
Ngày 2 và 5/8/1964, Phân đội 3, Tiểu đoàn 135 tàu phóng lôi (tiền thân của Lữ đoàn 172, Vùng 3 Hải quân) đã dũng cảm đánh đuổi tàu khu trục Ma-đốc của Mỹ ra khỏi vùng biển nước ta, lập nên chiến công đánh thắng trận đầu của Hải quân nhân dân Việt Nam và quân dân miền Bắc. Và trong suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Tiểu đoàn phóng lôi 135 được ví như "Cảm tử quân của biển" bởi những thử thách gian nan và hy sinh vô giá. CCB Phạm Hùng, một “cảm tử quân của biển” đã kể về những ngày oanh liệt ấy.
Kết thúc khóa huấn luyện tân binh ở Thủy Nguyên (Hải Phòng) vào mùa hè 1963, tôi được điều về làm văn thư bảo mật tại Tiểu đoàn phóng lôi 135 Hải quân, được trang bị một khẩu súng ngắn để bảo vệ tài liệu và được sinh hoạt chung với khối sĩ quan ở Tiểu đoàn bộ. Những năm tháng ấy, Quân cảng Vạn Hoa thuộc quần đảo Cái Bầu, tỉnh Quảng Ninh là tổ ấm của chúng tôi. Vạn Hoa là một địa chỉ khá lý tưởng về bến bãi ra vào, neo đậu của tàu thuyền, bờ biển sâu, trong xanh và kín gió.
Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm các đơn vị hải quân tại quân cảng Vạn Hoa, ngày 13/11/1962. Ảnh tư liệu
Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm các đơn vị hải quân tại quân cảng Vạn Hoa, ngày 13/11/1962. Ảnh tư liệu
Là lính phóng lôi, chúng tôi không phải ăn nghỉ dưới tàu mà anh em đều được ở trong ngôi nhà gạch 2 tầng mới xây rất khang trang. Ưu việt của tàu phóng lôi là tốc độ có thể đạt tới 54 hải lý/giờ. Những buổi tập trận chung với các loại tàu chiến khác, khi kết thúc về bờ, lính phóng lôi ngủ đẫy giấc mới thấy các đơn vị bạn cập cảng. Nói về văn hóa của Tiểu đoàn ngày ấy thì hầu hết là lớp chiến sĩ nghĩa vụ, có trình độ phổ thông cấp 2, là học sinh tốt nghiệp cấp 3 như tôi không nhiều. Trong hàng ngũ sĩ quan có 2 thế hệ gối nhau: Lớp chống Pháp hầu hết là cán bộ Tiểu đoàn và các phân đội trưởng, còn lại đều nhập ngũ sau Hiệp định Giơ-ne-vơ 1954 và đều được học hỏi kỹ, chiến thuật tàu phóng lôi ở nước ngoài. 50 năm là một chặng đường dài nhưng hình ảnh của từng người vẫn in đậm dấu ấn trong tôi. Tiểu đoàn trưởng Lê Duy Khoái, quê Hải Dương, có nước da đen bóng như người từ châu Phi tới. Anh từng là chiến sĩ Điện Biên, được Huân chương Chiến công trong một trường hợp khá hy hữu, vì tình cờ… đi vệ sinh mà bắt sống được lính giặc. Chính trị viên Tiểu đoàn Nguyễn Văn Minh mái đầu bạc trắng, vui tính. Buổi sinh hoạt văn nghệ nào ông cũng mở đầu bài dân ca “Con gà rừng”, vừa véo von hát, vừa múa tay như văn công. Tham mưu trưởng Ngô Lai có tướng ngũ đoản, chân vòng kiềng, đi chữ bát, nhưng rất ham mê môn bóng rổ. Tôi quên mất ông người vùng quê nào, chỉ nhớ như in ông là một sĩ quan thông minh, hóm hỉnh, chỉ thích ôm hôn chiến sĩ như ôm hôn người yêu của mình.
CCB Hoàng Văn Minh, nguyên chiến sĩ cờ tay của tàu 333, trầm ngâm bên dòng Cửa Lục nhớ về đồng đội cũ. Ảnh: Phạm Học
CCB Hoàng Văn Minh, nguyên chiến sĩ cờ tay của tàu 333, trầm ngâm bên dòng Cửa Lục nhớ về đồng đội cũ. Ảnh: Phạm Học
Trong hàng ngũ sĩ quan Tiểu đoàn 135 ngày ấy có một người đến nay vẫn được anh em bàn luận nhiều. Đó là Tiểu đoàn phó Trần Bảo, ông có dáng vẻ thư sinh với đôi mắt sáng và đôi tai như mọc lệch nhau. Trần Bảo từng là quân báo trong bộ đội thời chống Pháp, thông thạo cả ba ngoại ngữ: Anh, Pháp, Trung văn. Vào những lúc rảnh rỗi, ông không chơi thể thao như anh em chúng tôi mà chỉ say mê lắp máy ga-len để thu sóng phát thanh. Lớp sĩ quan miền Nam tập kết cũng có một số khá đông. Người để lại trong tôi nhiều kỷ niệm là chính trị viên phân đội Mai Bá Xây. Ông vốn sinh ra trong một gia đình có thành phần "rất cơ bản" ở miền quê sông Vàm Cỏ, là hậu duệ một dòng họ có truyền thống yêu nước chống Pháp được cả tỉnh Long An ghi nhận. Chúng tôi yêu mến ông vì lúc nào ông cũng ân cần, rủ rỉ, đằm thắm, thích uống rượu với nhái nấu dọc mùng, thích chơi cờ tướng với lính và rất sành nước cờ “pháo thụt”. Chính ông cùng với Tiểu đoàn trưởng Lê Duy Khoái, phân đội trưởng Nguyễn Xuân Bột, thuyền trưởng Nguyễn Văn Giản là những cảm tử quân của biển trong trận hải chiến ngày 2/8/1964 đánh đuổi tàu khu trục Ma-đốc của Mỹ, làm nên chiến công đầu của Hải quân nhân dân Việt Nam. Tuổi trẻ Quảng Ninh cũng rất tự hào được đóng góp vào chiến công này 2 chiến sĩ mới nhập ngũ, là quân sĩ cờ tay Nguyễn Văn Ngồng, quê Mạo Khê (Đông Triều) và Hoàng Văn Minh, quê ở đảo Hà Nam (Quảng Yên).
Tàu phóng lôi của ta. Ảnh tư liệu
Tàu phóng lôi của ta. Ảnh tư liệu
Một vinh dự lớn cho Tiểu đoàn 135 là thuyền trưởng Nguyễn Văn Giản ngày 2/9/1964 được thay mặt anh em lên Thủ đô Hà Nội dự Lễ Quốc khánh và được gặp Bác Hồ, được đứng trên lễ đài cùng với đại diện của Quân chủng Phòng không - Không quân có thành tích bắn rơi máy bay Mỹ trong ngày 5/8. Lại nói tiếp về đội ngũ sĩ quan 135 ngày ấy, còn phải kể đến nhiều gương mặt tiêu biểu, đảm nhận các nghiệp vụ kỹ thuật về ngư lôi, súng pháo, ra-đa, báo vụ, hàng hải. Các anh từ nhiều vùng quê hội tụ về đây và đều nhiệt huyết đóng góp vào thành quả chung xây dựng đơn vị...
Sau này, mỗi người chúng tôi đi theo những bước đường khác nhau nhưng luôn giữ trong tim mình ngọn lửa “Cảm tử quân”, vốn đã cháy lên từ những ngày Chiến thắng trận đầu.
Sau chiến công đầu của hải quân ta ngày 2 và 5/8/1964, quân Mỹ cay cú mở rộng chiến tranh phá hoại ra toàn miền Bắc. Tiểu đoàn phóng lôi 135 được lệnh sơ tán khỏi quân cảng để bảo toàn lực lượng. Nhiều nơi trong Vịnh Hạ Long trở thành địa chỉ mới của tiểu đoàn.
Bấy giờ tôi không còn là anh lính văn phòng nữa mà đã tình nguyện xuống tàu làm người lính thực thụ. Nhiệm vụ của tôi là phụ trách vũ khí ngư lôi, vừa phải biết bảo quản, vừa phải biết sử dụng thành thạo để tác chiến khi có lệnh của thuyền trưởng. Cũng bắt đầu từ đây, Tiểu đoàn 135 thực hiện nhiều cuộc hành trình để tham gia vào các đợt tuần phòng bảo vệ bờ biển kéo dài từ Hạ Long đến tận lưu vực sông Mã (Thanh Hóa), Sông Gianh (Quảng Bình). Phân đội II của Tiểu đoàn được lệnh đi xa nhất để săn đuổi tàu biệt kích, phận đội III chúng tôi hành trình vào sông Mã để mai phục chờ lệnh. Từ cuối năm 1965, Hạm đội 7 của Mỹ gia tăng hoạt động ở Vịnh Bắc Bộ, tàu sân bay, tàu khu trục của chúng nhiều lần xâm phạm hải phận của ta, vừa để yểm trợ cho máy bay ném bom, vừa để dẫn dắt tàu thuyền ngụy thả người nhái vào đất liền phá hoại.
CCB Phạm Hùng chiến sĩ Tiểu đoàn Tàu phóng lôi 135.
CCB Phạm Hùng chiến sĩ Tiểu đoàn Tàu phóng lôi 135.
Những cuộc hành trình đường dài đối với tàu phóng lôi thật vất vả vì là loại tàu nhỏ lại phải vượt sóng to gió lớn đi xa trong đêm tối. Cả tàu phải tỉnh táo mở ra-đa, xem la bàn cho tàu chạy theo đúng tác nghiệp hải đồ. Chỉ huy tàu còn phải giỏi cả kiến thức thiên văn để nhận biết vị trí các chòm sao trên trời mà đối chiếu xác định hướng đi của tàu đúng hay sai. Anh em chúng tôi lần đầu đi biển xa, có người say sóng suốt dọc đường cứ nôn ra lại phải tìm cách nuốt vào để giữ sức…
Đến sông Mã chúng tôi được biết nhiệm vụ của mình là mai phục để sẵn sàng đánh đuổi tàu lớn của địch. Toàn phân đội được tăng cường hỏa lực, mỗi tàu lắp đặt một khẩu súng DKZ. Địa điểm chúng tôi neo đậu thuộc xã Hoàng Quang (Hoàng Hóa). Nơi chúng tôi đóng quân luôn được đón nhận những tình cảm yêu thương đùm bọc của nhân dân. Nhiều gia đình ủng hộ chúng tôi cả thực phẩm và sẵn sang chặt hết vườn dừa để lấy lá ngụy trang cho tàu.
Máy bay Mỹ nhiều lần ném bom, bắn rốc-két để phá cầu mà vẫn không ngăn chặn được người và phương tiện qua lại nơi đây để chi viện cho miền Nam. Pháo 37 ly của hải quân và trận địa phòng không trên bờ đã lập nên nhiều kỳ tích đối chọi với không quân Mỹ. Người dân địa phương vừa thán phục tài thiện xạ của Bộ đội Cụ Hồ vừa kể với chúng tôi nhiều huyền thoại về vùng đất thiêng ở hai đầu cầu như được cả thần linh bảo hộ. Vào những đêm trăng thanh gió mát cảnh tượng chèo thuyền bằng chân và điệu hò sông Mã ngân vang thật ấn tượng. Có lần tôi được phân công làm anh nuôi tiếp phẩm đi chợ Quăng (xã Hoàng Thịnh) vào thăm một cửa hàng đan nón được cả hai chị em cô hàng nón tiếp bộ đội bằng khoai lang luộc ăn với cà nén, thấy lạ miệng ai cũng nấn ná không muốn rời chợ… Sông Mã là thế, nhiều khúc sông chảy dốc nước tung trắng xóa như bờm ngựa. Vậy mà đi đến đâu lính phóng lôi cũng bắt gặp sự hiền hòa, đằm thắm thấm đượm tình quân dân.

Ở Sông Mã một thời gian, chúng tôi được lệnh quay tàu về vùng biển Hạ Long - Cát Bà. Cả ba tàu phóng lôi 313, 316, 319 đều quây quần bên nhau ở địa chỉ khu neo có tên là Bãi Bèo. Nhiệm vụ hàng ngày của phân đội bây giờ là ôn luyện nghiệp vụ và kỹ năng tác chiến. Tiểu đoàn phó Trần Bảo được cử xuống trực tiếp làm phân đội trưởng còn chiến sĩ thấy ai đuối sức thì thay ngay nhưng xáo trộn không nhiều vì hầu hết anh em đã được rèn luyện thử thách qua các cuộc hành trình đường dài. Vào thời điểm này chiến sự ở cả hai miền Nam Bắc đều ác liệt. Hạm đội 7 của Mỹ vẫn áp sát bờ biển của ta, tin chúng ném bom hủy diệt nhiều nơi trên đất liền khiến ai cũng lo lắng băn khoăn về hậu phương gia đình.
Tôi còn nhớ như in khung cảnh xuất quân của Phân đội 3 vào sáng ngày 1/7/1966 là lúc mặt trời đã soi sáng toàn vùng biển đảo Hạ Long - Cát Bà. Cờ Tổ quốc tung bay trên đuôi tàu, nhiều bà con trên các phương tiện dân sự vẫy chào tiễn đưa khiến chúng tôi ai cũng cảm động ứa nước mắt. Chẳng hề có dấu hiệu sợ hãi nào cả khi chỉ có cảm xúc được thể hiện, được hiến dâng, bừng bừng khí thế được lập công như ngày 2/8/1964.
Tàu hải quân chiến đấu đánh máy bay Mỹ tại TX Hòn Gai ngày 5/8/1964. (Ảnh tư liệu)
Sơ đồ diễn biến sự kiện Vịnh Bắc bộ và Chiến thắng trận đầu. Ảnh tư liệu.
Vượt qua đảo Hòn Guốc có hình thù như một chiến hạm, chúng tôi vấp phải sự chống trả ác liệt của máy bay phản lực Mỹ. Bom đạn rốc-két của chúng thi nhau nhằm vào ba chiếc tàu phóng lôi của ta bé xíu như chiếc lá trôi trên sóng biển. Vậy mà từ những chiếc lá mong manh này quân địch không ngờ ta đã phản pháo bằng tất cả hỏa lực được trang bị. Do quá chênh lệch về phương tiện kỹ thuật toàn phân đội đã bị thương vong nặng nề: T336 hy sinh hết không để lại dấu tích gì, kỳ hạm chỉ huy là T333 cũng bị chìm chỉ còn sống sót một nửa, T339 của chúng tôi bị trọng thương không cơ động được. Tôi được lệnh thả khói mù để ngụy trang nhưng vỏ thùng chứa khói mắc kẹt trên giá đỡ, khói phun như mây đen không tản đi đâu được khiến nhiều người trên boong tàu ngạt thở sặc sụa. Lo ngại có thể bị lọt vào tay chúng tất cả, thuyền trưởng Nguyễn Văn Giản hội ý tổ đảng rồi quyết định phá tàu bằng lựu đạn và tiểu liên AK. Nghe những tiếng nổ lục bục dưới khoang tàu còn ám hơi mình mà đồng đội ai cũng thấy nhói đau, ruột gan cồn cào như bị xát muối. Khi tàu chìm mũi tàu cắm xuống lòng biển hất tung tất cả 12 anh em chúng tôi xuống nước. Từng tổ 3 người trang bị áo phao quây quần lấy nhau bơi đi trong sóng lừng nhấp nhô cao như đống rơm đống rạ.
Lúc này trời đã xế chiều, tôi vẫn còn kịp nhận ra lờ mờ những đỉnh núi bị bóc đất lấy than là nơi có rất nhiều người thân và bạn bè của tôi đang sinh sống ngóng trông. Đang còn chưa biết đủ sức để trở về hay không thì tàu giặc đã ập tới đen ngòm một góc biển… Vậy là trong lúc thế cùng lực kiệt, 19 cán bộ chiến sĩ Phân đội 3 tàu phóng lôi trở thành tù binh của Hải quân Mỹ. Sau này chúng tôi mới rõ nhiệm vụ của Phân đội 3 trong trận thủy chiến không cân sức ấy là ngăn chặn tầm ảnh hưởng của địch, làm chậm lại bước đi của chúng muốn áp sát cửa biển Hải Phòng để thực hiện các mục tiêu hủy diệt trên quy mô lớn. Có thể chúng tôi được ví như trứng chọi với đá - nhưng về tinh thần thì hoàn toàn trái ngược. Điều đó càng được chứng minh bởi sự nể trọng của đối phương trong suốt hơn hai năm bị cầm tù.
Lãnh đạo Quân chủng Hải quân trò chuyện với các lực lượng tổ chức lễ tưởng niệm 60 năm Chiến thắng trận đầu năm 2024. Ảnh: Phạm Học
Lãnh đạo Quân chủng Hải quân trò chuyện với các lực lượng tổ chức lễ tưởng niệm 60 năm Chiến thắng trận đầu năm 2024. Ảnh: Phạm Học
Kể từ đây câu chuyện về chúng tôi có thể viết thành tiểu thuyết, chỉ xin được tóm tắt thế này: Thời gian đầu anh em bị biệt giam ở quân cảng Đà Nẵng trên một con tàu không rõ là chiến hạm hay phương tiện hậu cần, nhưng lúc nào cũng có hai chiếc ca nô vũ trang chạy quanh tuần phòng. Một phái đoàn của Hội Chữ thập đỏ quốc tế đã đến gặp chúng tôi và phát cho mỗi người một bản quy ước Giơ-ne-vơ về tù binh. Tuy vậy chúng tôi vẫn nhận được sự chỉ đạo của cấp ủy trong tù phải đối phó thống nhất để bảo vệ những gì có thể bảo vệ được. Đặc biệt là phải giữ thật kín địa điểm lắp lôi và kho tàng cất giấu vũ khí. Những tưởng có quy ước Giơ-ne-vơ thì không ai bị sử dụng vũ lực khi chúng lấy lời khai. Nào ngờ hầu hết chúng tôi đều phải chịu những thử thách đầu tiên gay go nhất để giữ gìn khí tiết. Tôi còn nhớ mãi khuôn mặt viên sĩ quan hỏi cung mình là người gốc Phi mắt trắng, môi thâm, thành thạo tiếng Việt đến mức phân biệt được thế nào là muôi, mủng, thìa. Khi tôi bị bệnh nấm chân đòi thuốc chữa hắn còn hài hước giải thích: Có hai loại nấm, một thứ anh ăn nó, một thứ nó ăn anh, cứ yên tâm có thuốc mỡ bôi của Mỹ là xong ngay.
Những cựu binh già tự hào kể về một thời chiến đấu hào hùng, truyền lại tinh thần “Quyết chiến, quyết thắng” cho những chàng lính trẻ tại lễ Kỷ niệm 58 năm Ngày truyền thống đánh thắng trận đầu 2 và 5/8 (1964-2022)
Những cựu binh già tự hào kể về một thời chiến đấu hào hùng, truyền lại tinh thần “Quyết chiến, quyết thắng” cho những chàng lính trẻ tại lễ Kỷ niệm 58 năm Ngày truyền thống đánh thắng trận đầu 2 và 5/8 (1964-2022)
Thời gian bị biệt giam trên tàu địch chúng tôi còn được tiếp cái gọi là các phái đoàn dân sự nhân danh giáo xứ này, giáo xứ nọ dẫn đầu. Sau này anh em mới rõ hơn họ đều là lực lượng an ninh tình báo muốn thăm dò lòng dạ chúng tôi, tìm hiểu về văn hóa phong tục, chế độ chính trị… quẩn quanh vẫn là mục tiêu để vuốt ve xem có mua chuộc sử dụng được ai không. Thỉnh thoảng chúng tôi được đưa lên boong tàu để phơi nắng, cứ mỗi lần như vậy chợt nhận ra bà con mình lao động tạp vụ quanh quẩn trên quân cảng là lòng dạ ai cũng cồn cào bao nỗi nhớ về nơi xuất phát của mình. Khi chúng tôi được bàn giao lên bờ cho lực lượng lính thủy đánh bộ Mỹ cai quản thì được biết nơi đây cũng là một địa chỉ khá đặc biệt. Ban ngày anh em được sinh hoạt trong khuôn viên của trại, ban đêm tất cả đều bị khóa chặt trong một chuồng trại chỉ đủ kê một chiếc giường bạt cá nhân và chỗ để chiếc xô nhựa đi vệ sinh. Sát cạnh chúng tôi là hai trại giam, một của bà con hoạt động trong Nam mà chúng thường gọi là Visi, một của lính Mỹ phản chiến suốt ngày vang lên tiếng hát như gào thét và những tiếng động như gõ vào xoong, nồi, thùng, chậu.
Hơn hai năm trời ở trại giam này anh em đã tìm cách bắt liên lạc với đồng bào, đồng chí cùng cảnh ngộ để động viên nhau giữ vững tinh thần. Sáng nào chúng tôi cũng xếp hàng tập thể dục và đồng thanh cất lên những bài ca cách mạng. Bọn lính Mỹ giám sát anh em cũng tếu táo cười đùa thích thú. Khi chỉ huy của chúng biết ý nghĩa của các bài hát đã ra lệnh cấm đoán và bớt xén khẩu phần ăn, cả trại liền đấu tranh tổ chức tuyệt thực ba ngày đòi được đối xử theo đúng quy ước Giơ-ne-vơ. Đấu tranh thắng lợi chúng tôi lại tiếp tục các hoạt động để giữ vững đội ngũ. Tiểu đoàn phó Trần Bảo vốn thành thạo nhiều ngoại ngữ động viên chúng tôi tự học tiếng Anh. Khi vốn tiếng Anh đã kha khá, anh em sử dụng để làm địch vận.
Chúng tôi là tù binh mà cũng trở thành nhân chứng, con tin để mặc cả, để trao đổi với phi công Mỹ bị cầm tù ở miền Bắc. Quả nhiên khi hội nghị Pa-ri về chiến tranh Việt Nam được nhóm họp, ngay trong những phiên đầu hai bên đã thỏa thuận: 19 cán bộ chiến sĩ tàu phóng lôi của ta được phóng thích thì 3 phi công Mỹ bị cầm tù cũng được trở về với gia đình. Trước ngày phóng thích chúng tôi, người Mỹ vẫn còn gạ gẫm hù dọa anh em về tương lai tiền đồ khi trở về miền Bắc, nếu không yên tâm có thể được giúp cư trú chính trị ở bất cứ nơi nào mà mình muốn. Nhưng điều này đã được chi bộ Đảng trong tù lường trước nên tất cả đều một lòng thể hiện quyết tâm trở về với đồng đội, với quê hương sau hơn 2 năm xa cách và anh em ai cũng muốn lại được tiếp tục hòa vào cuộc kháng chiến của cả nước vì những mục đích thiêng liêng của toàn dân tộc.

Ngày xuất bản: 28/4/2025
Thực hiện: Phạm Học (ghi)
Trình bày: Vũ Đức