4
18
/
1100250
Bổ sung năng lực cho ngành chế biến, chế tạo
longform
Bổ sung năng lực cho ngành chế biến, chế tạo

Từ đầu năm 2021 đến nay, trong khi khu vực dịch vụ của tỉnh hoạt động cầm chừng, thậm chí có giai đoạn “đóng băng” ở ngành du lịch; hay khu vực nông nghiệp có tăng trưởng nhưng không cao; thì công nghiệp lại có tăng trưởng nhảy vọt. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến chế tạo đặc biệt sôi động. Điều này đã giúp cho bức tranh kinh tế của Quảng Ninh, dù trong giai đoạn dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, vẫn có những gam màu sáng. Đây cũng là động lực quan trọng để Quảng Ninh đặt niềm tin cho tăng trưởng kinh tế năm 2021 ở mốc 2 con số - là một trong những địa phương đặt mục tiêu tăng trưởng GRDP cao nhất cả nước.

“Trước tình hình dịch bệnh Covid-19 dự báo còn diễn biến phức tạp, một trong những giải pháp tiên phong trong năm 2021 của Quảng Ninh, đó là chỉ đạo các sở, ngành, địa phương tập trung hỗ trợ tích cực cho các doanh nghiệp công nghiệp chế biến, chế tạo duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh trong trạng thái bình thường mới, tuyệt đối không được để mầm bệnh xâm nhập vào phân xưởng, nhà máy, xí nghiệp sản xuất làm đứt gãy chuỗi sản xuất, cung ứng toàn cầu”.- Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tường Văn khẳng định.

Bất chấp dịch bệnh Covid-19 gây ra nhiều khó khăn, nhất là trong cung ứng nguyên liệu, vật liệu sản xuất; vận chuyển hàng hóa thành phẩm; tìm kiếm đối tác, bạn hàng;... các nhà máy, phân xưởng trong các KCN, CCN của Quảng Ninh đã, đang hoạt động hết sức sôi động, thậm chí hết công suất.

Ngành công nghiệp chế biến chế tạo vẫn đang có sự phát triển ổn định do triển khai hiệu quả các giải pháp phòng dịch

Điển hình như tại KCN Cảng biển Hải Hà, hiện tại có 18 dự án của nhà đầu tư thứ cấp đang có hoạt động sản xuất, kinh doanh. Tất cả các doanh nghiệp này đều được sở, ngành liên quan và chính quyền địa phương hỗ trợ triển khai các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 một cách hiệu quả, chặt chẽ. Mọi doanh nghiệp, tổ đội sản xuất đều chủ động có phương án phòng, chống dịch cụ thể gắn với lĩnh vực, môi trường sản xuất. Ông Hong Tian Zhu, Tổng Giám đốc Công ty TNHH KCN Texhong Việt Nam, cho biết: “Các doanh nghiệp trong KCN Cảng biển Hải Hà đều hăng hái đẩy mạnh hoạt động sản xuất, kinh doanh nhằm cung ứng kịp thời nhu cầu tiêu thụ của thị trường trong bối cảnh nhiều nước trong khu vực bị ảnh hưởng nặng nề của đại dịch, khiến đứt gãy chuỗi sản xuất, cung ứng”.

Ghi nhận tại Công ty TNHH May mặc Hoa Lợi Đạt Việt Nam, một trong những đơn vị có hoạt động sản xuất hàng may mặc hiện đại tích hợp nghiên cứu phát triển, gia công và thương mại nằm trong dây chuyền sản xuất hàng may mặc khép kín tại KCN Cảng biển Hải Hà. Mặc dù trong bối cảnh bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 song Công ty vẫn nỗ lực, động viên tinh thần của trên 3.200 công nhân lao động yên tâm bám trụ địa bàn, tích cực tham gia đẩy mạnh hoạt động sản xuất, kinh doanh. Qua 9 tháng, Công ty đã sản xuất được 30 mẫu áo, sản lượng đạt khoảng 3 triệu chiếc và 20 mẫu quần, với sản lượng đạt gần 5 triệu chiếc; doanh thu của Công ty đạt trên 300 triệu USD; giá trị xuất, nhập khẩu đạt gần 500 triệu USD.

Sản xuất các sản phẩm dệt may tại Công ty TNHH May mặc Hoa Lợi Đạt Việt Nam (KCN Cảng biển Hải Hà).

“Nắm bắt được thị trường sản xuất sản phẩm quần, áo trên thế giới bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, chúng tôi đã tranh thủ địa bàn Quảng Ninh an toàn, thúc đẩy hoạt động sản xuất. Do vậy, chúng tôi không những có đủ sản phẩm cho những đơn hàng đã được ký kết trước đó mà còn mở rộng thị trường tiêu thụ, khi có thêm nhiều đối tác mới ký hợp đồng.”- Bà Zhao Wei Jing, Tổng Giám đốc Công ty TNHH May mặc Hoa Lợi Đạt Việt Nam chia sẻ.

Năm 2021 cũng ghi nhận “làn sóng” đầu tư FDI vào ngành công nghiệp chế biến, chế tạo của Quảng Ninh khá mạnh mẽ. Chỉ trong vòng chưa đầy 6 tháng, Tập đoàn Jinko Solar đã quyết định đầu tư 2 dự án, gồm: Dự án Công nghệ tế bào quang điện Jinko Solar PV Việt Nam và Dự án công nghệ tấm Silic Jinko Solar PV Việt Nam. Tổng mức đầu tư 2 dự án lên tới con số gần 900 triệu USD. Đây là 2 dự án có nguồn vốn đầu tư FDI lớn nhất được đầu tư trên địa bàn tỉnh từ trước đến nay.

Lãnh đạo BQL Khu Kinh tế tỉnh trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho đại diện Công ty TNHH Công nghệ Jinko Solar Việt Nam.

Ngoài 2 dự án FDI cấp mới tiêu biểu nói trên, tỉnh Quảng Ninh cũng ghi nhận thêm nhiều dự án FDI tăng vốn đầu tư, như: Dự án Nhà máy sản xuất thiết bị gia dụng, xe đạp điện của Công ty TNHH Multi-Sunny Việt Nam (10 triệu USD); Nhà máy Lioncore Việt Nam của Công ty TNHH Công nghiệp Lioncore Việt Nam (30 triệu USD); Dự án Haiyun Việt Nam của Công ty TNHH Hải Vận (10 triệu USD); Dự án Nhà máy may tại khu nhà xưởng tiêu chuẩn số 2 của Công ty TNHH May mặc Hoa Lợi Đạt Việt Nam (8 triệu USD); Dự án Jingsung Hitec Vina Co.,Ltd của Công ty TNHH Jinsung Vina (trên 13 triệu USD).

Xác định ngành công nghiệp chế biến, chế tạo là trụ cột tăng trưởng bền vững, trong những năm qua, tỉnh Quảng Ninh không ngừng xúc tiến, thu hút đầu tư, phát triển hạ tầng kỹ thuật KCN, KKT. Từ một tỉnh có hạ tầng KCN, KKT vào nhóm thấp kém trong cả nước, đến nay đã từng bước hình thành nên 6 KCN có hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, hiện đại, thu hút hàng trăm nhà đầu tư thứ cấp có vốn đầu tư trong nước và nước ngoài. Hầu hết các doanh nghiệp này đăng ký đầu tư phát triển ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, với giá trị gia tăng lớn.

Giá trị ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giai đoạn 2010-2020 (tỷ đồng)
Tỷ trọng trong GRDP ngành công nghiệp chế biến, chế tạo toàn tỉnh 2010-2020 (%)

Số doanh nghiệp có hoạt động sản xuất công nghiệp chế biến, chế tạo cả tỉnh giai đoạn 2010 - 2020 tăng 550 doanh nghiệp, chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng số lượng doanh nghiệp công nghiệp trên địa bàn tỉnh, từ 291 doanh nghiệp năm 2010 (chiếm 74,23% số lượng doanh nghiệp toàn ngành công nghiệp) lên 841 doanh nghiệp năm 2020 (chiếm 81,8% số lượng doanh nghiệp toàn ngành công nghiệp). Tỷ trọng giá trị sản phẩm công nghiệp chế biến, chế tạo xuất khẩu giai đoạn 2010 - 2020 chiếm trung bình 69,79% trong tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của cả tỉnh; trong cơ cấu giá trị xuất khẩu, các sản phẩm của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đã dần thay thế các sản phẩm của ngành khai thác khoáng sản, xăng dầu.

Mới hoạt động tại KCN Đông Mai chưa đầy một năm, dự án S-Việt Nam của Tập đoàn Foxconn hiện đang sản xuất linh kiện điện tử cho các thương hiệu hàng đầu thế giới.

Riêng trong những tháng đầu năm 2021, mặc dù tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, song tăng trưởng kinh tế của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trên địa bàn tỉnh có xu hướng tăng dần đều theo từng quý, bù đắp lớn cho một số ngành, lĩnh vực kinh tế có chỉ số tăng trưởng âm.

Tăng trưởng ngành công nghiệp chế biến, chế tạo năm 2021 (so với năm 2020)

Trong 9 tháng năm 2021, kim ngạch nhập khẩu của các doanh nghiệp trong các KCN, KKT của Quảng Ninh đạt 800 triệu USD, kim ngạch xuất khẩu đạt trên 1,1 tỷ USD; thu nộp ngân sách nhà nước trên 620 tỷ đồng. Tính đến hết tháng 9/2021, tổng nguồn vốn thu hút đầu tư vào địa bàn KCN, KKT tỉnh đạt trên 40.000 tỷ đồng. Kết quả này khẳng định tăng trưởng của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo theo hướng nhanh, bền vững và khẳng định định hướng trụ cột tăng trưởng giai đoạn này là chính xác, phù hợp với thực tiễn.

“Cùng với việc Quảng Ninh giữ được vùng xanh an toàn cho sản xuất, thì một trong những yếu tố quan trọng giúp Quảng Ninh đón được làn sóng FDI trong đại dịch chính là vai trò lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, trách nhiệm của các đồng chí lãnh đạo tỉnh khi thực hiện cam kết với nhà đầu tư.”- Ông Hoàng Trung Kiên, Trưởng Ban Quản lý KKT tỉnh, chia sẻ.

Năm 2021, mục tiêu tăng trưởng kinh tế của ngành công nghiệp trên địa bàn tỉnh được xác định phải đạt trên 13% so với năm 2020. Trong đó, riêng quý IV phấn đấu tăng 26,5%. Đáng chú ý, do ngành khai khoáng dự báo sẽ gặp khó khăn, công nghiệp chế biến, chế tạo được kỳ vọng rất lớn. Tất cả những cơ chế, chính sách tốt nhất, hiệu quả nhất, đã, đang được Quảng Ninh chỉ đạo cơ quan chuyên môn triển khai, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho ngành này phát triển.

Khu công nghiệp Đông Mai, TX Quảng Yên

Giám đốc Sở Công Thương Nguyễn Thị Hiền cho biết: Sở đang phối hợp với một số sở, ngành liên quan tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất bột mì, dầu thực vật, dệt may, điện tử, cơ khí… Vừa qua, Sở đã trực tiếp tham mưu cho lãnh đạo tỉnh đến khảo sát, nắm bắt tình hình hoạt động, tháo gỡ khó khăn cho Nhà máy sản xuất bột mì Vimaflour và Nhà máy sản xuất dầu thực vật Cái Lân. Đây là 2 đơn vị hàng năm có những đóng góp lớn cho tăng trưởng kinh tế của tỉnh, tuy nhiên năm nay, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, sản lượng dầu ăn tiêu thụ ra thị trường bị hao hụt, không đảm bảo theo kế hoạch đề ra. Sau khi tiếp thu ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo tỉnh, hiện đơn vị đang bám sát 2 đơn vị này để đảm bảo mục tiêu quý IV/2021 sản lượng dầu thực vật đạt 150.000 tấn, bột mì đạt 136.000 tấn.”

Các công nhân đang sản xuất các sản phẩm may mặc của Công ty Weitai, KCN Việt Hưng, TP Hạ Long

Hiện Sở Công Thương cũng đang tích cực phối hợp với các sở, ngành liên quan hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn thúc đẩy tiến độ lắp đặt thiết bị của Nhà máy may mặc Hoa Lợi Đạt tại TP Cẩm Phả, để phấn đấu trong tháng 11/2021 có thể vận hành sản xuất; hỗ trợ, triển khai lắp đặt dây chuyền sản xuất số 2 tại Nhà máy sản xuất bột mì Vimaflour công suất 500 tấn/ngày, nâng tổng công suất sản xuất bột mì của nhà máy lên 1.000 tấn/ngày; hỗ trợ Công ty Kỹ nghệ thực phẩm Thái Lan đầu tư dây chuyền sản xuất bột mì với công suất 6.000 tấn sản phẩm/năm vào hoạt động sớm hơn dự kiến để bổ sung năng lực mới cho ngành công nghiệp chế biến, chế tạo của tỉnh.

Chuyên gia kinh tế Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam, nguyên Chủ tịch VCCI Việt Nam:
Việc tỉnh Quảng Ninh nhanh chóng tiếp cận, chú trọng phát triển ngành công nghiệp chế biến, chế tạo thời gian qua cho thấy đây là một chủ trương, định hướng đúng đắn, phù hợp với bối cảnh hiện tại và cả thời gian tới. Tuy nhiên, để tận dụng, khai thác và thúc đẩy phát triển mạnh mẽ lĩnh vực này, tỉnh cần tiếp tục nghiên cứu ban hành thêm nhiều cơ chế, chính sách mới có sức hấp dẫn, đặc thù để tăng sức thu hút thêm nhiều nhà đầu tư có tiềm lực vào địa bàn.

Cùng với đó, Ban Quản lý KKT tỉnh đang tích cực phối hợp các sở, ngành liên quan hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, động viên, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho các doanh nghiệp trong KCN tăng năng suất, sản lượng sản phẩm, phấn đấu trong quý IV/2021 sản lượng sợi bông cotton đạt 92.000 tấn; màn hình ti vi đạt 407.000 chiếc; loa, tai nghe đạt trên 2,4 triệu bộ; thân mũ đạt trên 4,4 triệu chiếc. “Đối với một số dự án trọng điểm như: Dự án Weili Việt Nam với sản phẩm áo, mũ, găng tay; dự án Ideal Đông Mai với sản phẩm bao bì, sách; dự án Nhà máy Lioncore Việt Nam với sản phẩm sàn từ nhựa plastics… Ban quản lý KKT tỉnh sẽ tiếp tục triển khai các giải pháp để đẩy nhanh tiến độ, bổ sung năng lực tăng thêm cho các dự án này”- Trưởng Ban Quản lý KKT tỉnh Hoàng Trung Kiên cho biết thêm.

UBND tỉnh cũng đã có văn bản chỉ đạo cơ quan chuyên môn của tỉnh, địa phương tiếp tục chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ xây dựng cơ bản, lắp đặt máy móc thiết bị đối với 7 dự án FDI đăng ký đi vào hoạt động sản xuất trong năm 2022 để có thể đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh toàn bộ hoặc một phần trong năm 2021. Qua đó, đóng góp vào tăng trưởng ngành chế biến chế tạo, tạo động lực tăng trưởng GRDP của cả tỉnh năm 2021.

Đồng chí Nguyễn Xuân Ký, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, thăm dây chuyền sản xuất của Tập đoàn Foxconn.

Được biết, ngay sau Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh lần thứ XV nhiệm kỳ 2020-2025, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành ngay nghị quyết đầu tiên về phát triển nhanh, bền vững ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giai đoạn 2020 - 2025, định hướng đến năm 2030 (Nghị quyết số 01-NQ/TU, ngày 16/11/2020). Điều này càng khẳng định rõ vai trò của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo sẽ là một trong những động lực tăng trưởng mới của tỉnh Quảng Ninh không chỉ trong năm 2021 khi mà nhiều yếu tố bất lợi như thiên tai, dịch bệnh luôn tiềm ẩn, ảnh hưởng lớn đến lĩnh vực dịch vụ, du lịch của tỉnh; mà còn sẽ được định hướng lâu dài, với những giải pháp đồng bộ, bứt phá hơn nữa.


Thực hiện: Hồng Nhung - Mạnh Trường

Kỹ thuật đồ họa: Đỗ Quang


Thực hiện kịch bản tăng trưởng 3 tháng cuối năm: Kỳ vọng 2021
Rất nhiều hy vọng được Chính phủ gửi gắm đến các địa phương “vùng xanh an toàn” như Quảng Ninh trong 3 tháng còn lại của năm để bù đắp cho tốc độ tăng trưởng chung của cả nước 2021.  
   
2 triệu tấn than và 1% điểm tăng trưởng GRDP
TKV đặt mục tiêu rất cao trong quý IV/2021, đó là sản xuất từ 1,5-2 triệu tấn than, cùng Tổng công ty Đông Bắc đóng góp khoảng 1 điểm % tăng trưởng GRDP cho tỉnh.  
   
Tăng công suất, vận hành sản xuất điện an toàn
Các đơn vị sản xuất điện đã khắc phục khó khăn, thách thức để đảm bảo cung ứng đủ điện cho hoạt động kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân, giữ vững đà tăng trưởng và tạo thêm động lực cho nền kinh tế.
   
“100 ngày đặc biệt”- Chiến dịch riêng có của Quảng Ninh
3.000 cán bộ, công nhân trên các công trường bám sát tiến độ tổng thể của các dự án, tăng gấp đôi nhân lực, phương tiện, tổ chức thi công liên tục nhiều ca, nhiều kíp, đồng loạt nhiều hạng mục.  
   
Phục hồi du lịch Quảng Ninh: An toàn, linh hoạt, hiệu quả
Để hoạt động du lịch được phục hồi thì một trong những yếu tố tiên quyết nhất chính là phải đảm bảo được môi trường du lịch an toàn.