![](https://quang-ninh-media.shorthandstories.com/b-o-t-n-ph-t-huy-gi-tr-khu-di-s-n-v-n-h-a-l-n-nh-t-vi-t-nam/assets/RmA6NCa3GJ/bao-ton-3033x1647.jpg)
Quần thể Di tích và Danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc gồm hàng trăm di tích và danh thắng thuộc phạm vi các tỉnh Quảng Ninh, Hải Dương và Bắc Giang, đang được đệ trình UNESCO công nhận là Di sản thế giới. Tất cả các di tích đều đã được xếp hạng ở cấp độ quốc gia và quốc gia đặc biệt và đã được đưa vào phạm vi bảo vệ cấp cao nhất. Các dự án bảo tồn di tích đã được triển khai từ rất sớm, do đó nhìn chung các di tích đều đang ở tình trạng tốt. Nhờ có các đợt trùng tu, tu bổ liên tục qua các thời kỳ mà Khu di sản đề cử có được diện mạo như ngày hôm nay, trở thành Khu di sản văn hóa lớn nhất Việt Nam.
![](https://quang-ninh-media.shorthandstories.com/b-o-t-n-ph-t-huy-gi-tr-khu-di-s-n-v-n-h-a-l-n-nh-t-vi-t-nam/assets/zCQAOqoMM3/bai-1-2573x1296.jpg)
Quần thể Di tích và Danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc có 20 bộ phận cấu thành, trong đó Quảng Ninh có 13 di tích và cụm di tích thành phần, thuộc 3 khu di tích quốc gia đặc biệt là Khu di tích lịch sử nhà Trần (TX Đông Triều), Khu di tích và danh thắng Yên Tử (TP Uông Bí) và Khu di tích lịch sử Bạch Đằng (TX Quảng Yên). Thời gian qua, công tác bảo tồn và phát huy giá trị di tích được quan tâm đặc biệt và đạt nhiều kết quả tích cực.
![](https://quang-ninh-media.shorthandstories.com/b-o-t-n-ph-t-huy-gi-tr-khu-di-s-n-v-n-h-a-l-n-nh-t-vi-t-nam/assets/N3sybBMdVZ/tit-1.1-3556x1172.jpg)
Từ đầu những năm 60 của thế kỷ 20, những khu di tích tại Quảng Ninh đã được xếp hạng là Di tích cấp quốc gia, sau đó tiếp tục nâng cấp lên thành Di tích quốc gia đặc biệt - mức độ bảo vệ cao nhất với di sản, cho thấy sự quan tâm, đầu tư của Nhà nước. Các di vật có giá trị và lễ hội tiêu biểu tại các khu di tích cũng đã được xếp hạng Bảo vật quốc gia và Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia, tạo cơ chế bảo vệ toàn diện, tổng thể và toàn vẹn các giá trị của quần thể di sản.
![](https://quang-ninh-media.shorthandstories.com/b-o-t-n-ph-t-huy-gi-tr-khu-di-s-n-v-n-h-a-l-n-nh-t-vi-t-nam/assets/Fhg9glGQsX/den-an-sinh-32-1558149438394-1920x1080.jpg)
Năm 1962, khu di tích lịch sử nhà Trần Đông Triều được xếp hạng là Di tích quốc gia; đến năm 2013, di tích tiếp tục được công nhận là Di tích quốc gia đặc biệt. Lần lượt vào các năm 2018 và 2021, di vật Hộp vàng Ngọa Vân - Yên Tử và Thống gốm Hoa nâu An Sinh phát hiện tại khu di tích được ghi danh vào danh sách Bảo vật quốc gia, được di chuyển và áp dụng biện pháp bảo vệ, lưu giữ đặc biệt tại Bảo tàng Quảng Ninh.
Từ năm 1974 đến 2012, Quần thể di tích danh thắng Yên Tử (TP Uông Bí) được nâng hạng từ Di tích quốc gia lên Di tích quốc gia đặc biệt. Năm 2020, tượng Phật Hoàng Trần Nhân Tông, an trí tại tòa khám của tòa tháp Huệ Quang cũng được công nhận là Bảo vật quốc gia. Đây là bảo vật quốc gia duy nhất của Quảng Ninh hiện được lưu giữ bên ngoài bảo tàng. Mặc dù đã trải qua hơn 300 năm tồn tại với nhiều biến cố thăng trầm của lịch sử nhưng đến nay tượng vẫn được bảo quản tốt, hàng năm có hàng triệu tín đồ Phật tử và du khách hành hương đến Yên Tử để được chiêm bái.
Tại TX Quảng Yên, năm 1988, Bãi cọc Bạch Đằng được công nhận là Di tích quốc gia. Sau đó vào các năm 2007 và 2012, hai bãi cọc Đồng Vạn Muối và Đồng Má Ngựa cũng được công nhận. Năm 2012, Khu di tích lịch sử Bạch Đằng được Thủ tướng Chính phủ công nhận là Di tích quốc gia đặc biệt gồm 3 di tích bãi cọc lịch sử. Năm 2021, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng Lễ hội Bạch Đằng là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia, nhằm tri ân những cống hiến của các bậc tiền nhân, tiếp tục khẳng định ý nghĩa và giá trị lịch sử vĩ đại của chiến thắng Bạch Đằng trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước của dân tộc ta.
Sau khi được xếp hạng, chuỗi các di tích quốc gia đặc biệt tại Quảng Ninh được phân vùng, bảo vệ bởi Luật Di sản văn hoá và các văn bản dưới luật có liên quan. Theo đó, mỗi khu di tích sẽ được chia ra làm khu vực bảo vệ I là vùng có các yếu tố gốc cấu thành di tích; phải được bảo vệ nguyên trạng về mặt bằng và không gian. Việc xây dựng công trình trực tiếp phục vụ việc bảo vệ và phát huy giá trị di tích phải được sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ. Khu vực bảo vệ II là vùng bao quanh hoặc tiếp giáp khu vực bảo vệ I. Việc xây dựng công trình phải được sự đồng ý bằng văn bản của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
![](https://quang-ninh-media.shorthandstories.com/b-o-t-n-ph-t-huy-gi-tr-khu-di-s-n-v-n-h-a-l-n-nh-t-vi-t-nam/assets/ng6PjK5Pbv/tit-1.2-3556x1172.jpg)
Nhận diện và ghi danh di sản ở tầm quốc gia đặt các di sản dưới cơ chế bảo vệ đặc biệt đồng thời cung cấp cơ sở pháp lý cho tỉnh Quảng Ninh hoàn thiện quy hoạch và triển khai thực hiện các dự án bảo vệ và phát huy các giá trị của di sản theo hướng bền vững. Đến nay, tỉnh Quảng Ninh đã hoàn thiện việc lập quy hoạch bảo tồn và phát huy giá trị của 3 khu di tích và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Cụ thể: Khu di tích lịch sử Nhà Trần ở Đông Triều có 14 cụm di tích Nhà Trần và khu vực bảo vệ, dịch vụ du lịch, phát huy giá trị di tích bao quanh có quy mô quy hoạch tổng thể là 2.206ha. Khu di tích lịch sử và danh thắng Yên Tử gồm vùng bảo vệ di tích hay vùng bảo vệ đặc biệt rộng 2.747ha và vùng bảo vệ cảnh quan rộng 6.548ha. Khu di tích lịch sử Bạch Đằng có quy mô quy hoạch tổng thể là 380ha, trong đó: Khu vực bảo vệ I và II rộng 194,25ha. Khu vực phục vụ du lịch, hỗ trợ phát huy giá trị di tích là 167,75ha.
![Thái Lăng (lăng vua Trần Anh Tông và hoàng hậu Bảo Từ) là lăng vua Trần đầu tiên được xây dựng tại Đông Triều, thuộc cụm di tích quốc gia đặc biệt nhà Trần Đông Triều.](https://quang-ninh-media.shorthandstories.com/b-o-t-n-ph-t-huy-gi-tr-khu-di-s-n-v-n-h-a-l-n-nh-t-vi-t-nam/assets/jCYYTCUIlR/thilng-1-2688x1512.jpg)
Thái Lăng (lăng vua Trần Anh Tông và hoàng hậu Bảo Từ) là lăng vua Trần đầu tiên được xây dựng tại Đông Triều, thuộc cụm di tích quốc gia đặc biệt nhà Trần Đông Triều.
Thái Lăng (lăng vua Trần Anh Tông và hoàng hậu Bảo Từ) là lăng vua Trần đầu tiên được xây dựng tại Đông Triều, thuộc cụm di tích quốc gia đặc biệt nhà Trần Đông Triều.
Các quy hoạch được triển khai theo hướng tiếp tục mở rộng ranh giới, bảo vệ di tích, đặc biệt chỉ ra các nhóm đối tượng, phạm vi, quy mô cần được bảo tồn, tu bổ, phục dựng, giảm thiểu hoặc loại bỏ hoàn toàn các hoạt động có nguy cơ xâm hại đến di sản. Tiêu biểu, nhằm bảo vệ Di tích quốc gia đặc biệt Yên Tử khỏi tác động tiêu cực từ hoạt động khai khoáng, năm 2017, UBND tỉnh Quảng Ninh đã cấm khai thác than tại khu vực Yên Tử.
Bên cạnh đó, các quy hoạch của tỉnh cũng định hướng những hoạt động bảo vệ, phát huy giá trị di tích trong hiện tại và tương lai. Đơn cử với Di tích quốc gia đặc biệt Bạch Đằng (TX Quảng Yên), quy hoạch định hướng với vùng I, hoạt động bảo tồn phải bảo vệ giá trị nguyên gốc của di tích, chỉ được phép tu bổ phần công trình bị hư hỏng, phục hồi trên cơ sở đầy đủ cứ liệu khoa học. Đối với các di chỉ khảo cổ thuộc di tích, phải tiến hành khoanh vùng, cắm mốc giới để bảo tồn tại chỗ một cách hiệu quả nhất. Việc trưng bày hiện vật nhằm phục vụ công tác nghiên cứu khoa học và giới thiệu đến khách tham quan phải được thực hiện bằng các phương pháp hiện đại.
![Chuyên gia Nhật Bản và Viện Khảo cổ học khai quật Bãi cọc Đồng Má Ngựa năm 2009. Ảnh: Ngô Đình Dũng](https://quang-ninh-media.shorthandstories.com/b-o-t-n-ph-t-huy-gi-tr-khu-di-s-n-v-n-h-a-l-n-nh-t-vi-t-nam/assets/GkeIYn0p9z/chuyen-gia-nhat-ban-va-vien-khao-co-hoc-khai-quat-bai-coc-dong-ma-ngua-nam-2009..-anh-ngo-dinh-dung-750x500.jpg)
Chuyên gia Nhật Bản và Viện Khảo cổ học khai quật Bãi cọc Đồng Má Ngựa năm 2009. Ảnh: Ngô Đình Dũng
Chuyên gia Nhật Bản và Viện Khảo cổ học khai quật Bãi cọc Đồng Má Ngựa năm 2009. Ảnh: Ngô Đình Dũng
Vùng II là vùng đệm của di tích Bạch Đằng được xác định bảo tồn theo hướng: Có thể xây dựng một số công trình tín ngưỡng quy mô nhỏ, không lấn át cảnh quan, phục vụ việc phát huy giá trị di tích. Đối với các khu vực có dấu hiệu khảo cổ tập trung trong các khu vực nuôi trồng thủy sản, trồng lúa, trồng sú vẹt cần được bảo vệ nguyên trạng, nghiêm cấm chuyển đổi mục đích sử dụng đất sang đất xây dựng để không làm xáo trộn tầng văn hóa, phục vụ việc khai quật khảo cổ, làm rõ vị trí, quy mô của trận địa Bạch Đằng lịch sử.
![](https://quang-ninh-media.shorthandstories.com/b-o-t-n-ph-t-huy-gi-tr-khu-di-s-n-v-n-h-a-l-n-nh-t-vi-t-nam/assets/iCC6Hw6Rx6/tit-1.3-3556x1172.jpg)
Ba khu di tích quốc gia đặc biệt có các điểm di tích bao gồm trong Hồ sơ quần thể Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc đang được đệ trình lên UNESCO công nhận là Di sản thế giới có hiện trạng bảo tồn, đầu tư các dự án phát huy giá trị di tích ở các mức độ khác nhau.
Tại khu di tích lịch sử chiến thắng Bạch Đằng (TX Quảng Yên), các dự án chủ yếu tập trung tu bổ các công trình kiến trúc gỗ, trong khi các hạng mục liên quan tới 3 bãi cọc mới dừng lại ở giải pháp bảo quản là duy trì trong tình trạng ban đầu, bơm ngập nước tránh biến động về nhiệt độ, môi trường bảo quản các cọc gỗ.
![Bãi cọc Yên Giang nằm trong đầm Nhử, phường Yên Giang, được phát hiện trong quá trình đào đắp đê Yên Giang năm 1958.](https://quang-ninh-media.shorthandstories.com/b-o-t-n-ph-t-huy-gi-tr-khu-di-s-n-v-n-h-a-l-n-nh-t-vi-t-nam/assets/egSRcwRK7p/bai-coc-yen-giang-nam-trong-dam-nhu-phuong-yen-giang-duoc-phat-hien-trong-qua-trinh-dao-dap-de-yen-giang-nam-1958.-1920x1080.jpg)
Bãi cọc Yên Giang nằm trong đầm Nhử, phường Yên Giang, được phát hiện trong quá trình đào đắp đê Yên Giang năm 1958.
Bãi cọc Yên Giang nằm trong đầm Nhử, phường Yên Giang, được phát hiện trong quá trình đào đắp đê Yên Giang năm 1958.
Còn tại Khu di tích quốc gia đặc biệt Nhà Trần (TX Đông Triều), do phần lớn các di tích đều là phế tích nên giai đoạn đầu được tập trung chủ yếu cho công tác nghiên cứu, thăm dò, khai quật khảo cổ học. Hiện 100% các di tích nằm trong Khu di tích nhà Trần Đông Triều đã hoàn thành việc nghiên cứu, khai quật khảo cổ, 7/14 di tích đã tiến hành các dự án bảo tồn, tu bổ di tích, trong đó 6 di tích đã hoàn thành và trở thành các điểm du lịch tâm linh, thu hút khách tham quan. Trong giai đoạn 2017-2021, Quỹ Thiện Tâm (Tập đoàn Vingroup) huy động nguồn công đức 500 tỷ đồng để tu bổ tôn tạo di tích.
Là di tích giữ vị trí quan trọng bậc nhất trong hồ sơ di sản đề cử, công tác bảo tồn và phát huy các giá trị di sản tại di tích và danh thắng Yên Tử được thực hiện bài bản, kêu gọi được nguồn lực dồi dào của toàn xã hội. Năm 2005, sau khi Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Quảng Ninh được thành lập, một loạt các công trình trùng tu, tôn tạo từ nguồn đóng góp của tăng ni, Phật tử đã được thực hiện, góp phần lan tỏa mạnh mẽ giá trị tinh thần Việt của Phật giáo Trúc Lâm gắn với hệ thống các di sản văn hóa vật thể như công trình phục dựng chùa Đồng trên đỉnh thiêng Yên Tử ở độ cao 1068m vào năm 2005 hay việc dựng tượng Trần Nhân Tông trên đỉnh An Kỳ Sinh năm 2013. Đây là các công trình có ý nghĩa to lớn về mặt tâm linh, góp phần vào công cuộc hoằng dương Phật giáo Trúc Lâm trong thời hiện đại và lan tỏa giá trị của Yên Tử trên quy mô khu vực và quốc tế.
![Tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông được dựng trên đỉnh An Kỳ Sinh năm 2013.](https://quang-ninh-media.shorthandstories.com/b-o-t-n-ph-t-huy-gi-tr-khu-di-s-n-v-n-h-a-l-n-nh-t-vi-t-nam/assets/lPjL4WhUQY/bao-tuong-phat-hoang-duoc-hoan-thanh-nam-2013-tu-nguon-xa-hoi-hoa-4096x2304.jpg)
Tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông được dựng trên đỉnh An Kỳ Sinh năm 2013.
Tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông được dựng trên đỉnh An Kỳ Sinh năm 2013.
Thượng tọa Thích Đạo Hiển, Phó Trưởng Ban kiêm Chánh thư ký Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Quảng Ninh, nhận định:
Cùng với hình tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông của Phật giáo Trúc Lâm thì về mặt vật chất chùa Đồng có thể nói là tượng trưng, từ đó có thể là hình ảnh quan trọng nhất để quảng bá cho danh sơn Yên Tử, quảng bá cho Phật giáo Trúc Lâm ra thế giới.
Tại Yên Tử cũng sớm hình thành được mô hình hợp tác giữa Nhà nước và doanh nghiệp trong bảo tồn các giá trị di sản của Yên Tử, gắn với phát triển kinh tế. Năm 2000, khi thực hiện dự án cáp treo lên Hoa Yên, Công ty CP Phát triển Tùng Lâm đã chính thức đánh dấu sự có mặt tại vùng đất Phật. Đến nay, Tùng Lâm lần lượt là chủ đầu tư của các dự án trăm tỷ, ngàn tỷ tại Yên Tử như cáp treo giai đoạn II, giai đoạn III, bến xe Yên Tử, đặc biệt là đại dự án Trung tâm Văn hóa Trúc Lâm Yên Tử với 11 hạng mục thành phần, tạo nên một không gian văn hóa thuần Việt ngay dưới chân núi Yên Tử, nơi những hoạt động du lịch văn hóa được dày công nghiên cứu như trải nghiệm làng nghề truyền thống, đêm hội làng Nương, tìm hiểu văn hóa của người Dao dưới chân núi Yên Tử.
Ông Lê Trọng Thanh, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Phát triển Tùng Lâm cho biết:
Toàn bộ vùng bên dưới núi Yên Tử - Quần thể văn hóa Trúc Lâm Yên Tử có nơi lưu trú, ẩm thực, các hoạt động trải nghiệm đáp ứng các nhu cầu thiết yếu cho du khách. Nhưng từ dòng suối Giải Oan lịch sử đến Huệ Quang kim tháp, Chùa Hoa Yên, Chùa Một Mái đến đỉnh Chùa Đồng, chúng tôi chú trọng xây dựng gói “Hành hương theo dấu chân Phật hoàng” và “Học sử trên đỉnh non thiêng”, du khách có thể ngồi thiền đón ánh bình minh từ đỉnh Chùa Đồng.”
![Tuyến cáp treo đầu tiên lên Yên Tử được công ty CP Phát triển Tùng Lâm xây dựng năm 2001 và thêm hai tuyến nữa được xây dựng năm 2016.](https://quang-ninh-media.shorthandstories.com/b-o-t-n-ph-t-huy-gi-tr-khu-di-s-n-v-n-h-a-l-n-nh-t-vi-t-nam/assets/AinN9zHtdx/tuyen-cap-treo-dau-tien-len-yen-tu-duoc-cong-ty-cp-phat-trien-tung-lam-xay-dung-nam-2001-va-them-hai-tuyen-nua-duoc-xay-dung-nam-2016-4096x2299.jpg)
Tuyến cáp treo đầu tiên lên Yên Tử được công ty CP Phát triển Tùng Lâm xây dựng năm 2001 và thêm hai tuyến nữa được xây dựng năm 2016.
Tuyến cáp treo đầu tiên lên Yên Tử được công ty CP Phát triển Tùng Lâm xây dựng năm 2001 và thêm hai tuyến nữa được xây dựng năm 2016.
Đánh giá cao hiệu quả hoạt động quản lý di tích và bảo tồn, phát huy các giá trị của di tích tại Yên Tử, PGS,TS Đặng Văn Bài, Phó Chủ tịch Hội đồng Di sản văn hóa Quốc gia, nhận định:
Tôi nghĩ là có một mô hình ở Quảng Ninh mà địa phương khác không có là mô hình hợp tác công tư. Ở trong Yên Tử là mô hình điển hình nhất. Mô hình hợp tác giữa Tùng Lâm và UBND TP Uông Bí rõ ràng là mô hình cần được nhân rộng trong cả nước.
Đứng trước cơ hội trở thành Di sản thế giới, vấn đề bảo tồn, phát huy xứng tầm và bền vững các giá trị của di sản càng đặt ra bức thiết. Trong chuỗi di sản nói chung và khu vực núi Yên Tử nói riêng có nhiều di tích ngoài trời như Tượng An Kỳ Sinh, Bia Phật, Đá Phật… trong đó một số di tích vẫn chưa được người dân, du khách nhận diện đầy đủ các giá trị. Áp lực tạo ra từ “hiệu ứng di sản”, tức là lượng khách đổ về Yên Tử sẽ tăng vọt trong một thời gian ngắn, vấn đề liên kết giữa các địa phương để phát huy tối đa giá trị của di sản liên vùng, liên tỉnh có diện tích rộng lớn cũng cần được quan tâm.
Để giải quyết những thách thức mới phát sinh, các chuyên gia khuyến cáo, Quảng Ninh và các địa phương nơi quản lý di sản cần đồng bộ triển khai các giải pháp nhằm nâng cao nhận thức, hiểu biết của người dân và du khách về giá trị của di sản; huy động sự tham gia của doanh nghiệp, cộng đồng dân cư, chức sắc tôn giáo và cộng đồng địa phương để thúc đẩy phát triển bền vững xã hội trong khu vực cùng với đó là phát triển du lịch có trách nhiệm.
![Chùa Hoa Yên - Trái tim của Yên Tử.](https://quang-ninh-media.shorthandstories.com/b-o-t-n-ph-t-huy-gi-tr-khu-di-s-n-v-n-h-a-l-n-nh-t-vi-t-nam/assets/vi88nTcIJF/chua-hoa-yen-trai-tim-cua-yen-tu-2688x1512.jpg)
Chùa Hoa Yên - Trái tim của Yên Tử.
Chùa Hoa Yên - Trái tim của Yên Tử.
![Tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông nhìn từ đỉnh núi Yên Tử.](https://quang-ninh-media.shorthandstories.com/b-o-t-n-ph-t-huy-gi-tr-khu-di-s-n-v-n-h-a-l-n-nh-t-vi-t-nam/assets/bYB3mWm2Ck/quang-truong-an-ky-sinh-hay-con-goi-la-quang-truong-tran-nhan-tong-nhin-tu-dinh-nui-yen-tu-4096x2299.jpg)
Tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông nhìn từ đỉnh núi Yên Tử.
Tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông nhìn từ đỉnh núi Yên Tử.
![Tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông.](https://quang-ninh-media.shorthandstories.com/b-o-t-n-ph-t-huy-gi-tr-khu-di-s-n-v-n-h-a-l-n-nh-t-vi-t-nam/assets/g4apkYO0ja/tuong-phat-hoang-tran-nhan-tong-4096x2304.jpg)
Tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông.
Tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông.
![Tượng Tam tổ Trúc Lâm tại chùa Đồng.](https://quang-ninh-media.shorthandstories.com/b-o-t-n-ph-t-huy-gi-tr-khu-di-s-n-v-n-h-a-l-n-nh-t-vi-t-nam/assets/zVrcHWBjgI/tuong-tam-to-truc-lam-tai-chua-dong-3840x2160.jpg)
Tượng Tam tổ Trúc Lâm tại chùa Đồng.
Tượng Tam tổ Trúc Lâm tại chùa Đồng.
![](https://quang-ninh-media.shorthandstories.com/b-o-t-n-ph-t-huy-gi-tr-khu-di-s-n-v-n-h-a-l-n-nh-t-vi-t-nam/assets/J3lRBN12ZG/bai-2-3417x1673.jpg)
Những năm qua, văn hoá thời Trần, Phật giáo Yên Tử, những hiện vật liên quan đến quần thể di tích, danh thắng Yên Tử… luôn được Bảo tàng Quảng Ninh quan tâm đặc biệt. Bên cạnh công tác thăm dò, khai quật khảo cổ, Bảo tàng Quảng Ninh còn coi trọng việc nghiên cứu, sưu tầm, lưu giữ, phát huy giá trị hiện vật, bảo vật được công nhận. Đặc biệt, Bảo tàng tỉnh còn dành trọn một không gian trang trọng để dành riêng cho việc trưng bày, giới thiệu những giá trị văn hóa tiêu biểu của hệ thống các di tích nhà Trần trên vùng đất Quảng Ninh.
![](https://quang-ninh-media.shorthandstories.com/b-o-t-n-ph-t-huy-gi-tr-khu-di-s-n-v-n-h-a-l-n-nh-t-vi-t-nam/assets/qO3yPVxFpn/tit-2.1-3556x1436.jpg)
![](https://quang-ninh-media.shorthandstories.com/b-o-t-n-ph-t-huy-gi-tr-khu-di-s-n-v-n-h-a-l-n-nh-t-vi-t-nam/assets/V1TVmFggyM/8_-_quan_the_di_tich_va_danh_thang_yen_tu_-_vinh_nghiem_-_con_son_kiep_bac_co_canh_quan_van_hoa_dang_chuoi_lien_hoan_tien_trien_huu_co_tren_dia_ban_cac_tinh_quang_ninh_bac_giang_va_hai_duong_thuoc-1200x858.jpg)
Cuối năm 2023, Bảo tàng Quảng Ninh phối hợp với Bảo tàng Bắc Giang và Bảo tàng Hải Dương tổ chức trưng bày chuyên đề: “Văn hóa thời Trần và Phật giáo Yên Tử” tại Bảo tàng Quảng Ninh trong vòng 1 tháng. Thông qua nội dung trưng bày có hệ thống và khoa học các tư liệu ảnh các điểm di tích, di chỉ cùng các di vật, hiện vật phát lộ về những phát hiện khảo cổ trong hệ thống các di tích liên quan đến Văn hóa thời Trần và Phật giáo Yên Tử tại Quảng Ninh, Bắc Giang và Hải Dương đã phần nào làm sáng rõ giá trị lịch sử, văn hóa thời Trần nói chung, tư tưởng và các di sản của đức vua Phật Hoàng Trần Nhân Tông nói riêng trong hệ thống các giá trị lịch sử nhà Trần, Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử, từ đó nâng cao nhận thức, khơi dậy lòng yêu nước và tự hào dân tộc trong các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ hôm nay và mai sau.
![Các đại biểu tham quan không gian trưng bày “Văn hóa thời Trần và Phật giáo Yên Tử”.](https://quang-ninh-media.shorthandstories.com/b-o-t-n-ph-t-huy-gi-tr-khu-di-s-n-v-n-h-a-l-n-nh-t-vi-t-nam/assets/oFO2RCC08l/z5722511028676_586774914b673ba2ed23d7e61e9b5e25-1024x637.jpg)
Các đại biểu tham quan không gian trưng bày “Văn hóa thời Trần và Phật giáo Yên Tử”.
Các đại biểu tham quan không gian trưng bày “Văn hóa thời Trần và Phật giáo Yên Tử”.
Đặc biệt, lần trưng bày này đã góp phần quảng bá hình ảnh các giá trị đặc trưng của quần thể Di tích và Danh thắng Yên Tử đến với công chúng trong nước và bạn bè quốc tế. Qua đó khẳng định công tác bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa ngày càng đạt hiệu quả. Đồng thời, còn quảng bá giá trị toàn cầu của Hồ sơ đề cử “Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc” (thuộc địa bàn các tỉnh: Quảng Ninh, Bắc Giang và Hải Dương) gửi Tổ chức Khoa học, Giáo dục và Văn hoá của Liên hiệp quốc (UNESCO) để đề nghị công nhận và ghi vào Danh mục Di sản thế giới.
![Học sinh tham gia trải nghiệm in, rập mộc bản trên giấy dó tại triển lãm chuyên đề: “Văn hóa thời Trần và Phật giáo Yên Tử”.](https://quang-ninh-media.shorthandstories.com/b-o-t-n-ph-t-huy-gi-tr-khu-di-s-n-v-n-h-a-l-n-nh-t-vi-t-nam/assets/MO9n6gNUn4/z5722505718070_ad7dd301ff64d310413e052df4f132f3-1023x691.jpg)
Học sinh tham gia trải nghiệm in, rập mộc bản trên giấy dó tại triển lãm chuyên đề: “Văn hóa thời Trần và Phật giáo Yên Tử”.
Học sinh tham gia trải nghiệm in, rập mộc bản trên giấy dó tại triển lãm chuyên đề: “Văn hóa thời Trần và Phật giáo Yên Tử”.
Với ý nghĩa đó, không gian trưng bày được chia làm hai phần chính: Không gian thứ nhất trưng bày gần 200 tư liệu hình ảnh, biểu đồ, tài liệu, hiện vật. Trong đó, có những hiện vật là Bảo vật quốc gia thuộc Văn hóa thời Trần và Phật giáo Yên Tử như: Hộp vàng Ngọa Vân - Yên Tử; tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông; mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm. Cùng với đó, giới thiệu quảng bá hình ảnh các giá trị đặc trưng của Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc; giới thiệu về các tiêu chí lựa chọn xây dựng Hồ sơ đề cử di sản “Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc”. Không gian thứ hai là hoạt động trải nghiệm in, rập mộc bản trên giấy dó. Tất cả giúp nhân dân và du khách hiểu biết rõ về giá trị lịch sử, văn hóa của các điểm, cụm di tích đưa vào Hồ sơ đề cử và việc triển khai xây dựng Hồ sơ đề cử Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử-Vĩnh Nghiêm-Côn Sơn, Kiếp Bạc trình UNESCO công nhận là Di sản thế giới.
![](https://quang-ninh-media.shorthandstories.com/b-o-t-n-ph-t-huy-gi-tr-khu-di-s-n-v-n-h-a-l-n-nh-t-vi-t-nam/assets/yaE6bZR2qC/tit-2.2-3556x1436.jpg)
![](https://quang-ninh-media.shorthandstories.com/b-o-t-n-ph-t-huy-gi-tr-khu-di-s-n-v-n-h-a-l-n-nh-t-vi-t-nam/assets/5z4KHWam26/z5730552542793_14207aa9833fa47a67310ba8b6a9f7dd-1229x759.jpg)
Bảo tàng Quảng Ninh có tổng số hơn 60.000 hiện vật, trong đó có 12 hiện vật được công nhận là Bảo vật quốc gia. Hệ thống trưng bày cố định trong nhà của Bảo tàng Quảng Ninh được chia ra các chủ đề khác nhau, phản ánh 3 đặc trưng cơ bản của tỉnh Quảng Ninh: Văn hoá biển, văn hoá công nhân mỏ và văn hoá các dân tộc. Trong đó, Phật giáo Yên Tử - nhà Trần được dành một diện tích trưng bày lớn ở tầng 2 của Bảo tàng, cho du khách thấy được sự phát triển rực rỡ về văn hoá, kiến trúc nhà Trần, đặc biệt là thiền phái Trúc Lâm Yên Tử.
![Bảo tàng Quảng Ninh có trưng bày 3D trên website, giúp du khách không có điều kiện có thể tìm hiểu về bảo tàng, trong đó có không gian trưng bày Phật giáo Yên Tử - nhà Trần.](https://quang-ninh-media.shorthandstories.com/b-o-t-n-ph-t-huy-gi-tr-khu-di-s-n-v-n-h-a-l-n-nh-t-vi-t-nam/assets/CMohMsYrT0/z5722237601189_f4c4a674742ea5ef830c34e85dcacdf3-1920x1040.jpg)
Bảo tàng Quảng Ninh có trưng bày 3D trên website, giúp du khách không có điều kiện có thể tìm hiểu về bảo tàng, trong đó có không gian trưng bày Phật giáo Yên Tử - nhà Trần.
Bảo tàng Quảng Ninh có trưng bày 3D trên website, giúp du khách không có điều kiện có thể tìm hiểu về bảo tàng, trong đó có không gian trưng bày Phật giáo Yên Tử - nhà Trần.
Đến với không gian Phật giáo Yên Tử - nhà Trần, du khách sẽ có những thông tin cơ bản nhất về Di tích lịch sử văn hoá và danh thắng Yên Tử, về Thiền phái Trúc Lâm, về các di tích lịch sử văn hoá nhà Trần. Đặc biệt, du khách được chiêm ngưỡng những Bảo vật quốc gia được trưng bày tại Bảo tàng, như : Hộp vàng Ngọa Vân - Yên Tử, trống đồng Quảng Chính, bình gốm Đầu Rằm, thống đồng thời Trần, mâm bồng gốm thời Lê sơ, bình gốm hoa sen, bình gốm hoa nâu Kinnari, thạp gốm hoa nâu, tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông niên đại thế kỷ 17, thạp đồng Đông Sơn, thống gốm hoa nâu An Sinh thời Trần, thạp gốm hoa nâu thời Trần và bình gốm men vẽ nhiều màu thời Lê sơ.
Trong không gian trưng bày này, nổi bật lên một hiện vật, đó là Hộp vàng Ngọa Vân - Yên Tử. Di vật được phát hiện ngày 21/6/2012 tại thôn Trại Lốc, xã An Sinh, thị xã Đông Triều, phát lộ khi đang thi công mở rộng con đường “hành hương” từ Trại Lốc lên di tích Ngọa Vân - nơi đức vua Trần Nhân Tông hóa Phật.
Hộp vàng Ngọa Vân - Yên Yử, có dáng hình cầu, thân tạo nổi 11 múi (mỗi múi giống như hình cánh sen cong tròn). Toàn bộ hình dáng được gò trên khuôn; phần chân đế được gò tách biệt sau đó được hàn gắn vào thân hộp. Tất cả các họa tiết trang trí trên hộp được tạo tác bằng kỹ thuật khắc và gò với những đường nét hoa văn cực kỳ tinh xảo, phức tạp với các đồ án như hoa sen, liên tiền, vân mây, bông mai, chấm tròn.
![Hộp vàng Ngoạ Vân - Yên Tử.](https://quang-ninh-media.shorthandstories.com/b-o-t-n-ph-t-huy-gi-tr-khu-di-s-n-v-n-h-a-l-n-nh-t-vi-t-nam/assets/pxhPHmcFln/z5722240405999_8cda5f1eee01e0d0b175dafabaf7fac1-1024x610.jpg)
Hộp vàng Ngoạ Vân - Yên Tử.
Hộp vàng Ngoạ Vân - Yên Tử.
Hộp vàng Ngọa Vân - Yên Tử được giới nghiên cứu đánh giá công năng là cốc, bát át già (đây là một trong 6 vật khí quan trọng sử dụng trong nghi lễ phật giáo mang những yếu tố của phật giáo Mật Tông).
Hộp vàng Ngọa Vân - Yên Tử là hiện vật gốc độc bản, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, xuất lộ trong khu di tích nhà Trần ở Đông Triều. Hộp vàng là hiện vật có hình thức độc đáo, hoa văn tinh xảo; có giá trị đặc biệt về khoa học, lịch sử, là một tác phẩm phản ánh giá trị tư tưởng của thời đại nhà Trần, thế kỷ XIII-XIV.
![](https://quang-ninh-media.shorthandstories.com/b-o-t-n-ph-t-huy-gi-tr-khu-di-s-n-v-n-h-a-l-n-nh-t-vi-t-nam/assets/hTOx8HyHiF/hop-vang-2560x1440.jpg)
Một bảo vật quốc gia khác có niên đại thời Trần (thế kỷ 13-14) là thống đồng - một tác phẩm nghệ thuật quý hiếm bằng kim loại đồng còn tồn tại đến ngày nay. Thống có dáng hình trụ, thành cong, gờ miệng phẳng, loe ngang, thân phình tang trống, đáy bằng. Thân đúc hai đôi quai nổi đối xứng qua thân, quai thống nằm giữa hai đường gờ nổi. Bám vào chân quai là bông mai đúc nổi nhiều cánh, vừa có tác dụng gia cố, vừa mang tính chất trang trí. Đây là hình dáng quen thuộc thường thấy trên các loại hình thống và thạp đời Lý - Trần đã phát hiện ở miền Bắc nước ta. Thống đồng là sự kế thừa và tiếp biến văn hóa của nhiều thời kỳ, từ nghệ thuật trống đồng Đông Sơn đến nghệ thuật trang trí thời Trần và sau đó. Theo nhiều tài liệu nghiên cứu, thống đồng thời Trần được xem là vật dụng lễ khí (tế khí) trong các hoạt động nghi lễ (tế lễ) của đời sống cung đình (miếu, đường) thời Trần.
![Thống đồng thời Trần.](https://quang-ninh-media.shorthandstories.com/b-o-t-n-ph-t-huy-gi-tr-khu-di-s-n-v-n-h-a-l-n-nh-t-vi-t-nam/assets/RimACD7bUU/anh-5-jpg_1619242297-1619242821-1200x900.jpg)
Thống đồng thời Trần.
Thống đồng thời Trần.
![](https://quang-ninh-media.shorthandstories.com/b-o-t-n-ph-t-huy-gi-tr-khu-di-s-n-v-n-h-a-l-n-nh-t-vi-t-nam/assets/6SHnAWp4h9/thong-dong-2560x1440.jpg)
Một bảo vật quốc gia không thể không nhắc tới là Tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông. Đây là hiện vật gốc độc bản, hiện đang được lưu giữ, bảo quản và bài trí trong tháp Huệ Quang (tháp Tổ), chùa Hoa Yên, Khu di tích và danh thắng Yên Tử. Pho tượng Phật Hoàng Trần Nhân Tông được tạc thủ công, bằng đá xanh, có cùng nguồn gốc, thành phần khoáng vật và hoá học với loại đá xanh xây tháp thời Trần, được coi là một điển hình mẫu mực trong nghệ thuật điêu khắc tượng Phật Đại Việt thế kỷ 17.
![Tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông trong tháp Huệ Quang.](https://quang-ninh-media.shorthandstories.com/b-o-t-n-ph-t-huy-gi-tr-khu-di-s-n-v-n-h-a-l-n-nh-t-vi-t-nam/assets/TVlOg7gFoz/1907_10-1000x750.png)
Tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông trong tháp Huệ Quang.
Tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông trong tháp Huệ Quang.
![](https://quang-ninh-media.shorthandstories.com/b-o-t-n-ph-t-huy-gi-tr-khu-di-s-n-v-n-h-a-l-n-nh-t-vi-t-nam/assets/Ps0sAFAEQy/tuong-phat-hoang-2560x1440.jpg)
![](https://quang-ninh-media.shorthandstories.com/b-o-t-n-ph-t-huy-gi-tr-khu-di-s-n-v-n-h-a-l-n-nh-t-vi-t-nam/assets/CQzqdMgtfa/1_-_lan_dau_tien_bao_tang_tinh_quang_ninh_phoi_hop_bao_tang_tinh_hai_duong_va_bao_tang_tinh_bac_giang_to_chuc_trung_bay_chuyen_de_van_hoa_nha_tran_va_phat_giao_yen_tu_tai_tp_ha_long_quang_ni-1200x800.jpg)
Những bảo vật quốc gia khác cũng như các hiện vật khai quật, sưu tầm được đều được Bảo tàng Quảng Ninh lưu giữ, bảo quản, bảo vệ đặc biệt, đảm bảo vừa phát huy giá trị, phục vụ nhu cầu chiêm ngưỡng của người dân, du khách, những người yêu mến cổ vật, cũng vừa giữ được giá trị về mặt lịch sử - khoa học. Mỗi ngày, hàng nghìn lượt người dân, du khách đến với Bảo tàng Quảng Ninh, được hướng dẫn tham quan, đọc, nghe thuyết minh về các không gian trưng bày, đặc biệt là không gian Phật giáo Yên Tử - nhà Trần, đã giúp cho người tham quan vừa trực tiếp trải nghiệm vừa tiếp nhận thông tin và trân trọng hơn về lịch sử văn hóa, giá trị của di sản.
![](https://quang-ninh-media.shorthandstories.com/b-o-t-n-ph-t-huy-gi-tr-khu-di-s-n-v-n-h-a-l-n-nh-t-vi-t-nam/assets/CavAz2hs9E/bai-3-3556x2000.jpg)
Với những giá trị đặc biệt về thiên nhiên, văn hóa, tâm linh, quần thể di tích danh thắng Yên Tử từ xưa đến nay đã đi vào tâm thức, là niềm tự hào của mỗi người Việt Nam. Trải qua biết bao thăng trầm lịch sử, Yên Tử là nơi lưu giữ hồn thiêng văn hóa Việt với hệ thống chùa chiền, am tháp, hàng ngàn di vật cổ, hàng trăm cây di sản… Đến nay, với tầm nhìn và những quyết sách đúng đắn của tỉnh, vùng danh sơn kỳ vĩ không chỉ bảo tồn vẹn nguyên những giá trị ngoại hạng, mà Yên Tử còn vươn mình trở thành điểm đến du lịch văn hóa, tâm linh hấp dẫn cho du khách trong nước và quốc tế. Qua đó, thể hiện chiến lược phát triển bền vững của Quảng Ninh trong phát triển du lịch, kinh tế - xã hội gắn với bảo tồn, phát huy giá trị truyền thống.
![](https://quang-ninh-media.shorthandstories.com/b-o-t-n-ph-t-huy-gi-tr-khu-di-s-n-v-n-h-a-l-n-nh-t-vi-t-nam/assets/cJFsintIX2/tit-3.1-3556x1172.jpg)
![](https://quang-ninh-media.shorthandstories.com/b-o-t-n-ph-t-huy-gi-tr-khu-di-s-n-v-n-h-a-l-n-nh-t-vi-t-nam/assets/acH4XpIFmu/326474506_850613686051931_7874679117806053485_n-512x600.jpg)
Vẻ đẹp của Yên Tử là sự kỳ vĩ của núi non hoà quyện với nét cổ kính trầm mặc của hệ thống am, tháp cùng với đường tùng, trúc, mai mọc ở hai bên đường. Vì vậy, ngoài lựa chọn cáp treo để lên đỉnh Yên Tử, nhiều người vẫn hành hương theo đường bộ để có thể thong dong ngắm nhìn, cảm nhận thật sát gần những tinh túy của thiên nhiên đất trời tạo lập nơi đây, để mỗi bước chân như được nâng đỡ bởi niềm tin hướng về với Phật, coi đó là cách dung dưỡng tinh thần, giúp mỗi người có được sự bình an, thanh thản trong tâm hồn.
![Cầu vồng xuất hiện sau cơn mưa trên non thiêng Yên Tử.](https://quang-ninh-media.shorthandstories.com/b-o-t-n-ph-t-huy-gi-tr-khu-di-s-n-v-n-h-a-l-n-nh-t-vi-t-nam/assets/8JOq5IJTKf/450506328_877006661126588_3667380602850911097_n-1280x960.jpg)
Cầu vồng xuất hiện sau cơn mưa trên non thiêng Yên Tử.
Cầu vồng xuất hiện sau cơn mưa trên non thiêng Yên Tử.
Theo PGS. TS Đặng Văn Bài, Phó Chủ tịch Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia, một hạt nhân trong cấu trúc không gian văn hóa tâm linh của Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử là hệ thống chùa, tháp, miếu, am, thiền viện gắn với Phật giáo Trúc Lâm được phân bố rộng khắp trong không gian tự nhiên của dãy núi Yên Tử như: Chùa Đồng, Chùa Bảo Sái, Chùa Một Mái, Chùa Tiêu, Chùa Hoa Yên, Ngự Dược Am, Tử Tiêu Am, Thạch Thất Ngộ, Ngữ Viên, Chùa Long Động, Chùa Giải Oan, Chùa Lân, Chùa Cầm Thực, Chùa Tú Lâm, Chùa Hồ Thiên, Am/Chùa Ngọa Vân, Chùa Quan Âm, Chùa Quỳnh Lâm, Chùa Chân Lạc, Chùa Ngũ Đài Sơn, Chùa Bắc Mã. Ngoài ra còn phải kể tới hệ thống chùa thuộc Thiền phái Trúc Lâm ở hai tỉnh Bắc Giang và Hải Dương như: Chùa Vĩnh Nghiêm, Chùa Bổ Đà, Chùa Côn Sơn và Chùa Thanh Mai. Trong truyền thống văn hóa Phật giáo Trúc Lâm, con người đã tận dụng và thích nghi các điều kiện môi trường sinh thái của dãy núi Yên Tử trải dài qua ba tỉnh Quảng Ninh - Bắc Giang - Hải Dương để tạo dựng nên một phức hệ cảnh quan văn hóa - hợp thể thiên nhiên và kiến trúc, tiểu không gian văn hóa của các ngôi chùa để kết nối thành hệ thống chùa gắn với Phật giáo Trúc Lâm. Có thể coi đây là cốt lõi để xây dựng các sản phẩm du lịch tâm linh của các tỉnh Quảng Ninh - Bắc Giang - Hải Dương.
Trước đây cao điểm cứ mỗi độ xuân sang, hàng vạn du khách từ khắp mọi miền lại hành hương về Yên Tử để được dự Khai hội xuân Yên Tử và hòa mình giữa gió núi mây ngàn. Đặc biệt, du khách sẽ được thưởng lãm thứ hương thơm thanh khiết từ loài hoa Mai vàng Yên Tử. Sắc hoa cao quý, riêng có nơi đất Phật chính là kết tinh rõ nhất cho vẻ đẹp nhân cách của người quân tử: Tiết tháo, trung tín, ngoan cường, khí phách. Triệu triệu bông hoa mai vàng thành kính kết thành tấm hoàng bào phủ lên non thiêng Yên Tử, góp phần tạo nên vẻ đẹp thuần khiết cùng sự linh thiêng huyền bí chốn phù vân.
![](https://quang-ninh-media.shorthandstories.com/b-o-t-n-ph-t-huy-gi-tr-khu-di-s-n-v-n-h-a-l-n-nh-t-vi-t-nam/assets/5Se0do1ENJ/448856448_862376902589564_398087653009593763_n-2048x1367.jpg)
Theo sự vận động, phát triển của ngành du lịch, hiện nay Yên Tử đón nhân dân, du khách trong nước quốc tế tới tham quan trong cả bốn mùa xuân, hạ, thu, đông. Khi hè tới, giữa cái nắng chói chang, nhưng đường lên Yên Tử vẫn mát lành rợp bóng tùng, thông, trúc... Khác với không gian náo nức lễ hội mùa xuân, Yên Tử vào thu sâu lắng, trầm mặc bên tiếng kinh cầu quốc thái dân an văng vẳng. Mùa thu còn là mùa của tâm linh hướng thượng, hướng đến những giá trị nhân văn tốt đẹp khi lòng người cảm thấy an yên đến lạ. Đông về, không gian Yên Tử mờ ảo vấn vít khói nhang bảng lảng giữa sương mai đẹp đến nao lòng. Cứ thế, bốn mùa xuân, hạ, thu, đông nối tiếp nhau trong năm, có khi là những khoảnh khắc chuyển giao trong ngày khiến bước chân người lễ phật như lạc vào chốn bồng lai.
![Chùa Đồng trên đỉnh Yên Tử đón khí thiêng tụ về.](https://quang-ninh-media.shorthandstories.com/b-o-t-n-ph-t-huy-gi-tr-khu-di-s-n-v-n-h-a-l-n-nh-t-vi-t-nam/assets/KdWWfaezJ6/1924597_chua_dong_tren_dinh_yen_tu_don_khi_thieng_tu_ve_11522819-900x675.jpg)
Chùa Đồng trên đỉnh Yên Tử đón khí thiêng tụ về.
Chùa Đồng trên đỉnh Yên Tử đón khí thiêng tụ về.
Hành hương về miền Trúc Lâm Yên Tử, nơi dừng chân đầu tiên là chùa Giải Oan. Từ ngàn năm nay dưới chân núi, nước suối vẫn khẽ khàng róc rách chảy như thì thầm những lời tự tình sâu kín. Dọc đường lên cao, ánh nắng len lỏi họa hình dọc trên con đường Tùng huyền thoại. Trải qua hơn 700 năm với biết bao thăng trầm, biến thiên của thời gian lịch sử, hàng Xích Tùng vẫn sừng sững, vươn cao, biểu trưng cho sức sống mãnh liệt, trường tồn và khí phách hiên ngang, chính trực của bậc quân tử. Khoan thai bộ hành trong tiếng nhạc thiền qua rừng trúc, du khách sẽ tới Vườn tháp Huệ Quang tọa lạc trên thế đất hàm rồng thờ ngọc cốt của các thế hệ Thiền sư đạo cao đức trọng tu hành tại Hoa Yên qua các thời Trần, Lê... Từ Vườn tháp Huệ Quang đi tiếp qua những bậc đá rêu phong cổ kính, du khách sẽ lên đến chùa Hoa Yên tọa lạc giữa mây khói an lành. Chùa Hoa Yên là trung tâm của cả hệ thống chùa Yên Tử, là nơi tu hành, thành đạo, truyền thừa của các thế hệ Tổ Thiền Trúc Lâm Yên Tử.
![](https://quang-ninh-media.shorthandstories.com/b-o-t-n-ph-t-huy-gi-tr-khu-di-s-n-v-n-h-a-l-n-nh-t-vi-t-nam/assets/7vIUSvmN9B/449779809_870434858450435_856222438875051351_n-2048x1364.jpg)
Mỗi người hành hương về Yên Tử đều mong đến chùa Ðồng - nơi cao nhất và hội tụ khí thiêng của đất trời.
Mỗi người hành hương về Yên Tử đều mong đến chùa Ðồng - nơi cao nhất và hội tụ khí thiêng của đất trời.
Tiếp tục hành trình, mỗi người hành hương về Yên Tử đều mong một lần kính lễ tại chùa Ðồng - nơi cao nhất và hội tụ khí thiêng của đất trời. Lên đến đây là lên với cõi đá, với vô vàn phiến đá to nhỏ xếp chồng lên nhau. Ngước lên, là khung trời cao lồng lộng kì vĩ và màu nhiệm. Phóng tầm mắt xuống dưới, là khung cảnh núi non thăm thẳm mênh mông tới tận chân trời.
Đến Yên Tử hôm nay, sau hành trình thượng sơn dâng hương, lễ Phật tại các điểm chùa, am tháp cổ kính của quần thể di sản nơi đây, du khách còn có thể trải nghiệm các dịch vụ du lịch trải nghiệm văn hóa, nghỉ dưỡng, đặc sắc tầm cỡ quốc tế ở ngay dưới chân núi. Nằm trọn vẹn trong lòng thung lũng dưới chân danh sơn Yên Tử, Trung tâm Văn hóa Trúc Lâm Yên Tử do Công ty CP Phát triển Tùng Lâm đầu tư, đưa vào phục vụ du khách từ năm 2018. Với không gian mở, quần thể công trình nơi đây có rất nhiều những địa điểm để du khách tự do trải nghiệm, khám phá, check in, thư giãn và mang đầy ý nghĩa, như: Cổng Khai tâm, Hồ nước gương Kính tâm, Vườn tùng La hán, Trung tâm lễ hội, Cung Trúc Lâm, làng Nương…
![](https://quang-ninh-media.shorthandstories.com/b-o-t-n-ph-t-huy-gi-tr-khu-di-s-n-v-n-h-a-l-n-nh-t-vi-t-nam/assets/aNiWFTE77S/tha-hoa-dang-tren-guong-thien-4096x2734-4096x2734.jpg)
Dạo bước tới làng Nương, du khách sẽ được trải nghiệm một không gian văn hóa đầy màu sắc của làng quê Bắc Bộ xưa, tham quan, mua sắm các sản phẩm thủ công, nông sản quê hương, tham gia các hoạt động trải nghiệm phong phú như yoga, thiền, làm tranh Đông Hồ, nón lá, chuồn chuồn tre….Tiếp đó, là khu tĩnh dưỡng Legacy Yên Tử với tiêu chuẩn 5 sao là tinh hoa kế thừa từ lịch sử ngàn năm của đất Việt Nam. Tại đây, với thiết sang trọng nhưng mang đậm màu sắc văn hóa cung cấp cùng các tiện ích, dịch vụ ăn uống, nghỉ ngơi, thư giãn, trị liệu sức khỏe cũng mang đến nhiều lựa chọn trải nghiệm đáng nhớ cho du khách
![Du khách nhí thích thú với nghệ thuật thư pháp.](https://quang-ninh-media.shorthandstories.com/b-o-t-n-ph-t-huy-gi-tr-khu-di-s-n-v-n-h-a-l-n-nh-t-vi-t-nam/assets/B3FFmLPe8U/453629026_3742221029377417_7768547115503730212_n-2016x1512.jpg)
Du khách nhí thích thú với nghệ thuật thư pháp.
Du khách nhí thích thú với nghệ thuật thư pháp.
Với những giá trị ngoại hạng của Yên Tử về lịch sử, cảnh quan thiên nhiên, trước khi chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, trung bình mỗi năm Khu di tích danh thắng Yên Tử đón trên 1 triệu lượt khách đến tham quan, chiêm bái lễ Phật. Sau đại dịch, với hạ tầng nâng cấp, dịch vụ đổi mới, Yên Tử đang tiếp tục khẳng định vị thế của điểm đến du lịch tâm linh, văn hóa hàng đầu của Quảng Ninh và Việt Nam.
![](https://quang-ninh-media.shorthandstories.com/b-o-t-n-ph-t-huy-gi-tr-khu-di-s-n-v-n-h-a-l-n-nh-t-vi-t-nam/assets/wwlxwtCfZJ/tit-3.2-3556x1172.jpg)
![](https://quang-ninh-media.shorthandstories.com/b-o-t-n-ph-t-huy-gi-tr-khu-di-s-n-v-n-h-a-l-n-nh-t-vi-t-nam/assets/j5eDlPkZvO/yt2-1920x1080-1920x1080.jpg)
Có thể khẳng định, sự quan tâm đặc biệt từ Trung ương, địa phương và sự chung sức của đông đảo nhân dân, nên công tác bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Di tích quốc gia đặc biệt Yên Tử đã đạt nhiều thành tựu. Yên Tử là nơi cung cấp các dịch vụ du lịch mang tầm cỡ quốc gia, quốc tế nhưng vẫn giữ được nét tôn nghiêm, cổ kính và đặc biệt, hệ môi trường sinh thái, đa dạng sinh học, cảnh quan thiên nhiên được bảo tồn, giá trị di sản trong khu di tích danh thắng ngày càng được phát huy. Các chùa chiền, am tháp, đường hành hương, cho đến hệ thống cáp treo đều được qui hoạch chặt chẽ bài bản, hợp lý, tinh tế đảm bảo giữ được vẻ xưa, nét cổ, lại hài hòa với cảnh quan và không khí tôn nghiêm, cổ kính nơi đất thiêng.
![Du khách tham quan Yên Tử bằng cáp treo.](https://quang-ninh-media.shorthandstories.com/b-o-t-n-ph-t-huy-gi-tr-khu-di-s-n-v-n-h-a-l-n-nh-t-vi-t-nam/assets/ZkoRiToDvF/022a6788-1800x1200.jpg)
Du khách tham quan Yên Tử bằng cáp treo.
Du khách tham quan Yên Tử bằng cáp treo.
Với mục tiêu phát triển du lịch Yên Tử theo hướng bền vững, tỉnh và thành phố đã ưu tiên mời gọi các nhà đầu tư có năng lực, trình độ, biết đánh giá, khai thác giá trị tinh thần vô giá của danh sơn Yên Tử. Trong quá trình đầu tư, khai thác kinh doanh dịch vụ cáp treo, giai đoạn năm 2016-2018, Công ty Tùng Lâm đã thuê kiến trúc sư nổi tiếng thế giới Bill Bensley thiết kế quần thể Trung tâm Văn hóa Trúc Lâm Yên Tử. Nét đặc sắc nhất là đã chắt lọc được các yếu tố cơ bản của Phật giáo Trúc Lâm và văn hóa nhà Trần, hình thành nên ngôn ngữ xuyên suốt từ kiến trúc, cảnh quan, nội thất, đến cách thức phục vụ, đưa quá khứ gần hơn với hiện tại, tái hiện nét văn hóa xưa trong quần thể hiện đại, cao cấp. Các công trình trong quần thể là nơi thể hiện cao độ sự gắn bó giữa du lịch với văn hóa, làm cho yếu tố tinh thần xưa tìm được phương thức mới để tồn tại bền vững, có sức sống, lồng ghép khéo léo trong kinh doanh du lịch.
![](https://quang-ninh-media.shorthandstories.com/b-o-t-n-ph-t-huy-gi-tr-khu-di-s-n-v-n-h-a-l-n-nh-t-vi-t-nam/assets/oTWCL5KBk4/duong-tung-4096x2731-4096x2731.jpg)
Để kết nối với di tích, tỉnh đã tập trung đầu tư hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại, kết nối liên thông, tổng thể Yên Tử với các di tích trong cả nước, cùng với đó là sự hoàn thiện các hạ tầng dịch vụ du lịch góp phần đưa khu di tích Yên Tử lên một vị thế mới. Ngoài đầu tư các tuyến đường kết nối từ quốc lộ 18A vào Yên Tử là tuyến đường hành hương kết nối sang di tích Ngọa Vân (TX Đông Triều). Đáng chú ý, thành phố đang đầu tư tuyến đường kéo dài đường Yên Tử với tổng mức 250 tỷ đồng, kết nối tuyến đường ven sông của tỉnh có tổng mức đầu tư gần 10.000 tỷ đồng. Quảng Ninh cũng đã phê duyệt chủ trương đầu tư tuyến đường nối từ Quốc lộ 279 (Quảng Ninh) đến Tỉnh lộ 291 (Bắc Giang) và cải tạo, nâng cấp đường tỉnh 345 có điểm đầu giao với đường tỉnh 327 (Quảng Ninh), điểm cuối đấu nối với đường tỉnh 293 (Bắc Giang), nhằm kết nối với Tây Yên Tử (Bắc Giang). TP Uông Bí cũng đang tích cực triển khai dự án “Không gian cảnh quan đường vào cõi Phật”, gắn với khôi phục, phát triển rừng quốc gia dọc tuyến hành hương chính, đem lại những trải nghiệm mới thú vị thuận tiện cho du khách.
Về dịch vụ, TP Uông Bí đã đẩy mạnh xúc tiến đầu tư quần thể dịch vụ rộng gần 20 ha, với nhiều khu vực và công năng: Khu tĩnh dưỡng Legacy Yên Tử, Gallery Hotels Collection 5 sao với 133 phòng, hội trường Diên Hồng Ballroom 700 chỗ, Am Tuệ Tĩnh chăm sóc sức khỏe; Khu làng hành hương Yên Tử với 400 kén ngủ mộng mơ tĩnh mịch; sân quảng trường Minh Tâm và Hoa Tâm có thể đáp ứng cho hàng vạn du khách tham gia lễ hội; 10 điểm dừng chân trên tuyến đường hành hương từ Giải Oan lên chùa Đồng; xây dựng hai bến xe Hạ Kiệu 1 và 2 với sức chứa 2.800 ô tô, 10.000 xe máy; xây dựng thêm 2 hệ thống cáp treo hiện đại theo công nghệ của Pháp lên chùa Hoa Yên và chùa Đồng, công suất gấp gần 10 lần so với năm 2002.
![Trải nghiệm làm nón lá tại làng Nương dưới chân Yên Tử.](https://quang-ninh-media.shorthandstories.com/b-o-t-n-ph-t-huy-gi-tr-khu-di-s-n-v-n-h-a-l-n-nh-t-vi-t-nam/assets/0Hc1ePeVdV/editvideo2-00_10_42_26-still014-1920x1080-1920x1080.jpg)
Trải nghiệm làm nón lá tại làng Nương dưới chân Yên Tử.
Trải nghiệm làm nón lá tại làng Nương dưới chân Yên Tử.
Nhiều sản phẩm trải nghiệm được đầu tư đưa vào khai thác phục vụ nhu cầu của du khách, như: Yoga buổi sáng, thiền trầm, trải nghiệm làm “nón làng Nương”, dập tranh Đông Hồ, làm sáo trúc, chuồn chuồn tre, cưỡi ngựa - thả diều tại quảng trường Minh Tâm, thiền đăng tại Gương Thiền, thiền nước chánh niệm, hành hương theo dấu chân Phật hoàng, học sử trên đỉnh non thiêng Yên Tử, ngắm ánh bình minh trên chùa Đồng, đêm hội làng Nương Yên Tử, sản phẩm “team building” tại Minh Tâm và Hoa Tâm, sản phẩm chăm sóc sức khỏe tại Am Tuệ Tĩnh... Tổng kinh phí đầu tư cho các hạng mục trên 3.000 tỷ đồng đã góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ phục vụ du khách và nhân dân khi đến với Yên Tử. Hiện thành phố đang tích cực xúc tiến đầu tư nhiều dự án quan trọng như Công viên Phật giáo, Vườn Thiền, đô thị cổ trang... sẽ nối dài danh mục sản phẩm trải nghiệm, trong đó chứa nét riêng đặc sắc chỉ có ở Yên Tử.
![Du lịch tâm linh đang là xu hướng được ưa chuộng.](https://quang-ninh-media.shorthandstories.com/b-o-t-n-ph-t-huy-gi-tr-khu-di-s-n-v-n-h-a-l-n-nh-t-vi-t-nam/assets/GzBFPX73M6/448876130_862376689256252_6670318780809328413_n-2048x1367.jpg)
Du lịch tâm linh đang là xu hướng được ưa chuộng.
Du lịch tâm linh đang là xu hướng được ưa chuộng.
Yên Tử đang trên lộ trình trở thành di sản văn hóa thế giới là cơ hội để giá trị của di sản này được lan tỏa cao hơn, xa hơn, mang đến cho nhân loại nhận thức về dấu ấn kinh đô Phật giáo một thời của Việt Nam, về tinh thần nhập thế, đạo không tách với đời của dòng thiền đặc biệt của Việt Nam, Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử và mở ra cơ hội bứt phá cho ngành du lịch, góp phần quan trọng phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh và đất nước.
Ngày xuất bản: 15/8/2024
Chỉ đạo thực hiện: LAN HƯƠNG
Tổ chức sản xuất: HOÀNG QUÝ
Thực hiện: HOÀNG NHI - NGUYỄN DUNG - ĐÀO LINH
Trình bày: MẠNH HÀ