Có thể thấy, những mâu thuẫn giữa cư dân với BQT và BQL chung cư Lideco Hạ Long không phải bây giờ mới xuất hiện mà  đã kéo dài âm ỉ suốt một thời gian dài. Đây cũng không phải là chung cư đầu tiên trên địa bàn tỉnh có những lùm xùm và cũng có thể sẽ không phải là chung cư cuối cùng. Thực trạng này đòi hỏi các cơ quan chức năng cần phải vào cuộc thực sự quyết liệt để sớm có những giải pháp hóa giải, ngăn chặn các phát sinh mới, không để thành tiền lệ.

Theo số liệu thống kê của Sở Xây dựng, trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh (giai đoạn 2016-2021) đã và đang triển khai đầu tư xây dựng khoảng 21 dự án nhà chung cư (TP Hạ Long 20 dự án, TP Cẩm Phả 1 dự án). Hiện đã có 14 dự án nhà chung cư cơ bản hoàn thành việc đầu tư xây dựng đưa vào sử dụng, 7 dự án chung cư đang trong quá trình triển khai đầu tư xây dựng.

Qua công tác kiểm tra, đánh giá của Sở Xây dựng, việc quản lý, vận hành nhà chung cư đã được các chủ đầu tư dự án nhà chung cư, các BQT nhà chung cư thuê các đơn vị quản lý vận hành đủ điều kiện, năng lực theo quy định. An ninh trật tự, vệ sinh môi trường nhà chung cư luôn được đảm bảo an toàn, sạch sẽ. Công tác PCCC tại các nhà chung cư luôn được kiểm tra, kiểm soát thực hiện đảm bảo theo quy định.

Sáng 20/9/2022, những hộ dân bị cắt nước đã tìm đến văn phòng BQL chung cư để yêu cầu được cấp nước trở lại.

Sáng 20/9/2022, những hộ dân bị cắt nước đã tìm đến văn phòng BQL chung cư để yêu cầu được cấp nước trở lại.

Ông Đặng Quốc Chung, Phụ trách phòng Quản lý nhà và Thị trường Bất động sản (Sở Xây dựng), cho biết: Thời gian qua, việc triển khai thực hiện việc quản lý, vận hành nhà chung cư trên địa bàn tỉnh cơ bản ổn định, không xảy ra tranh chấp lớn, khiếu kiện kéo dài, nên có thể nói sự việc hàng trăm người dân gửi đơn kiến nghị lên UBND tỉnh để giải quyết tranh chấp ở Chung cư Lideco Hạ Long là một trường hợp khá hi hữu.

Được biết, ngay sau khi nhận được đơn kiến nghị tập thể cả 141 hộ dân Chung cư Lideco Hạ Long, ngày 22/7/2022 tại văn bản số 1931/VP.UBND-TD3, lãnh đạo UBND tỉnh đã giao UBND TP Hạ Long chỉ đạo UBND phường Trần Hưng Đạo chủ trì, phối hợp với các phòng, ban chức năng của thành phố để tổ chức đối thoại trực tiếp với cư dân, xác định nội dung kiến nghị đúng hay sai. Trường hợp cư dân kiến nghị đúng thì phải tiếp thu, điều chỉnh ngay cho phù hợp để đảm bảo quyền lợi chính đáng của cư dân, trường hợp kiến nghị sai thì giải thích để cư dân hiểu và chấp hành quy định.

Ông Nguyễn Thanh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND phường Trần Hưng Đạo trao đổi với phóng viên Trung tâm Truyền thông tỉnh Quảng Ninh về những mâu thuẫn tại Chung cư Lideco Hạ Long.

Ông Nguyễn Thanh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND phường Trần Hưng Đạo trao đổi với phóng viên Trung tâm Truyền thông tỉnh Quảng Ninh về những mâu thuẫn tại Chung cư Lideco Hạ Long.

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Ngọc Sơn, Phó Chủ tịch UBND TP Hạ Long, cho biết: Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh  thời gian qua, thành phố đã yêu cầu phường thành lập tổ công tác, cùng các ban, ngành, đoàn thể và đơn vị liên quan, tổ chức gặp, đối thoại, lắng nghe tâm tư nguyện vọng của người dân. Qua đối thoại cho thấy, các vấn đề vướng mắc đều liên quan đến việc thu chi tài chính. Vì vậy, để đảm bảo khách quan, công khai, minh bạch, thành phố đã đề nghị các cư dân Chung cư Lideco Hạ Long chủ động thuê đơn vị kiểm toán độc lập kiểm tra toàn bộ việc thu, chi trong quá trình vận hành tòa nhà. Trên cơ sở kết quả kiểm toán được công bố công khai, BQT tổ chức họp với các cư dân để thống nhất phương án, khắc phục các sai sót nếu có; trường hợp phát hiện BQT và BQL có sai phạm không thể khắc phục được, BQT có trách nhiệm tổ chức Hội nghị nhà chung cư để kiện toàn hoặc thay thế BQT và BQL nếu cần thiết. Trong trường hợp vẫn gặp vướng mắc, người dân có thể làm đơn kiến nghị để thành phố cử các cơ quan chức năng vào cuộc. 

Tuy nhiên, phần lớn các cư dân đều cho rằng, việc yêu cầu cư dân thuê đơn vị kiểm toán là chưa hợp lý, có thể mất nhiều thời gian chờ đợi trong khi xung đột giữa cư dân với BQL thì đang diễn ra hàng ngày và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Trong khi đó, điều người dân mong mỏi nhất là được tổ chức hội nghị chung cư bất thường để giải quyết cốt lõi của mâu thuẫn là thay BQT và BQT mới.

Phần lớn các căn hộ đều không đồng ý gia hạn hợp đồng với BQL, kinh phí hoạt động của BQT chung cư tại Hội nghị nhà chung cư bất thường tháng 4/2022.

Phần lớn các căn hộ đều không đồng ý gia hạn hợp đồng với BQL, kinh phí hoạt động của BQT chung cư tại Hội nghị nhà chung cư bất thường tháng 4/2022.

Cho ý kiến về nội dung này, ông Đặng Quốc Chung, Phụ trách phòng Quản lý nhà và Thị trường Bất động sản (Sở Xây dựng) nhấn mạnh: Theo khoản 2, điều 43 về giải quyết tranh chấp  trong Thông tư số 02/2016/TT-BXD ban hành quy chế quản lý, sử dụng nhà chung cư của Bộ Xây dựng ngày 15/2/2016 quy định, các tranh chấp về kinh phí quản lý vận hành nhà chung cư, về việc bàn giao, quản lý, sử dụng kinh phí bảo trì phần sở hữu chung của nhà chung cư do UBND cấp tỉnh nơi có nhà chung cư đó giải quyết. Trường hợp không đồng ý với quyết định của UBND tỉnh thì có quyền yêu cầu Tòa án nhân dân giải quyết theo quy định của pháp luật. Như vậy, việc các hộ dân kiến nghị lên UBND tỉnh và UBND tỉnh giao cho TP Hạ Long giải quyết là đúng quy định pháp luật. Tuy nhiên, trong trường hợp mà kiến nghị của người dân kéo dài như ở Lideco Hạ Long thì TP Hạ Long nên thành lập ngay một đoàn kiểm tra để xác minh các kiến nghị của cư dân thay vì cứ giao cho UBND phường Trần Hưng Đạo chủ trì. Bên cạnh sự vào cuộc của chính quyền, cư dân cũng cần nhận thức rõ hơn quyền lợi, trách nhiệm của mình bằng cách tham gia đầy đủ các cuộc họp, đọc kỹ các điều khoản hợp đồng, các quy chế trước khi ký tên. Thực tế cho thấy, các hộ dân khi bị ảnh hưởng đến quyền lợi của mình mới chịu nghiên cứu lại hợp đồng và mới tham gia các cuộc họp và đây cũng là một trong những nguyên nhân xảy ra các tranh chấp không đáng có.

Do những tranh chấp chung cư có xu hướng gia tăng và ngày càng phức tạp, hiện hoạt động quản lý và sử dụng nhà chung cư đang được điều chỉnh bởi hệ thống pháp luật tương đối đầy đủ, bao gồm: Luật nhà ở 2014, Thông tư 02/2016/TT-BXD của Bộ Xây dựng ban hành Quy chế quản lý sử dụng nhà chung cư, Thông tư 28/2016/TT-BXD và mới nhất là Thông tư 06/2019/TT-BXD của Bộ Xây dựng chỉnh sửa bổ sung Thông tư 02/2016/TT-BXD,chính thức có hiệu lực từ 01/01/2020… 

Tuy nhiên, các tranh chấp, khiếu nại vẫn phát sinh và kéo dài trong quá trình quản lý, vận hành dự án do không được giải quyết triệt để. Như vậy, để những mâu thuẫn ở Chung cư Lideco Hạ Long nói riêng và các chung cư nói chung, sớm được giải quyết triệt để và hạn chế phát sinh mâu thuẫn mới, chính quyền địa phương cần có những động thái quyết liệt hơn. Đơn cử như ở TP Hà Nội, sau rất nhiều vụ việc lùm xùm ở các chung cư, tháng 12/2020, TP Hà Nội đã ban hành Quyết định 29/QĐ-UBND về quản lý, sử dụng nhà chung cư. Trong đó có quy định rõ trách nhiệm của các bên và đặc biệt là có trách nhiệm của các sở, ngành, địa phương.

Chung cư Lideco Hạ Long.

Chung cư Lideco Hạ Long.

Từ câu chuyện của Chung cư Lideco Hạ Long có thể thấy, mâu thuẫn ngay trong nội tại các chung cư hiện nay cũng rất phức tạp. Theo quy định, BQT là do cư dân bầu lên và là người đại diện cho quyền lợi của cư dân. Sau đó BQT sẽ đứng ra ký hợp đồng quản lý với một đơn vị để vận hành, quản lý. Và câu chuyện tranh chấp ở chung cư thường liên quan đến 3 bên, bao gồm mâu thuẫn giữa chủ đầu tư với cư dân, mâu thuẫn giữa BQT với cư dân, mâu thuẫn giữa BQT với BQL. Đây là câu chuyện xảy ra ở nhiều địa phương trong cả nước chứ không riêng gì Quảng Ninh.

Chiều ngày 21/9, tại cuộc họp, UBND phường Trần Hưng Đạo đã yêu cầu BQT và BQL không được phép tạm dừng cấp nước và phải cấp nước trở lại cho người dân ngay trong chiều ngày 21/9. 

Chiều ngày 21/9, tại cuộc họp, UBND phường Trần Hưng Đạo đã yêu cầu BQT và BQL không được phép tạm dừng cấp nước và phải cấp nước trở lại cho người dân ngay trong chiều ngày 21/9. 

Chia sẻ về kinh nghiệm tại Chung cư Sapphire (phường Hồng Gai, TP Hạ Long), ông Nguyễn Văn Trinh, Trưởng BQT chung cư cho biết: Mỗi chung cư có một đặc thù, một cách thức vận hành khác nhau, nhưng muốn không để xảy ra mâu thuẫn thì phải đưa ra các chính sách hài hòa được 3 đỉnh tam giác nói trên. Tại Sapphire, BQT chúng tôi luôn xác định phải “chí công vô tư”, lợi ích người dân là quan trọng nhất nhưng cũng phải đảm bảo cho BQL hoạt động có lợi nhuận. Bởi vì lỗ thì chắc chắn sẽ không ai làm hoặc không có lợi nhuận hợp lý, chất lượng sẽ không đảm bảo. Ở đây, phí quản lý vận hành được ký hợp đồng 12 tháng, trước khi quyết định ký lại hợp đồng với mức giá mới, BQT và BQL phải ngồi lại với nhau để cùng tính toán, đưa ra các số liệu chứng minh, việc tính toán có thể kéo dài trước đó 3-4 tháng. Sau khi có kết quả, chúng tôi sẽ tổ chức họp, công khai với người dân và lấy ý kiến của cư dân. Ngoài việc đảm bảo hài hòa lợi ích cho các bên, chúng tôi cũng luôn tìm hiểu kỹ các quy định của nhà nước để đòi hỏi quyền lợi cho cư dân, nếu quyền lợi đó cố tình bị chủ đầu tư bỏ qua. Điển hình như việc chúng tôi đã đấu tranh ròng rã hơn 2 năm với chủ đầu tư để yêu cầu xây dựng nhà sinh hoạt cộng đồng cho cư dân. Từ tháng 5/2022, Chung cư Sapphire  đã chính thức có nhà sinh hoạt cộng đồng rộng gần 300m2 với kinh phí đầu tư 3,5 tỷ đồng, đảm bảo cho các hoạt động giải trí, sinh hoạt chung của cư dân. Do đó, cư dân ở đây rất tin tưởng và ủng hộ BQT, hài lòng với chất lượng dịch vụ mà BQL cung cấp. Tôi tin đây cũng là một trong những lý do giúp Chung cư Sapphire trở thành một chung cư đáng sống nhất của Hạ Long.

Trong những tin nhắn mới nhất mà cư dân nhận được vào ngày 22/9, BQL vẫn khẳng định sẽ tạm dừng cung cấp dịch vụ nước nếu các hộ dân không thanh toán phí vận hành theo giá mới.

Trong những tin nhắn mới nhất mà cư dân nhận được vào ngày 22/9, BQL vẫn khẳng định sẽ tạm dừng cung cấp dịch vụ nước nếu các hộ dân không thanh toán phí vận hành theo giá mới.

Còn tại Chung cư vàng (phường Hồng Gai), cũng có thời điểm cư dân bức xúc vì BQT cũ có những khoản thu chi chưa rõ ràng và đề nghị thay thế BQT mới. Ghi nhận thực tế 2 năm trở lại đây, khi có BQT mới, bức xúc của người dân đã được giải quyết triệt để. Theo đó, trước khi thay thế, sửa chữa, cải tạo lại các hạ tầng kỹ thuật của chung cư, BQT đều có thông báo công khai tại bảng tin, thang máy, trên các nhóm zalo để xin ý kiến của cư dân. Các khoản chi tiêu đều rõ ràng theo từng tháng, giá các loại dịch vụ đều giữ ổn định và theo đúng quy định của nhà nước. Do đó, mặc dù đã đi vào hoạt động trên 15 năm, nhưng các căn hộ ở đây vẫn được rất nhiều người quan tâm, tìm mua.

Ngoài công khai, minh bạch, đảm bảo lợi ích giữa các bên, phần lớn các ý kiến đều cho rằng, người dân cần có trách nhiệm hơn trong việc bầu BQT. Thành viên trong BQT phải là những người có nhiều thời gian rảnh rỗi, có nhiệt huyết, có năng lực, phải là những người có hiểu biết, nên ưu tiên những người là luật sư, kỹ sư xây dựng và những người có kỹ năng về quản trị. Bởi nếu BQT mới không thực hiện đúng chức năng nhiệm vụ, không hết mình vì quyền lợi của người dân thì chắc chắn sẽ lại tiếp tục châm ngòi cho một cuộc “nội chiến chung cư” khác tiếp diễn.

Khi có mâu thuẫn xảy ra, các bên liên quan cũng cần bình tĩnh để nhìn nhận vấn đề một cách đúng đắn cũng như đưa ra cách hành xử văn minh, giải quyết xung đột trên nguyên tắc “thượng tôn pháp luật”, nhằm đảm bảo quyền lợi giữa các bên. Đồng thời, tránh dùng những biện pháp tiêu cực như treo băng rôn, khẩu hiệu, tập trung đông người… nhằm gây áp lực cho chủ đầu tư, BQT, BQL cũng như chính quyền địa phương. Những hành động này kéo dài không chỉ làm mất cảnh quan, đánh mất thương hiệu, giá trị của chung cư mà còn làm mất an ninh trật tự của địa phương, khi quá đà dẫn đến hành vi gây rối trật tự công cộng. 

Thực hiện: Hoàng Nga
Trình bày: Đỗ Quang