Cụ thể hoá quan điểm, định hướng, nhiệm vụ phát triển văn hóa, con người theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh đã ban hành Nghị quyết số 17-NQ/TU ngày 30/10/2023 “Về xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Quảng Ninh trở thành nguồn lực nội sinh, động lực cho phát triển nhanh, bền vững”. Trong đó đã định vị 6 giá trị đặc trưng của tỉnh Quảng Ninh “Thiên nhiên tươi đẹp, Văn hóa đặc sắc, Xã hội văn minh, Hành chính minh bạch, Kinh tế phát triển, Nhân dân hạnh phúc”.

Các đặc trưng Thiên nhiên tươi đẹp, Văn hóa đặc sắc, Xã hội văn minh, Hành chính minh bạch, Kinh tế phát triển, Nhân dân hạnh phúc được đúc rút, kết tinh từ thực tiễn, từ công sức của các thế hệ người dân Quảng Ninh trong quá trình lao động, sản xuất và xây dựng quê hương. Đồng thời, để không ngừng củng cố và phát huy sáu đặc trưng này, tỉnh Quảng Ninh đã kiên định và nhất quán trong việc đề ra những nhiệm vụ, giải pháp mang tính chiến lược, từ việc bảo vệ và khai thác bền vững tài nguyên thiên nhiên, giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống, xây dựng một xã hội kỷ cương -nhân văn, đến việc nâng cao tính minh bạch, hiệu lực, hiệu quả của nền hành chính, thúc đẩy kinh tế phát triển mạnh mẽ, để cuối cùng, mục tiêu cao nhất là mang lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho nhân dân. Mục tiêu đó đã và đang được hiện thực hóa từng ngày, trên từng con đường, từng công trình, từng chính sách cụ thể, để Quảng Ninh thực sự trở thành miền đất đáng sống, đáng tự hào.

1. Thiên nhiên tươi đẹp

Quảng Ninh được ví như “một Việt Nam thu nhỏ”, nơi hội tụ đầy đủ các dạng địa hình từ biển, đảo, đồng bằng, trung du, đồi núi đến biên giới. Điều kiện tự nhiên phong phú này đã tạo cho Quảng Ninh những thắng cảnh nổi tiếng mà ít địa phương nào trong cả nước có được. Trong đó, dạng địa hình biển đảo là dạng địa hình đặc trưng, chi phối, tạo nên vịnh Hạ Long - một trong những danh thắng nổi tiếng thế giới, vinh dự 3 lần được UNESCO vinh danh; được Tổ chức New Open World công nhận là 1 trong 7 Kỳ quan Thiên nhiên mới của Thế giới. Với hơn 1.900 đảo đá lớn nhỏ muôn hình vạn trạng, hệ thống hang động kỳ ảo cùng hệ sinh thái đa dạng của các đảo đá vôi và rừng ngập mặn, vịnh Hạ Long là một tuyệt tác thiên nhiên hiếm có, là niềm tự hào, tài sản vô giá của Quảng Ninh và cả nước.

Hồ Ba Hầm là số ít trong các hồ nước mặn lớn có đủ các điều kiện phục vụ khách du lịch tham quan khám phá.

Hồ Ba Hầm là số ít trong các hồ nước mặn lớn có đủ các điều kiện phục vụ khách du lịch tham quan khám phá.

Cùng với đó, ở bất kỳ địa phương nào trong tỉnh cũng đều được thiên nhiên ban tặng cho những cảnh quan hết sức đặc sắc, kỳ vỹ. Như ở Cẩm Phả, Vân Đồn có Vịnh Bái Tử Long; Bình Liêu có thác Khe Vằn, đỉnh Cao Xiêm; Tiên Yên sở hữu mũi Lòng Vàng, thác Pạc Sủi...; Uông Bí có thác Lựng Xanh, núi Yên Tử, hồ Yên Trung; Quảng Yên sở hữu Thác Mơ. Bên cạnh đó, trong quá trình lao động, sản xuất, con người Quảng Ninh cũng tạo nên nhiều cảnh quan đẹp, như những thửa ruộng vàng óng, uốn lượn theo triền đồi tạo nên một bức tranh thiên nhiên đầy sức sống, đặc biệt rực rỡ vào mùa lúa chín như ở Tiên Yên, Bình Liêu; những đồi chè xanh bất tận ở Hải Hà, những vườn cây ăn trái trĩu quả ở Đông Triều, Hạ Long, Vân Đồn, hay những khu vực nuôi trồng thủy sản nằm giữa làn nước xanh của vịnh Bái Tử Long...

Có thể khẳng định rằng, thiên nhiên chính là tài sản vô giá của Quảng Ninh, vừa là nền tảng để phát triển kinh tế, vừa là yếu tố quan trọng để gìn giữ môi trường và bản sắc văn hóa. Những năm qua, Quảng Ninh luôn nỗ lực bảo tồn, phát huy những gì mà thiên nhiên ban tặng, để xây dựng những chiến lược, quy hoạch lâu dài hướng đến mục tiêu phát triển bền vững, đưa kinh tế chuyển dần từ “nâu” sang “xanh”. Việc bảo tồn và khai thác hợp lý những giá trị thiên nhiên này sẽ giúp Quảng Ninh không chỉ là điểm đến hấp dẫn mà còn trở thành hình mẫu về phát triển bền vững, một địa phương “xanh, hiện đại, đẳng cấp” nhưng vẫn mang đậm dấu ấn riêng biệt.

Vịnh Hạ Long có vô số các hang ngầm, hồ nước mặn có giá trị thẩm mỹ, đa dạng sinh học cao.

Vịnh Hạ Long có vô số các hang ngầm, hồ nước mặn có giá trị thẩm mỹ, đa dạng sinh học cao.

Những cây sộp già trên vịnh Hạ Long hiên ngang vượt qua bão tố để bây giờ khoe vẻ đẹp rực rỡ, tươi thắm.

Những cây sộp già trên vịnh Hạ Long hiên ngang vượt qua bão tố để bây giờ khoe vẻ đẹp rực rỡ, tươi thắm.

Yên Tử được mệnh danh là kinh đô của Phật Giáo Việt Nam. Ảnh tư liệu.

Yên Tử được mệnh danh là kinh đô của Phật Giáo Việt Nam. Ảnh tư liệu.

Điệu múa truyền thống của đồng bào dân tộc Dao Thanh Phán tại Ngày hội Kiêng Gió năm 2023.

Điệu múa truyền thống của đồng bào dân tộc Dao Thanh Phán tại Ngày hội Kiêng Gió năm 2023.

2. Văn hóa đặc sắc

“Văn hóa đặc sắc” được hiểu là là hệ thống các giá trị, phong tục, tập quán, tín ngưỡng, nghệ thuật, ngôn ngữ và lối sống mang tính riêng biệt, tạo nên bản sắc độc đáo của một cộng đồng, vùng miền hoặc quốc gia.

Quảng Ninh sở hữu văn hoá đa dạng, phong phú, giàu bản sắc. Sự đa dạng, phong phú của văn hóa Quảng Ninh xuất phát từ cấu trúc hệ địa - sinh thái của tỉnh: vừa có vùng núi, gò đồi, đồng bằng, lại có các vùng cửa sông, duyên hải và biển đảo. Mỗi không gian địa - sinh thái đó là một loại hình không gian văn hóa với những đặc tính và đời sống văn hóa riêng. Sự đa dạng văn hóa của Quảng Ninh còn bắt nguồn từ hành trình lịch sử của địa phương trong diễn trình lịch sử dân tộc và lịch sử khu vực. Những chứng tích khảo cổ học và lịch sử không chỉ cho thấy Quảng Ninh là một trong những nơi có con người tụ cư sớm, mà còn là nơi đã diễn ra những cuộc tiếp xúc, giao lưu văn hóa, văn minh sớm và xuyên suốt chiều dài hàng nghìn năm lịch sử. Quảng Ninh có dải non thiêng Yên Tử với di sản văn hóa Phật giáo đặc sắc, có thương cảng quốc tế Vân Đồn - nhịp cầu giao lưu văn hóa nhiều thế kỷ. Quảng Ninh có Bạch Đằng Giang, nơi hào khí non sông đã nhiều lần tỏa sáng; Quảng Ninh lại là vùng đất mỏ - nơi tiêu biểu nhất cho truyền thống đấu tranh cách mạng của công nhân Việt Nam - một biểu tượng sáng ngời của truyền thống văn hóa cách mạng. Văn hóa Quảng Ninh còn là kết tinh bản sắc văn hóa dân tộc của 23 dân tộc anh em quần cư trên vùng đất Quảng Ninh, trong đó có 22 dân tộc thiểu số chủ yếu sinh sống thành cộng đồng ở khu vực miền núi, biên giới, vùng sâu, vùng xa phía đông của tỉnh, lưu giữ kho tàng di sản văn hoá được hun đúc, bồi đắp từ ngàn đời, trở thành những tài sản vô giá cần được nâng niu, trân trọng, bảo tồn.

Du khách thập phương chiêm bái tại chùa Đồng (Yên Tử).

Du khách thập phương chiêm bái tại chùa Đồng (Yên Tử).

Do kết hợp và giao thoa từ nhiều dòng chảy văn hóa khác nhau, qua quá trình lịch sử, Quảng Ninh đã hình thành một hệ thống di sản văn hóa vật thể và phi vật thể phong phú, đa dạng (nổi bật trong đó có 8 di tích quốc gia đặc biệt, 12 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia; di sản thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam (trong đó có then nghi lễ người Tày ở huyện Bình Liêu) được ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại). Những di sản này không chỉ phản ánh bề dày lịch sử, truyền thống mà còn trở thành nguồn lực quan trọng cho sự phát triển kinh tế -xã hội của tỉnh.

Chính sự đa dạng và đặc sắc của các dòng chảy văn hóa, của hệ thống di sản văn hóa vật thể và phi vật thể đã tạo nên bản sắc riêng có cho Quảng Ninh - một vùng đất vừa mang dấu ấn lịch sử hào hùng, vừa gìn giữ được nét đẹp truyền thống trong dòng chảy hội nhập. Những giá trị văn hóa này không chỉ giúp Quảng Ninh định vị thương hiệu của mình trên bản đồ văn hóa Việt Nam mà còn là động lực quan trọng để Quảng Ninh phát triển bền vững.

3. Xã hội văn minh

“Xã hội văn minh” được hiểu là một xã hội phát triển toàn diện, trong đó con người tuân thủ pháp luật, tôn trọng các chuẩn mực về đạo đức, văn hóa và có ý thức trách nhiệm với cộng đồng. Đây là một mô hình xã hội đảm bảo sự tiến bộ về kinh tế, giáo dục, y tế, khoa học - công nghệ, đồng thời duy trì công bằng, bình đẳng và bảo vệ quyền con người. Một xã hội văn minh cũng đề cao các chuẩn mực ứng xử lịch sự, bảo vệ môi trường và bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống, hướng tới sự phát triển bền vững và ổn định lâu dài.

Trong những năm qua, Quảng Ninh chú trọng xây dựng xã hội văn minh, hiện đại, đặt con người vào trung tâm của quá trình phát triển. Quá trình này được định hướng rõ ràng thông qua các chủ trương, chính sách cụ thể. Điển hình như, Nghị quyết số 11-NQ/TU ngày 09/3/2018 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh “về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Quảng Ninh đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững”, Nghị quyết số 17-NQ/TU ngày 30/10/2023 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh “về xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Quảng Ninh trở thành nguồn lực nội sinh, động lực cho phát triển nhanh, bền vững” đã đề ra những mục tiêu và giải pháp nhằm nâng cao chất lượng đời sống, hình thành nếp sống văn minh, phù hợp với sự phát triển chung. Tỉnh cũng đã xây dựng “Bộ Quy tắc ứng xử trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh”, đặt ra các tiêu chuẩn về giao tiếp, ứng xử tại nơi công cộng, trong gia đình, cơ quan, doanh nghiệp; “Bộ Tiêu chí Văn hóa số của người Quảng Ninh văn minh, lịch sự trên môi trường số” góp phần giáo dục ý thức, tạo thói quen tích cực trong các hành vi ứng xử có văn hóa trên môi trường số; vừa mang lại môi trường số văn minh, lịch sự, lành mạnh, vừa đảm bảo an toàn cho mỗi người tham gia, tránh vi phạm pháp luật trên không gian mạng... Việc thực hiện các quy tắc này góp phần nâng cao ý thức của người dân, hình thành lối sống văn minh, lịch sự, tạo nên môi trường xã hội tích cực.

Không gian thư pháp tại chùa Long Tiên (TP Hạ Long) thu hút sự quan tâm của du khách.

Không gian thư pháp tại chùa Long Tiên (TP Hạ Long) thu hút sự quan tâm của du khách.

Bên cạnh đó, Quảng Ninh cũng là địa phương có tốc độ đô thị hóa nhanh với hệ thống kết cấu hạ tầng ngày càng đồng bộ, phát triển các khu đô thị văn minh, hiện đại, gắn với bảo vệ môi trường và cải thiện chất lượng sống. Nhiều địa phương trong tỉnh đã quan tâm đầu tư phát triển hệ thống giao thông, mở rộng không gian xanh, nâng cao chất lượng các công trình công cộng, hướng tới xây dựng môi trường sống ngày càng tiện nghi hơn. Tỉnh cũng quan tâm đến công tác bảo vệ môi trường - một trong những yếu tố quan trọng của xã hội văn minh. Với định hướng chuyển đổi mô hình kinh tế từ “nâu” sang “xanh”, Quảng Ninh đã triển khai nhiều giải pháp phát triển bền vững, giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường. Việc từng bước đóng cửa các mỏ than lộ thiên, thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo, bảo tồn các di sản thiên nhiên thể hiện nỗ lực của tỉnh trong việc đảm bảo cân bằng giữa phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường.

Trong lĩnh vực văn hóa - xã hội, Quảng Ninh đã triển khai nhiều phong trào nhằm nâng cao đời sống tinh thần và phát huy các giá trị truyền thống. Các phong trào như “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, xây dựng “Gia đình văn hóa”, “Khu phố văn hóa”, “Thôn văn hóa”, “Phường đạt chuẩn văn minh đô thị”, “Xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới”, hay các hoạt động thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội đã tạo ra những chuyển biến tích cực trong cộng đồng. Những phong trào này không chỉ nâng cao nhận thức mà còn góp phần định hình các chuẩn mực đạo đức, ứng xử văn minh, từ đó xây dựng môi trường sống hài hòa, đoàn kết. Giáo dục, y tế và các chính sách an sinh xã hội cũng là những yếu tố góp phần quan trọng trong việc xây dựng xã hội văn minh. Quảng Ninh đã dành nhiều nguồn lực để nâng cao chất lượng giáo dục, đầu tư hệ thống bệnh viện, cơ sở y tế, đồng thời thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân, đảm bảo an sinh xã hội. Đây là những điều kiện cần thiết để không ngừng cải thiện chất lượng cuộc sống, hướng đến sự phát triển bền vững của tỉnh. Những nỗ lực này không chỉ giúp nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân mà còn góp phần định hình một xã hội văn minh, thân thiện, đáng sống, phù hợp với xu hướng phát triển chung trong bối cảnh hội nhập và đổi mới.

Nghị quyết 17-NQ/TU đã định hình “xã hội văn minh” là một trong những đặc trưng của tỉnh Quảng Ninh. Điều này không chỉ xuất phát từ thực tiễn phát triển của tỉnh mà còn là định hướng quan trọng trong chiến lược xây dựng và hoàn thiện các giá trị xã hội. Việc hiện thực hóa một xã hội văn minh không chỉ góp phần nâng cao chất lượng sống của người dân mà còn trở thành yếu tố then chốt tạo nên sức hấp dẫn của tỉnh, thu hút du khách, nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Khu phố Diêm Thủy (phường Cẩm Bình, TP Cẩm Phả) duy trì phong trào văn nghệ quần chúng.

Khu phố Diêm Thủy (phường Cẩm Bình, TP Cẩm Phả) duy trì phong trào văn nghệ quần chúng.

Triển khai cấp Căn cước gắn chíp và hướng dẫn cài đặt, kích hoạt VNeID cho người dân tại chi nhánh Trung tâm Phục vụ hành chính công TP Hạ Long.

Triển khai cấp Căn cước gắn chíp và hướng dẫn cài đặt, kích hoạt VNeID cho người dân tại chi nhánh Trung tâm Phục vụ hành chính công TP Hạ Long.

Cán bộ Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh giải quyết TTHC trên hệ thống dịch vụ công trực tuyến của tỉnh và Cổng Dịch vụ công Quốc gia.

Cán bộ Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh giải quyết TTHC trên hệ thống dịch vụ công trực tuyến của tỉnh và Cổng Dịch vụ công Quốc gia.

4. Hành chính minh bạch

Hành chính minh bạch là nguyên tắc quan trọng trong quản lý hành chính công, thể hiện sự công khai, rõ ràng và dễ tiếp cận của thông tin, chính sách, quy trình ra quyết định và hoạt động của các cơ quan nhà nước. Một nền hành chính minh bạch đòi hỏi các cơ quan phải công khai thông tin, giúp người dân và tổ chức dễ dàng tiếp cận các chính sách, quy trình và quyết định liên quan. Đồng thời, trách nhiệm giải trình phải được thực hiện nghiêm túc, đảm bảo cán bộ, công chức chịu trách nhiệm trước người dân và các cơ quan giám sát về hành vi, quyết định của mình. Quy trình ra quyết định trong bộ máy hành chính cần rõ ràng, tránh tình trạng tùy tiện, quan liêu và tiêu cực. Khi thông tin được công khai minh bạch, người dân có thể giám sát hoạt động của chính quyền, từ đó hạn chế tham nhũng, lợi ích nhóm và các hành vi vi phạm đạo đức công vụ. Minh bạch trong hành chính không chỉ giúp nâng cao niềm tin của người dân vào chính quyền mà còn góp phần cải thiện hiệu quả quản lý nhà nước và chất lượng dịch vụ công. Đây cũng là yếu tố quan trọng để tạo môi trường thuận lợi cho sự tham gia của người dân và doanh nghiệp vào quá trình ra quyết định.

Quảng Ninh là một trong những địa phương đang tích cực thực hiện cải cách hành chính, hướng đến xây dựng nền hành chính minh bạch, hiệu quả nhằm phục vụ tốt hơn nhu cầu của người dân và doanh nghiệp. Những kết quả đạt được trong thời gian qua thể hiện qua nhiều khía cạnh, từ công khai thông tin, đơn giản hóa thủ tục hành chính đến việc nâng cao trách nhiệm giải trình và ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý nhà nước.

Giải quyết thủ tục cho người dân, doanh nghiệp tại chi nhánh Trung tâm phục vụ hành chính công Đông Triều.

Giải quyết thủ tục cho người dân, doanh nghiệp tại chi nhánh Trung tâm phục vụ hành chính công Đông Triều.

Trước hết, Quảng Ninh đã thực hiện công khai, minh bạch thông tin hành chính, giúp người dân và doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận các quy định, chính sách. Trang thông tin điện tử của tỉnh và Cổng dịch vụ công trực tuyến cung cấp đầy đủ, kịp thời các văn bản quy phạm pháp luật, quy trình giải quyết thủ tục hành chính, kết quả giải quyết hồ sơ, cũng như các chính sách liên quan đến đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội. Việc công khai minh bạch này đã tạo được sự tin tưởng từ phía người dân và doanh nghiệp. Bên cạnh đó, tỉnh đã đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, nâng cao chất lượng dịch vụ công, đặc biệt là việc tinh giản quy trình giải quyết hồ sơ, rút ngắn thời gian xử lý và giảm bớt các thủ tục không cần thiết. Trung tâm Phục vụ Hành chính công tỉnh Quảng Ninh được thành lập từ năm 2014, cùng với hệ thống trung tâm hành chính công cấp huyện, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp trong việc tiếp cận và giải quyết các thủ tục hành chính nhanh chóng, thuận tiện. Quảng Ninh cũng là một trong những địa phương tiên phong trong việc thực hiện cơ chế chính quyền điện tử, chính quyền số, tạo nền tảng quan trọng để nâng cao tính minh bạch. Cùng với đó, tỉnh đã xây dựng các cơ chế để tăng cường giám sát, phản hồi từ người dân và doanh nghiệp, trong đó có việc triển khai ứng dụng đánh giá sự hài lòng của người dân đối với dịch vụ hành chính công. Trách nhiệm giải trình của các cơ quan nhà nước trong tỉnh cũng được nâng cao thông qua việc tổ chức đối thoại thường xuyên giữa chính quyền với doanh nghiệp, người dân, qua đó lắng nghe ý kiến, kịp thời điều chỉnh chính sách phù hợp với thực tiễn.

Người dân giải quyết TTHC tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả hiện đại xã Quảng Sơn (huyện Hải Hà). Ảnh: Minh Đức

Người dân giải quyết TTHC tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả hiện đại xã Quảng Sơn (huyện Hải Hà). Ảnh: Minh Đức

Nhờ những nỗ lực này, Quảng Ninh nhiều năm liền nằm trong nhóm dẫn đầu cả nước về Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), Chỉ số cải cách hành chính (PAR Index) và Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS). Những kết quả này không chỉ phản ánh sự chuyển biến tích cực trong công tác quản lý, điều hành mà còn khẳng định cam kết của tỉnh để hướng đến nền hành chính minh bạch, hiệu quả, phục vụ người dân và doanh nghiệp một cách tốt nhất.

Có thể thấy rằng, cùng với các thành tố khác trong hệ giá trị tỉnh Quảng Ninh, thì “hành chính minh bạch” là môi trường, là điều kiện đã, đang và sẽ giúp Quảng Ninh tích cực đẩy mạnh thực hiện 3 đột phá chiến lược, đạt những thành tựu ấn tượng. Đây là một giá trị đương đại, song sự ra đời và hình thành của nó sâu xa vẫn có sự kế thừa, phát triển những nét giá trị, phẩm chất truyền thống của văn hóa, con người Quảng Ninh.

5. Kinh tế phát triển

Kinh tế phát triển được hiểu là trạng thái khi một quốc gia hoặc địa phương đạt được sự tăng trưởng bền vững, thể hiện qua mức thu nhập cao, cơ cấu kinh tế hiện đại với tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ lớn, hệ thống hạ tầng đồng bộ và chất lượng đời sống người dân được nâng cao.

Quảng Ninh xác định “Kinh tế phát triển” là yếu tố quan trọng hàng đầu và phải tập trung mọi nguồn lực để thực hiện, bởi chỉ có phát triển lâu dài mới giúp tích lũy và chuẩn bị kịp những tiền đề, điều kiện, nền tảng để đạt được mục tiêu xây dựng, phát triển Quảng Ninh là tỉnh kiểu mẫu giàu đẹp, văn minh, hiện đại, mới có điều kiện chăm lo cho hạnh phúc của nhân dân và cũng là thước đo uy tín, năng lực, trình độ lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp trong tỉnh.

Hòa chung vào công cuộc đổi mới của đất nước, Quảng Ninh là địa phương có nhiều đột phá sáng tạo trong phát triển kinh tế, đưa Quảng Ninh từ một một tỉnh miền núi ven biển nhiều khó khăn trở thành một trong những cực tăng trưởng kinh tế toàn diện của khu vực phía Bắc. Quảng Ninh có tốc độ tăng trưởng kinh tế luôn duy trì ở mức cao so với bình quân chung của cả nước; cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực, theo hướng phát triển bền vững. Theo Tổng cục Thống kê, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) năm 2024 của Quảng Ninh tăng 8,42%, đứng thứ 6 trong vùng Đồng bằng sông Hồng và đứng thứ 20 cả nước.

Hạ tầng KCN Cảng biển Hải Hà được đầu tư đồng bộ.

Hạ tầng KCN Cảng biển Hải Hà được đầu tư đồng bộ.

Nhìn một cách tổng thể, Quảng Ninh có nhiều tiềm năng nổi trội, lợi thế cạnh tranh, có nền tảng phát triển tốt hơn nhiều địa phương khác trong cả nước. Tuy nhiên nếu so với nhóm địa phương tiên phong (TP Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Hà Nội, Bình Dương) thì Quảng Ninh phải đối mặt với không ít thách thức. Đây là sức ép rất lớn đối với tỉnh trước đòi hỏi phải tiếp tục bứt phá, vươn lên trong tuyến đầu, nhất là trong việc thực hiện được mục tiêu đến năm 2030 “Xây dựng, phát triển Quảng Ninh là một tỉnh tiêu biểu của cả nước về mọi mặt; tỉnh kiểu mẫu giàu đẹp, văn minh, hiện đại, nâng cao đời sống mọi mặt của nhân dân”, như Quy hoạch tỉnh Quảng Ninh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã đề ra.

Để vững bước tiến vào “Kỷ nguyên vươn mình”, tỉnh đã xác định chủ đề công tác năm 2025 là “Bứt phá trong phát triển kinh tế, tạo đà cho nhiệm kỳ mới”, Quảng Ninh xác định sẽ tập trung thực hiện các giải pháp đồng bộ nhằm nâng cao chất lượng tăng trưởng kinh tế trên nền tảng nguồn nhân lực chất lượng cao, yếu tố đổi mới sáng tạo, ứng dụng các thành tựu khoa học công nghệ để làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống; tạo đột phá thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới, lực lượng sản xuất mới, tiên tiến. Quảng Ninh đề ra mục tiêu tốc độ tăng trưởng (GRDP) năm 2025 đạt 14%. Đây là mục tiêu rất cao đòi hỏi sự vào cuộc tích cực, sát sao của cả hệ thống chính trị, các sở, ban, ngành, địa phương trong tỉnh. Để đạt mục tiêu này đòi hỏi tỉnh phải có sự bứt tốc, đột phá mạnh mẽ. Một trong những yếu tố then chốt cho động lực phát triển mới chính là phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Trong năm 2025 và những năm tiếp theo, tỉnh sẽ nỗ lực triển khai có hiệu quả Chương trình hành động số 46-CTr/TU ngày 15/01/2025 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ninh về thực hiện Nghị quyết 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị “về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia”.

Để hiện thực hóa khát vọng trở thành một tỉnh kiểu mẫu, Quảng Ninh không chỉ dựa vào những lợi thế sẵn có mà còn phải liên tục đổi mới, sáng tạo, tạo động lực phát triển mới, nâng cao chất lượng tăng trưởng. Với quyết tâm chính trị cao, chiến lược đúng đắn và sự đồng lòng của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân, Quảng Ninh hoàn toàn có cơ sở để bứt phá mạnh mẽ, tiếp tục giữ vững vị thế là một trong những cực tăng trưởng quan trọng của cả nước.

Cảng Cái Lân (TP Hạ Long) bốc xếp gần 154.000 tấn hàng rời cho 5 tàu vào làm hàng đầu năm 2025. Ảnh: Nguyễn Thanh

Cảng Cái Lân (TP Hạ Long) bốc xếp gần 154.000 tấn hàng rời cho 5 tàu vào làm hàng đầu năm 2025. Ảnh: Nguyễn Thanh

6. Nhân dân hạnh phúc

Theo cách tiếp cận của Liên Hợp Quốc, hạnh phúc của nhân dân không phải là một khái niệm chung chung, mơ hồ mà được lượng hóa bằng Chỉ số hạnh phúc. Chỉ số Hạnh phúc Thế giới (World Happiness Index - WHI) được Liên Hợp Quốc công bố hàng năm trong Báo cáo Hạnh phúc Thế giới (World Happiness Report). Chỉ số này đo lường mức độ hạnh phúc của người dân ở hơn 150 quốc gia, dựa trên 6 tiêu chí sau:

Xã Đồng Sơn được thành phố đầu tư đồng bộ hệ thống hạ tầng thiết yếu, đảm bảo vệ sinh môi trường, tiêu thoát nước.

Xã Đồng Sơn được thành phố đầu tư đồng bộ hệ thống hạ tầng thiết yếu, đảm bảo vệ sinh môi trường, tiêu thoát nước.

(1) GDP bình quân đầu người: Đánh giá mức sống của người dân thông qua tổng sản phẩm quốc nội bình quân đầu người. Điều này phản ánh khả năng tiếp cận các dịch vụ cơ bản và chất lượng sống vật chất.

(2) Hỗ trợ xã hội: Đo lường mức độ mà người dân có thể nhận được sự giúp đỡ từ gia đình, bạn bè hoặc chính quyền khi gặp khó khăn. Nội dung này thể hiện sự gắn kết cộng đồng và các chính sách phúc lợi xã hội.

(3) Tuổi thọ khỏe mạnh: Tính theo số năm trung bình một người có thể sống khỏe mạnh. Nội dung này phản ánh chất lượng chăm sóc sức khỏe, chế độ dinh dưỡng và điều kiện sống.

(4) Tự do lựa chọn cuộc sống: Đánh giá mức độ mà người dân cảm thấy tự do trong việc đưa ra quyết định quan trọng cho cuộc sống cá nhân (Liên quan đến các quyền tự do cá nhân, cơ hội phát triển và mức độ dân chủ trong xã hội).

(5) Mức độ hào phóng: Đo lường sự sẵn sàng giúp đỡ người khác, mức độ đóng góp cho từ thiện và tinh thần cộng đồng. Điều này phản ánh sự đoàn kết và tương trợ trong xã hội.

(6) Nhận thức về tham nhũng: Đánh giá của người dân về mức độ minh bạch của chính phủ và doanh nghiệp (phản ánh niềm tin của người dân vào hệ thống chính trị, quản trị và sự công bằng trong xã hội).

Quảng Ninh đã xác định “nhân dân hạnh phúc” là một giá trị của tỉnh, mọi sự phấn đấu của tỉnh đều hướng tới hạnh phúc của nhân dân, với mục tiêu phấn đấu Quảng Ninh trở thành một “vùng đất lành” và hạnh phúc để con người sống, làm việc, nghỉ ngơi, thụ hưởng và phát triển, nhân dân tỉnh Quảng Ninh ngày càng ấm no, tự do và hạnh phúc, có thu nhập bình quân đầu người ở mức cao hơn hẳn so với mức trung bình của cả nước. Trong quá trình phát triển, tỉnh luôn nỗ lực, kiên trì thực hiện mục tiêu gắn kết chặt chẽ, hài hoà giữa tăng trưởng kinh tế cao với phát triển văn hóa, con người; giữa đẩy nhanh tốc độ đô thị hoá gắn với nâng cao hiệu quả kinh tế đô thị, xây dựng nông thôn mới gắn với phát triển kinh tế nông thôn, nhanh chóng thu hẹp khoảng cách giàu nghèo và chênh lệch vùng miền; bảo đảm an sinh xã hội, phúc lợi xã hội, tiến bộ và công bằng xã hội; đồng thời, nâng cao chất lượng sống mọi mặt của Nhân dân theo các tiêu chí của Chỉ số hạnh phúc.

Theo Tổng cục Thống kê, năm 2024 GRDP bình quân đầu người của Quảng Ninh ước đạt 10.272 USD (trong khi đó GDP bình quân đầu người năm 2024 của cả nước là 4.700 USD)1. Hệ thống an sinh xã hội được đảm bảo với gần 1.900 tỷ đồng ngân sách năm 2024 dành cho hỗ trợ người nghèo, nhà ở, y tế, giáo dục và tạo việc làm, cùng với đó, tỷ lệ bảo hiểm y tế đạt 95,48%, đảm bảo hầu hết người dân được tiếp cận dịch vụ y tế khi cần thiết. Công tác chăm sóc sức khỏe không ngừng được nâng cao với hệ thống bệnh viện hiện đại (trong 5 năm trở lại đây, Quảng Ninh chi tới trên 4.000 tỷ đồng để xây dựng cơ sở hạ tầng và mua sắm trang thiết bị cho các cơ sở y tế; không chỉ các bệnh viện tuyến tỉnh, đến nay các bệnh viện tuyến huyện đều cơ bản được đầu tư xây dựng mới với đầy đủ trang thiết bị hiện đại); đội ngũ nhân lực cũng được quan tâm, đào tạo theo hướng chuyên sâu. Chính quyền tỉnh cũng đẩy mạnh cải cách hành chính, hỗ trợ khởi nghiệp và tạo điều kiện để người dân lựa chọn con đường phát triển phù hợp với bản thân. Đặc biệt, tỉnh liên tục nằm trong nhóm dẫn đầu cả nước về Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) và Chỉ số Hiệu quả quản trị và Hành chính công (PAPI), cho thấy sự minh bạch trong quản lý và niềm tin của nhân dân vào chính quyền. Theo số liệu điều tra cuối năm 2024 do Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ tổ chức đánh giá, niềm tin của cán bộ, đảng viên và Nhân dân Quảng Ninh vào sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội của tỉnh đạt 96,16%, đây là minh chứng khách quan, sinh động của phương châm lấy người dân làm trung tâm, mọi người dân đều được thụ hưởng thành quả phát triển, không để ai bị bỏ lại phía sau.

Tuy nhiên, Quảng Ninh vẫn còn một số điểm cần cải thiện: Chênh lệch thu nhập giữa thành thị và nông thôn còn lớn; tuổi thọ trung bình chỉ đạt 74,1 tuổi, thấp hơn mức trung bình cả nước (74,5 tuổi), xếp thứ 34/63 tỉnh, thành phố, một phần do ảnh hưởng từ môi trường công nghiệp; kinh tế tỉnh vẫn phụ thuộc nhiều vào khai thác than; chất lượng giáo dục tuy có thành tích cao nhưng còn chênh lệch giữa các khu vực, đặc biệt ở vùng sâu, vùng xa; hệ thống y tế vùng nông thôn cần được nâng cấp để người dân có thể tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe tốt hơn; ô nhiễm môi trường từ khai thác công nghiệp vẫn là vấn đề đáng quan tâm, ảnh hưởng đến chất lượng không khí và nguồn nước.

Các thiết chế văn hóa, thể thao được TX Quảng Yên quan tâm xây dựng, góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho người dân.

Các thiết chế văn hóa, thể thao được TX Quảng Yên quan tâm xây dựng, góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho người dân.

Hiện nay, Quảng Ninh vẫn đang từng bước cải thiện để nâng cao chất lượng sống của nhân dân, hướng tới một xã hội phát triển toàn diện và bền vững. Để hiện thực hóa mục tiêu này, tỉnh đã triển khai nhiều chính sách, chương trình cụ thể. UBND tỉnh đã xây dựng Chương trình hành động số 869/CTr-UBND ngày 12/4/2024 về việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 17-NQ/TU và Kế hoạch số 383-KH/TU, trong đó cụ thể hóa 18 nhóm mục tiêu, 63 nhiệm vụ, cụ thể tập trung vào 05 Nghị quyết, 10 Đề án, phân công cụ thể cho các sở, ngành, địa phương triển khai thực hiện nhằm xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Quảng Ninh trở thành động lực cho phát triển nhanh và bền vững. Trong lĩnh vực an sinh xã hội, Chương trình hành động số 37-Ctr/TU ngày 02/4/2024 thực hiện Nghị quyết số 42-NQ/TW ngày 24/11/2023 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đặt trọng tâm vào việc đổi mới, nâng cao chất lượng chính sách xã hội, đảm bảo mọi người dân đều được hưởng lợi từ sự phát triển. Kế hoạch số 155/KH-UBND ngày 19/6/2024 của UBND tỉnh đã cụ thể hóa các chương trình hỗ trợ nhà ở, tạo việc làm, cải thiện chất lượng sống cho người dân, đặc biệt là những khu vực khó khăn. Những chiến lược và kế hoạch này thể hiện cam kết mạnh mẽ của Đảng bộ và chính quyền Quảng Ninh trong việc đặt hạnh phúc và chất lượng sống của nhân dân làm mục tiêu phát triển hàng đầu. Hướng tới năm 2030, Quảng Ninh không chỉ phấn đấu trở thành một tỉnh kiểu mẫu, giàu đẹp, văn minh, hiện đại, mà còn đảm bảo mọi người dân đều được thụ hưởng thành quả phát triển, sống trong một môi trường công bằng, bền vững.

Như vậy, 6 giá trị đặc trưng: “Thiên nhiên tươi đẹp - Văn hóa đặc sắc - Xã hội văn minh - Hành chính minh bạch - Kinh tế phát triển - Nhân dân hạnh phúc” là hệ giá trị được định hình dựa trên cơ sở địa phương hóa các giá trị tốt đẹp của quốc gia -dân tộc và nhân loại, tổng hợp hóa và nâng tầm các giá trị riêng lẻ của văn hóa, con người Quảng Ninh, làm thành bản sắc, cốt cách riêng có, trở thành tầm nhìn phát triển địa phương. Đồng thời, giữa các thành tố của hệ giá trị Quảng Ninh có quan hệ khăng khít, chặt chẽ, tương hỗ, bao quát khá toàn diện trên các lĩnh vực: điều kiện tự nhiên -văn hóa - xã hội - chính trị - kinh tế - con người, trong đó “thiên nhiên tươi đẹp” là điều kiện; “văn hóa đặc sắc” là nền tảng; “xã hội văn minh” là chuẩn mực; “hành chính minh bạch” là môi trường; “kinh tế phát triển” là phương tiện và “nhân dân hạnh phúc” là mục tiêu cuối cùng hướng đến. Có thể nói đây là những giá trị cốt lõi, tiêu biểu nhất, cơ bản đã bám sát vào điều kiện thực tiễn của Quảng Ninh, bảo đảm sự cân đối, hài hòa giữa các yếu tố truyền thống và hiện đại, dân tộc và quốc tế. Quan trọng hơn cả là cần chuyển hóa hiệu quả các giá trị trên thành nguồn sức mạnh nội sinh, nguồn lực cho sự phát triển, cùng hướng đích xây dựng, phát triển tỉnh Quảng Ninh là tỉnh tiêu biểu của cả nước về mọi mặt, ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại, nhân dân ngày càng ấm no, hạnh phúc.

Thực hiện: Bảo Bình
Trình bày: Vũ Đức