Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 30/11/2024 17:40 (GMT +7)
Bộ Quy tắc ứng xử, bản Hương ước thời hiện đại
Thứ 7, 09/05/2020 | 05:57:26 [GMT +7] A A
Ngày 20/4/2020, UBND tỉnh Quảng Ninh đã ban hành Bộ quy tắc ứng xử trên địa bàn tỉnh quy định những chuẩn mực về ứng xử trong gia đình và ngoài xã hội áp dụng đối với các tổ chức, cá nhân làm việc, sinh sống, công tác, tham quan, học tập trên địa bàn tỉnh.
Bộ quy tắc làm ta liên tưởng đến những bản hương ước của cha ông xưa kia. Những bản hương ước với những điều lệ thỏa thuận nhưng cũng mang tính bắt buộc thực hiện đối với các thành viên cùng chung sống trong một khu vực. Hương ước được coi là bản pháp lý đầu tiên của các làng xã nhằm góp phần điều hòa các mối quan hệ xã hội trong cộng đồng với các quy ước về an ninh trật tự, quan hệ ứng xử, thưởng phạt, đến quy định cụ thể về bổn phận của con cái đối với cha mẹ, ông bà, vợ đối với chồng, anh đối với em… Đó là một hệ thống luật lệ tồn tại song song nhưng không đối lập với pháp luật của Nhà nước.
Nếu ví Bộ quy tắc ứng xử của tỉnh Quảng Ninh như một bản hương ước thì đó là bản hương ước thời hiện đại, bởi nó đã được xây dựng trên cơ sở nền tảng luật pháp và sự kế thừa các truyền thống văn hóa. Với 4 chương, 41 điều, Bộ quy tắc hướng đến gìn giữ những chuẩn mực văn hóa về lời nói, thái độ giữa các thành viên trong gia đình là vợ - chồng, cha - mẹ - con cái, dòng họ; cộng đồng nơi cư trú cho đến hình thành cách ứng xử trong đời sống hiện đại như bảo vệ môi trường, cách thức ứng xử khi tham gia mạng xã hội hay các hành xử nơi công cộng, như: Quảng trường, đường phố, trung tâm thương mại, điểm vui chơi đông người… Các hoạt động truyền thống như việc cưới, việc tang, sinh hoạt tôn giáo, tín ngưỡng cũng được khuyến khích thực hiện một cách văn minh, trang trọng, tiết kiệm, tôn nghiêm…
Cũng giống như các bản hương ước của các làng xã trước đây, Bộ quy tắc ứng xử cũng có quy định thưởng phạt, ai thực hiện tốt, làm việc có lợi cho cộng đồng thì được biểu dương, khen thưởng, ngược lại ai vi phạm sẽ nhắc nhở, phê bình, thậm chí bị phạt nhưng sẽ không phải là sự trừng phạt hà khắc, cảm tính mà sẽ căn cứ theo quy định của pháp luật hiện hành.
Trên cả nước cũng không nhiều địa phương ban hành Bộ quy tắc ứng xử với phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng rộng rãi như vậy mà thường là chỉ giới hạn ở một lĩnh vực, ví dụ như Bộ quy tắc ứng xử dành cho khách du lịch ở Đà Nẵng, quy tắc ứng xử nơi công cộng ở Thủ đô Hà Nội, Bắc Ninh hay quy định về quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức ở nhiều tỉnh, thành như Cần Thơ, Hải Phòng, Thành phố Hồ Chí Minh… Khi Bộ quy tắc được tỉnh ký quyết định ban hành thì hầu hết các ý kiến người dân đều bày tỏ sự đồng tình ủng hộ. Bởi lẽ, người dân đều hiểu rằng, xã hội càng văn minh, hiện đại thì con người càng phải cư xử hiện đại, văn minh mà thượng tôn pháp luật; tôn trọng bản thân và người khác; tôn trọng và bảo vệ môi trường; thân thiện, hào sảng; có trách nhiệm với bản thân và cộng đồng chính là những thước đo thể hiện sự văn minh, hiện đại đó.
Quảng Ninh đang giàu đẹp lên mỗi ngày với sự đổi thay tích cực về cơ sở vật chất, hạ tầng đô thị, việc ban hành Bộ quy tắc ứng xử nhằm hướng tới xây dựng những con người mới với đời sống văn hóa thân thiện, hiện đại, góp phần giữ gìn, phát triển truyền thống tốt đẹp của người Quảng Ninh.
Quỳnh Tâm
Liên kết website
Ý kiến ()