Kết thúc năm 2024, quy mô nền kinh tế của Quảng Ninh đứng thứ 3 vùng Đồng bằng sông Hồng và thứ 7 cả nước (347.534 tỷ đồng) được Trung ương đánh giá là một trong những đầu tàu phát triển của miền Bắc. Để có được những thành tựu nổi bật này là sự nỗ lực không hề nhỏ của cả hệ thống chính trị, trong đó có sự đóng góp rất lớn đến từ các nhà đầu tư chiến lược, tin tưởng, lựa chọn tỉnh để “xây tổ” cho những cánh én mùa xuân.

Quảng Ninh, vốn là địa phương có nhiều tiềm năng về khai thác, chế biến khoáng sản. Tuy nhiên, đây lại là ngành sử dụng tài nguyên hữu hạn, đi cùng những mặt tích cực, theo thời gian, những tác động xấu từ mô hình tăng trưởng "nâu" ngày càng thể hiện rõ hơn. Nhận thức rõ vấn đề, những năm qua, tỉnh Quảng Ninh đã nỗ lực đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế từ "nâu" sang "xanh", giảm dần những ngành lệ thuộc nhiều vào tài nguyên khoáng sản, có tác động xấu đến môi trường, thúc đẩy các ngành có hàm lượng công nghệ cao, công nghiệp thông minh, thân thiện với môi trường.

Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn - cánh cửa bầu trời kết nối Quảng Ninh với thế giới.

Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn - cánh cửa bầu trời kết nối Quảng Ninh với thế giới.

Nhìn lại chặng đường 10 năm qua, Quảng Ninh trải qua nhiều thăng trầm trong xếp hạng cải cách hành chính và cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Từ nhóm gần cuối bảng, năm 2017 Quảng Ninh đã bứt phá, duy trì trong nhóm các tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành kinh tế xuất sắc nhất cả nước. Với quan điểm: Mỗi đồng vốn đầu tư vào nền kinh tế sẽ đem lại lợi ích cho nhân dân, doanh nghiệp và sự phát triển của tỉnh... do vậy Quảng Ninh liên tục có những đổi mới để nâng cao năng lực cạnh tranh của địa phương. Không dừng lại ở các mô hình Trung tâm Hành chính công, Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư của tỉnh; Đề án 25; Bộ Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp sở, ngành, địa phương (DDCI)… chính quyền tỉnh và các sở, ngành, địa phương đã mạnh dạn thực hiện nhiều giải pháp nhằm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.

Đồng chí Cao Tường Huy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết: Quảng Ninh luôn nâng niu trân trọng từng đồng vốn đầu tư vào tỉnh như chính sự ủng hộ, động viên khích lệ của người dân, nhà đầu tư, doanh nghiệp đối với những nỗ lực của các cấp, các ngành và các địa phương thuộc tỉnh. Do vậy, tỉnh luôn dành sự ưu tiên đặc biệt, đồng hành, hỗ trợ nhà đầu tư phát triển tại tỉnh. Quảng Ninh “dám nhìn thẳng sự thật”, tập trung cải cách hành chính toàn diện với quyết tâm thực hiện thành công nhiều mô hình, cách làm chưa có tiền lệ. Từ đó, tìm ra cách để “truyền lửa” cải cách từ cấp tỉnh xuống các sở, ban, ngành và địa phương; chủ động để các địa phương “thi đua” lấy sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp làm mục tiêu của mọi sự phục vụ.

Quảng Ninh sở hữu trục cao tốc dọc tỉnh dài 176km.

Quảng Ninh sở hữu trục cao tốc dọc tỉnh dài 176km.

Những kết quả có được trong cải cách hành chính hôm nay là “chìa khoá” mở cánh cửa thu hút đầu tư vào tỉnh. Thủ tục hành chính được cắt giảm, rút ngắn thời gian giải quyết, môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện và đổi mới, đã tạo sức hút mạnh mẽ với các nhà đầu tư. Điều này có thể thấy rất rõ khi diện mạo Quảng Ninh thay đổi nhanh chóng. Hàng loạt các công trình, dự án từ các công trình giao thông quy mô lớn, các dự án phát triển dịch vụ du lịch đến các dự án xây dựng cơ bản… đã được các tập đoàn lớn trong và ngoài nước đầu tư vào tỉnh. Quảng Ninh có đường cao tốc dọc tỉnh dài 176km, có cảng hàng không quốc tế được đầu tư từ nguồn vốn tư nhân đầu tiên trong cả nước; có hạ tầng du lịch, dịch vụ phát triển ngày càng hiện đại…

Điều quan trọng hơn, việc thực hiện cải cách hiệu quả đã mang lại lợi ích thiết thực, khơi thông nguồn vốn, giảm gánh nặng cho ngân sách, huy động được năng lực, kinh nghiệm quản lý của kinh tế tư nhân, nâng cao chất lượng dịch vụ, hiệu quả đầu tư công và đóng góp quan trọng cho tốc độ phát triển kinh tế. Đáng chú ý, ngay cả trong giai đoạn khó khăn nhất như dịch bệnh Covid-19, thời tiết cực đoan, bối cảnh kinh tế thế giới bất ổn... Quảng Ninh vẫn đạt được những kết quả nổi bật trong hoạt động thu hút đầu tư, đặc biệt là thu hút đầu tư nước ngoài, tạo nguồn lực quan trọng cho sự phát triển.

Cán bộ Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh hướng dẫn nhân dân làm thủ tục hành chính.

Cán bộ Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh hướng dẫn nhân dân làm thủ tục hành chính.

Theo đó, hiện tại tỉnh đang có trên 200 nhà đầu tư nước ngoài hoạt động sản xuất, kinh doanh tại tỉnh với tổng vốn đầu tư đạt trên 14 tỷ USD. Riêng giai đoạn năm 2020 đến nay, toàn tỉnh đã thu hút được 10,33 tỷ USD vốn FDI, trong đó riêng địa bàn KCN, KKT thu hút đạt trên 7,8 tỷ USD. Tỉnh đã thu hút được một số nhà đầu tư nước ngoài có thương hiệu quốc tế đến đầu tư vào KCN, KKT như: Autoliv (Thụy Điển), Jinko, TCL, Texhong (Trung Quốc); Foxconn, Lite-on (Đài Loan)… Tương tự, dòng tiền đầu tư từ các tập đoàn lớn trong nước cũng không hề kém cạnh, cùng với các nhà đầu tư chiến lược truyền thống như các tập đoàn SunGroup, VinGroup, BimGroup, Tuần Châu... thì trong giai đoạn phát triển mới, các tập đoàn sản xuất hàng đầu tại Việt Nam như Thành Công, CEO... cũng đã chọn tỉnh là nơi phát triển. Điều này, bước đầu hình thành các chuỗi ngành công nghiệp dệt may công nghệ cao; chuỗi ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, lắp ráp thiết bị điện, điện tử; tổ hợp công nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô và sản xuất linh kiện ô tô. Các dự án này đã có những đóng góp quan trọng vào tăng trưởng kinh tế, góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh.

Trong bối cảnh dịch chuyển đầu tư và chuỗi cung ứng đang diễn ra mạnh mẽ trên toàn cầu, ngày càng hướng đến công nghệ cao, sản xuất thông minh... việc thu hút các nhà đầu tư lớn không chỉ đơn thuần là về vốn mà còn là về công nghệ, kinh nghiệm và giá trị gia tăng cho nền kinh tế địa phương. Để hiện thực hóa mục tiêu thu hút nêu trên, bên cạnh việc phát huy những lợi thế sẵn có của tỉnh như vị trí địa lý thuận lợi, nguồn tài nguyên phong phú, nền tảng văn hoá lâu đời, Quảng Ninh tiếp tục có những chiến lược, quyết sách mang tính đột phá về quy hoạch, đầu tư hoàn thiện hạ tầng, phát triển nguồn nhân lực, đẩy mạnh cải cách hành chính, hoàn thiện thể chế, chính sách… để chuẩn bị các điều kiện tốt nhất để thu hút những dự án chiến lược.

Dây chuyền sản xuất ô tô tại Nhà máy ô tô Thành Công Việt Hưng.

Dây chuyền sản xuất ô tô tại Nhà máy ô tô Thành Công Việt Hưng.

Cụ thể, xác định quy hoạch và định hướng phát triển kinh tế - xã hội có vai trò nền tảng trong việc định hướng thu hút đầu tư. Với phương châm “có quy hoạch tốt thì mới có dự án tốt và nhà đầu tư tốt”, Quảng Ninh đã khẩn trương triển khai xây dựng Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 trên nền tảng tư duy đổi mới, đột phá mới, cùng với sự sáng tạo, kiên trì và tổ chức lại không gian phát triển theo “một tâm, hai tuyến đa chiều, các mũi đột phá, ba vùng động lực”. Quảng Ninh là địa phương đầu tiên trong Vùng đồng bằng sông Hồng được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh tại Quyết định số 80/QĐ-TTg ngày 11/2/2023.

Theo quy hoạch được phê duyệt, đến năm 2030 Quảng Ninh sẽ phát triển 23 KCN và 5 KKT. Để đón đầu dòng vốn FDI “thế hệ mới” và xu thế chuyển dịch chuỗi sản xuất linh kiện bán dẫn toàn cầu, tỉnh định hướng thu hút xây dựng, phát triển các KCN chuyên ngành, KCN công nghệ cao, KCN sinh thái, KCN có tính chất phụ trợ, bổ trợ lẫn nhau; KCN sạch, KCN xanh, bảo đảm các yếu tố về môi trường; KCN chuyên biệt cho các nhà đầu tư đặc thù (Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc); phát triển KCN theo mô hình công nghiệp - đô thị - dịch vụ.

Song song với đó, tiếp tục tạo sự bứt phá mạnh mẽ về phát triển các hạ tầng chiến lược, nhất là hạ tầng giao thông. Quảng Ninh hiện có hệ thống hạ tầng giao thông tương đối hoàn chỉnh với sân bay, đường cao tốc, hệ thống cảng biển hiện đại, nằm trong nhóm đầu cả nước về hệ thống giao thông đồng bộ, tính kết nối cao, là một trong những lợi thế cạnh tranh trong thu hút đầu tư. Các dự án hạ tầng giao thông được đầu tư, đưa vào khai thác đã nhanh chóng phát huy hiệu quả, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, khơi thông kết nối liên vùng, rút ngắn thời gian và khoảng cách, mở không gian phát triển mới cho tỉnh, đồng thời góp phần thu hút các nhà đầu tư trong nước và ngoài nước đến tìm hiểu đầu tư.

Lắp ráp thiết bị điện tử tại nhà máy của Tập đoàn Foxconn, KCN Đông Mai, TX Quảng Yên.

Lắp ráp thiết bị điện tử tại nhà máy của Tập đoàn Foxconn, KCN Đông Mai, TX Quảng Yên.

Quảng Ninh đã ưu tiên nguồn lực đẩy nhanh tiến độ xây dựng đồng bộ các công trình hạ tầng xã hội (nhà ở, thiết chế, công trình tiện ích công cộng cho người lao động), hạ tầng kỹ thuật (cấp điện, cấp nước, viễn thông, xử lý nước thải, rác thải,…), hạ tầng giao thông kết nối trong, ngoài các KCN, để đảm bảo đáp ứng nhu cầu của các nhà đầu tư thứ cấp. Đồng thời, ban hành các cơ chế, chính sách để thu hút nguồn lao động chất lượng cao và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao để đáp ứng yêu cầu của các dự án công nghệ cao.

Cùng với đó, đã chỉ đạo, triển khai quyết liệt công tác cải cách hành chính, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh với nhiều sáng kiến, cách làm mới như: Triển khai mô hình Trung tâm Phục vụ hành chính công cấp tỉnh và cấp huyện theo cơ chế “một cửa, tại chỗ”; xây dựng chính quyền số, phát triển kinh tế số, xã hội số, công dân số để tăng năng suất và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân; chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức liêm chính, kỷ cương, dấn thân, sáng tạo gắn với tinh gọn, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy; quyết liệt trong hành động với “5 thật, 6 dám”: Nghĩ thật, nói thật, làm thật, hiệu quả thật, người dân được thụ hưởng thật; dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám đổi mới sáng tạo, dám chịu trách nhiệm, dám đương đầu với khó khăn, thử thách vì lợi ích chung…

Diện mạo Quảng Ninh có sự thay đổi mạnh mẽ theo hướng đồng bộ, hiện đại.

Diện mạo Quảng Ninh có sự thay đổi mạnh mẽ theo hướng đồng bộ, hiện đại.

Tỉnh cũng đã thực hiện đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến đầu tư, thay đổi tư duy về thu hút đầu tư theo hướng không chú trọng thu hút về số lượng mà thu hút có chọn lọc, không thu hút đầu tư bằng mọi giá. Trong đó tập trung vào các thị trường trọng điểm như Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, Đài Loan, Singapore, EU...; ưu tiên thu hút công nghiệp chế biến, chế tạo, công nghiệp phụ trợ, các ngành công nghệ cao, điện tử, bán dẫn; hạ tầng KCN, logistics, cảng biển và dịch vụ cảng biển; nông nghiệp sinh thái; các nhóm ngành thúc đẩy kinh tế xanh như năng lượng sạch, năng lượng tái tạo…

Có thể thấy, Quảng Ninh đang rất nỗ lực “xây tổ” bằng tài nguyên đa dạng và sự cầu thị, chủ động cần có để đón các nhà đầu tư. Điều này sẽ nhanh chóng đưa tỉnh trở thành điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư lớn, tỉnh kiểu mẫu giàu đẹp, văn minh, hiện đại, đời sống nhân dân được nâng cao ở mọi mặt. Đây cũng là hình mẫu về sự chuyển đổi mô hình tăng trưởng, điểm sáng trong huy động nguồn lực đầu tư, phát triển hạ tầng, đẩy mạnh công nghiệp hoá và đô thị hoá, là nguồn cảm hứng to lớn, khơi dậy niềm tự hào và khát vọng phát triển trong mỗi người dân, tạo động lực bước vào kỷ nguyên vươn mình mới của dân tộc.

Thực hiện: Đỗ Phương
Trình bày: Tất Đạt