Tất cả chuyên mục
Thứ Năm, 12/12/2024 06:56 (GMT +7)
Bảo vệ môi trường để phát huy giá trị di sản - kỳ quan Vịnh Hạ Long
Thứ 7, 07/06/2014 | 05:27:28 [GMT +7] A A
Tại kỳ họp thứ 14 vừa qua, HĐND tỉnh khoá XII đã thông qua Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Quảng Ninh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 và Quy hoạch môi trường Vịnh Hạ Long đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Mục tiêu được xác định trong đó là Vịnh Hạ Long và TP Hạ Long sẽ là một khu vực trung tâm, không chỉ về phát triển kinh tế mà còn là một đơn vị dẫn đầu về bảo vệ môi trường và thực hiện chiến lược tăng trưởng xanh của tỉnh, của quốc gia. Để bảo tồn và phát huy giá trị di sản - kỳ quan Vịnh Hạ Long, đòi hỏi công tác quản lý và bảo vệ môi trường phải là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Ban Quản lý Vịnh Hạ Long nói riêng, của tỉnh nói chung. Bởi lẽ bảo vệ môi trường sẽ giúp cho việc bảo tồn nguyên gốc di sản Vịnh Hạ Long, đặc biệt là vùng “lõi” của di sản và là yếu tố quan trọng thu hút du khách đến với Vịnh, qua đó góp phần nâng cao chất lượng hoạt động du lịch của tỉnh.
Rác thải trên Vịnh Hạ Long được Ban Quản lý Vịnh thu gom, vận chuyển vào bờ để xử lý đảm bảo vệ sinh môi trường. |
Trao đổi với chúng tôi, ông Đỗ Đức Thắng, Phó Ban Quản lý Vịnh Hạ Long cho biết, xác định công tác quản lý, bảo vệ môi trường là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, những năm qua, bên cạnh công tác tuyên truyền, giáo dục đến người dân, khách tham quan du lịch, Ban Quản lý Vịnh Hạ Long đã quan tâm đầu tư kinh phí vào vùng “lõi” của di sản để đủ điều kiện đảm bảo an toàn và thuận lợi cho khách du lịch, cũng như đối với công tác quản lý, bảo vệ di sản. Nhờ vậy, môi trường ở vùng “lõi” di sản Vịnh Hạ Long căn bản vẫn được giữ gìn tốt. Đặc biệt, hai giá trị của Vịnh Hạ Long gồm vẻ đẹp về cảnh quan và giá trị địa chất, địa mạo cơ bản vẫn được bảo tồn nguyên gốc vốn có của nó.
Bên cạnh những mặt thuận lợi, công tác bảo vệ môi trường ở Vịnh Hạ Long cũng đứng trước nhiều thách thức, bởi chịu nhiều áp lực từ quá trình công nghiệp hoá, đô thị hoá, nhất là từ các ngành công nghiệp khai thác than, cảng biển, nuôi trồng và đánh bắt thuỷ sản, dịch vụ và du lịch...
Để bảo vệ tốt môi trường Vịnh, thời gian qua, Ban quản lý Vịnh Hạ Long đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp. Với mục tiêu để Vịnh Hạ Long xanh, sạch, đẹp hơn, Ban Quản lý Vịnh Hạ Long luôn chú trọng công tác bảo vệ môi trường sinh thái Vịnh thông qua việc điều tra, khảo sát đánh giá nguồn xả thải xuống Vịnh, nguy cơ gây ô nhiễm Vịnh, dự báo tình trạng ô nhiễm môi trường vùng Vịnh. Ban Quản lý Vịnh Hạ Long đã thành lập Phòng Quản lý môi trường trực thuộc Ban chuyên trách về công tác quản lý và bảo vệ môi trường Vịnh. Anh Lê Lâm Tuấn, Trưởng Phòng Quản lý môi trường, Ban Quản lý Vịnh Hạ Long cho biết: Trước đây, rác thải trên Vịnh được thu gom, phân loại và được xử lý tại chỗ bằng hình thức đốt cháy. Tuy nhiên, việc tìm điểm đốt rác rất khó khăn, hơn nữa khi đốt sẽ tạo ra khói và mùi, gây ô nhiễm môi trường. Vì vậy, thời gian gần đây, rác thải trên Vịnh được thu gom, vận chuyển bằng tàu đưa về bờ, sau đó được xe vận chuyển rác của Công ty CP Đầu tư và phát triển môi trường đô thị Quảng Ninh chở đi xử lý đảm bảo vệ sinh môi trường. Từ đầu năm 2014 đến nay, đã thu gom, xử lý hơn 1.800m3 rác thải, trong đó, thu gom trên Vịnh hơn 1 nghìn m3, thu gom ven bờ là hơn 800m3.
Ban Quản lý Vịnh Hạ Long còn đầu tư kinh phí xây dựng khu vệ sinh công cộng đảm bảo văn minh, lịch sự phục vụ khách du lịch tại các điểm tham quan trên Vịnh như: Cụm động Thiên Cung - hang Đầu Gỗ; bãi tắm Ti-tốp; hang Sửng Sốt; động Mê Cung; Trung tâm Văn hoá nổi Cửa Vạn... Cùng với đó, đã phối hợp với Trường Đại học Osaka - Nhật Bản triển khai dự án cơ sở JICA - pha 2 (2013-2016) về “Thiết lập hệ thống thu gom, vận chuyển rác thải trên Vịnh Hạ Long về bờ xử lý sử dụng nhiên liệu sinh học và xây dựng mô hình giáo dục môi trường, nâng cao nhận thức cộng đồng bảo vệ di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long”.
Ban Quản lý Vịnh Hạ Long còn đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục bảo vệ môi trường sinh thái Vịnh Hạ Long cho các tổ chức, cá nhân hoạt động phát triển kinh tế - xã hội trên Vịnh và khu vực ven bờ dưới nhiều hình thức như: Lắp dựng các biển báo, biển cấm, pa - nô; phát các tờ gấp quảng bá về Vịnh Hạ Long; tuyên truyền trực tiếp thông qua đội ngũ hướng dẫn viên của Ban. Đồng thời, đưa chương trình giáo dục di sản vào trường học ở cả ba cấp tại các địa phương có liên quan đến Vịnh Hạ Long. Ngoài ra, đơn vị còn xây dựng quy chế phối hợp bảo vệ môi trường di sản Vịnh Hạ Long với các ngành, địa phương như: Công an tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở NN&PTNT, Sở GT-VT, Cảng vụ nội địa, TP Hạ Long, TP Cẩm Phả, huyện Vân Đồn...
Quy hoạch môi trường Vịnh Hạ Long đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 được thông qua là cơ sở quan trọng để công tác bảo vệ môi trường Vịnh được thực hiện tốt hơn.
Phạm Hoạch
Liên kết website
Ý kiến ()