Bến phà Bãi Cháy, nối liền hai bờ Bãi Cháy - Hòn Gai, không chỉ là một địa danh in sâu trong ký ức của người dân Vùng mỏ, mà còn là biểu tượng bất diệt của lòng dũng cảm, sức mạnh kiên cường và tinh thần đoàn kết. Những chuyến phà năm xưa đã hiên ngang vượt qua bom đạn chiến tranh, đưa hàng vạn người dân qua sông an toàn, bảo đảm hậu cần cho tiền tuyến, góp phần làm nên thắng lợi vang dội của dân tộc.

Một buổi sáng tháng 4, tôi tìm đến ngôi nhà nhỏ nằm lưng chừng con dốc, nép mình bên bờ vịnh Cửa Lục để gặp ông Trần Minh Chúc - một chứng nhân sống của lịch sử, một người đã gắn bó cả đời mình với bến phà Bãi Cháy từ những ngày tháng chiến tranh đầy khốc liệt đến thời bình. Ông đón tiếp tôi với gương mặt hiền hậu, nụ cười ấm áp. Mời tôi ngồi xuống, ông chậm rãi rót chén trà nóng và bắt đầu kể về những ngày tháng hào hùng nhưng cũng đầy gian khổ.

Cựu thuyền trưởng Trần Minh Chúc cùng con trai xem những tư liệu về Bến phà Bãi Cháy.

Cựu thuyền trưởng Trần Minh Chúc cùng con trai xem những tư liệu về Bến phà Bãi Cháy.

Cựu thuyền trưởng Trần Minh Chúc cùng con trai xem những tư liệu về Bến phà Bãi Cháy.

"Mỗi chuyến phà là một cuộc chiến. Máy bay Mỹ ném bom, bắn phá ngày đêm, nhưng phà vẫn chạy, người vẫn qua” - ông Chúc bắt đầu hồi tưởng, giọng nói trầm ấm, chậm rãi như rót vào không gian những thước phim sống động của quá khứ.

Ông kể: Năm 1965 Mỹ đánh phá Vùng mỏ lần thứ nhất. Tôi khi ấy còn là một chàng trai trẻ, được điều động về Bến phà Bãi Cháy công tác. Là người con của biển lại được ra cửa biển lái phà, háo hức lắm chứ. Nhưng chưa hết vui đã phải lo đào hầm, trực ca, trực chiến, mở thêm bến phụ... Công việc nhiều, đầy căng thẳng. Bến phà Bãi Cháy, khi đó không chỉ là huyết mạch giao thông nối liền hai bờ Cửa Lục, mà còn là mục tiêu trọng điểm trong các cuộc không kích của giặc Mỹ. Cho đến hết thời kỳ đánh phá của giặc Mỹ, bến phà Bãi Cháy đã bị đánh 35 trận, với 534 quả bom và hàng nghìn quả rocket.

a

Ông Trần Minh Chúc gắn bó với Bến phà Bãi Cháy từ những ngày đầu tiếp quản và làm việc ở đây cho đến khi về hưu.

Ông Trần Minh Chúc gắn bó với Bến phà Bãi Cháy từ những ngày đầu tiếp quản và làm việc ở đây cho đến khi về hưu.

Tôi vẫn nhớ như in ngày 12/7/1972. Lúc 8 giờ sáng, phà rời bến Hòn Gai, hướng về Bãi Cháy. Sau khi cập bến, tôi cho phà quay đầu trở lại. Khi đi được khoảng 1/3 quãng đường, tôi phát hiện 4 chiếc máy bay địch đang tiến vào. Lúc đó, trên phà có 4 chiếc xe tải và khoảng 40 hành khách, sự lo lắng, sợ hãi hiện rõ trên khuôn mặt của họ. Trong khoảnh khắc căng thẳng ấy, kinh nghiệm mách bảo tôi máy bay địch khi bay sâu vào trong thường ít khi bắn phá trực tiếp, mà chủ yếu là cắt bom chúc đầu, tức là đón lõng để thả bom. Tôi lập tức giật ga, cho phà lùi hết tốc lực. Vừa lùi được khoảng 20 mét, bom dội xuống ngay trước mắt, nổ kinh hoàng. Cả chuyến phà thoát khỏi vòng chết chóc trong gang tấc.

Bên chén trà vẫn còn nghi ngút hơi nóng, ông kể tiếp về những lần các chuyến phà bị trúng bom, và cả những người đồng đội ngã xuống. Đó là thuyền trưởng Vũ Văn Thúc hy sinh ngày 8/7 khi đang bảo vệ dàn phà dự phòng. Thuyền trưởng Vũ Văn Hiệp cùng 3 thủy thủ đã anh dũng hy sinh chiều 7/9 khi bảo vệ chuyến phà chở gần 100 hành khách khỏi bom đạn của quân thù… Hay những câu chuyện về lòng dũng cảm và sự mưu trí của những cán bộ bến phà khi dùng ca nô rà phá để thông luồng làm nổ nhiều quả bom do địch thả xuống lòng vịnh, đảm bảo giao thông an toàn…

Bến phà Bãi Cháy nối đôi bờ Bãi Cháy - Hòn Gai, là một trong số ít những địa danh, gắn liền với lịch sử hình thành và phát triển của TX Hòn Gai nay là TP Hạ Long. Nơi đây đã ghi dấu những trang sử hào hùng. Tiêu biểu là Cách mạng Tháng Tám năm 1945, khi đó nhân dân Khu mỏ đã tưng bừng đổ ra đường chào mừng quân cách mạng, khu vực bến phà Bãi Cháy trên bến, dưới thuyền nhuộm đỏ màu cờ đỏ sao vàng chào đón quân cách mạng. Ngày 25/4/1955, tên lính Pháp cuối cùng rút xuống tàu ở bến phà Bãi Cháy (phía Hòn Gai), đánh dấu chấm hết của 72 năm thực dân Pháp chiếm đóng.

Bến phà Bãi Cháy chứng kiến những binh lính Pháp rút khỏi Vùng mỏ (Ảnh tư liệu).

Bến phà Bãi Cháy chứng kiến những binh lính Pháp rút khỏi Vùng mỏ (Ảnh tư liệu).

Bến phà Bãi Cháy chứng kiến những binh lính Pháp rút khỏi Vùng mỏ (Ảnh tư liệu).

Trong giai đoạn Quảng Ninh chống chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ (1964-1972), với vị trí chiến lược trọng yếu, bến phà trở thành tâm điểm của những trận đánh khốc liệt. Nhưng dưới làn mưa bom bão đạn, cán bộ, nhân viên bến phà Bãi Cháy vẫn kiên cường bám trụ, thực hiện khẩu hiệu "Địch đánh, ta cứ đi", dũng cảm, mưu trí để đưa phà cập bến an toàn, bảo vệ huyết mạch giao thông của Vùng mỏ. Không chỉ nỗ lực đảm bảo giao thông, những cán bộ, nhân viên bến phà Bãi Cháy còn tham gia chiến đấu, phối hợp với bộ đội chủ lực bắn rơi một máy bay Mỹ và làm bị thương một chiếc khác. Họ cũng điều khiển hàng chục chuyến phà chở vũ khí ra tuyến đảo Đông Bắc, kịp thời phục vụ chiến đấu và đời sống chiến sĩ, góp phần vào thắng lợi của quân và dân Quảng Ninh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ.

Những chiến công huy hoàng ấy đã được ghi nhận xứng đáng. Tập thể cán bộ, công nhân viên chức, và lực lượng tự vệ của bến phà Bãi Cháy đã 3 lần được Đảng và Nhà nước trao tặng danh hiệu Anh hùng: Anh hùng Lao động năm 1985 và 1996; Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân năm 2000, cùng với vô số huân, huy chương, bằng khen danh giá khác của các bộ, ngành Trung ương và của tỉnh - một thành tích hiếm có cơ quan, đơn vị nào thời điểm đó có được.

Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình trao tặng danh hiệu Đơn vị AHLĐ lần thứ 2 cho Bến phà Bãi Cháy - năm 1996 (Ảnh tư liệu)

Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình trao tặng danh hiệu Đơn vị AHLĐ lần thứ 2 cho Bến phà Bãi Cháy - năm 1996 (Ảnh tư liệu).

Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình trao tặng danh hiệu Đơn vị AHLĐ lần thứ 2 cho Bến phà Bãi Cháy - năm 1996 (Ảnh tư liệu).

Sau khi chiến tranh kết thúc, Vùng mỏ đi vào khôi phục và phát triển kinh tế. Bến phà Bãi Cháy tiếp tục là huyết mạch giao thông quan trọng trên tuyến Quốc lộ 18A, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Ngày 18/5/2003, Chính phủ phát lệnh khởi công cầu Bãi Cháy và đến ngày 2/12/2006, cầu Bãi Cháy chính thức được khánh thành đưa vào sử dụng đáp ứng niềm mong mỏi của người dân. Cũng chính từ ngày này, bến phà Bãi Cháy sau 51 năm chứng kiến biết bao sự đổi thay của Vùng mỏ đã kết thúc và hoàn thành sứ mệnh lịch sử của mình.

Ông Nguyễn Hồng Hải, Bến trưởng Bến phà Bãi Cháy (đứng bên phải) thay mặt cán bộ, công nhân viên Bến phà Bãi Cháy vinh dự được lên đón nhân danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, tháng 11/2000.

Ông Nguyễn Hồng Hải, Bến trưởng Bến phà Bãi Cháy (đứng bên phải) thay mặt cán bộ, công nhân viên Bến phà Bãi Cháy vinh dự được lên đón nhận danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, tháng 11/2000.

Ông Nguyễn Hồng Hải, Bến trưởng Bến phà Bãi Cháy (đứng bên phải) thay mặt cán bộ, công nhân viên Bến phà Bãi Cháy vinh dự được lên đón nhận danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, tháng 11/2000.

Ông Nguyễn Hồng Hải, nguyên cán bộ Công ty CP Cầu phà Quảng Ninh, nguyên Bến trưởng Bến phà Bãi Cháy, xúc động chia sẻ: "Suốt 36 năm gắn bó với Công ty và Bến phà Bãi Cháy (1977-2012), tôi đã chứng kiến từng bước chuyển mình của vùng đất mỏ Quảng Ninh qua nhiều giai đoạn lịch sử. Bến phà Bãi Cháy là nơi tôi làm việc, là phần máu thịt không thể tách rời trong cuộc đời tôi. Mặc dù bến phà đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử vẻ vang khi cầu Bãi Cháy đi vào hoạt động, nhưng những giá trị lịch sử và thành tựu mà bến phà để lại sẽ luôn là niềm tự hào của tôi cùng các đồng nghiệp và là di sản quý giá để các thế hệ mai sau trân trọng và gìn giữ. Tôi tin rằng dù những chuyến phà Bãi Cháy không còn hiện hữu, nhưng cái tên Bến phà Bãi Cháy sẽ mãi khắc sâu trong lòng mỗi người dân Quảng Ninh."

Ngày xuất bản: 20/4/2025
Thực hiện: THU CHUNG
Trình bày: MẠNH HÀ