Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 23/11/2024 19:27 (GMT +7)
Bảo vệ và phát triển nguồn lợi thuỷ sản bền vững - Bài 1: Ngư trường cạn kiệt
Thứ 2, 14/08/2017 | 06:35:37 [GMT +7] A A
Những năm gần đây, mặc dù các cơ quan chức năng đã tích cực vào cuộc, song tình trạng khai thác thuỷ sản theo kiểu tận diệt vẫn ngày càng gia tăng. Điều này dẫn đến tiêu diệt và phá vỡ môi trường sống của các loài thuỷ sản, làm cạn kiệt nguồn lợi thuỷ sản, nhất là tại các vùng ven biển. Bởi vậy cần phải có những hành động quyết liệt hơn để bảo vệ, tái tạo, phát triển nguồn lợi thuỷ sản một cách bền vững.
Sở NN&PTNT phối hợp với lực lượng chức năng tiêu huỷ tang vật thu được từ các vụ khai thác thuỷ sản mang tính huỷ diệt, tháng 5-2017. Ảnh: Việt Hoa |
Vẫn nóng tình trạng khai thác tận diệt
Theo báo cáo của Chi cục Thuỷ sản (Sở NN&PTNT), từ năm 2015 đến nay, toàn tỉnh đã phát hiện, xử lý 2.179 trường hợp vi phạm, xử phạt hành chính trên 5 tỷ đồng. Trong đó cấp tỉnh (Sở NN&PTNT, Công an tỉnh, BĐBP tỉnh, Vườn quốc gia Bái Tử Long, BQL Vịnh Hạ Long) phát hiện, xử lý 1.991 trường hợp; phạt hành chính trên 4,75 tỷ đồng.
Cụ thể, năm 2015 phát hiện, xử lý 743 vụ, thu phạt trên 1,6 tỷ đồng; năm 2016 phát hiện, xử lý 795 vụ, thu phạt gần 1,9 tỷ đồng; 7 tháng đầu năm 2017 phát hiện, xử lý 474 vụ, thu phạt gần 1,15 tỷ đồng. Phân loại số vụ vi phạm: 3 vụ sử dụng chất nổ; 69 vụ vi phạm nghề lặn; 435 vụ vi phạm sử dụng kích điện; 98 vụ sử dụng đăng đáy, lưới mắt nhỏ, cào, lồng bát quái; 1.386 trường hợp vi phạm khác. Riêng Chi cục Thuỷ sản - cơ quan quản lý cấp tỉnh, chuyên trách về bảo vệ nguồn lợi và môi trường thuỷ sản, từ năm 2015 đến nay phát hiện, xử lý 1.578 vụ, thu phạt gần 2,75 tỷ đồng nộp ngân sách nhà nước, chiếm 72% về số vụ và 55% về số tiền phạt trong tổng số vụ và tiền phạt cấp tỉnh thực hiện. Các địa phương cấp huyện phát hiện, xử lý 188 trường hợp vi phạm; thu phạt hành chính 281,65 triệu đồng; bao gồm: 2 vụ sử dụng chất nổ; 46 vụ vi phạm sử dụng kích điện; 79 vụ sử dụng đăng đáy, lưới mắt nhỏ, cào, lồng bát quái; 61 trường hợp vi phạm khác.
Nhiều vụ việc đã được các cơ quan chức năng xử lý hình sự. Trong tháng 7 vừa qua, Chi cục Thuỷ sản phát hiện vụ việc gồm 4 đối tượng cùng nhau sử dụng kích điện để khai thác thuỷ sản. Đó là Trần Văn Thế, Phạm Văn Dũng, Kiều Văn Hải, Trần Văn Lâm đều trú tại xã Cẩm Lĩnh, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh. Các đối tượng này sử dụng thuyền có trang bị bộ kích điện có xuất xứ từ Trung Quốc, phóng ra luồng điện lên tới 1.500-2.000V, khiến cho không có loài sinh vật nào sống sót khi dòng điện đi qua, sau đó dùng lưới kéo lê dưới đáy biển để bắt thuỷ hải sản bị điện giật. Hiện vụ việc đã được giao cho cơ quan công an xem xét xử lý hình sự.
Mới đây nhất, ngày 1-8, lực lượng chức năng xã Phú Hải (huyện Hải Hà) và Công an huyện phát hiện 5 đối tượng: Lương Thế Vỹ, Lương Thế Mạnh, Vũ Đình Phượng, Ngô Đức Phúc và Vũ Văn Giang đều trú tại xã Hoàng Tân (TX Quảng Yên) đang có hành vi sử dụng 250 bộ lồng bát quái (mỗi bộ dài từ 9-15m) để khai thác thuỷ sản. Công cụ này khi sử dụng sẽ làm tận diệt cá, tôm trong khu vực đánh bắt và cạn kiệt tài nguyên thuỷ hải sản. Xã đã lập biên bản, xử phạt hành chính 22,5 triệu đồng, thu giữ và tiêu huỷ toàn bộ số lồng bát quái, đồng thời giao cơ quan công an để điều tra, làm rõ hành vi vi phạm nhằm xem xét xử lý hình sự.
Đi cùng đội kiểm tra của Chi cục Thuỷ sản kiểm tra trên khu vực bãi triều xã Phú Hải đầu tháng 8 vừa qua, chúng tôi thấy một nhóm ngư dân đang thực hiện hành vi dùng lồng bát quái để đánh bắt thuỷ hải sản. Với cách giăng mắc zích zắc, dụng cụ mắt lưới quá nhỏ sẽ tiêu diệt tất cả các loại cá mẹ, cá con, thậm chí là trứng cá. Ngoài 2 hình thức trên, ngư dân còn có những “món nghề” khác, như giã tôm, te xiệp, vó, chụp kết hợp với ánh sáng, lưới rê, câu, đăng, đáy, chắn đọn, cào hà, cào sò, nghêu, đặt lồng bẫy lưới rê, kích điện, đánh mìn... Tất cả đều khai thác theo kiểu tận diệt, ít chọn lọc, đối tượng đánh bắt bao gồm cả con còn non, con đang trong giai đoạn sinh sản. Trong đó, nếu sử dụng kích điện để khai thác thuỷ sản, hai đầu dây được đấu nối với hai điện cực khác nhau để phóng ra luồng điện lớn, khiến cho không có loài sinh vật nào sống sót khi dòng điện đi qua. Đối với đánh mìn, theo tính toán của giới chuyên môn, chỉ 1 thỏi chất nổ 200g, khi sử dụng sẽ làm ảnh hưởng đến vùng biển có bán kính 150-250m, sâu 25-40m, làm chết tất cả các loài tôm, cá, thuỷ sinh, cá con, trứng cá và sinh vật phù du lớn, bé có trong vùng bị ảnh hưởng.
250 bộ lồng bát quái bị lực lượng chức năng xã Phú Hải (huyện Hải Hà) thu giữ ngày 1-8-2017. Ảnh: Thanh Trường (Trung tâm TT-VH huyện Hải Hà) |
Và nguy cơ biển “chết”
Ông Nguyễn Văn Sinh (xã Đông Xá, huyện Vân Đồn), một ngư dân luôn phản đối cách khai thác thuỷ sản tận diệt, xót xa: “Mỗi một lần khai thác tận diệt là một lần làm tổn thương biển, làm đau biển, làm biển cạn kiệt sức lực. Vậy mà hiện nay hầu hết ngư dân đang ngày ngày làm đau biển, số ngư dân khai thác có trách nhiệm không nhiều”.
Nhận định của lão ngư Nguyễn Văn Sinh không phải là không có cơ sở. Ông Hà Vân Giang, Phó Chi cục Thuỷ sản, lý giải: Đặc thù địa bàn vùng biển tỉnh dài hơn 250km, địa hình hiểm trở, có nhiều đảo, bến bãi, vụng, vịnh, luồng lạch khó kiểm soát. Những đối tượng đánh bắt hải sản trái phép thường hoạt động vào ban đêm, dùng nhiều thủ đoạn cất giấu, vứt bỏ, phi tang dụng cụ, phương tiện vi phạm... Bởi vậy các loại thuỷ sản của biển không chỉ ngày càng bị tiêu diệt trực tiếp, mà còn không có môi trường lý tưởng để sinh trưởng, phát triển, sinh sản, dẫn đến nguồn lợi thuỷ sản của biển ngày càng giảm sút, cạn kiệt.
Theo cơ quan chức năng, vùng biển Quảng Ninh được đánh giá là vùng biển đa dạng sinh học, giàu nguồn lợi với 315 loài cá và 450 động vật thân mềm, trong đó có những loại thuỷ sản đặc hữu rất nổi tiếng và có số lượng lớn. Thế nhưng hiện nay tính đa dạng của vùng biển Quảng Ninh ngày càng giảm sút, có những loại thuỷ sản quý hiếm giảm số lượng nghiêm trọng, thậm chí biến mất, như: Bào ngư 7 lỗ ở Cô Tô; tôm he Mĩ Miều (Hải Hà); tôm hùm Vịnh Hạ Long, Vịnh Bái Tử Long; hải sâm, tôm mũ ni đỏ, sá sùng ở Vân Đồn, Móng Cái... Không ít người già sống lâu năm ở vùng biển Vịnh Hạ Long cho biết có thời kỳ loài cá heo kéo đàn nhảy tung tăng trên mặt Vịnh, ngay trước mặt ngư dân là chuyện thường. Thế nhưng, hiện nay nguồn lợi thuỷ sản trên vùng biển Quảng Ninh đang bị cạn kiệt, giảm mật độ, giảm số lượng loài, do các hoạt động khai thác theo kiểu tận diệt, huỷ diệt gây ra...
Việt Hoa
Bài 2: Chế tài đã mạnh, nhưng vi phạm vẫn nhiều
[links()]
Liên kết website
Ý kiến ()