khai, thực hiện bền vững các tiêu chí, chỉ tiêu chương trình xây dựng NTM, giảm nghèo. Trong đó, duy trì kết quả nâng cao thu nhập cho người dân khu vực nông thôn, miền núi, vùng đồng bào DTTS để thu hẹp khoảng cách chênh lệch giữa các vùng miền. Chúc mừng Quảng Ninh đã thành công trên rất nhiều lĩnh vực; là điểm sáng để nhiều địa phương trong nước tham khảo, học tập. Tôi tin tưởng, với quan điểm nhất quán của Quảng Ninh là lấy người dân làm trung tâm và theo đuổi đến cùng mục tiêu vì hạnh phúc của nhân dân, tỉnh Quảng Ninh tiếp tục đạt nhiều thành công. 

Ảnh căn phải

Trước đây, Ba Chẽ được nhắc đến với nhiều cái khó, tỷ lệ hộ nghèo cao, thế nhưng giờ khi nhắc đến Ba Chẽ là nói đến sự đổi thay, nhất là đời sống nhân dân ngày một nâng cao. Kết quả đó có sự quan tâm đặc biệt của Trung ương, của tỉnh dành rất nhiều nguồn lực đầu tư, hiện thực hóa các chính sách thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội từng bước thay đổi căn bản diện mạo miền núi, vùng đồng bào DTTS, nâng cao đời sống nhân dân.

Thời gian qua, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Ba Chẽ thường xuyên đề cập và đưa vào nghị quyết nội dung giảm nghèo để tập trung lãnh đạo triển khai. Đặc biệt, đối với những xã còn những khó khăn, huyện chỉ đạo phải đưa giải pháp, chỉ tiêu và mục tiêu cụ thể trong công tác giảm nghèo gắn với triển khai chương trình, phong trào thi đua, chiến lược giảm nghèo bền vững vùng đồng bào DTTS, từ đó huy động sự tham gia tích cực của các tổ chức; sự chủ động, ý thức mong muốn vươn lên thoát nghèo của người dân. Huyện cũng lồng ghép hiệu quả các nguồn vốn ngân sách Trung ương, vốn các chương trình mục tiêu quốc gia trong xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội có trọng tâm, trọng điểm. Đồng thời, bám sát các nhóm giải pháp trước mắt cũng như lâu dài, hỗ trợ người dân, nhất là thanh niên DTTS đi đào tạo nghề và giới thiệu làm việc trong các KCN, CCN trên địa bàn. Phát huy lợi thế địa phương, Ba Chẽ cũng đã triển khai kịp thời các chính sách, nhất là phát triển lâm nghiệp với chủ trương trồng rừng gỗ lớn hỗ trợ kết hợp mở rộng chăn nuôi để lấy ngắn nuôi dài, đảm bảo thu nhập ổn định thường xuyên cũng như lâu dài cho người dân; giải quyết dứt điểm nhu cầu cấp thiết về nhà ở, đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt; sắp xếp ổn định, định canh, định cư trong vùng đồng bào DTTS… Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và tinh thần tự lực của người dân, năm 2023 thu nhập bình quân đầu người của huyện đạt 72 triệu đồng/người. Huyện không còn hộ nghèo theo tiêu chí chuẩn nghèo của Trung ương và theo tiêu chí nghèo đa chiều của tỉnh thì còn 8 hộ nghèo, 33 hộ cận nghèo… Năm 2024, huyện tiếp tục chỉ đạo triển khai tốt Chương trình tổng thể DTTS, giảm nghèo bền vững đến năm 2025, trong đó quan tâm các chính sách ưu đãi hỗ trợ phát triển sản xuất, chính sách tín dụng ưu đãi, tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân tham gia phát triển kinh tế, giải quyết việc làm, tạo sinh kế lâu dài và tăng thu nhập cho nhân dân, giảm nghèo bền vững. Địa phương phấn đấu không còn hộ nghèo và giảm 50% hộ cận nghèo so với năm 2023 theo chuẩn nghèo đa chiều của tỉnh; thu nhập bình quân đầu người năm 2024 đạt tối thiểu 80 triệu đồng...

Ảnh với chú thích
Cán bộ phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Ba Chẽ kiểm tra một mô hình nông nghiệp được vay vốn trên địa bàn.

Ảnh căn trái

Việc nhìn nhận rõ những khó khăn, thách thức và những vấn đề đặt ra trong công tác dân tộc, đặc biệt là giảm nghèo vùng đồng bào DTTS, biên giới, hải đảo của tỉnh, đã giúp Quảng Ninh giải quyết tốt, hiệu quả chính sách bảo đảm đời sống, an sinh xã hội. Với quan điểm ngày càng nâng cao chất lượng đời sống nhân dân, nâng cao chỉ số hạnh phúc trong toàn dân, nhất là đối với nhân dân vùng DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo, thời gian qua các cấp uỷ từ tỉnh đến cơ sở luôn xác định công tác dân tộc là vấn đề chiến lược cơ bản, lâu dài, cấp bách; là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, của hệ thống chính trị. Theo đó, nhiều đề án, chính sách đã triển khai thông qua hệ thống văn bản chỉ đạo của Trung ương và của tỉnh, được bố trí nguồn kinh phí kịp thời để triển khai thực hiện các nhiệm vụ đề ra. Đời sống vật chất, tinh thần vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo của tỉnh cải thiện rõ rệt. Đến hết năm 2023, Quảng Ninh không còn hộ nghèo theo chuẩn nghèo của Trung ương. Tỉnh đã xin chủ trương ban hành Nghị quyết số 13/2023/NQ-HĐND (ngày 30/3/2023), nâng chuẩn nghèo và cận nghèo của tỉnh lên gấp 1,4 lần chuẩn nghèo của Trung ương. So với các tỉnh có vùng đồng bào DTTS, miền núi, một số chỉ tiêu nhiệm vụ ở Quảng Ninh trong thực hiện công tác dân tộc vượt định mức dự kiến và về đích trước lộ trình theo các chương trình, đề án, chính sách mà bộ, ngành Trung ương đặt ra. Đến nay, còn 246 hộ nghèo theo quy định chuẩn nghèo đa chiều của tỉnh, chiếm tỷ lệ 0,064% tổng số hộ dân toàn tỉnh, trong đó 171 hộ nghèo DTTS; có 3.063 hộ cận nghèo, chiếm tỷ lệ 0,797% tổng số hộ dân toàn tỉnh, trong đó 1.638 hộ cận nghèo DTTS. 

Trước yêu cầu thực tiễn khách quan phát triển chung của toàn xã hội và của Quảng Ninh, tỉnh nhìn nhận công tác dân tộc, thực hiện các chính sách dân tộc tại Quảng Ninh vẫn còn những khó khăn nhất định. Ban Dân tộc tỉnh tiếp tục chủ động phối hợp các sở, ngành, địa phương tham mưu UBND tỉnh xây dựng, triển khai một số đề án cụ thể hóa chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS, miền núi trên các lĩnh vực; triển khai các mô hình, dự án phát triển sản xuất, nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư, phát triển du lịch và kinh tế biên mậu vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo. Đồng thời, phối hợp Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, các sở, ngành và địa phương triển khai hiệu quả Nghị quyết số 19-NQ/TU (ngày 28/11/2019) của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về phát triển lâm nghiệp bền vững, nhất là thực hiện mục tiêu trồng cây gỗ lớn, mở rộng quy hoạch phát triển rừng tự nhiên, rừng đầu nguồn; cụ thể hóa và thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp trên địa bàn các xã, thôn, bản vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo. Tập trung ưu tiên hỗ trợ đối với địa bàn các xã, thôn mới hoàn thành Chương trình 135, ra khỏi diện ĐBKK…

Ảnh căn phải

Tôi đã từng đến nhiều khu vực miền núi, biên giới của tỉnh từ nhiều năm trước, nay trở lại, thực sự cảm nhận được mọi thứ khác hẳn so trước đây. Những thôn, bản đúng nghĩa là vùng cao, vùng sâu, vùng xa, vùng khó trước đây nay đã đổi thay nhiều. Điều dễ nhận thấy nhất là giao thông thuận tiện. Thay vì đường đất gồ ghề, thì nay đường được trải bê tông phẳng rộng về tận thôn, bản. Những nơi từng là hẻo lánh, nay sôi động hơn, đông du khách từ nhiều nơi đến bởi ở nhiều địa phương đã phát triển mạnh về du lịch, nhất là du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng, tâm linh. Rất thú vị cho du khách khi được thưởng ngoạn vẻ đẹp thiên nhiên, bản sắc văn hóa dân tộc sau những ngày làm việc áp lực… Những kết quả này không dễ gì mà có được mà phải là chiến lược lâu dài, bền bỉ cũng như tâm huyết, trách nhiệm của các thế hệ lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh đã kiên trì thực hiện công tác giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội vùng khó.  Tôi thực sự phấn khởi, khi năm 2023 Quảng Ninh đã đạt rất nhiều thành tích trên các mặt công tác, nhất là công tác giảm nghèo, phát triển kinh tế vùng sâu, vùng xa. Đặc biệt, kỷ niệm 60 năm Ngày thành lập tỉnh đã có rất nhiều công trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội, như giáo dục, y tế, giao thông... được đầu tư đưa vào sử dụng, tạo bước thay đổi lớn về diện mạo mỗi vùng cũng như thay đổi đời sống nhân dân. Đối với huyện Vân Đồn, tôi từng chứng kiến những khó khăn, thiếu thốn từ nơi đây còn là huyện đảo cách biệt với đất liền. Được sự quan tâm của cấp trên, những cây cầu hình thành đã đưa bà con Vân Đồn đến gần hơn, nhanh hơn với các vùng lân cận. Và những xã đảo của Vân Đồn, vốn giao thông cách trở, nay có nhiều tuyến tàu cao tốc đưa người dân, du khách, vận chuyển hàng hóa thuận tiện ra xã đảo; người dân đảo ngày càng yên tâm bám biển, bám đảo làm ăn sinh sống và giữ biển. Tôi tin tưởng, kỳ vọng vào những chính sách mới của tỉnh dành cho vùng biên giới, hải đảo, vùng đồng bào DTTS. Tôi cũng mong tỉnh sớm đẩy nhanh tiến độ thi công tỉnh lộ 334, tiếp tục hoàn thiện hạ tầng giao thông các xã đảo; xây dựng nhiều vùng sản xuất tập trung để phát huy hiệu quả.   

Ảnh với chú thích
Đường trục chính trung tâm Khu đô thị Cái Rồng (huyện Vân Đồn).

Ảnh căn trái

Trước đây huyện Bình Liêu nghèo lắm. Giao thông đi lại giữa các xã đã rất khó khăn chứ chưa nói đến đi vào các thôn, bản. Hiếm hoi lắm mới có nhà mua được xe đạp, nên nhiều trẻ em bỏ học dở chừng; nhiều bố mẹ cũng không quan tâm đến học hành hay lên lớp của con em. Cán bộ xã và giáo viên phải vất vả đi vận động trẻ đến trường. Trước đây, việc mua bán, trao đổi hàng hóa từ trồng cấy của bà con cũng ít, chủ yếu bà con làm gì, chăn nuôi hay trồng gì ăn nấy. Nhưng nhiều năm trở lại đây, Bình Liêu đông người nơi khác đến, nhộp nhịp hơn, mua bán trao đổi hàng hóa sôi động hơn, người dân đi phiên chợ có thể lựa chọn nhiều hàng hóa, nhất là sản phẩm của địa phương làm ra được các ngành chức năng chứng nhận là sản phẩm sạch, sản phẩm chất lượng như miến dong, sản phầm làm từ hồi, quế... Giờ đây giao thông rất thuận tiện. Bà con khác thôn, bản khi nhà có việc chỉ cần ới nhau điện thoại là có thể chạy sang giúp đỡ nhau mà không hề vất vả như trước đây. Được cán bộ xã, các bạn trẻ quan tâm hướng dẫn nên bà con nắm bắt được thông tin về sinh hoạt, cuộc sống cũng như chủ trương của Đảng nhanh chóng qua điện thoại thông minh.

 Ở huyện Bình Liêu hiện nay có nhiều công trình khang trang mới đưa vào sử dụng, như trường học, điện, nước, sóng di động... đưa về tận thôn, bản. Thôn Kéo Chảng, đã có nhiều nhà được vay vốn ưu đãi để mở rộng chăn nuôi trâu, bò, lợn gà, trồng rừng, trồng dược liệu; nhiều hộ được giao đất, giao rừng để quản lý và phát huy hiệu quả. Bà con cũng rất có ý thức làm ăn, bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường... Gia đình tôi từ hộ rất khó khăn, thiếu ăn, được vay vốn nay đầu tư trồng rừng và chăn nuôi thêm gà, lợn nên nguồn thu cũng đảm bảo và giờ hết nghèo rồi. Bà con chúng tôi vẫn bảo nhau phải chăm chỉ làm ăn để nâng cao mức sống và tích cực tham gia các phong trào để xây dựng huyện Bình Liêu phát triển.

Ảnh với chú thích
Chương trình nghệ thuật khai Hội hoa Sở năm 2023 của huyện Bình Liêu

Ảnh căn phải

Khoảng hơn chục năm về trước, người dân Cô Tô muốn vào đất liền đều cảm thấy ái ngại, huyện đảo bị cách trở bởi giao thông đi lại khó khăn; các chuyến tàu ra, vào đảo rất ít. Nhiều khi người dân ốm đau cần chuyển tuyến cũng vất vả chờ đợi tàu. Một thời gian dài, huyện không có điện lưới quốc gia, không nước ngọt khiến cuộc sống cũng như sản xuất của bà con gặp nhiều khó khăn. Mặc dù có lợi thế thiên nhiên, nhưng không có điều kiện để thúc đẩy, phát huy thế mạnh. Nhưng đó là câu chuyện của trước đây. Những năm qua, với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và của tỉnh, đã có nhiều chủ trương, chính sách phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống, thu nhập cho nhân dân khu vực biển đảo. Cô Tô cũng như nhiều vùng khó trong tỉnh được quan tâm đầu tư về giao thông, nhất là cảng biển, đường xuyên đảo, y tế, trường học, điện lưới, hồ chứa nước ngọt… Cuộc sống bà con nơi đây được đổi đời và vô cùng phấn khởi trước sự quan tâm của các cấp ủy, chính quyền. Cô Tô cũng đã đón nhiều đoàn công tác của Trung ương, của tỉnh đến động viên thăm hỏi nhân dân huyện đảo và có những chỉ đạo sát sao, giúp Cô Tô có những đường hướng phát triển mới. 

Những năm gần đây, Cô Tô phát triển mạnh lĩnh vực du lịch dịch vụ, nhất là du lịch sinh thái biển đảo. Cô Tô còn có một hệ thống di tích, danh thắng văn hoá độc đáo trải dài khắp các đảo Cô Tô lớn, Cô Tô con, đảo Thanh Lân, như: Di tích khu lưu niệm Bác Hồ trên đảo Cô Tô, bãi đá Móng Rồng, ngọn hải đăng cùng các giá trị văn hoá bản địa… nên đã thu hút đông đảo du khách đến tham quan. Với nhiều chính sách ưu đãi, người dân Cô Tô mạnh dạn vay vốn đầu tư phương tiện chở khách tham quan quanh đảo; đầu tư nhà hàng, khách sạn; xây dựng các mô hình du lịch mới hấp dẫn; chủ động trong nuôi trồng, đánh bắt hải sản… Cuộc sống người dân Cô Tô đã nân lên nhiều, yên tâm bám biển, bám đảo. Hơn nữa mọi người đều nâng cao trách nhiệm chung tay gìn giữ, bảo vệ tài nguyên, môi trường; bảo vệ chủ quyền biển đảo tiền tiêu của Tổ quốc. 

Qua theo dõi các phương tiện thông tin đại chúng, không riêng Cô Tô mà nhiều vùng miền, nhất là khu vực miền núi, biên giới, vùng đồng bào DTTS của tỉnh đã thay đổi từng ngày. Điều đó có được là nhờ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, sự sáng tạo của tỉnh Quảng Ninh trong triển khai các chương trình hướng về vùng khó. Giờ đây, Cô Tô không còn xa với đất liền; các vùng – miền trong tỉnh cũng đang gần nhau hơn.

Nguyễn Huế

Trình bày: Tất Đạt

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu