
“Sống trong đời sống cần có một tấm lòng/ Để làm gì, em biết không?...”. Mỗi khi nhớ đến những câu hát này, tôi lại liên tưởng đến câu chuyện về những người dân ở TP Hạ Long đã hiến hàng nghìn m2 đất, bàn giao hàng trăm m2 nhà giá trị lên tới hàng tỷ đồng, chục tỷ đồng để thành phố cải tạo lại những khu dân cư, khu đô thị cũ theo Nghị quyết số 21-NQ/TU ngày 31/12/2020 của BTV Thành ủy Hạ Long. Đất ở các khu đô thị của TP Hạ Long được coi là “tấc đất tấc vàng”, nhưng vì lợi ích chung của cộng đồng, vì sự phát triển của thành phố, không ít người dân đã sẵn sàng hy sinh lợi ích riêng.
Cho là để nhận lại

Có con đường mới, những đứa trẻ ở khu 7 (phường Cao Thắng) không còn phải nghỉ học mỗi khi mưa lớn kéo dài.
Có con đường mới, những đứa trẻ ở khu 7 (phường Cao Thắng) không còn phải nghỉ học mỗi khi mưa lớn kéo dài.

Cuộc sống của người dân tổ 65 (khu 7, phường Cao Thắng) đã sang một trang mới nhờ triển khai Nghị quyết số 21-NQ/TU.
Cuộc sống của người dân tổ 65 (khu 7, phường Cao Thắng) đã sang một trang mới nhờ triển khai Nghị quyết số 21-NQ/TU.

Cụ Đỗ Tiến Tâm chia sẻ: "Đất đai đáng quý thật đấy, nhưng nếu hiến đất để làm đẹp cho khu phố, cho tương lai con em, cho sự phát triển, thì tôi thấy mọi thứ đều rất xứng đáng. Thế nên tôi hiến đất là tôi được chứ có phải mất đâu".
Cụ Đỗ Tiến Tâm chia sẻ: "Đất đai đáng quý thật đấy, nhưng nếu hiến đất để làm đẹp cho khu phố, cho tương lai con em, cho sự phát triển, thì tôi thấy mọi thứ đều rất xứng đáng. Thế nên tôi hiến đất là tôi được chứ có phải mất đâu".
Do cốt nền thấp hơn so những khu vực xung quanh, nên tổ 65 (khu 7, phường Cao Thắng) được ví như là “rốn ngập” của phường. Mỗi khi mưa lớn kéo dài, những hộ dân sinh sống ở đây đều bị ám ảnh bởi những trận ngập dâng cao. Bùn đất, rác thải là những thứ đọng lại sau khi mưa tạnh. Có thời điểm, TP Hạ Long đã tính toán đến phương án GPMB, di dời, tái định cư các hộ dân, nhưng quá trình triển khai gặp không ít khó khăn vì rất nhiều hộ dân phản đối.

Cụ Đỗ Tiến Tâm (tổ 16, khu 9, phường Hồng Hà) trò chuyện với cán bộ phường về quyết tâm hiến đất của gia đình.
Cụ Đỗ Tiến Tâm (tổ 16, khu 9, phường Hồng Hà) trò chuyện với cán bộ phường về quyết tâm hiến đất của gia đình.
Ông Nguyễn Hoài Nam, Tổ trưởng tổ 65 kể: "Chúng tôi sinh sống mấy chục năm ở đây, quen với từng con đường ngõ xóm, thuộc tính nết của từng người, nên bảo bà con di dời đến nơi ở khác ai cũng ngại. May mắn khi có Nghị quyết số 21, thấu hiểu tâm tư của bà con, lãnh đạo phường đã quyết định tiên phong toàn thành phố, cải tạo, mở rộng lại mặt đường và hệ thống thoát nước. Xác định đây là giải pháp tối ưu nhất, vừa khắc phục được ngập lụt, vừa không phải di dời đến nơi ở khác ,nên toàn bộ 65 hộ dân đều tự nguyện hiến đất để thành phố thi công công trình. Mỗi nhà diện tích thu hẹp đi một chút, nhưng đổi lại khu phố có con đường to rộng, đẹp thênh thang, ô tô vào tận nơi, không còn lo mỗi khi mưa lớn kéo dài. Niềm vui này thật sự khó mà diễn tả hết bằng lời khi mà cuộc sống của người dân ở đây như sang một trang mới. Đây thực sự là công trình ý Đảng, lòng dân”.
Dù đã 93 tuổi, nhưng cụ Đỗ Tiến Tâm (tổ 16, khu 9, phường Hồng Hà) vẫn nhớ rõ con đường ngay đằng sau nhà cách đây 1 năm trước vẫn là một cái cống mở, tồn tại hơn 40 năm. Cống bé, lại ùn ứ rác thải, nên mùa mưa thì gây ngập, mùa hè nóng bốc mùi hôi. Những nhà ở cuối ngõ đi lại rất bất tiện, nhiều nhà muốn sửa sang lại cho khang trang, rộng rãi vì lũ trẻ ngày càng lớn, nhưng đành bất lực khi tiền công thuê vận chuyển vật liệu vào còn nhiều hơn công thợ.
Dù nhà ngay gần đầu ngõ, không đi chung đường với các hộ dân, nhưng cụ Tâm đã tiên phong hiến gần 40m2 đất để thành phố cải tạo cống, làm đường rộng 5m để người dân có lối đi lại. Hành động đẹp của cụ Tâm khiến cho tất cả những hộ dân trong khu phố thay đổi suy nghĩ, nhiều gia đình khác từ phản đối đã nhiệt tình tham gia, giúp xây dựng công trình thành công ngoài mong đợi.
Chia sẻ về quyết định của mình, cụ Tâm cho biết: "Sống đến ngần này tuổi mà không ốm đau, bệnh tật, con cái đều có cuộc sống ổn định là tôi thấy mình được ông trời ưu ái cho quá nhiều rồi. Mà sống là cho, đâu chỉ nhận riêng mình. Đất đai đáng quý thật đấy, nhưng nếu hiến đất để làm đẹp cho khu phố, cho tương lai con em, cho sự phát triển, thì tôi thấy mọi thứ đều rất xứng đáng. Thế nên tôi hiến đất là tôi được chứ có phải mất đâu".

Từ một cái cống hở nhỏ hẹp, giờ người dân ở tổ 16 (khu 9, phường Hồng Hà) đã có một con đường rộng rãi để đi lại.
Từ một cái cống hở nhỏ hẹp, giờ người dân ở tổ 16 (khu 9, phường Hồng Hà) đã có một con đường rộng rãi để đi lại.
Nhắc đến "con đường đau khổ", lầy lội, bụi bẩn ở phường Hùng Thắng là nhiều người dân ở đây sẽ liên tưởng ngay đến con đường giáp ranh giữa khu đô thị Hùng Thắng với khu dân cư. Mặc dù nằm giữa đường EC Hùng Thắng và những khu chung cư cao tầng hiện đại của Tập đoàn Bim Group, nhưng con đường giáp ranh chật chội với lau sậy mọc ngang người, đầy "ổ gà", "ổ voi", không chỉ ảnh hưởng đến đời sống của người dân, mà còn làm cho hình ảnh về một khu du lịch của Hạ Long bị trừ điểm trong mắt nhiều du khách.
Khắc phục tình trạng này, từ năm 2004, thành phố có chủ trương đầu tư ngân sách để GPMB, còn Tập đoàn Bim Group bỏ kinh phí để cải tạo, mở rộng tuyến đường. Song dự án không được triển khai, cứ kéo dài mãi gần 20 năm vì những vướng mắc trong chính sách đền bù GPMB. Có thời điểm, hàng trăm người dân viết đơn kiến nghị gửi UBND tỉnh; sau đó Sở Xây dựng phải ra quyết định tạm dừng triển khai dự án.
Triển khai Nghị quyết số 21, TP Hạ Long xác định đây là một công trình có độ khó lớn nhất trên địa bàn, vì theo giá thị trường, 1m2 đất ở đây đang có giá khoảng 30-50 triệu đồng, cao hơn rất nhiều lần so với hơn 10 năm trở về trước. Theo phương án thiết kế, để làm lại con đường dài 1,5km này sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi của gần 200 hộ dân.

Bà Nguyễn Thị Đăng, Bí thư Chi bộ, Trưởng khu 4A (phường Hùng Thắng) cùng với cán bộ địa chính phường lắng nghe ý kiến của người dân về thi công con đường.
Bà Nguyễn Thị Đăng, Bí thư Chi bộ, Trưởng khu 4A (phường Hùng Thắng) cùng với cán bộ địa chính phường lắng nghe ý kiến của người dân về thi công con đường.
Để tạo sự đồng thuận, thống nhất giữa cấp ủy đảng, chính quyền với nhân dân, Đảng ủy phường Hùng Thắng đã ban hành nghị quyết chuyên đề; thành lập ban chỉ đạo xây dựng kế hoạch, quy trình các bước vận động; giao các ban, ngành, đoàn thể rà soát các hộ dân, hội viên nằm trên tuyến đường để tuyên truyền, thông báo chủ trương, vận động hiến đất để dự án sớm được triển khai. Công tác thông tin, tuyên truyền được phường đặc biệt chú trọng.
Bà Nguyễn Thị Đăng, Bí thư Chi bộ, Trưởng khu phố 4A (phường Hùng Thắng), chia sẻ: "Quá trình triển khai, chúng tôi phát huy vai trò, trách nhiệm người đứng đầu, lấy tinh thần tiên phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên. Bản thân tôi hiến gần 60m2 đất để làm đường. Từ nói đi đôi với làm của đội ngũ cán bộ, đảng viên đã giúp người dân hiểu được mục đích, ý nghĩa mà Nghị quyết 21 mang lại, từ đó tạo nên sức lan tỏa, đồng thuận rất cao. Đến thời điểm này đã có gần 4.000m2 đất được hiến, trong đó có hộ dân bàn giao cả một ngôi nhà 90m2, có hộ hiến 500m2 đất vườn. Con đường đã thi công được trên 80%. Nhìn lại hành trình đã đi qua, chúng tôi rất tự hào vì sự đóng góp của người dân khu phố cho sự phát triển chung của thành phố”.

Cán bộ phường Hùng Thắng trao đổi với người dân về tiến độ thi công con đường.
Cán bộ phường Hùng Thắng trao đổi với người dân về tiến độ thi công con đường.

Ông Khởi (phường Hùng Thắng, áo đen), người hiến 500m2 đất vườn.
Ông Khởi (phường Hùng Thắng, áo đen), người hiến 500m2 đất vườn.
Lý giải về quyết định hiến 500m2 đất có giá trị tới hàng chục tỷ đồng của gia đình, ông Phạm Văn Khởi (khu phố 4A, phường Hùng Thắng) cho biết: "Ban đầu gia đình nghe thấy hiến 500m2 thì nhiều quá, chiếm tới ¼ diện tích, nên ai cũng xót xa, vì mất mấy chục năm mới khai hoang được mảnh đất này. Nhiều người nói gia đình giữ đất lại hoặc tách sổ ra bán cũng mang lại số tiền lớn để dưỡng già. Nhưng sau khi được sự phân tích của phường, rồi nhiều đêm nằm suy tính, tôi đã hiểu được làm thế nào để mang lại lợi ích chung. Nếu mang đất đi bán thì có khoản tiền đáng kể, nhưng sẽ không đáng là bao nhiêu so với lợi ích con đường mới mang lại, cộng đồng cùng thụ hưởng. Tôi tin, khi con đường hoàn thành, đất đai ở đây sẽ có giá trị hơn rất nhiều, mà như vậy là cả thành phố và người dân đều có lợi".
Khi ý Đảng hòa vào lòng dân
“Thành phố đáng sống” bậc nhất trong cả nước là nhận định và lời ngợi khen của đông đảo người dân trong và ngoài tỉnh về TP Hạ Long. Trong 5 năm trở lại đây, thành phố đã có sự phát triển vượt trội về hạ tầng khi xuất hiện ngày càng nhiều các khu vui chơi, nghỉ dưỡng, giải trí đạt tiêu chuẩn 5 sao. Việc quy hoạch không gian đô thị cũng như các dịch vụ thiết yếu về y tế, giáo dục cũng được cải thiện và đầu tư mạnh mẽ.
Nhưng đó chỉ là cái nhìn tổng thể về không gian đô thị Hạ Long. Còn đi sâu vào từng khu dân cư, khu đô thị, nhất là những khu vực được hình thành từ năm 2005 trở về trước, những bất cập về hạ tầng vẫn còn hiện hữu, khiến không gian sống của người dân bị bó hẹp, bí bách, chưa tương xứng với tiêu chí của đô thị loại I.

Lãnh đạo, cán bộ phường Cao Thắng cùng người dân khu 4 khảo sát hiện trạng trước khi tiến hành nâng cấp đường.
Lãnh đạo, cán bộ phường Cao Thắng cùng người dân khu 4 khảo sát hiện trạng trước khi tiến hành nâng cấp đường.
Qua rà soát thực tế tại 13 phường trung tâm của thành phố, các khu dân cư, đô thị hình thành trước năm 2005 mới có 10-20% mặt đường được thảm bê tông nhựa, phần còn lại là mặt bê tông xi măng. Một số tuyến đường nhỏ, hẹp, vỉa hè lát nhiều loại gạch khác nhau, có hiện tượng lún sụt, đọng nước, mọc cỏ; cống thoát nước nông, chưa có hệ thống nước thải riêng, dẫn đến hiện tượng ngập úng cục bộ vào mùa mưa; các cột đèn chiếu sáng chủ yếu là bóng sodium, chưa có hệ thống đèn led; phần cây xanh được trồng với nhiều chủng loại cây khác nhau… Một số khu đô thị đã xuống cấp nghiêm trọng, gây mất mỹ quan đô thị.
Thành phố cũng từng có những nghị quyết và cơ chế hỗ trợ theo phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm” để giải quyết những bất cập về hạ tầng tại các khu dân cư, khu đô thị. Song do nguồn lực còn hạn hẹp, việc huy động xã hội hóa gặp nhiều khó khăn, chưa tạo được sự ủng hộ mạnh mẽ và chia sẻ của toàn dân, chưa có những giải pháp đồng bộ, quyết liệt, nên việc triển khai không đạt hiệu quả cao.
Xuất phát từ thực tiễn này, để đáp ứng yêu cầu hiện đại hoá đô thị, tạo động lực thúc đẩy Hạ Long trở thành đô thị thông minh, trung tâm thu hút đầu tư của tỉnh, nâng cao chất lượng sống cho người dân, tháng 12/2022 BTV Thành uỷ đã ban hành Nghị quyết số 21-NQ/TU về đầu tư, cải tạo, nâng cấp hạ tầng các khu dân cư, khu đô thị hình thành trước năm 2005 trên địa bàn thành phố.

Lãnh đạo TP Hạ Long kiểm tra, nắm bắt kịp thời tâm tư, nguyện vọng của người dân.
Lãnh đạo TP Hạ Long kiểm tra, nắm bắt kịp thời tâm tư, nguyện vọng của người dân.
Mục tiêu đặt ra của Nghị quyết là phấn đấu đến hết năm 2023 cơ bản hoàn thành nâng cấp, cải tạo các tuyến chính; tiếp tục thực hiện các tuyến ngõ đến năm 2025. Hằng năm, thành phố dành tối thiểu 5% tổng chi cho đầu tư phát triển để thực hiện các dự án, công trình này.
Nghị quyết cũng nêu rõ ưu tiên nguồn lực cho những khu dân cư, khu đô thị đã chuẩn bị sẵn mặt bằng và có sự tham gia tích cực của nhân dân. Đặc biệt, phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm” phải được thống nhất từ cấp ủy khu phố và sự đồng thuận cao của nhân dân trong việc đóng góp bằng tiền, ngày công lao động; mức đóng góp phù hợp với tính chất, quy mô công trình và điều kiện thực tế của mỗi hộ gia đình. Trong quá trình triển khai, UBND phường và phòng, ban, đơn vị đến từng hộ dân để xác định rõ ranh giới thực hiện dự án và diện tích hiến đất của từng hộ.


Ông Đinh Hoàng Long, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND phường Cao Thắng.
Ông Đinh Hoàng Long, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND phường Cao Thắng.
Chia sẻ về những bài học kinh nghiệm của phường, ông Đinh Hoàng Long, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND phường Cao Thắng, cho biết : Trong 17 công trình triển khai theo Nghị quyết 21-NQ/TU trong năm 2021 thì phường Cao Thắng có 6 công trình. Mới đầu tiên phong triển khai, chúng tôi không tin là có thể thành công ngay được, vì khối lượng công việc rất lớn, nhiều việc khá mới so với đặc thù công việc hàng ngày của cán bộ công chức cấp phường. Với quyết tâm vượt lên chính mình, có thời điểm cả phường làm việc liên tục không có ngày nghỉ để lên sơ đồ, vẽ hướng tuyến, dự kiến diện tích công trình kiến trúc, công trình vi phạm, họp thống nhất lại với người dân để tìm phương án tốt nhất. Sau đó chúng tôi chọn làm điểm ở tổ 65, khu 7. Khi công trình đầu tiên hoàn thành đã lập tức mang lại hiệu ứng lan tỏa rất tốt, nhiều khu phố còn xung phong được triển khai sớm hơn so với kế hoạch ban đầu đăng ký. Dự kiến trong năm 2022-2023, phường tiếp tục đưa 3 công trình vào sử dụng, như vậy là Cao Thắng sẽ về đích trước 2 năm so với dự kiến đặt ra.
Thành công bước đầu từ những công trình khắc phục tình trạng ngập úng cục bộ, chật chội trên địa bàn các phường Cao Thắng, Hồng Hà đã tiếp thêm động lực cho người dân ở các khu dân cư khác quyết tâm, chung sức đồng lòng cải tạo lại hạ tầng khu dân cư. Phong trào hiến đất, đóng góp kinh phí làm đường ngày càng lan tỏa, diễn ra rộng khắp các phường: Bãi Cháy, Hà Khẩu, Trần Hưng Đạo, Hồng Hải, Hà Tu, Hà Trung, Hà Phong, Hùng Thắng…
Thống kê trong năm 2021, năm đầu tiên triển khai Nghị quyết, thành phố đã triển khai 17 dự án, tổng mức đầu tư trên 170 tỷ đồng. Giai đoạn 2022-2025, thành phố tiếp tục bố trí gần 1.000 tỷ đồng để thực hiện các công trình. Riêng năm 2022 đã phê duyệt chủ trương đầu tư 18 dự án, tổng mức đầu tư gần 175 tỷ đồng, hiện hoàn thành 2 dự án, 8 dự án đang thi công, 8 dự án đang hoàn thiện thủ tục đầu tư.
Nhìn lại sau 2 năm đưa Nghị quyết 21 vào cuộc sống, ông Vũ Văn Diện, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố khẳng định: “Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong”, lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh chính là bài học quý báu cho thành phố về sự đồng thuận, phát huy sức dân. Kết quả thực hiện phương châm “nhân dân làm, Nhà nước hỗ trợ” từ Nghị quyết 21-NQ/TU là minh chứng rất rõ nét cho bài học quý báu này. Do đó, trong giai đoạn 2023-2025, việc đề xuất, triển khai đầu tư các dự án theo Nghị quyết 21-NQ/TU vẫn sẽ được thành phố thực hiện trên cơ sở lấy ý kiến, lắng nghe nguyện vọng của nhân dân, phát huy dân chủ ở cơ sở với phương châm dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát trong quá trình thực hiện dự án. Chúng tôi tin rằng, với những nỗ lực của thành phố, sự đồng lòng, tin tưởng của người dân, Hạ Long sẽ ngày càng trở thành một “thành phố đáng sống”.

Thực hiện: Hoàng Nga
Trình bày: Vũ Đức