Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 23/11/2024 20:16 (GMT +7)
Bộ trưởng Xây dựng nói về sự cố vỡ đập thủy điện Krêl 2
Thứ 5, 13/06/2013 | 16:08:30 [GMT +7] A A
Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng: Nguyên nhân ban đầu có thể do thấm giữa phần đất mềm và bê tông cứng. Phát hiện sai sót sẽ xử lý.
Liên quan đến sự cố vỡ đập thủy điện Ia Krêl 2 (Gia Lai), bên lề kỳ họp Quốc hội, trao đổi với báo chí, sáng 13/6, Bộ trưởng Xây dựng Trịnh Đình Dũng cho biết: Ngay sau khi xảy ra sự cố, Bộ đã cử cán bộ của Cục Giám định chất lượng nhà nước vào tận nơi để nắm tình hình và bước đầu xác định nguyên nhân.
Theo Bộ trưởng, nguyên nhân ban đầu, có thể do chỗ tiếp giáp. Đây là một đập đất nên nơi tiếp giáp với cống dẫn dòng, một bên là bê tông cứng, một bên là đất mềm nên rất dễ xảy ra thấm. Khi có việc thấm nước tại đó mà không được kiểm soát tốt thì đất bên trong sẽ bị rơi ra ngoài, tạo ra lỗ hổng kiểu hàm ếch và nó sẽ sụt xuống.
PV: Có lãnh đạo địa phương cho rằng, sự cố vỡ đập liên quan đến việc có sai sót kỹ thuật. Bộ trưởng có ý kiến gì về nghi ngờ này?
Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng: Chưa đủ căn cứ để xác định. Nhưng xác định ban đầu là do thấm mà nguyên nhân thấm thì có thể từ rất nhiều hướng. Ngay tại vị trí tiếp giáp cống dẫn dòng, lẽ ra, trong quá trình thi công phải có chất sét rất tốt để bám rìa này nhưng khi thi công không tốt, không có sét hoặc lượng sét ít, không đủ sẽ gây ra úng suất cục bộ. Khi đó, nước thấm vào, một bên cứng, một bên mềm sẽ tạo thành khe hở và đất trong thân đập tiếp tục bị moi ra, sụt xuống. Đập đất, tương tự như đê, không như đập bê tông xi măng. Vậy nên khi thấm đê người ta cũng phải có hướng xử lý đặc biệt.
PV: Thưa Bộ trưởng, trữ lượng nước của hồ chứa này theo thiết kế là 8-10 triệu m3 trong khi mới tích được 4-5 triệu (tức khoảng 50-60%) đã xảy ra vấn đề. Nghĩa là phải có sai sót mới xảy ra sự cố?
Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng: Phải xét cụ thể về đập thủy điện này. Đây là một đập đất, đồng chất, dung tích xấp xỉ 3 triệu m3 và dung tích chết xấp xỉ 5,9 triệu m3, công suất 5,5 MW, chiều cao đập 27 m. Đập này do chủ đầu tư Cty CP công nghiệp và thủy điện Bảo Long – Gia Lai. Tư vấn thiết kế là văn phòng tư vấn thẩm định thiết kế và giám định chất lượng công trình. Tư vấn giám sát là Cty TNHH Một thành viên Cty tư vấn thiết kế xây dựng Yến Hoàng Phi. Thủy điện này được xây dựng năm 2010, trên suối Ia Krel, thuộc lưu vực sông Pôcô – một địa danh rất giàu tính cách mạng.
PV: Từ sự cố này cho thấy có nhiều vấn đề đặt ra đối với việc thẩm định chất lượng công trình, thưa Bộ trưởng?
Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng: Đúng như vậy. Với trách nhiệm là cơ quan quản lý nhà nước về chất lượng công trình, nhìn thấy vấn đề này nên Bộ Xây dựng đã trình xây dựng Nghị định số 11 về quản lý chất lượng. Thay vì trước đây đều giao quyền cho chủ đầu tư thì trong nghị định này, dù chủ đầu tư vẫn là người quyết định, nhưng thẩm định phải là tiền kiểm từ khâu thiết kế kỹ thuật. Các cơ quan quản lý chuyên ngành nhà nước về xây dựng phải chịu trách nhiệm thẩm định.
Bộ xây dựng đã xây dựng Nghị định trình Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, thay vì hậu kiểm (kiểm tra khi công trình đã xong rồi) như trước đây thì bây giờ phải tiền kiểm ngay từ khâu thiết kế kỹ thuật mà do cơ quan quản lý chuyên ngành phải làm việc đó
Với những công trình thủy điện, ngành Công Thương phải làm. Chẳng hạn, với công trình thủy điện này, thuộc loại hồ đập cấp 3 thì Sở Công thương phải làm, phải tiền kiểm, và tăng cường kiểm tra chất lượng.
PV: Đến thời điểm này, chủ đầu tư đã có báo cáo và khắc phục gì hay chưa, thưa Bộ trưởng?
Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng: Giờ đập đã vỡ như thế này thì việc khắc phục không thể một lúc làm ngay được mà phải xác định rõ nguyên nhân. Tóm lại sự cố mà xảy ra phải xác định đánh giá tình hình, nguyên nhân, trách nhiệm và tìm biện pháp khắc phục. Còn với sự cố gây ảnh hưởng đến tài sản, tính mạng của người dân thì phải tập trung khắc phục triệt để ngay.
PV: Vậy hướng khắc phục được đưa ra như thế nào, thưa Bộ trưởng?
Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng: Hướng khắc phục là địa phương phải tập trung vào khắc phục. Còn Bộ Xây dựng với trách nhiệm quản lý nhà nước thì phải đứng ra đánh giá, yêu cầu địa phương tìm hiểu rõ nguyên nhân. Vì công trình thuộc thẩm quyền quản lý của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nên Sở Công thương và địa phương phải có trách nhiệm đánh giá toàn bộ.
PV: Quy định hiện tại là giao quyền cho chủ đầu tư, vậy nếu xác định đúng sự cố này do vấn đề chất lượng thì trách nhiệm là thuộc chủ đầu tư thôi hay còn có cơ quan quản lý nhà nước nào khác nữa không?
Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng: Thứ nhất, liên quan chủ đầu tư, thứ hai là cơ quan tư vấn thiết kế, cơ quan thi công, cơ quan giám sát và cơ quan quản lý nhà nước chắc chắn cũng phải có trách nhiệm. Bởi vì anh phải kiểm tra, kiểm soát toàn bộ quá trình thực hiện.
PV: Nước ta có rất nhiều công trình thủy điện trong khi qui định về tiền kiểm mới được áp dụng. Vậy, với các công trình trước đây, Bộ Xây dựng có rà soát lại hay không, thưa Bộ trưởng?
Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng: Bộ Xây dựng đã có tổng rà soát lại toàn bộ rồi, đã tổng kiểm tra các công trình thủy điện, hồ đập xem công trình nào thuộc Hội đồng nghiệm thu nhà nước, công trình nào do các bộ (như Bộ Công thương, Bộ NN&PTNT) và địa phương phải làm. Nếu biết công trình nào chưa an toàn là phải dừng lại ngay.
PV: Vừa rồi, Bộ Công thương có báo cáo về kiểm tra an toàn đập. Vậy đập thủy điện này có nằm trong diện chưa được đảm bảo an toàn hay không, thưa ông?
Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng: Đập này cũng thuộc diện phải được kiểm tra, vì nó là công trình thủy điện. Tất cả hồ đập liên quan thủy lợi, thủy điện đều phải kiểm tra.
PV: Vậy trong những trường hợp sai phạm như ở sự cố này thì hình thức xử lý sẽ như thế nào, thưa ông?
Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng: Phải xem cụ thể là trách nhiệm như thế nào, trách nhiệm đến đâu, trách nhiệm đến đâu phải xử lý đến đó.
PV: Xin cảm ơn Bộ trưởng!
Theo VOV
Liên kết website
Ý kiến ()