Với đất nước, bố tôi - Chuẩn Đô đốc Hải Quân Đỗ Viết Cường được ghi nhận là một trong những Anh hùng Việt Nam thế kỷ XX, lập nhiều chiến công đặc biệt xuất sắc góp phần vào sự nghiệp chống Đế quốc Mỹ, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Với gia đình, ông luôn mẫu mực, điềm đạm, giản dị và đáng kính, gây dựng cho chúng tôi một niềm tin, lý tưởng sống đầy bản lĩnh trước mọi sóng gió cuộc đời.

Bố tôi sinh năm 1950, quê nội ở xã Mỹ Sơn, huyện Quảng Hà (nay là thị trấn Quảng Hà, huyện Hải Hà), tỉnh Quảng Ninh. Ông nhập ngũ tháng 4/1968, lúc vừa tròn 18 tuổi. Khi được Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam trao tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân (LLVTND) vào tháng 9/1973, ông là Thượng sĩ, Phân đội trưởng Đặc công nước, thuộc Đội 1, Đoàn 126 Hải Quân, Đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam. Lập nhiều chiến công hiển hách khi tuổi đời còn rất trẻ, thế nhưng vốn là người khá kiệm lời, ít nói về bản thân, bố chưa bao giờ kể tỉ mỉ cho hai anh em tôi nghe về quãng thời gian chiến đấu gian khổ, đầy hiểm nguy ấy của mình. Có chăng, cũng chỉ là những mảnh ký ức rời rạc được “sống” lại mỗi khi có điều gì đó bất chợt khiến ông nhớ lại quá khứ…

Chân dung bố tôi, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Đỗ Viết Cường thời trẻ.

Chân dung bố tôi, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Đỗ Viết Cường thời trẻ.

Câu chuyện về ngón áp út chỉ còn một đốt của ông, do một viên đạn lạc gây ra trong một trận chiến đấu ác liệt tại Cửa Việt (chiến trường Bình Trị Thiên) giai đoạn 1970-1972, là một mảnh ký ức như vậy. Khi ấy Cảng Cửa Việt bị quân ta đánh nhiều lần, nên địch bố phòng rất chặt chẽ và cẩn mật, dọc theo mép nước có hàng rào thép gai, gài mìn. Trên dòng sông địch thường xuyên có tàu đi tuần tiễu. Ở khu vực tàu đậu có đèn pha chiếu sáng, địch trên tàu thỉnh thoảng bắn tiểu liên, ném lựu đạn xuống nước. Với sự dũng cảm, mưu trí của mình, ông đã trực tiếp đánh chìm, đánh hỏng 7 tàu và xà lan của địch, chỉ huy phân đội đánh chìm 7 chiếc khác.

Trong năm 1972, ông đã 2 lần bị thương, trong đó có một lần bị đạn bắn trúng nát ngón tay phải tự chặt đi hai đốt để kịp thời cầm máu. Thế nhưng ông vẫn bình tĩnh cấp cứu cho đồng đội trước rồi mới tự băng bó cho mình, sau lại tiếp tục nén cơn đau làm nhiệm vụ. Khi vừa được ra viện, ông lập tức xung phong đi đánh cầu Ngô Xá Đông. Đây là nơi địch canh gác rất cẩn mật, xung quanh trục cầu có nhiều rào dây thép gai, quân ta đã đánh nhiều lần không được. Đêm ngày 3/11/1972, với sự mưu trí, dũng cảm, nghệ thuật luồn sâu, đánh hiểm của bộ đội đặc công nước, ông cùng đồng đội đã thành công đánh sập được cầu, hoàn thành xuất sắc một nhiệm vụ khó. Một ngón tay không còn nguyên vẹn, vẫn còn mảnh đạn găm trong người… những thương tích của thời trận mạc khiến thân thể ông không lành lặn. Trong niềm tự hào của tôi về bố mình, xen lẫn cả sự xót xa. Như nhà thơ, cựu chiến binh Hoàng Dương từng viết: “Đè xuống lưng cha, chiến tranh, bão tố/ Người đổ máu cho đời xanh lại”…

Lời tuyên dương của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam trong buổi lễ trao tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân, do bố tôi tự tay chép lại làm kỷ niệm.

Lời tuyên dương của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam trong buổi lễ trao tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân, do bố tôi tự tay chép lại làm kỷ niệm.

Một buổi chiều Hà Nội tháng 12/2022, khi ấy tôi vẫn đang công tác tại Thông tấn xã Việt Nam (Hà Nội). Sau khi kết thúc đợt vào hóa chất điều trị bệnh K giai đoạn cuối, ông gọi điện nói muốn tôi đưa đến thăm Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam, nơi đang lưu giữ một số kỷ vật gắn với quãng thời gian ông chiến đấu thời trẻ. Và lần đầu tiên, tôi được nghe cha mình say mê kể về những trận đánh mà ông coi là niềm tự hào lớn nhất trong cuộc đời binh nghiệp. 

Ngày 11/4/1975, Quân chủng Hải quân phối hợp với lực lượng đặc công quân khu 5 vượt sóng hướng ra quần đảo Trường Sa, với mục tiêu giải phóng tuyến đảo có vị trí chiến lược về chính trị, quân sự, kinh tế, khi đó do chính quyền Sài Gòn chiếm giữ. Tàu phải ngụy trang như tàu đánh cá, thường xuyên thay đổi số hiệu. Tất cả lực lượng đặc công đều được giấu kín dưới khoang hàng suốt 3 ngày. Còn các thủy thủ của tàu cải trang, ăn mặc giống như các ngư dân. Sau khi đến vị trí tập kích, đặc công của ta dùng xuồng cao su, mái chèo để bơi vào. Khi đến cự ly nhất định cách bờ 500-700 mét thì xuống ẩn mình dưới nước, chờ thời cơ thích hợp để tiến sát vào bờ nổ súng tấn công. Quân ta nổ súng từ 4 giờ đến 4 giờ 30 phút đã giải phóng toàn bộ đảo Song Tử Tây ngày 14/4/1975. 10 ngày sau đó, bố tôi được giao nhiệm vụ chỉ huy 1 trong 2 mũi tiến công giải phóng đảo Sơn Ca. Cũng chỉ trong 30 phút chúng ta tiêu diệt và bắt sống toàn bộ quân địch trên đảo, tạo bàn đạp để tiếp tục làm chủ đảo Nam Yết, Sinh Tồn, giải phóng đảo Trường Sa vào ngày 29/4/1975.

Địa bàn bố tôi đã dùng trong quá trình chiến đấu giải phóng đảo Sơn Ca, thuộc Quần đảo Trường Sa. (Ảnh: Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam)

Địa bàn bố tôi đã dùng trong quá trình chiến đấu giải phóng đảo Sơn Ca, thuộc Quần đảo Trường Sa. (Ảnh: Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam)

Cho đến tận bây giờ, tôi vẫn nhớ như in từng câu nói của ông khi kể về 2 đồ vật bất ly thân với một chiến sĩ đặc công nước. Đầu tiên là chiếc địa bàn có tác dụng xác định hướng khi đi biển. Lặn xuống nước, lúc ngoi lên đặc công phải dùng đến nó. Nhìn địa bàn để xác định chỗ neo đậu tàu địch, tìm hướng về đơn vị. Thiết bị này do Liên Xô sản xuất, chịu được nước, chỉ có lính đặc công nước mới có. Thứ hai là chiếc ổng thở, ông chậm rãi kể: “Lúc bị địch bao vây, ngâm mình dưới nước biển, bố chỉ hở trên mặt nước chiếc đầu nhỏ xíu của chiếc ống thở, địch có dùng ống nhòm quan sát cũng không phát hiện được. Những nhiệm vụ bố và đồng đội thực hiện đều đầy hiểm nguy, có thể hy sinh bất cứ lúc nào. Nhưng lời dạy của Bác Hồ với bộ đội đặc công luôn được khắc sâu trong tư tưởng, trở thành kim chỉ nam trong chiến đấu: Đặc công là công tác đặc biệt, là vinh dự đặc biệt, cần phải cố gắng đặc biệt”.

Nói đến đây, tôi thấy ông run run đưa tay quẹt vội khóe mắt. “Những kỷ vật này còn in dấu tay những người đồng đội không thể trở về của bố…”, giọng ông lạc đi vì xúc động. Sau này khi ông đã qua đời, nhớ lại chuyến thăm Bảo tàng, tôi mới chợt nhận ra đó là thời điểm ông biết tin căn bệnh hiểm nghèo của mình đang tiến triển xấu, thời gian được ở bên cạnh mẹ con tôi chắc không còn nhiều. Và tôi tin buổi chiều hôm ấy, ông đã được sống lại trọn vẹn thời thanh xuân dâng Đảng đầy nhiệt huyết của mình gần 50 năm về trước.

Bức ảnh hiếm hoi ghi lại cảnh ông làm việc khi còn công tác tại Bộ Tham mưu, Bộ tư lệnh Quân chủng Hải Quân.

Bức ảnh hiếm hoi ghi lại cảnh ông làm việc khi còn công tác tại Bộ Tham mưu, Bộ tư lệnh Quân chủng Hải Quân.

Cả cuộc đời bố gắn bó với binh nghiệp. Sau chiến tranh, ông từng trải qua nhiều vị trí công tác, từ Đoàn phó rồi Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn Hải quân đánh bộ 147, Trưởng phòng Binh chủng - Bộ Tham mưu, Phó Tham mưu trưởng Quân chủng Hải Quân, cho đến Chủ tịch Hội Cựu Chiến binh tỉnh Quảng Ninh gần 2 nhiệm kì. Dù ở cương vị nào, ông cũng phát huy những phẩm chất vàng son của người lính cụ Hồ, luôn chủ động, nắm chắc chức trách nhiệm vụ của mình, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Nghiêm túc trong công việc, cương trực trong tính cách, điềm đạm trong cư xử. Chất lính toát ra từ phong thái và lời nói của bố tôi luôn khiến mọi người khi tiếp xúc đều cảm thấy yêu mến, nể trọng.

Tôi vẫn nhớ sau khi về hưu với quân hàm Chuẩn Đô đốc vào cuối năm 2010, ông được lãnh đạo tỉnh động viên tham gia công tác Hội Cựu Chiến binh tỉnh, với vai trò Phó Chủ tịch Hội, trước khi giới thiệu bầu giữ chức Chủ tịch. Đây là một công việc đoàn thể, gần như trái ngược với kinh nghiệm công tác trước đó của ông trong vai trò sĩ quan chỉ huy huấn luyện, tác chiến. Ban đầu, ông lưỡng lự không muốn đảm nhận vị trí này, vì lo lắng không thể hoàn thành được trọng trách được giao. Thế nhưng, được sự động viên của gia đình, bằng tinh thần cầu tiến, không ngại khó, ngại khổ, học hỏi từ đồng chí đồng đội và mọi người xung quanh, ông đã được tín nhiệm giữ cương vị Chủ tịch đến cuối năm 2020, để lại nhiều dấu ấn trong quá trình phát triển của Hội Cựu Chiến binh tỉnh nhà. 

Bức ảnh ngày cưới của bố mẹ.

Bức ảnh ngày cưới của bố mẹ.

Cũng nhờ công tác tại Hội Cựu chiến binh, ông có cơ hội được đi tới nhiều địa phương trong cả nước, tham gia các hoạt động tặng quà, trao nhà tình nghĩa, thăm hỏi thương binh, cựu chiến binh, gia đình chính sách có công với cách mạng, hay đồng bào vùng lũ. Sau mỗi chuyến đi, ông đều hào hứng chia sẻ với tôi những bức ảnh kỷ niệm trong niềm hạnh phúc. Ở tuổi ngoài 60, thay vì hưởng tuổi già trong những thú vui giản dị, ông vẫn miệt mài đóng góp không mệt mỏi trí lực và tình cảm cho quê hương.

Qua lời kể của mẹ, tôi hiểu ông cũng như bao người Quảng Ninh cùng thế hệ, trải qua nhiều vất vả, khó khăn từ khi còn là một người lính chiến đấu trong chiến tranh, bước sang thời bao cấp thiếu thốn, đến quá trình dài nỗ lực học tập phấn đấu, xây dựng sự nghiệp để chăm lo cho gia đình. Thế nhưng, một trong những điều tôi khâm phục nhất ở ông, là sự điềm tĩnh trước mọi thử thách, sóng gió cuộc đời. Phải chăng, những ngày tháng lao mình giữa bom rơi đạn lạc; những đêm bí mật ẩn mình trong dòng nước mênh mông, lạnh lẽo, tối đen như mực, để bám địch, phục kích tiêu diệt kẻ thù; những khoảnh khắc ở lằn ranh mong manh giữa sự sống và cái chết, phải đưa ra những quyết định có thể ảnh hưởng đến tính mạng của bản thân và đồng đội…Tất cả đã tôi luyện cho người lính đặc công nước, người bố đáng kính của tôi sự điềm tĩnh, can trường.

Trong ký ức của tôi về bố, suốt những năm tháng tuổi thơ cho tới khi trưởng thành và đi học, đi làm xa nhà, chưa bao giờ ông mất bình tĩnh, nóng giận, nặng lời hay dùng đến roi vọt, mỗi khi anh em chúng tôi mắc lỗi dù nhỏ hay lớn. Nhưng chính cái uy từ chất lính nhưng vẫn điềm đạm, nhẹ nhàng rất riêng của ông, lại khiến chúng tôi tôi càng nể phục và tôn trọng ông rất nhiều. Công việc đặc thù khiến ông luôn phải đi xa, ít có thời gian gắn bó với người thân, nên có lẽ mỗi khi có cơ hội được về thăm nhà, ông luôn muốn để lại trong tâm trí của con cái những ấn tượng đẹp về một người bố thực sự mẫu mực, hết lòng yêu thương vợ con, theo cách riêng của mình.

Bức ảnh bố chụp cùng mẹ và gia đình nhỏ của anh trai tôi.

Bức ảnh bố chụp cùng mẹ và gia đình nhỏ của anh trai tôi.

Đặc biệt, bố luôn dành sự tôn trọng và yêu thương hết mực cho mẹ, người phụ nữ đã đồng cam cộng khổ, chia ngọt sẻ bùi bên ông suốt gần 45 năm. Bố đóng quân xa nhà, một mình mẹ tôi vừa tất bật làm lụng nhiều công việc lo kinh tế gia đình, vừa chăm sóc, nuôi dạy con cái lớn khôn. Với sự thông cảm và thấu hiểu người bạn đời, mẹ là điểm tựa vững chắc để bố yên tâm công tác. Dù cả khi sau này kinh tế gia đình khấm khá hơn, trong mọi công việc hệ trọng của gia đình hai bên nội ngoại, bố tôi luôn lắng nghe ý kiến của mẹ, trước khi thống nhất đưa ra quyết định.

Cuộc đời bố có nhiều thăng trầm nhưng cũng nhiều may mắn, hạnh phúc. Cho tới khi nằm trên giường bệnh những ngày cuối đời, ông không có bất cứ điều gì hối tiếc, mà chỉ dặn dò chúng tôi phải luôn tôn trọng và chăm sóc mẹ chu đáo, người vợ tuyệt vời mà ông may mắn gặp được trong kiếp sống này.

Bố tôi qua đời tháng 9/2023, sau gần 3 năm chống chọi với căn bệnh hiểm nghèo. Một “bông hoa thép” của biển trời vùng Mỏ đã không còn nữa, nhưng những chiến tích anh hùng của ông cùng đồng đội đã được tạc vào trang sử hào hùng của dân tộc thế kỉ XX. Những ký ức, kỷ vật thân thương về người chồng, người cha, người ông đã sống một cuộc đời trọn vẹn với lý tưởng cao đẹp, sẽ được khắc ghi trong tâm trí, trong trái tim của 3 mẹ con tôi, và những thế hệ sau của gia đình, mãi mãi!

Bố tôi chuẩn bị quân phục trả lời phỏng vấn Đài truyền hình Việt Nam về trận đánh giải phóng Đảo Sơn Ca.

Bố tôi chuẩn bị quân phục trả lời phỏng vấn Đài truyền hình Việt Nam về trận đánh giải phóng Đảo Sơn Ca.

Thực hiện: ĐỖ HÙNG
Trình bày: ĐỖ QUANG