
Bối cảnh kỷ nguyên số dẫn tới sự thay đổi mạnh mẽ trên tất cả các lĩnh vực. Trong đó, đối với báo chí là thay đổi về công nghệ làm báo, thay đổi hành vi của độc giả, khán, thính giả... Vì vậy, báo chí đa nền tảng, đa phương tiện, báo chí di động, báo chí sáng tạo... là những xu hướng trên báo chí số mà các cơ quan, đơn vị báo chí trên địa bàn tỉnh đã, đang theo đuổi để bắt nhịp với cuộc cách mạng công nghệ trong truyền thông của thế giới. Qua đó vừa không ngừng đáp ứng nhu cầu thông tin nhanh chóng, kịp thời, chính xác tới công chúng vừa góp phần xây dựng nền báo chí chuyên nghiệp, nhân văn, hiện đại.

Chuyển đổi số báo chí là một quá trình khó khăn và đầy thách thức, nhưng cũng là xu hướng tất yếu để báo chí phát triển trong kỷ nguyên số hiện nay. Không nằm ngoài xu thế đó, thời gian qua, báo chí Quảng Ninh đã đẩy mạnh chuyển đổi số trong hoạt động chuyên môn nghiệp vụ; thay đổi phương thức vận hành, quản lý; áp dụng công nghệ vào quy trình sản xuất… Qua đó, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động, đưa thông tin đến gần hơn, nhanh hơn, hấp dẫn hơn tới độc giả, khán thính giả.

Đồng chí Nguyễn Thị Hạnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh trò chuyện với các thế hệ những người làm báo Quảng Ninh tại lễ kỷ niệm 99 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam 21/6 (1925-2024).
Đồng chí Nguyễn Thị Hạnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh trò chuyện với các thế hệ những người làm báo Quảng Ninh tại lễ kỷ niệm 99 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam 21/6 (1925-2024).
Xây dựng đội ngũ phóng viên 4.0

Xác định chuyển đổi số báo chí đòi hỏi cần có một đội ngũ nhân lực không chỉ là kỹ thuật viên mà cả phóng viên, biên tập viên đều phải thành thạo các ứng dụng, phần mềm, kỹ năng công nghệ. Do đó, thời gian qua, các cơ quan báo chí trên địa bàn tỉnh đã tập trung ưu tiên cho việc phát triển nguồn nhân lực chuyên trách công nghệ thông tin.
Đối với đội ngũ phóng viên, biên tập viên, kỹ thuật viên, tiếp tục được Hội Nhà báo tỉnh Quảng Ninh, đơn vị công tác quan tâm tổ chức đào tạo, nâng cao nhận thức, kỹ năng về chuyển đổi số báo chí, sản xuất nội dung theo xu hướng báo chí số, vận hành và sử dụng thành thạo các phần mềm ứng dụng trong công việc...

Phóng viên Trung tâm Truyền thông tỉnh tác nghiệp bên lề SEA Games 31 tổ chức tại Quảng Ninh năm 2022.
Phóng viên Trung tâm Truyền thông tỉnh tác nghiệp bên lề SEA Games 31 tổ chức tại Quảng Ninh năm 2022.
Theo nhà báo Đỗ Ngọc Hà, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo tỉnh, trong dòng chảy thông tin ngày càng hiện đại, các cơ quan báo chí Quảng Ninh đã và đang ngày càng đổi mới, sáng tạo, sử dụng nền tảng công nghệ mới, để chuyển tải thông tin chính xác, tin cậy, có tính định hướng cao đến công chúng. Để đáp ứng yêu cầu này, Hội Nhà báo tỉnh thường xuyên thông tin về các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ do trung ương và các cơ quan báo chí, các Hội Nhà báo tỉnh bạn tổ chức để hội viên đăng ký tham gia. Đặc biệt, thông qua các nhóm zalo “Tập huấn - Hội Nhà báo tỉnh”, “Báo chí Quảng Ninh” và qua nhóm, fanpage “Hội Nhà báo Quảng Ninh”, Hội Nhà báo tỉnh đã chia sẻ các tài liệu nghiệp vụ báo chí, tham luận tại các hội thảo, toạ đàm được livestream trên mạng xã hội, trên báo chí để hội viên tham gia và nghiên cứu; chia sẻ về các tác phẩm báo chí chất lượng cao và các tác phẩm được “nhặt sạn” để các nhà báo - hội viên cùng rút kinh nghiệm. Qua đó, góp phần đẩy mạnh đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ đội ngũ những người làm báo, đáp ứng được các yêu cầu nhanh nhạy, kịp thời trong thời đại công nghệ 4.0 hiện nay.
Phóng viên Hoàng Trường Giang (Phòng Chuyên đề, Trung tâm Truyền thông tỉnh) chia sẻ: Với hạ tầng công nghệ được xây dựng tương đối đồng bộ và hiện đại, việc làm hậu kỳ của phóng viên, biên tập viên được thực hiện khá dễ dàng. Các hệ thống dựng phim, tòa soạn điện tử hay dữ liệu dùng chung đều kết nối trực tuyến, liên thông với nhau, rất thuận lợi để hoàn thành nhanh các tác phẩm báo chí đa phương tiện, đẩy lên các hạ tầng số phục vụ khán giả. Các phóng viên có thể thỏa sức sáng tạo các tác phẩm báo chí đa phương tiện, như infographic, megastory, emagazine, longform... từ đó tiếp cận gần hơn với độc giả, chuyển tải thông tin một cách mới mẻ, chính xác và hấp dẫn nhất.

Phóng viên Hoàng Cường, Cơ quan thường trú Đài Tiếng nói Việt Nam khu vực Đông Bắc sản xuất bản tin tiếng dân tộc.
Phóng viên Hoàng Cường, Cơ quan thường trú Đài Tiếng nói Việt Nam khu vực Đông Bắc sản xuất bản tin tiếng dân tộc.
Tại Cơ quan thường trú Đài Tiếng nói Việt Nam khu vực Đông Bắc, đội ngũ phóng viên, biên tập viên cũng nhanh nhạy, chủ động ứng dụng chuyển đổi số trong tổ chức sản xuất. Phóng viên Hoàng Cường, chia sẻ: Bắt nhịp xu hướng báo chí 4.0 là yêu cầu bắt buộc đối với mỗi phóng viên. Đó không chỉ là nhiệm vụ cơ quan giao phó mà còn là trách nhiệm của mỗi phóng viên để nâng cao nghiệp vụ và chất lượng tác phẩm báo chí của mình. Ngoài sản xuất truyền thống đưa file MP3 lên phát sóng trên kênh sóng Đài Tiếng nói Việt Nam, tôi chủ động dựng thêm các video chương trình, bài viết... để đăng tải lên fanpage "Tiếng Tày - Nùng Đài Tiếng nói Việt Nam” lan tỏa sâu rộng hơn tới độc giả, thính giả.
Chủ động bước vào kỷ nguyên báo chí số

Thực hiện chuyển đổi số báo chí, các cơ quan báo chí trên địa bàn tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp. Hoạt động theo mô hình “Tòa soạn hội tụ đa phương tiện, phân phối đa nền tảng”, ngay từ khi thành lập, Trung tâm Truyền thông tỉnh (QMG) đã xây dựng và vận hành hệ thống dữ liệu dùng chung để phục vụ các hoạt động sản xuất hằng ngày, trong ngắn hạn và hệ thống lưu trữ dữ liệu... Hệ thống dữ liệu dùng chung gồm 2 hệ thống lưu trữ online với tổng dung lượng là 192TB, đảm bảo tốc độ truy cập dữ liệu cao, kết nối truy xuất dữ liệu lớn.

Cử tri trong tỉnh cùng tham gia chất vấn trực tuyến lãnh đạo các sở, ngành tại Kỳ họp thứ 14, HĐND tỉnh khóa XIV.
Cử tri trong tỉnh cùng tham gia chất vấn trực tuyến lãnh đạo các sở, ngành tại Kỳ họp thứ 14, HĐND tỉnh khóa XIV.
Báo Quảng Ninh điện tử cũng đồng bộ với tổng khống chế phát sóng các chương trình phát thanh, truyền hình, do đó, bộ phận sản xuất nội dung số có thể dễ dàng khai thác dữ liệu dùng chung, biên tập, sản xuất các nội dung phù hợp với nền tảng OTT và mạng xã hội. Hệ thống lưu trữ của QMG hiện dùng 100 băng từ LTO7, tương đương dung lượng là 600TB, bảo quản tư liệu gốc dưới dạng số hóa, có khả năng bảo quản tư liệu an toàn trong thời gian dài lên tới trên 30 năm. Với hệ thống này, QMG đang từng bước số hoá toàn bộ dữ liệu, từ đó, xây dựng kho dữ liệu báo chí về các ngành, lĩnh vực của Quảng Ninh.
Ngoài ra, QMG cũng đầu tư ứng dụng các phần mềm quản trị nội dung dùng được trên thiết bị di động thông minh, đồng thời ứng dụng tác nghiệp từ xa qua Zoom, Zalo, Remote Destop, FTP...
Năm 2021, QMG đã triển khai Dự án nâng cấp báo Quảng Ninh điện tử và xây dựng ứng dụng Quảng Ninh Media trên nền tảng OTT. Báo Quảng Ninh điện tử trên nền tảng CMS mới được tích hợp các tính năng phát thanh, truyền hình trực tuyến; phiên bản mobile được thiết kế tối ưu hóa giao diện hiển thị, phù hợp với thao tác chạm tay trên mọi thiết bị thông minh như smartphone, tablet. Phần mềm mới tích hợp công nghệ giọng nói AI giúp độc giả có thể nghe các bài viết mọi lúc, mọi nơi.
App Quảng Ninh Media trên nền tảng OTT dành cho các thiết bị di động thông minh hỗ trợ xem truyền hình trực tuyến, nghe radio và đọc báo hoàn toàn miễn phí với nhiều tiện ích, đồng thời giúp người dùng thiết lập kho video, tin tức của riêng mình. Đến thời điểm này, app Quang Ninh Media đã có trên 14.000 người dùng.

Kỹ thuật viên Trung tâm Truyền thông tỉnh thực hiện số hóa tư liệu video từ các băng hình analog thành dữ liệu số để lưu trữ và sử dụng cho hoạt động báo chí truyền thông.
Kỹ thuật viên Trung tâm Truyền thông tỉnh thực hiện số hóa tư liệu video từ các băng hình analog thành dữ liệu số để lưu trữ và sử dụng cho hoạt động báo chí truyền thông.
Năm 2022, QMG tiếp tục ra mắt Podcast Quảng Ninh thông qua ứng dụng Spotify trên cả hệ điều hành iOS và hệ điều hành Android, hoặc nghe trực tiếp trên website: www.baoquangninh.vn, mở rộng cách thức tiếp cận người sử dụng, nhất là thính giả trẻ tuổi ưa thích các nền tảng công nghệ số. Năm 2023, QMG hợp tác với Công ty CP Tổng Công ty Truyền hình cáp Việt Nam, Công ty CP Truyền thông ON+, đưa tin tức, các chương trình truyền hình, MV ca nhạc, phim... lên nền tảng ứng dụng Onlala.
Triển khai Quyết định số 348/QĐ-Ttg ngày 6/4/2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược chuyển đổi số báo chí đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 và các kế hoạch của tỉnh, QMG đã xây dựng Chương trình chuyển đổi số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Biên tập viên Phòng Biên tập phát thanh, Trung tâm Truyền thông tỉnh, thực hiện chương trình phát thanh trực tiếp "Chuyện cùng bác sĩ".
Biên tập viên Phòng Biên tập phát thanh, Trung tâm Truyền thông tỉnh, thực hiện chương trình phát thanh trực tiếp "Chuyện cùng bác sĩ".
Theo đó, QMG sẽ từng bước tự động hóa trong một số quy trình, ứng dụng robot, các phần mềm trí tuệ nhân tạo (AI) trong phân tích, xử lý số liệu. Tăng cường thực hiện các tác phẩm báo chí dữ liệu, báo chí thị giác, Mega story, infographic, timeline, ảnh 360 độ, video 360 độ... để thu hút độc giả, khán thính giả. Cùng với đó, QMG tiếp tục xây dựng những nội dung phù hợp phát hành ở các nền tảng số khác nhau; tăng cường ứng dụng trí tuệ nhân tạo giúp truyền tải thông điệp được cá nhân hóa đến từng bạn đọc với nhu cầu khác nhau. Đồng thời, từng bước triển khai các nội dung báo chí trải nghiệm được cá nhân hóa để tiến tới triển khai thu phí nhằm tối đa hóa nguồn thu; tiếp tục ứng dụng những thành tựu đạt được trong lĩnh vực KHCN để tự động hóa quy trình sản xuất nội dung, từ đó thúc đẩy quá trình sản xuất nội dung hiệu quả.

Hoà mình vào dòng chảy không ngừng của thông tin, bắt kịp với xu hướng của báo chí cả nước và thế giới, báo chí Quảng Ninh những năm gần đây đã và đang thích ứng mạnh mẽ với kỷ nguyên 4.0. Qua đó, cùng với việc tiếp tục khẳng định vai trò, vị thế của mình, báo chí Quảng Ninh cũng đồng thời đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của công chúng.
Nhân kỷ niệm 99 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam 21/6 (1925-2024), đồng chí Bùi Thị Thu Hương, Phó Giám đốc, Phó Tổng Biên tập Trung tâm Truyền thông tỉnh, Phó Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh, đã có những trao đổi, chia sẻ xung quanh câu chuyện chuyển đổi số của báo chí Quảng Ninh.


- Chuyển đổi số báo chí đang là nhiệm vụ bắt buộc đối với tất cả các cơ quan báo chí, vậy đối với Trung tâm Truyền thông tỉnh Quảng Ninh việc thực hiện chuyển đổi số đang diễn ra như thế nào, thưa đồng chí?
+ Ngày 3/6/2020, Chính phủ đã ban hành Quyết định số 749/QĐ-TTg phê duyệt "Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030" hướng đến mục tiêu kép là vừa phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, vừa hình thành các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam có năng lực cạnh tranh toàn cầu. Ngày 6/4/2023, Chính phủ ban hành Quyết định số 348/QĐ-TTg về Phê duyệt Chiến lược chuyển đổi số báo chí đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Tỉnh Quảng Ninh có Nghị quyết 09-NQ/TU ngày 5/2/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ về Chuyển đổi số toàn diện tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Trung tâm Truyền thông Quảng Ninh ra mắt Báo Quảng Ninh điện tử phiên bản mới, ứng dụng Quảng Ninh Media trên nền tảng OTT và bộ nhận diện thương hiệu với hình ảnh logo QMG (ngày 21/6/2021). Ảnh: Minh Hà
Trung tâm Truyền thông Quảng Ninh ra mắt Báo Quảng Ninh điện tử phiên bản mới, ứng dụng Quảng Ninh Media trên nền tảng OTT và bộ nhận diện thương hiệu với hình ảnh logo QMG (ngày 21/6/2021). Ảnh: Minh Hà
Thực hiện các Quyết định của Chính phủ, Nghị quyết của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Trung tâm Truyền thông tỉnh với tâm thế “đi trước, đón đầu” trong khai thác cơ hội số, triển khai ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin trong các khâu hoạt động để tạo ra sự bứt phá trong cuộc cách mạng công nghệ 4.0. Mỗi cán bộ, phóng viên, biên tập viên, nhân viên của Trung tâm đều nhận thức sâu sắc được con đường bắt buộc phải đi để trở thành cơ quan báo chí đa phương tiện chủ lực của tỉnh Quảng Ninh, đó là phải biết tận dụng tối đa cơ hội để phát triển các nền tảng số, tác nghiệp số, sản phẩm báo chí số.
Chính vì vậy đến nay, các phóng viên phần lớn đã chủ động tác nghiệp đa phương tiện, đa nền tảng, làm chủ được công nghệ trong tổ chức sản xuất và truyền thông, sẵn sàng phục vụ công chúng mọi lúc, mọi nơi, trên mọi thiết bị, theo nhu cầu tiếp nhận thông tin của công chúng. Chúng tôi có một hệ thống dữ liệu dùng chung được xây dựng trong suốt 5 năm qua, hình thành được kho dữ liệu Bigdata với các trường thông tin được xác lập đầy đủ đã cơ bản đáp ứng được yêu cầu phục vụ cho hoạt động sản xuất, phân phối thông tin.
Hiện nay, chúng tôi đang hoàn thiện Kế hoạch chuyển đổi số toàn diện của Trung tâm đến năm 2030, với mục tiêu đổi mới và phát triển theo mô hình “cơ quan báo chí - công nghệ”; cơ cấu hoạt động như một cơ quan sản xuất và phân phối nội dung đa nền tảng, đa phương tiện; quy trình sản xuất thông tin theo phương thức tích hợp, tổ chức nội dung thống nhất (bao gồm cả định hướng về mặt chính trị) nhưng cách thức thể hiện linh hoạt và phù hợp với từng nền tảng, từng nhóm đối tượng.

Trung tâm Truyền thông tỉnh khánh thành và đưa vào khai thác công trình Đầu tư nâng cấp hệ thống thiết bị sản xuất chương trình và truyền dẫn phát sóng phát thanh, tháng 9/2020. Ảnh: Đỗ Phương
Trung tâm Truyền thông tỉnh khánh thành và đưa vào khai thác công trình Đầu tư nâng cấp hệ thống thiết bị sản xuất chương trình và truyền dẫn phát sóng phát thanh, tháng 9/2020. Ảnh: Đỗ Phương
- Ban Thường vụ Tỉnh uỷ có Nghị quyết số 09 về Chuyển đổi số toàn diện tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, vậy với cơ quan báo chí chủ lực của tỉnh, Trung tâm Truyền thông tham gia vào quá trình thực hiện Nghị quyết 09 thế nào?
+ Tỉnh Quảng Ninh đặt mục tiêu trở thành mô hình mẫu về chuyển đổi số toàn diện cấp tỉnh, điều đó đặt ra yêu cầu, nhiệm vụ đối với mỗi cơ quan, đơn vị trong hệ thống chính trị của tỉnh phải quyết tâm, quyết liệt, nhanh chóng xây dựng, hình thành được nguồn tài nguyên mới đó là dữ liệu số mở, đảm bảo sống, sạch, đầy đủ, chính xác, phù hợp với điều kiện tự nhiên, kinh tế, xã hội, con người, bản sắc văn hoá Quảng Ninh và phải được liên thông, đồng bộ, chia sẻ trong hệ thống chính trị, hướng đến phục vụ lợi ích của nhân dân, doanh nghiệp theo đúng quy định của pháp luật, góp phần thúc đẩy mạnh mẽ kinh tế của tỉnh. Tham gia vào quá trình thực hiện chuyển đổi số toàn diện của tỉnh, trên lĩnh vực chuyên môn, nghiệp vụ báo chí, Trung tâm đã và đang rất quyết liệt trong thực hiện số hoá tất cả các khâu tổ chức sản xuất, thông tin, phân phối thông tin đảm bảo người dân có thể tiếp cận thông tin về tỉnh Quảng Ninh trên mọi nền tảng, mọi thời điểm và mọi nơi.
Đặc biệt tham gia vào việc xây dựng xã hội số an toàn, nhân văn dựa trên ba trụ cột thiên nhiên - văn hoá - con người, Trung tâm Truyền thông tỉnh đang tích cực thực hiện số hoá các di tích, danh lam, thắng cảnh, các công trình văn hoá của tỉnh đã được xếp hạng. Việc số hoá này không chỉ đơn giản là gắn mã QR cho di tích mà bằng chính các sản phẩm báo chí truyền thông, chúng tôi tạo ra các trường thông tin sinh động, đầy đủ hơn bằng cả hình ảnh động, tĩnh, âm thanh, chỉ dẫn địa lý, các đồ hoạ… Kết quả của số hoá này là các di tích, danh lam thắng cảnh, di sản của Quảng Ninh được lan toả trên toàn cầu dựa trên công nghệ.


Đội ngũ kỹ thuật viên, phóng viên Trung tâm Truyền thông tỉnh thường xuyên được đào tạo nâng cao trình độ, nghiệp vụ đáp ứng yêu cầu đổi mới.
Đội ngũ kỹ thuật viên, phóng viên Trung tâm Truyền thông tỉnh thường xuyên được đào tạo nâng cao trình độ, nghiệp vụ đáp ứng yêu cầu đổi mới.
- Chuyển đổi số báo chí là một con đường dài và khó khăn chắc là cũng không ít?
+ Đúng vậy, đây không chỉ là một chặng đường dài mà còn là chặng đường không dễ dàng. Khó khăn đầu tiên phải kể đến là cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật. Các hệ thống thiết bị kỹ thuật của Trung tâm Truyền thông tỉnh được đầu tư qua nhiều dự án và giai đoạn với thời gian khác nhau, do đó các chuẩn kết nối, tính đồng bộ của hệ thống chưa được cao, một số có tốc độ xử lý chậm, đòi hỏi phải sửa chữa, nâng cấp… Qua 5 năm hợp nhất, nơi làm việc của Trung tâm còn phân tán, dàn trải, vì vậy chúng tôi mong muốn đẩy nhanh tiến độ xây dựng trụ sở làm việc mới đồng bộ, hiện đại, hoàn thành theo đúng lộ trình tỉnh đặt ra vào năm 2025.
Quan trọng nữa là đội ngũ hoạt động báo chí. Trung tâm đang cần một đội ngũ cán bộ chuyên trách về CNTT và an toàn thông tin, đáp ứng yêu cầu quản lý, vận hành, quản trị sử dụng hạ tầng kỹ thuật và các hệ thống ứng dụng CNTT. Cùng với đó, đội ngũ phóng viên, biên tập viên hiện nay có xu hướng già hóa, cần được đào tạo, đào tạo lại để năng động, sáng tạo hơn trong việc bắt nhịp và làm chủ về công nghệ, thiết bị, sẵn sàng tiếp cận và làm quen với các xu thế công nghệ mới, cũng như thường trực tinh thần sáng tạo.
Thêm nữa, khó khăn, hạn chế trong nguồn lực đầu tư do quảng cáo truyền thống đang có xu hướng dịch chuyển sang các hình thức quảng cáo mới, dẫn đến doanh thu giảm cũng đang là một trong những thách thức quan trọng với quá trình chuyển đổi số của Trung tâm Truyền thông tỉnh...

Báo chí Quảng Ninh tích cực ứng dụng KHKT vào hoạt động tác nghiệp, kết hợp truyền thống và hiện đại, nhằm tạo ra những chiến dịch truyền thông với dấu ấn thật sự ấn tượng.
Báo chí Quảng Ninh tích cực ứng dụng KHKT vào hoạt động tác nghiệp, kết hợp truyền thống và hiện đại, nhằm tạo ra những chiến dịch truyền thông với dấu ấn thật sự ấn tượng.
- Vậy đơn vị sẽ làm gì để xây dựng Trung tâm Truyền thông tỉnh thành tập đoàn truyền thông mạnh và bắt kịp với xu hướng chuyển đổi số báo chí hiện nay?
+ Đón bắt xu thế chung, Trung tâm Truyền thông tỉnh đang đẩy nhanh việc thực hiện chuyển đổi số với mục tiêu trở thành một trong những đơn vị đi đầu, đột phá thực hiện chuyển đổi số trong hệ thống cơ quan báo Đảng ở địa phương trong cả nước và hệ thống cơ quan, đơn vị trực thuộc tỉnh.
Cụ thể, đơn vị có các mục tiêu như: Xây dựng bộ dữ liệu lớn (bigdata) về cơ sở dữ liệu báo chí Quảng Ninh với việc nâng cấp dung lượng kho lưu trữ tư liệu, đáp ứng các nhu cầu kết nối đa nền tảng phục vụ tòa soạn hội tụ đa phương tiện, đồng thời hỗ trợ phân tích, tổng hợp thông tin phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành; hình thành kho tư liệu về các ngành, các lĩnh vực của tỉnh. Chuyển đổi các dữ liệu phát thanh, truyền hình sang dữ liệu số. Số hóa các số báo in đã phát hành và hiện lưu trữ dưới dạng bản giấy. Đảm bảo khả năng sao lưu, dự phòng, khôi phục các dữ liệu quan trọng của trung tâm. Xây dựng phần mềm quản trị khai thác hệ thống dữ liệu giúp quản lý tư liệu một cách khoa học, hỗ trợ công tác tìm kiếm, tra cứu tư liệu được thuận lợi, dễ dàng.

Báo chí đa phương tiện là sản phẩm tập thể, đòi hỏi sự sáng tạo của nhiều người.
Báo chí đa phương tiện là sản phẩm tập thể, đòi hỏi sự sáng tạo của nhiều người.
Sử dụng các ứng dụng AI, Big Data, IoT tạo ra các sản phẩm mới: Đọc báo điện tử, trả lời tự động (Chatbot), hay sáng tạo các sản phẩm báo chí dữ liệu, báo chí thị giác, Mega Story, infographic, Timeline, ảnh 360 độ, video 360 độ... Hoặc ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) nhằm giúp tăng lưu lượng người dùng, truyền tải thông điệp được cá nhân hóa đến từng bạn đọc với nhu cầu khác nhau, gợi ý các nội dung yêu thích cho công chúng... Định hướng và bắt đầu sản xuất các nền tảng truyền thông số đặc thù, thiết lập các kênh phân phối phù hợp. Đầu tư cho việc đảm bảo an ninh, an toàn thông tin hệ thống trang thiết bị đảm bảo tính đồng bộ, hiện đại đáp ứng nhu cầu hoạt động khi trụ sở mới hoàn thiện, đi vào vận hành.
Chuẩn bị nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu quản lý, khai thác chuyên sâu về hệ thống CNTT và Báo điện tử. Trước mắt, tiếp tục đào tạo bồi dưỡng nâng cao cho những nhân lực có khả năng phát triển hiện có, hình thành bộ phận giỏi CNTT làm hạt nhân để hỗ trợ, thúc đẩy quá trình chuyển đổi số trong đơn vị. Tăng cường đào tạo kỹ năng ứng dụng CNTT và an toàn thông tin cho toàn bộ người lao động. Triển khai các hoạt động hợp tác, học tập nghiên cứu mô hình của các cơ quan báo chí trong và ngoài nước...
- Xin cảm ơn đồng chí về cuộc trò chuyện!

Trung tâm Truyền thông Quảng Ninh (QMG) là mô hình cơ quan báo chí cấp tỉnh hợp nhất đài và báo đầu tiên trên cả nước. Ngay từ những ngày đầu hoạt động, việc số hóa dữ liệu và nâng cao hiệu quả quản lý tư liệu luôn được QMG xác định là ưu tiên hàng đầu.

Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 thúc đẩy chuyển đổi số trong các cơ quan báo chí truyền thông một cách toàn diện: Từ tác nghiệp báo chí của nhà báo, hoạt động của cơ quan báo chí đến sự chuyển dịch từ các kênh phân phối nội dung truyền thống sang các nền tảng số. Trong quá trình chuyển dịch đó, số hóa và tối ưu hóa dữ liệu cần được thực hiện trước tiên.
Với nhận thức đó, ngay từ khi thành lập và đi vào hoạt động ngày 1/1/2019, QMG (trên cơ sở hợp nhất của Báo Quảng Ninh, Đài PTTH Quảng Ninh, Cổng thông tin điện tử tỉnh, Báo Hạ Long) đã quan tâm đầu tư số hóa tư liệu, nâng cấp hệ thống thông tin lưu trữ và tăng cường áp dụng các giải pháp về công nghệ nhằm nâng cao hiệu quả quản lý; khai thác hiệu quả kho tư liệu phục vụ các nhiệm vụ thông tin, tuyên truyền của tỉnh.

Nhân viên Phòng Bạn đọc - Tư liệu, Trung tâm Truyền thông tỉnh Quảng Ninh thực hiện số hóa dữ liệu từ băng hình VHS sang định dạng kỹ thuật số.
Nhân viên Phòng Bạn đọc - Tư liệu, Trung tâm Truyền thông tỉnh Quảng Ninh thực hiện số hóa dữ liệu từ băng hình VHS sang định dạng kỹ thuật số.
Trước tiên, QMG tiến hành số hóa, chuyển đổi những dữ liệu hình ảnh dạng video được lưu trữ lâu năm trong các băng hình VHS (Video Home System, tạm dịch: Hệ thống video tại nhà) sang định dạng kỹ thuật số và lưu trữ trên hệ thống băng từ LTO để máy tính có thể đọc được, đồng bộ hóa các dữ liệu lâu năm, sử dụng công nghệ lưu trữ cũ với công nghệ lưu trữ, phát sóng hiện đại ngày nay.
Kết quả, QMG đã số hóa gần 1.300 băng từ, trên 1.000 đĩa CD với tổng dung lượng dữ liệu lưu trữ đạt trên 58 Terabyte. Lượng dữ liệu lâu năm, có tính tư liệu lịch sử quý giá sau khi được số hóa, đã được sử dụng đắc lực và hiệu quả thực hiện các chiến dịch truyền thông lớn nhân các sự kiện chính trị trọng đại của tỉnh.
Trong chiến dịch truyền thông đặc biệt nhân kỷ niệm 60 năm thành lập tỉnh Quảng Ninh 30/10 (1963-2023), số lượng tư liệu được số hóa đã được QMG sử dụng phục vụ sản xuất loạt phim tài liệu “Quảng Ninh Biên niên sử truyền hình” - bộ phim tài liệu dài hơi nhất về lịch sử phát triển của Quảng Ninh từng được thực hiện, series phóng sự truyền hình về đổi thay của các huyện, thị xã, thành phố của tỉnh và các ngành nhìn trong chiều dài 60 năm phát triển của tỉnh Quảng Ninh.

Hệ thống quản lý LTO lưu trữ dữ liệu phát thanh, truyền hình tại Trung tâm Truyền thông Quảng Ninh.
Hệ thống quản lý LTO lưu trữ dữ liệu phát thanh, truyền hình tại Trung tâm Truyền thông Quảng Ninh.
Nhằm nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác dữ liệu số hình ảnh và âm thanh, QMG cũng đầu tư hệ thống quản lý dữ liệu LTO, cho phép tìm kiếm, tra cứu dữ liệu theo từ khóa, chủ đề, thời gian… Hiện hệ thống đang lưu trữ, quản lý 300 Terabyte dữ liệu truyền hình, 64 Terabyte dữ liệu phát thanh.
Sau hệ thống quản lý dữ liệu phát thanh, truyền hình, năm 2021, QMG nâng cấp Báo Quảng Ninh điện tử tại địa chỉ: https://baoquangninh.com.vn/ trên cơ sở tích hợp Báo Quảng Ninh điện tử cũ và trang thông tin điện tử qtv.vn, được nâng cấp toàn diện trên hệ thống CMS - Hệ thống quản trị nội dung cho tòa soạn điện tử mới theo hướng tương tác với bạn đọc, dựa trên nhu cầu phát triển chuyên nghiệp và định hướng phát triển tòa soạn hội tụ. Hệ thống tích hợp truyền hình và phát thanh, bao gồm xem và nghe truyền hình, phát thanh trực tuyến; xem được lịch phát sóng chuẩn tới từng giây. Người dùng có thể xem, nghe lại các chương trình truyền hình, phát thanh ngay sau khi chương trình đó phát sóng trực tiếp.

Việc quản lý dữ liệu truyền hình được thực hiện trên phần mềm máy tính.
Việc quản lý dữ liệu truyền hình được thực hiện trên phần mềm máy tính.
Với đặc thù là một cơ quan truyền thông đa phương tiện, QMG đang hướng tới tích hợp dữ liệu đầu vào và đầu ra của cả 4 loại hình báo chí: Báo viết, báo điện tử, báo nói và báo hình trong một hệ thống để việc quản lý, sử dụng dễ dàng và nhanh chóng, hiệu quả hơn.
Ông Nguyễn Văn Hùng, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Truyền thông tỉnh Quảng Ninh, cho biết: Trung tâm Truyền thông Quảng Ninh sẽ mở rộng thêm các phân hệ quản lý để có được hệ thống quản lý sản xuất thống nhất xuyên suốt từ đầu vào (từ khi có ý tưởng sản xuất chương trình), kiểm duyệt nội dung chương trình, cho tới đầu ra (phân phối tới các nền tảng phát sóng, nền tảng số) cùng với việc tính toán minh bạch, chính xác các chi phí sản xuất cũng như doanh thu để thực hiện xuất sắc nhiệm vụ chính trị cũng như hiệu quả kinh doanh; mục tiêu phát triển hệ thống lưu trữ và quản lý dữ liệu số tập trung với khả năng quản lý chặt chẽ và linh hoạt.

Từ những năm trước, khi nhắc đến khái niệm “chuyển đổi số”, các cơ quan báo chí ở Việt Nam đã sớm xác định chuyển đổi số báo chí sẽ trở thành xu thế tất yếu của sự phát triển. Thực chất của báo chí chuyển đổi số là việc ứng dụng công nghệ ngày càng hiện đại vào hoạt động báo chí, làm cho hệ sinh thái báo chí số được bồi đắp thêm các tính năng mới, ưu việt, giúp nâng cao chất lượng, hiệu quả truyền thông.

Trong công cuộc chuyển đổi số, báo chí và truyền thông đóng vai trò quan trọng. Với sứ mệnh tuyên truyền đúng đắn, đầy đủ, kịp thời, chính xác về chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, tạo sự đồng thuận, niềm tin xã hội, báo chí có vai trò dẫn dắt, tạo nội lực thành công trong thực hiện chuyển đổi số. Đồng thời, báo chí cũng là một lĩnh vực trong xã hội, cũng chịu sự tác động của quá trình chuyển đổi số nên phải tiến hành chuyển đổi số theo xu hướng phát triển chung, nếu không muốn tụt hậu và mất độc giả, khán thính giả.
Đến thời điểm này, báo chí thế giới đã trải qua 3 giai đoạn của chuyển đổi số: Giai đoạn thứ nhất là năm 1992 đánh dấu sự ra đời của báo mạng điện tử, báo online. Giai đoạn hai là năm 2016, cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 xuất hiện. Những thành tựu vượt trội như dữ liệu lớn (Big data), điện toán đám mây (Cloud Computing), internet vạn vật kết nối (IoT), trí tuệ nhân tạo (AI) được ứng dụng vào lĩnh vực báo chí. Giai đoạn ba là năm 2018, Google trình diễn trợ lý ảo có khả năng nói chuyện như người thật, thậm chí ứng biến linh hoạt khi có tình huống bất ngờ trong cuộc hội thoại. Lập tức, AI bắt đầu được sử dụng rộng rãi tại các tòa soạn trên thế giới, trong đó có Việt Nam (tiên phong là báo Thanh Niên).

Ảnh minh hoạ.
Ảnh minh hoạ.
Ngày 6/4/2023, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược chuyển đổi số báo chí đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 của báo chí Việt Nam. Theo đó, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ hỗ trợ việc đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng cho nhà báo; hỗ trợ phát triển nền tảng số quốc gia cho báo chí. Tuy vậy, theo PGS. TS Trương Thị Kiên (Học viện Báo chí và Tuyên truyền), các chương trình đào tạo, bồi dưỡng nhân lực báo chí chuyển đổi số của Nhà nước là giải pháp cấp bách. Tương lai báo chí chuyển đổi số còn dài, sẽ tiến triển qua nhiều chu kỳ, chắc chắn trở thành xu thế tất yếu ở tất cả cơ quan báo chí, đòi hỏi Việt Nam phải xây dựng được một nguồn lực cho báo chí chuyển đổi số toàn diện, thực chất, bài bản. Trách nhiệm đó thuộc về các cơ sở đào tạo báo chí.
Cũng theo PGS. TS Trương Thị Kiên, báo chí chuyển đổi số không đơn giản chỉ là số hóa dữ liệu và nâng cấp mức độ ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động báo chí, mà là sự thay đổi toàn diện hoạt động báo chí: Từ mô hình tòa soạn, tổ chức bộ máy, quy trình sản xuất, phát triển nội dung, phương thức tác nghiệp, tiếp thị công chúng, quản lý dữ liệu, văn hóa tòa soạn, đến hoạt động lãnh đạo, quản lý báo chí.
Những năm qua, dù là một mô hình mới lần đầu tiên có tại Việt Nam nhưng ngay sau khi thành lập, Trung tâm Truyền thông tỉnh Quảng Ninh đã sớm quan tâm đến chuyển đổi số trong báo chí. Cụ thể, Trung tâm đã xây dựng mô hình truyền thông mới là tòa soạn hội tụ, báo chí đa phương tiện, báo chí đa nền tảng, báo chí di động, báo chí mạng xã hội... Báo in, chương trình phát thanh, truyền hình của Trung tâm cũng dịch chuyển lên nền tảng internet. Cùng với đó, công nghệ kỹ thuật hiện đại cho phép các nhà báo của Trung tâm sáng tạo thêm nhiều hình thức truyền thông hấp dẫn: Megastory, infographics, long form, media, lens, podcast, video... Chuyển đổi số báo chí cũng giúp lãnh đạo Trung tâm Truyền thông tỉnh thay đổi phương thức quản trị nội bộ tòa soạn, quản trị quy trình xuất bản, quản trị dữ liệu, quản trị tương tác công chúng... dựa trên phần mềm kỹ thuật số.
Chuyển đổi số - đó là một xu thế tất yếu. Dù còn có những khó khăn nhưng chắc chắn chuyển đổi số sẽ giúp các cơ quan báo chí ngày càng đến gần với công chúng hơn.
Ngày xuất bản: 21/6/2024
Nội dung: NGUYỄN DUNG - PHAN HẰNG - ĐÀO LINH - TRẦN MINH
Trình bày: MẠNH HÀ