
Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 là một trong những thắng lợi nổi bật và vĩ đại nhất của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX, là mốc son chói lọi trong lịch sử ngàn năm của dân tộc ta. Thắng lợi đó đã để lại nhiều bài học kinh nghiệm quý báu mãi mãi soi sáng cho cách mạng Việt Nam trên con đường đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Tự hào về những thành quả của Cách mạng, Quảng Ninh đã vận dụng và phát triển những bài học kinh nghiệm quý giá mang tầm thời đại của Cách mạng Tháng Tám vào công cuộc xây dựng tỉnh giàu đẹp, văn minh, hiện đại...
Vùng mỏ trong những ngày lịch sử
Tháng 8/1945, Nhật đầu hàng Đồng minh. Quân Đồng minh chuẩn bị kéo vào nước ta để giải giáp vũ khí của Nhật. Thực dân Pháp ráo riết chuẩn bị quay trở lại xâm lược nước ta một lần nữa. Tình thế lúc này là vô cùng khẩn cấp, nhưng cũng là thời cơ ngàn năm có một. Đứng trước thời cơ đó, 11h đêm ngày 13/8/1945, Ủy ban khởi nghĩa đã hạ quân lệnh số 1 phát động khởi nghĩa toàn quốc. Đảng triệu tập Đại hội quốc dân ngày 16/8/1945 tại Tân Trào quyết định phát động toàn dân giành chính quyền từ tay phát xít Nhật trước khi quân Đồng minh vào Đông Dương.

Lá cờ đỏ sao vàng đầu tiên tung bay tại TX Quảng Yên sau ngày giải phóng 20/7/1945. Ảnh tư liệu
Lá cờ đỏ sao vàng đầu tiên tung bay tại TX Quảng Yên sau ngày giải phóng 20/7/1945. Ảnh tư liệu
Hưởng ứng chủ trương đó, quần chúng khắp nơi đã đồng loạt nổi dậy. Ở những vùng xa xôi, dù chưa nhận được lệnh tổng khởi nghĩa, nhưng căn cứ vào tình hình cụ thể và vận dụng Chỉ thị “Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta”, các địa phương đã lãnh đạo nhân dân khởi nghĩa. Từ ngày 14 đến 18/8/1945, cuộc tổng khởi nghĩa nổ ra giành được thắng lợi ở nông thôn đồng bằng Bắc Bộ, đại bộ phận miền Trung và một phần miền Nam.
Trong không khí sục sôi, quyết tâm của cả nước, quân và dân Vùng mỏ đã đứng lên đấu tranh, đưa Quảng Ninh trở thành địa phương tiến hành giành chính quyền sớm nhất trong cả nước, với nhiều điểm đấu tranh độc đáo, sáng tạo, đã góp phần quan trọng vào thắng lợi của cả dân tộc trong cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945. Ngày 8/6/1945, lực lượng vũ trang cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng đã đồng loạt tấn công đánh chiếm các đồn Đông Triều, Mạo Khê, Tràng Bạch, Chí Linh... giành được chính quyền về tay nhân dân. Chiều cùng ngày một cuộc mít tinh lớn được tổ chức ở Hổ Lao, chính thức tuyên bố thành lập “Đệ tứ chiến khu” còn gọi là Chiến khu Trần Hưng Đạo - Chiến khu Đông Triều, lập Uỷ ban quân sự cách mạng, lập đội vũ trang tuyên truyền. Ngày 20/7/1945, quân cách mạng Chiến khu Đông Triều đã đánh chiếm tỉnh lỵ Quảng Yên và phá bỏ bộ máy chính quyền bù nhìn cấp tỉnh. Đây cũng là cuộc khởi nghĩa từng phần kế tiếp các cuộc khởi nghĩa trước đây của du kích chiến khu Đông Triều, chuẩn bị điều kiện tiến lên Tổng khởi nghĩa.

Nhà lưu niệm Chiến khu Đông Triều, xã Bình Dương (TX Đông Triều) - nơi lưu giữ các tài liệu, hiện vật về lịch sử Chiến khu Đông Triều. Ảnh: Xuân Quảng (CTV)
Nhà lưu niệm Chiến khu Đông Triều, xã Bình Dương (TX Đông Triều) - nơi lưu giữ các tài liệu, hiện vật về lịch sử Chiến khu Đông Triều. Ảnh: Xuân Quảng (CTV)
Ngày 19/8/1945, nhân dân Hà Nội giành được chính quyền trọn vẹn. Tin vui này đã thôi thúc nhân dân Quảng Ninh tiếp tục đứng lên. Ngày 24/8/1945, tại TX Quảng Yên, UBND Cách mạng lâm thời của tỉnh đã ra mắt nhân dân. Đêm 25/8/1945, nhận được lệnh, một đơn vị vũ trang chiến khu Trần Hưng Đạo đã cấp tốc hành quân về Hòn Gai. Chiều 26/8/1945, ta tổ chức cuộc biểu dương lực lượng lớn và sau đó là cuộc mít tinh của hàng ngàn quần chúng cách mạng, tay giương cao cờ đỏ sao vàng, miệng hô to: “Ủng hộ Việt Minh”, “Ủng hộ cách mạng giải phóng dân tộc”...
Ở Cẩm Phả, ngày 27/8/1945, ta tiếp tục lập chính quyền Cách mạng lâm thời ở Cẩm Phả, Cửa Ông và hầu hết các đảo ở Cẩm Phả (trừ 2 đảo Vạn Hoa và Cô Tô). Quá trình giành chính quyền ở Cẩm Phả và Cửa Ông diễn ra khá phức tạp, đầy khó khăn, phải kết hợp cả chính trị, vũ trang và phân hoá kẻ thù, vì phần lớn ở những nơi này có cả quân Tưởng, quân của bọn Việt cách, quân thổ phỉ và cả tàn quân thực dân Pháp đang tìm cách tranh giành ảnh hưởng. Trong khi đó, tình hình tại khu vực biên giới Hải Ninh rất phức tạp, do vậy Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trực tiếp cử cán bộ đại diện cho Mặt trận Việt Minh đàm phán, đấu tranh bằng ngoại giao với Việt cách, Việt quốc. Đây cũng là nơi duy nhất trong cả nước sử dụng hình thức ngoại giao để giành chính quyền trong Cách mạng Tháng Tám.

Tiếp nối sự nghiệp cách mạng
Thắng lợi trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945 tại Quảng Ninh là thắng lợi hết sức to lớn chưa từng có trong lịch sử đấu tranh cách mạng của Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Quảng Ninh. Đó là thắng lợi của tinh thần chấp hành nghiêm chỉnh và sự vận dụng đúng đắn đường lối và phương pháp cách mạng của Đảng vào thực tiễn địa phương, thể hiện tinh thần chủ động, táo bạo, dũng cảm và sáng tạo của mỗi cán bộ, đảng viên và quần chúng cách mạng trong tỉnh; thể hiện sự đúng đắn trong việc chọn thời cơ và chớp lấy thời cơ và tấn công liên tục kẻ thù, giành chính quyền về tay nhân dân. Đó cũng là thắng lợi của tinh thần đoàn kết trong Đảng, đoàn kết quân dân và đoàn kết các dân tộc, đây là nét tiêu biểu, kinh nghiệm quý báu rút ra từ thực tiễn đấu tranh cách mạng của Đảng bộ và nhân dân tỉnh Quảng Ninh trong cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945.
Phát huy tinh thần của Cách mạng Tháng Tám, Quảng Ninh đã tích cực thực hiện đường lối đổi mới. Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng được đẩy mạnh toàn diện, liên tục, đồng bộ, quyết liệt gắn với xây dựng tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, thực thi có hiệu quả nhiệm vụ được giao.
Đồng chí Nguyễn Xuân Ký, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ninh, khẳng định: Kế thừa và phát huy các giá trị văn hóa tốt đẹp, những thành quả của các thế hệ đi trước; thấm nhuần tư tưởng của Bác; nhận thức đầy đủ và sâu sắc quan điểm đại đoàn kết toàn dân tộc là một nhiệm vụ chiến lược, thường xuyên và lâu dài, trong suốt những năm qua, nhất là qua 35 năm đổi mới và 10 năm thực hiện Cương lĩnh 2011; Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Quảng Ninh đã nghiêm túc quán triệt, sáng tạo cụ thể hóa và tổ chức thực hiện một cách khoa học, có hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước nhằm không ngừng củng cố khối đại đoàn kết toàn dân, phát huy dân chủ, ý chí tự lực, tự cường, sức sáng tạo và mọi nguồn lực của nhân dân; tăng cường mối quan hệ mật thiết giữa Đảng, chính quyền với nhân dân; đã tạo ra sức mạnh tổng hợp thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững gắn với bảo đảm vững chắc quốc phòng - an ninh, nâng cao đời sống mọi mặt của nhân dân. Vị thế và uy tín của Quảng Ninh được nâng cao, trở thành một trong những cực tăng trưởng kinh tế toàn diện của phía Bắc.
Tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh luôn duy trì ở mức cao hơn so với bình quân của Vùng và cả nước. Giai đoạn 2006-2010, tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh đạt 12,7%/năm (theo giá so sánh 1994); giai đoạn 2011-2020 đạt 8,9%/năm (theo giá so sánh 2010), gấp 1,5 tốc độ tăng của cả nước trong cùng thời kỳ (6,0%). Trong đó, giai đoạn 2016-2020, tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 10,7%/năm, gấp 1,6 lần so với cả nước và đứng thứ 3 trong vùng (sau Hải Phòng, Hà Nam) mặc dù chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Năm 2021 mặc dù bị tiếp tục bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 song tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) của tỉnh vẫn duy trì ở mức cao so với bình quân chung của cả nước (2,58%), đạt 10,28%, giữ vững đà tăng trưởng GRDP hơn hai con số trong 6 năm liên tiếp (2016-2021).
Bên cạnh đó, Quảng Ninh luôn nằm trong nhóm các tỉnh, thành phố có đóng góp cao nhất vào ngân sách cả nước (thu nội địa giai đoạn 2016-2020 đứng trong top 5/63 tỉnh, thành có số thu cao) và là một trong 16 địa phương của cả nước có điều tiết ngân sách cho quốc gia (35% tổng thu ngân sách). 2 năm 2020-2021, trong bối cảnh cực kỳ khó khăn do đại dịch Covid-19 gây ra, Quảng Ninh đã nổi lên là một điểm sáng về sự chủ động trong phòng chống dịch, giữ vững địa bàn "an toàn, ổn định, phát triển trong trạng thái bình thường mới" và chủ động chuyển sang thực hiện "thích ứng an toàn" với những kết quả tích cực.
Đặc biệt, phát huy giá trị của Cách mạng Tháng Tám, suốt 77 năm qua, Đảng bộ, chính quyền tỉnh Quảng Ninh luôn thực hiện phương châm mọi quyết sách luôn vì mục tiêu hạnh phúc của nhân dân. Phát triển vì hạnh phúc của nhân dân không chỉ là mục tiêu hướng tới mà còn được hiện thực hóa ở từng bước đi, thể hiện trong từng chính sách và xuyên suốt trong quá trình phát triển của tỉnh. Trong mọi điều kiện, tỉnh luôn kiên trì thực hiện mục tiêu gắn chặt chẽ giữa các mục tiêu tăng trưởng kinh tế với phát triển con người; xây dựng văn hóa giàu bản sắc Quảng Ninh trong từng chiến lược, nghị quyết, quy hoạch, kế hoạch, chính sách của địa phương; bảo đảm an sinh xã hội, phúc lợi xã hội, tiến bộ và công bằng xã hội; nâng cao chất lượng sống mọi mặt của nhân dân, bảo đảm hài hòa giữa đời sống vật chất và văn hóa tinh thần theo các tiêu chí của “hạnh phúc”.
Nhờ đó, đời sống nhân dân không ngừng được cải thiện; mở rộng cơ hội tiếp cận dịch vụ y tế, giáo dục chất lượng cao và bảo đảm chất lượng chăm sóc sức khỏe của nhân dân, nhất là trong phòng chống dịch. GRDP bình quân đầu người năm 2021 của tỉnh đạt 7.614 USD, gấp hơn 2 lần bình quân chung cả nước; tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 7,56% năm 2010 xuống còn 0,15% năm 2021. Các tiềm năng về lịch sử, văn hóa, con người Quảng Ninh được khơi dậy, phát huy; nhiều di tích văn hóa được đầu tư bảo tồn, tôn tạo; có cơ chế thích hợp để chuyển hóa thành nguồn lực phục vụ trực tiếp cho đầu tư phát triển kinh tế - xã hội.
Tiếp nối sự nghiệp cách mạng, góp phần phát huy giá trị Cách mạng Tháng Tám lên một tầm cao mới, hiện nay và trong thời gian tới, Quảng Ninh quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết XV của Đảng bộ tỉnh với mục tiêu cao nhất là mang lại cho nhân dân được hưởng cuộc sống an toàn, bình yên, ấm no và hạnh phúc, xây dựng Quảng Ninh là tỉnh kiểu mẫu ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại.
Thực hiện: Thuỳ Linh
Trình bày: Đỗ Quang