Trong suốt hành trình phát triển, tất cả vì hạnh phúc nhân dân luôn là mục tiêu xuyên suốt cho mọi hành động, mọi quyết sách của tỉnh. Năm 2024, tỉnh Quảng Ninh lựa chọn chủ đề công tác năm là “Nâng cao chất lượng tăng trưởng kinh tế; phát triển văn hóa, con người giàu bản sắc Quảng Ninh” đã tiếp tục thể hiện quyết tâm lớn của tỉnh trong việc đầu tư cho phát triển văn hóa, con người. 6 tháng đầu năm, nhiều quyết sách lớn dành cho văn hóa, con người Quảng Ninh đã được tỉnh triển khai, đảm bảo mọi người dân Quảng Ninh đều được hưởng thụ một cách tốt nhất, đầy đủ nhất từ những thành quả của sự phát triển kinh tế mang lại, đặc biệt là tại các khu vực miền núi, vùng sâu xa, đồng bào dân tộc.
Tối 15/3/2024, người dân huyện Bình Liêu đã vô cùng vui mừng khi trở thành huyện miền núi biên giới, dân tộc đầu tiên trong cả nước đón nhận Quyết định của Thủ tướng công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) năm 2023. Quay ngược nhiều năm về trước, khi bắt tay vào xây dựng NTM năm 2010 cả huyện có tới 6 xã nằm trong diện đặc biệt khó khăn, 96% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số, thu nhập bình quân chỉ hơn 8 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo lên đến trên 60%, cao nhất tỉnh. Các nhóm tiêu chí cơ bản như quy hoạch, giao thông, trường học, cơ sở vật chất văn hóa, nhà ở...đều rất thấp. Xác định hạ tầng phải đi trước, các tuyến giao thông dần được đầu tư xây dựng mới để người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số có cơ hội giao thương, tiếp cận những tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất và đời sống. Trong 13 năm thực hiện xây dựng NTM, hơn 370 km đường giao thông nội vùng, liên vùng trên địa bàn huyện Bình Liêu được xây mới đã tháo gỡ điểm nghẽn lớn nhất ở mảnh đất phên dậu này và mở ra những cơ hội phát triển mới cho huyện miền núi, biên giới phía Đông bắc Tổ quốc. Từ một huyện thiếu thốn đủ bề, đến nay, Bình Liêu đã có bước "lội ngược dòng ngoạn mục" khi tất cả các xã đều đạt chuẩn NTM, trong đó 2 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, thị trấn Bình Liêu đạt đô thị văn minh, tỷ lệ nghèo đa chiều còn 0,84% với thu nhập bình quân đạt 65,2 triệu đồng/người/năm.
Bí thư Đảng ủy xã Húc Động Lài Thị Hiền chia sẻ:
Từ các tuyến đường giao thông liên xã Húc Động-Đồng Văn, Cao Ba Lanh kết nối Quốc lộ 18C, những con cầu nối các thôn, bản đã mở ra nhiều cơ hội phát triển cho người dân nơi đây. Giao thông thuận lợi đã giúp cho người dân phát triển kinh tế, đẩy mạnh giao thương, mở ra cơ hội phát triển du lịch gắn với bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa các dân tộc. Người dân còn được hướng dẫn phát triển sản xuất, hỗ trợ cây con giống, xây nhà tiêu hợp vệ sinh, trẻ em được học trong những ngôi trường khang trang hiện đại… Ước mơ miền núi tiến gần miền xuôi ngày nào đã thật sự hiện hữu ở nơi đây.
Đầu tư mạnh mẽ, toàn diện cho vùng xa, vùng biên giới đã đưa Quảng Ninh về đích sớm hơn 2 năm chương trình xây dựng NTM ở cả 3 cấp tỉnh, huyện, xã. Cùng với Bình Liêu là huyện dân tộc, miền núi, biên giới đầu tiên của cả nước đạt chuẩn NTM thì Tiên Yên, Đầm Hà cũng trở thành 2 huyện đầu tiên trong cả nước đạt chuẩn NTM nâng cao theo tiêu chí của giai đoạn 2021-2025. Thu nhập bình quân đầu người của vùng đồng bào dân tộc, biên giới, hải đảo ngày càng được tăng lên. Trong 6 tháng đầu năm, tổng kinh phí dành cho an sinh xã hội của tỉnh đạt trên 1.144 tỷ đồng (tăng 10% cùng kỳ năm 2023), toàn tỉnh giảm 121/246 hộ nghèo (bằng 49,19% kế hoạch năm); giảm 828 hộ cận nghèo (bằng 69% kế hoạch năm 2024).
Trong phát triển kinh tế, xã hội, Quảng Ninh cũng luôn chú trọng, quan tâm đến công tác đào tạo nghề, đặc biệt là đào tạo nghề cho lao động nông thôn, miền núi đúng đối tượng, phù hợp nhu cầu thực tế. Từ đó phát huy tiềm năng thế mạnh của các địa phương, tăng giá trị kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân. Tham gia lớp đào tạo nghề trồng cây ăn quả kết hợp du lịch sinh thái miễn phí đầu tiên do phòng LĐ và TBXH TP Hạ Long phối hợp với cơ sở đào tạo dạy nghề, anh Nguyễn Thế Quảng (thôn Đồng Đặng, xã Sơn Dương, TP Hạ Long) phấn khởi cho biết: Từ khi tham gia vào lớp hướng dẫn du lịch tại gia đình, chúng tôi đã được trang bị các kiến thức chuyên môn cơ bản về các nghiệp vụ du lịch, quy trình xử lý các tình huống phát sinh trong quá trình thực hiện chương trình du lịch, cách thức tổ chức, đón tiếp và phục vụ khách ăn uống. Đồng thời được trang bị thêm các kiến thức bổ trợ nghề nghiệp như: Tâm lý và kỹ năng giao tiếp, kiến thức về văn hóa du lịch, cách pha chế đồ uống, chế biến món ăn.... Qua quá trình học tập, áp dụng vào thực tế, chúng tôi cũng quảng bá được sản phẩm, nói lên được thế mạnh của thôn Đồng Đặng cùng cốt lõi của cây ổi và vẻ đẹp thôn Đồng Đặng nói chung và gia đình tôi nói riêng.
Để xóa nhòa khoảng cách giáo dục giữa các đô thị và miền núi, bên cạnh việc đầu tư xây mới trường học khang trang dành cho các con em đồng bào ở vùng sâu, vùng xa, từng địa phương có những chiến lược để mang con chữ từ miền xuôi lên miền ngược. Tại TP Hạ Long, sau khi sát nhập huyện Hoành Bồ đã cho thấy sự chênh lệch rõ nét trong công tác giáo dục khi một bên là những xã vùng cao, chủ yếu đồng bào dân tộc thiểu số, địa bàn đi lại khó khăn, thì ở thành phố lại có nền tảng giáo dục đứng đầu toàn tỉnh với nhiều thách tích nổi bật. Làm thế nào để tạo sự hài hòa trong giáo dục giữa hai vùng miền, tiếp tục nâng cao chất lượng giáo dục mũi nhọn là một thách thức với lãnh đạo giáo dục TP Hạ Long. Do đó, bên cạnh đầu tư về hạ tầng, xây dựng cơ cở vật chất, trang thiết bị trường học cho địa bàn các xã, thành phố có những chính sách ưu đãi để đưa giáo viên miền xuôi lên miền ngược. Thống kê cho đến nay, thành phố đã thực hiện luân chuyển 191 giáo viên về công tác tại vùng đồng bào DTTS, nhiều ngôi trường vùng cao bắt đầu có tên trong bảng vàng thi học sinh giỏi cấp tỉnh, cấp thành phố như: Trường TH&THCS Kỳ Thượng, Trường TH&THCS Vũ Oai…
Quảng Ninh là một trong những địa phương được coi là có chỉ số hạnh phúc cao khi người dân được thụ hưởng các giá trị văn hóa tinh thần và ngày càng được nâng cao hơn đời sống tinh thần, bên cạnh những hưởng thụ trong các lĩnh vực xã hội khác như y tế, giáo dục. 6 tháng đầu năm 2024 các cấp, ngành, địa phương trong toàn tỉnh đã tập trung triển khai các hoạt động nhất là trong dịp Tết Nguyên đán và Nghỉ lễ 30/4-1/5 cho nhân dân. Trong dịp Tết Nguyên đán, đã có 22 hoạt động văn hóa, thể thao, hội chợ, triển lãm cấp tỉnh, 70 hoạt động cấp huyện, 225 hoạt động cấp xã được triển khai. Riêng dịp Lễ 30/4-1/5, toàn tỉnh đã tổ chức được 115 hoạt động, sự kiện du lịch, văn hóa, văn nghệ thể thao, thu hút được đông đảo nhân dân và du khách tham gia. Nổi bật là Chương trình Carnaval Hạ Long 2024 với chủ đề “Sáng bừng cùng kỳ quan” với quy mô lớn nhất trong các kỳ tổ chức.
Ngoài tâm điểm là Carnaval Hạ Long 2024 và các chương trình đặc sắc tại TP Hạ Long, trong dịp nghỉ lễ 30/4 - 01/5/2024, các địa phương trong tỉnh đều tích cực tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao quy mô, ấn tượng, để lại cho người dân và du khách những dấu ấn đặc biệt, kỷ niệm đẹp và sự trải nghiệm đầy thú vị tại Quảng Ninh, khởi động mùa du lịch hè nhiều kết quả tích cực.
Đặc biệt, tỉnh cũng phát huy mọi nguồn lực phát triển văn hóa con người Quảng Ninh thông qua việc từng bước hoàn thiện, đồng bộ hệ thống thiết chế văn hóa từ tỉnh đến cơ sở. Hiện thực hóa Quy hoạch tỉnh Quảng Ninh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, tỉnh cũng đã chỉ đạo Sở Văn hóa và Thể thao chủ động làm việc với các chuyên gia nước ngoài tham vấn về phương án xây dựng Nhà hát tỉnh Quảng Ninh với mục tiêu hướng đến sẽ xây dựng được Nhà hát với quy mô lớn, nhiều chức năng sử dụng, đẳng cấp quốc tế, vừa là biểu tượng của Quảng Ninh, vừa là biểu tượng của quốc gia. Đối với chủ trương đầu tư dự án xây dựng Bảo tàng Than, Sở Văn hóa và Thể thao cũng đang nghiên cứu, đề xuất bổ sung quy hoạch, dự kiến hoàn thành trong quý IV/2024.
Nhằm nâng cao ý thức tôn trọng tự nhiên, nâng cao trách nhiệm bảo vệ môi trường của cộng đồng, góp phần quảng bá sự phong phú đa dạng và giá trị khoa học của hệ thực vật, tạo không gian xanh, làm tăng giá trị các công trình văn hoá, kiến trúc nơi cây hiện diện, tỉnh đang tiếp tục triển khai xây dựng một số thôn, làng, bản thành “bảo tàng sống"; kiểm kê, rà soát, lập hồ sơ đăng ký công nhận "Cây di sản Việt Nam”; nghiên cứu phục dựng, phục hồi một số công trình kiến trúc, phương tiện đi lại, trang phục, hình thức sinh hoạt có đặc trưng văn hóa tiêu biểu, nổi bật của Quảng Ninh đã bị mai một. Tính đến hết tháng 5/2024 đã có 7 địa phương và 2 đơn vị gửi hồ sơ công nhận cây di sản Việt Nam, đã có 19 cây của các địa phương và 156 cây của Vườn quốc gia Bái Tử Long được công nhận”. Đồng thời tỉnh cũng đang tiến hành rà soát và đề xuất một số cơ chế chính sách khuyến khích văn nghệ sĩ sáng tạo phát triển nghệ thuật.
Nhất quán quan điểm, lấy con người là trung tâm của phát triển bền vững và mọi sự phát triển đích cuối đều vì hạnh phúc của nhân dân, tỉnh Quảng Ninh đã tập trung nhiều giải pháp và bước đầu đã thu về những “trái ngọt” đầy ý nghĩa trên hành trình thực hiện chủ đề công tác năm. Đó cũng là cơ sở niềm tin để tiếp thêm khát vọng của nhân dân về xây dựng một Quảng Ninh kiểu mẫu, giàu đẹp, văn minh, hiện đại, hướng tới xây dựng hệ giá trị với 6 đặc trưng thiên nhiên tươi đẹp, văn hóa đặc sắc, xã hội văn minh, hành chính minh bạch, kinh tế phát triển, nhân dân hạnh phúc.
Ngày xuất bản: 20/6/2024
Tổ chức thực hiện: LAN HƯƠNG
Nội dung: HOÀNG NGA
Trình bày: MẠNH HÀ